Bé như hàng chục mạng người và lớn như cái móng tay

Vụ án nhỏ “như cái móng tay” ở huyện Bình Chánh, Sài Gòn mấy ngày qua đã làm rung chuyển dư luận bởi những diễn biến nhiều tình tiết hiếm khi được thấy công khai trên báo chí, dù vẫn diễn ra công khai trong thực tế.

Ba bộ đồng tình…

thieutuongphananhminh

Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó GĐ CA Tp.HCM

Quan sát nhiều chi tiết của vụ án ông Tấn kinh doanh quán cafe bị khởi tố và đã có quyết định đưa ra Tòa xét xử vào ngày 28/4, người dân không thể hiểu nổi tại sao câu chuyện mà ông thiếu tướng Phan Anh Minh cho là “cái móng tay” lại được sự quan tâm ưu ái đến vậy của công luận cũng như làm nháo nhào bộ máy công quyền từ trung ương đến địa phương?

Trước hết, là sự hăng hái của công an huyện Bình Chánh khi phát hiện và lập biên bản rồi khởi tố vụ án hình sự kinh doanh trái phép(!). Nguyên nhân, theo cơ quan công quyền, thì chỉ là vì ông mở quán cà phê nhưng chậm có giấy phép kinh doanh những… 5 ngày và đang chờ cấp theo lịch hẹn. Mà đã chậm có giấy phép, là không phép, đã không phép, là trái phép (!).

Hoảng hồn trước sự quan tâm ưu ái của cơ quan công an, ông Tấn dừng kinh doanh thì bị công an kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm. Biên bản lần này ghi ông vi phạm hành chính về hành vi “sử dụng khu vực chế biến có côn trùng độc hại” và “sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến thực phẩm”. Nguyên nhân là ông Tấn đã nấu cơm cho người nhà, nhân viên ăn và bị bắt quả tang.

Quả thật sự là sự mẫn cán và nhiệt tình của công an huyện Bình Chánh là đáng nể và đáng khâm phục. Họ đã quan tâm không chỉ đến quán kinh doanh chậm giấy phép, mà còn quan tâm đến tận chỗ nấu, nguồn nước và thức ăn của mỗi gia đình?

Công an huyện kết luận và khởi tố vụ án vì “nguy hiểm cho xã hội”, Viện Kiểm sát huyện phê chuẩn, và Tòa ra quyết định ngày xét xử.

Như vậy, câu ca dao xưa đã ứng nghiệm ở đây:
Bộ Đinh, Bộ Hộ, Bộ Hình
Ba bộ đồng tình… như sách giáo khoa.

Mê hồn trận những phán quyết

Báo chí vào cuộc vạch rõ những bất hợp lý và những bất thường, xã hội lên tiếng. Thế là nháo nhào từ Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng yêu cầu “Nếu có sai phạm phải xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật”, đến cả Thủ tướng “yêu cầu Chủ tịch TP đề nghị Viện Kiểm sát trả hồ sơ để xem xét lại vụ án từ đầu; làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan; nếu có sai phạm phải có hình thức xử lý phù hợp”.

Điều lưu ý là công an huyện khẳng định có cơ sở khởi tố vụ án án vì “nguy hiểm cho xã hội”. Trong họp báo, tướng công an Phan Anh Minh khẳng định: “Hành vi của chủ quán Xin Chào nguy hiểm”. Ông Nguyễn Văn Đâu – Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh khẳng định, sau khi tiếp nhận hồ sơ từ công an huyện, ông đã nghiên cứu kỹ, nhận thấy hành vi của ông Tấn có đủ yếu tố vi phạm hình sự nên mới thụ lý và ra cáo trạng truy tố. “Nếu sai, chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm trước cấp trên và pháp luật”.

Như vậy có nghĩa là việc khởi tố, đưa xét xử vụ án là chuyện của các cơ quan luật pháp không ai can thiệp được. Chính ướng Phan Anh Minh đã nói: “Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh sắp xét xử vụ án, chúng ta không làm thay tòa được”.

Thế nhưng, bỗng nhiên ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu dừng ngay vụ án và: “yêu cầu Chủ tịch Thành phố đề nghị Viện Kiểm sát trả hồ sơ để xem xét lại vụ án từ đầu” .

Và ngày hôm qua, tòa án đã trả lại hồ sơ.

Điều này có ý nghĩa gì? Chẳng lẽ cứ là Thủ tướng, thì có quyền can thiệp vào tòa án? Phải chăng, đã là cứ có “sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng” thì có quyền can thiệp vào quyết định của tòa? Vậy cái cơ chế tòa và cơ chế lãnh đạo tuyệt đối ở đây, cái nào to hơn cái nào? Câu hỏi này, sẽ là câu hỏi khó cho những người nào ở các chế độ dân chủ và các nước lấy luật pháp làm chuẩn mực điều hành xã hội.

Đường đi hay tối: miếng ăn là miếng… thịt

Tại cuộc họp báo, nhiều câu hỏi tưởng như chỉ là câu hỏi phụ, nhưng đã nêu bật vấn đề chính mà những nghi vấn xã hội đã đặt ra từ đầu. Đó là việc ông Tấn đã cả gan mở quán phục vụ ngay trước cửa công an huyện, mà công an huyện thì đang có căng tin bán hàng ăn uống.

Nạn nhân đã khẳng định: “Tôi phạm tội… cạnh tranh với căn tin công an quận!”.

Đơn giản chỉ là vậy, và lý do này đã đẩy cả bộ máy từ cao đến thấp phải vào cuộc và làm nháo nhào xã hội.

Theo tướng Minh, Phó giám đốc công an Tp. Hồ Chí Minh, “do quán của ông Tấn nằm trước trụ sở công an huyện Bình Chánh nên dễ phát hiện. Nếu không xử lý lại bị cho là chuyện nhỏ vậy mà làm không được”. Rồi ông còn bình luận thêm: “Cơ sở kinh doanh của ông Tấn với cái tên Xin chào, không phải nói là khiêu khích nhưng rất dễ phát hiện, ngay trước cổng công an huyện Bình Chánh”. Ở đây, người nghe chưa hiểu sao cái tên “Xin Chào” lại có thể khiêu khích công an?

Ông còn cho biết:  “Không có chuyện cạnh tranh vì căng tin chỉ phục vụ công an huyện Bình Chánh, còn quán cà phê Xin Chào có đối tượng khách hàng khác”.

Lập tức phóng viên ngắt lời vỗ mặt ông. Phóng viên khẳng định mình đã từng vào ăn ở căng tin công an huyện Bình chánh và trả tiền. Ai vào căng tin cũng được.

Phía công an huyện thì giải thích rất hài: “Xử lý nhanh trong việc này vì lý do sợ cò bao vây công an Bình Chánh thông qua cơ sở này”  –  Đại tá Nguyễn Văn Quý, Trưởng công an huyện Bình Chánh.

Đủ mọi sự giải thích, khẳng định từ miệng của các cơ quan chức năng của nhà nước, từ các cá nhân lãnh đạo. Nhưng, thực chất thì rất đơn giản, ai cũng có thể thấy.

Còn theo nạn nhân, thì nhiều người đã cho ông biết rằng: công an đã và sẽ làm khó cho ông vì khi ông mở quán, Trưởng công an huyện còn cho bịt lối cửa chính, để khách đến công an huyện đi bằng lối cửa sau vào căng tin công an huyện chứ không thể vào quán của ông Tấn.

Nghe câu này, người ta nhớ lại những quán cơm tù ở Thanh Hóa dạo nào dọc đường hành khách Bắc – Nam.

Như vậy, trước hết là do ông chủ quán giỡn mặt công an, đặt quán ngay trước cổng công an lại còn “Xin chào” mà không biết rằng căng tin của công an cũng đang “xin chào” khách.

Nhỏ như hàng chục mạng người

ngodocthucpham

Ngộ độc thực phẩm tập thể. Hình: Internet

Theo con số thống kê, mỗi năm Việt Nam có 250-500 vụ ngộ độc thực phẩm, đầu độc 7.000 đến 10.000 mạng người và trong đó có 100-200 ca tử vong.

Theo báo chí ngày 20/4/2016, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, TP.HCM đã xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, với khoảng hơn 160 người bị ngộ độc.

Ngày 18/3/2016, Lotteria bị phạt 146 triệu đồng vì gây ngộ độc thực phẩm.

Trước đó, 12/3, trên địa bàn Quận 9 đã xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm tại một công ty trong Khu công nghệ cao do sử dụng thức ăn từ một cửa hàng của Lotteria cung cấp.

PhananhMinh_chithi15

Vụ ngộ độc thực phẩm ngày 10/3 tại trường Trần Quang Khải  (quận 1), đơn vị cung cấp suất ăn là Chi nhánh 1 Công ty TNHH dịch vụ Tâm Tâm (625/4A Quốc lộ 13, Khu phố 3, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) bị phạt 48 triệu đồng.

Với hàng loạt vụ việc như vậy, chứng cứ rõ ràng, hậu quả lớn và thực sự “gây nguy hiểm cho xã hội”.

Nhưng chưa thấy công an huyện, quận nào ra quyết định khởi tố vụ án?

Liệu có phải ở đó có đảng viên, nên như tướng Phan Anh Minh – Phó Giám đốc Công an Tp. Hồ Chí Minh đã nói, là vướng Chỉ thị 15 của Bộ Chính trị nên công an không thể điều tra?

Song Hà

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết