Vụ Formosa và sức mạnh của xã hội dân sự

Những câu nói vô trách nhiệm của những nhà hữu trách

Để nói đến cái gọi là “đền bù” và “hỗ trợ” cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung sau thảm hoạ môi trường vừa qua, báo Dân Trí đã dẫn lời thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong buổi họp thường kỳ Chính Phủ sáng ngày 1/7: “Khoản tiền đền bù không phải để chi trực tiếp ngay các việc trước mắt mà phải dành chủ yếu cho phát triển lâu dài. Đó là việc quan trọng nhất.” Thế nên, “Thủ tướng gợi ý dùng khoản tiền này để giúp hạ lãi suất cho vay với người dân đầu tư tàu để đánh bắt xa bờ chỉ còn 1-1,5%.”

Một kẻ vào nhà người khác cướp phá, hắt nồi cơm, bẻ gãy cày, phát nát ruộng, rồi “đền bù” và “hỗ trợ” khổ chủ bằng cách cho “vay nhẹ lãi” để mua cái cày khác, đi cấy ở cái ruộng xa xa, cái ruộng mà luôn có “kẻ cướp lạ” đánh phá giết bắt, nhưng chẳng được luật pháp nào bảo vệ. Đó là công lý? Đó là cách giải quyết của những con người có trách nhiệm và “yêu nước thương dân”?

Cũng trên báo Dân Trí ngày 4/7, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà phát ngôn rằng sẽ tạo “sinh kế mới” cho ngư dân bằng nghề trồng san hô để “phục vụ du lịch”. Và để có một rặng san hô đẹp, ông Hà cho biết phải “mất đến vài chục năm”, như vậy “ngư dân sẽ có công ăn việc làm lâu dài”?! Và “Chính phủ sẽ đảm bảo lương thực trong 6 tháng, không thu tiền học phí”!

Thử hỏi ngài bộ trưởng, sau 6 tháng sống bằng lương thực được cấp – một thứ gạo khó lòng nuốt nổi dù cái dạ dày lép kẹp – người dân lấy gì để ăn trong 20 năm, để đợi san hô lớn lên, để có người đến ngắm? Nuốt san hô ư? Nhưng trước hết, ai cho phép ngài đem sinh mạng con người ra đùa giỡn khi bảo nhân dân phải lặn ngụp trong cái biển mà ngày nay đã trở thành hố đen của sự chết chóc ấy, để trồng san hô, để “khắc phục hậu quả môi trường” do kẻ ác gây ra?

Theo luật sư Hà Huy Sơn, “con số đền bù 500 triệu USD là không có căn cứ pháp luật”, “ngay cả thủ tướng cũng không đủ thẩm quyền để tuyên bố và chỉ đạo về việc bồi thường vô căn cứ trước khi có một bản án hình sự” của cơ qua điều tra là Bộ Công an.

Vậy, trước khi Formosa bị truy tố hình sự, bị đưa ra xét xử, ai trao cho các vị thẩm quyền định đoạt mức giá, định đoạt phương thức bồi thường, hay định đoạt đời sống, số phận của người dân?

Cương quyết bảo vệ và che chở cho ai?

Người dân nhìn thấy được gì trong suốt 3 tháng qua kể từ ngày cá chết, biển chết?

Đầu tiên, nhà chức trách phủ nhận chuyện nước biển bị nhiễm độc. Rồi họ “múa rối” bằng hàng loạt các động thái khiến cư dân mạng phải tặng cho họ “danh hiệu” là “ngu quá mức cần thiết”: quan chức ra làm “người mẫu” cho việc “ăn cá Vũng Áng, tắm biển Kỳ Anh”. Kế đến là đàn áp người dân biểu tình ôn hoà, tuyên bố cá chết là do thuỷ triều đỏ. Rồi thu mua cá nhiễm độc chất vào kho và cấp giấp chứng nhận “hải sản sạch”. Vô số người bày tỏ sự quan tâm đến môi trường bị bắt bớ, đánh đập. Thông tin thật hoàn toàn bị bưng bít trên các kênh truyền thông “lề đảng”. Các nhà báo và người dân bị truy cùng đuổi kiệt khi có ý đến tìm hiểu thông tin và sự thật tại nơi xảy ra cá chết. Và, cuối cùng, lại là một công bố buộc tội hết sức mơ hồ đối với Formosa, kẻ đã gây ra tội ác, kèm với một khoản đền bù không đặt trên cơ sở pháp lý, từ một cơ quan không đúng chức năng! Chưa kể khoản tiền đền bù ấy đang được ỡm ờ, úp mở trong đường lối, chủ trương “hỗ trợ” cho dân!

Dường như người ta đang tìm cách giữ Formosa bằng mọi giá, bằng mọi lâp luận có thể – bất chấp những kiểu lập luận ngô nghê, câu sau tát vào mặt câu trước.

Kiểu như: “Chúng ta đấu tranh có bài bản, khoa học, đảm bảo chứng lý nên Formosa đã phải nhận trách nhiệm và chấp nhận bồi thường” (Nguyễn Xuân Phúc), thế nhưng, trong cáo buộc Formosa thì lại không đưa ra một bằng chứng, một con số nào cụ thể – ngoài những ngôn từ chung chung không có giá trị pháp lý như “sự cố”, “ô nhiễm nghiêm trọng”, “cá chết hàng loạt”!

Hay là kiểu: “Chúng ta đã có một hệ thống luật pháp về bảo vệ môi trường khá chặt chẽ, đủ để răn đe và trừng phạt đối với mọi tổ chức, cá nhân xâm hại đến môi trường”, nhưng liền câu sau lại nói: “Tôi cũng thừa nhận rằng, trong hệ thống luật pháp này còn một số lỗ hổng…” (Trần Hồng Hà). Và hậu quả của những “lỗ hổng” đó là sự tàn phá môi trường và tận diệt đời sống của hàng vạn người dân ở hiện tại, và hậu quả sẽ kéo dài trong tương lai. Còn giá trị của sự “đủ răn đe và trừng phạt” đó, không chỉ là chuyện để kẻ thủ ác nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, mà còn là dung túng, bao bọc cho nó được tiếp tục đứng vững!

Những quan chức này còn đủ tư cách để nói chuyện với dân không? Tại sao họ chưa bị chất vấn về trách nhiệm trước pháp luật? Họ còn uy tín gì để hứa hão với dân?

Và tại sao dân chúng lại được kêu gọi phải tin tưởng Formosa – một đơn vị đã bị các nước tẩy chay và sợ hãi vì cách hành xử vô trách nhiệm, vô lương tâm trong việc xả chất thải huỷ hoại môi trường, kẻ đã vỗ ngực hỏi dân là muốn “chọn cá hay chọn thép”?

Người dân nghèo rõ ràng đang bị đẩy ra bên lề, trở thành thứ yếu, thành phụ lục trong bản hợp đồng của những kẻ nắm giữ quyền lực!

Sức mạnh của Xã Hội Dân Sự

Một câu hỏi đặt ra: trong một thế đứng chênh vênh, nghiêng về những “kẻ mạnh” như thế, tại sao nhà cầm quyền đã buộc phải lên tiếng cáo buộc Formosa, dù có vẻ họ chẳng hề muốn làm diều đó một chút nào? Tại sao Formosa đã buộc phải cúi đầu nhận tội và xin lỗi người dân Việt?

Đó chính là nhờ sức mạnh của Xã Hội Dân Sự (XHDS)

Người dân hẳn vẫn còn nhớ những bản lên tiếng chính thức về thảm hoả biển Miền Trung của các tổ chức tôn giáo. Nổ phát pháo đầu là Tăng đoàn Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất chùa Giáo Hoa, Sài Gòn ngày 27/4. Tiếp theo đó là hai bản lên tiếng của Giáo hội Công Giáo với chữ ký của Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn và của Giám mục Giáo phận Vinh. Sau đó, hàng loạt các bản lên tiếng, kiến nghị, phát biểu, ký tên…, của các chức sắc và tổ chức tôn giáo, các văn sĩ, trí thức và các hội đoàn, nghiệp đoàn…, khắp trong nước và hải ngoại, được phổ biến mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông. Làn sóng này đã tạo nên một ảnh hưởng mạnh mẽ trong nhận thức của người dân về quyền và trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường và bảo vệ quyền sống.

Người dân hẳn sẽ không bao giờ quên cái ngày gần như cả nước từ Bắc đến Nam, nơi các thành phố lớn, xuống đường biểu tình ôn hoà vào dịp 1/5. Trong đoàn người đó, có cả cụ già, trẻ nhỏ, trí thức, nông dân, tăng ni, linh mục…, và cỏ cả những du khách nước ngoài. Sau đó là cả những lần biểu tình ôn hoà hay toạ kháng, dù bị đàn áp tơi bời, bị lùa về đồn công an, về sân vận động, về “trại phục hồi nhân phẩm”, bị đánh đập, tra khảo, đe doạ… Nhưng càng bị đối xử ngang ngược bao nhiêu, người tranh đấu càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Nhân dân ngày càng bớt sợ hãi, càng nhận diện rõ sự thật – những sự thật mà người ta cứ cố tình lấp liếm và che đậy.

Nhưng có lẽ, ít ồn ào nhưng mạnh mẽ, bền bỉ, cương quyết và có tầm ảnh hưởng hơn hết, chính là những nhà tranh đấu, những tổ chức đấu tranh cho nhân quyền. Đó là những con người trẻ dám xả thân, bất chấp hiểm nguy để “nằm vùng” tại Vũng Áng và các tỉnh bị nạn cả tháng trời. Và cũng chính họ đã tạo điều kiện, tiếp cận và tiếp sức để các nhà báo Đài Loan làm được một phóng sự về sự thật ở Vũng Áng và 4 tỉnh Miền Trung. Clip phóng sự này đã gây rúng động dư luận trong nước và quốc tế, gây bối rối hoang mang cho các thế lực gian tà, góp phần đẩy Formosa Hà Tĩnh vào thế buộc phải cúi đầu.

XHDS được hiểu là tổng hợp các mối quan hệ và các nguồn lực về văn hoá lẫn hiệp hội, mà các quan hệ và các nguồn lực này độc lập một cách tương đối với lĩnh vực chính trị và kinh tế. Mục đích của XHDS là hướng đến xây dựng công ích, tạo điều kiện cho xã hội đạt đến tự do và công bằng hơn. Trong một quốc gia, quyền lực chính trị, quyền lực kinh tế và XHDS là ba yếu tố tạo nên thế đứng chân kiềng, bổ trợ cho nhau và kiểm soát lẫn nhau, làm lành mạnh xã hội, và tạo môi trường sạch để xã hội phát triển bền vững.

Một khi quyền lực chính trị câu kết với quyền lực kinh tế, thì tài nguyên, tài sản quốc gia sẽ rơi vào tay một thiểu số những con người nắm giữ quyền lực. Môi trường bị tàn phá cạn kiệt, còn người nghèo biến thành rác rưởi, bị loại ra khỏi xã hội. Chính “quyền lực mềm” của XHDS giúp điều hoà và chống lại sự câu kết đó. Quyền lực đó đặt trong tay mỗi người dân – không loại trừ một ai.

Nói như Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thông điệp Laudato Si’, chúng ta đừng chống đối cách hời hợt hay tin tưởng cách mù quáng. Chúng ta đừng ngoảnh lơ trước những con người khốn khổ phải tị nạn vì môi sinh, phải trốn chạy cái khốn cùng trong bơ vơ và không được pháp lý che chở – hoặc chỉ che chở trên công văn, giấy tờ. Chúng ta đừng tiếp tục làm những chứng nhân thinh lặng trước sự bất công nặng nề đang đổ lên đầu dân tộc, lên chính chúng ta và con cháu mai sau.

Tịnh Khê

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết