Với sự lắng nghe của Giáo hội Chính thống giáo Nga, ĐTC Phanxicô thúc giục các nhà lãnh đạo tôn giáo từ chối chiến tranh

Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu tại cuộc gặp gỡ các nhà chức trách, xã hội dân sự và các nhà ngoại giao tại Phòng hòa nhạc Qazaq ở Nur-Sultan, Kazakhstan, Thứ Ba, ngày 13 tháng 9 năm 2022 (Ảnh: Alexander Zemlianichenko / AP)

Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu tại cuộc gặp gỡ các nhà chức trách, xã hội dân sự và các nhà ngoại giao tại Phòng hòa nhạc Qazaq ở Nur-Sultan, Kazakhstan, Thứ Ba, ngày 13 tháng 9 năm 2022 (Ảnh: Alexander Zemlianichenko / AP)

NUR-SULTAN, Kazakhstan – Vào ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm của mình ở một quốc gia Trung Á nằm cách Ukraine chỉ một khoảng cách ngắn, và có chung đường biên giới liên tục dài nhất thế giới với Nga, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ các nhà lãnh đạo tôn giáo rằng nhân loại đang hướng đến họ để được hướng dẫn trong bối cảnh của rất nhiều những thách thức, đặc biệt là việc làm thế nào để đạt được hòa bình.

Phát biểu trước các tham dự viên tham gia Đại hội các nhà Lãnh đạo Thế giới và và các Tôn giáo Truyền thống lần VII tại Kazakhstan hôm thứ Tư – một đội hình bao gồm giáo sĩ cấp cao thứ hai trong Giáo hội Chính thống Nga, những người mà lãnh đạo của họ đã mạnh mẽ bảo vệ cuộc chiến của Tổng thống Vladimir Putin ở Ukraine – Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ rằng hy vọng sự kiện sẽ “mở ra một lộ trình mới, tập trung vào các mối quan hệ của con người: dựa trên sự tôn trọng, đối thoại chân thành, tôn trọng phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi con người và sự hợp tác lẫn nhau. Một lộ trình mang tính huynh đệ, đồng hành cùng với nhau nhằm hướng tới mục tiêu hòa bình”.

Với tư cách là các nhà lãnh đạo tôn giáo, “thế giới mong đợi chúng ta trở thành những tấm gương về những tâm hồn sống động và trí óc minh mẫn; đối với chúng ta, nó hướng đến một tôn giáo đích thực”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, và đồng thời cũng cho biết thêm: “Đã đến lúc cần phải nhận ra rằng chủ nghĩa chính thống làm ô uế và làm hỏng mọi tín ngưỡng; đã đến lúc cần phải có một trái tim rộng mở và từ bi nhân ái”.

Mặc dù không đề cập cụ thể đến cuộc chiến ở Ukraine, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về thách thức của việc theo đuổi hòa bình, đồng thời lưu ý rằng bất chấp tất cả các cuộc trò chuyện về hòa bình trong những thập kỷ gần đây, thế giới “vẫn bị ảnh hưởng bởi tai họa chiến tranh, bởi một bầu khí của sự thù địch và đối đầu, bởi không có khả năng lùi lại và chìa tay ra với người khác”.

“Anh chị em thân mến, cần phải có một bước nhảy vọt, và nó cần xuất phát từ chúng ta”, Đức Thánh Cha nói, và đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo đoàn kết trong việc đảm bảo rằng Thiên Chúa “sẽ không bao giờ bị bắt làm con tin cho sự khát khao quyền lực của con người”.

“Mỗi người trong chúng ta cần phải được thanh lọc khỏi cái ác… chúng ta hãy thanh tẩy bản thân khỏi sự kiêu ngạo của việc cảm thấy rằng mình công chính, không cần phải học hỏi bất cứ điều gì từ bất cứ ai”, Đức Thánh Cha nói. “Chúng ta hãy tự giải phóng mình khỏi những quan niệm phiến diện và phá hoại xúc phạm Danh Chúa bằng sự tàn nhẫn, chủ nghĩa cực đoan và các hình thức của chủ nghĩa chính thống, và xúc phạm Danh Chúa thông qua sự thù hận, sự cuồng tín và chủ nghĩa khủng bố”.

Với tư cách là những nhà lãnh đạo tôn giáo, “Chớ gì chúng ta đừng bao giờ biện minh cho bạo lực. Chớ gì chúng ta đừng bao giờ cho phép điều thánh thiêng bị lợi dụng bởi những điều trần tục phạm thánh”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời nhấn mạnh rằng “Sự thánh thiêng không bao giờ được là chỗ dựa cho quyền lực, cũng như quyền lực cũng không bao giờ được là chỗ dựa cho điều thánh thiêng!”.

Mặc dù có thể áp dụng cho từng tôn giáo được đại diện tại đại hội ở quốc gia đa số là Hồi giáo, những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô có một trọng lượng cụ thể liên quan đến việc Đức Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill ở Moscow thường xuyên bảo vệ cuộc chiến ở Ukraine dựa trên cơ sở tôn giáo.

Đức Thượng phụ Kirill, người đã lên tiếng ủng hộ chiến tranh như một biện pháp bảo vệ các giá trị Kitô giáo, ban đầu dự kiến sẽ tham dự đại hội, nhưng đã rút lui vào phút cuối, mặc dù bảng tên của ông vẫn được đặt ở bàn chính nơi các nhà lãnh đạo tôn giáo ngồi. Thay vào đó, đại hội có sự tham dự của Đức Tổng Giám mục Chính thống Nga Anthony Sevryuk Địa phận Volokolamsk, “Bộ trưởng Ngoại giao” của Tòa Thượng phụ.

Hôm thứ Ba, Vatican xác nhận rằng Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến gặp gỡ Đức Tổng Giám mục Sevryuk trong các phiên họp riêng của đại hội, một trong bảy cuộc gặp gỡ cá nhân mà ngài dự kiến sẽ có trong thời gian đó.

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo hiện diện cam kết hơn nữa để giải quyết các xung đột “không phải bằng quyền lực không đi đến kết quả, bằng vũ khí và sự đe dọa, nhưng bằng phương tiện duy nhất được Trời Cao ban cho và xứng hợp với con người: gặp gỡ, đối thoại và kiên nhẫn đàm phán, vốn đạt được sự tiến bộ đặc biệt khi họ tính đến thế hệ trẻ và tương lai”.

Đức Thánh Cha Phanxicô hiện đang thực hiện chuyến viếng thăm 3 ngày tới thủ đô của Kazakhstan để tham dự Đại hội các nhà Lãnh đạo Thế giới và và các Tôn giáo Truyền thống lần VII.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trò chuyện với các nhà chức trách quốc gia và các đoàn ngoại giao ở Kazakhstan sau khi đến Nur-Sultan hôm thứ Ba. Đức Thánh Cha dự kiến sẽ tham dự các phiên họp của đại hội vào sáng thứ Tư và sẽ cử hành Thánh lễ cho nhóm thiểu số Công giáo nhỏ của đất nước vào chiều thứ Tư.

Sau phiên khai mạc, thời gian được dành cho các cuộc họp riêng giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo khác nhau có mặt tại đại hội.

Gần 100 nhà lãnh đạo đức tin, bao gồm cả Đức Thánh Cha Phanxicô, đến từ 50 quốc gia đang tham dự hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày. Những người khác tham dự bao gồm Đức Tổng Giám mục Sevryuk; Yitzhak Yosef, Giáo sĩ trưởng Sephardi của Israel; và Tiến sĩ Ahmed el-Tayeb, Đại Imam của Đại học al-Azhar.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về tầm quan trọng của tôn giáo trong xã hội, đồng thời nhấn mạnh rằng đã đến lúc “cần phải dẹp bỏ những cuốn sách lịch sử có kiểu nói mà trong suốt thời gian dài, ở đây và ở nơi khác, đã dẫn đến sự ngờ vực và khinh miệt tôn giáo, như thể tôn giáo là một lực lượng gây bất ổn trong xã hội hiện đại”.

Kazakhstan, với lịch sử áp bức tôn giáo của chính họ dưới thời Liên Xô, “tất cả đều quá quen thuộc với di sản của chủ nghĩa vô thần do nhà nước áp đặt trong nhiều thập kỷ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Tôn giáo không phải là một vấn đề, mà là một phần của giải pháp cho một cuộc sống hài hòa hơn trong xã hội”.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần đề cập đến nhà thơ Abai Qunanbaiuly người Kazakhstan, được người dân Kazakhstan gọi đơn giản là “Abai”, người mà Đức Thánh Cha nói đã thách thức nhân loại về những câu hỏi thiết yếu và sâu sắc về cuộc sống.

“Những câu hỏi như thế này chỉ ra nhu cầu của nhân loại đối với tôn giáo”, Đức Thánh Cha nói, nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do tôn giáo, và đồng thời cho biết rằng nhân loại được tạo ra tự do, và do đó, “Mỗi người đều có quyền đưa ra lời chứng công khai về tín ngưỡng của mình, đề xuất nhưng không bao giờ áp đặt”.

“Đây là phương pháp rao giảng đúng đắn, khác với hoạt động lôi kéo và tuyên truyền, điều mọi người được kêu gọi tránh xa”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết bản thân đại hội là cơ hội để suy ngẫm về vai trò của các tôn giáo đối với sự phát triển tinh thần và xã hội của nhân loại trong một thế giới hậu đại dịch.

Để đạt được mục tiêu này, ngoài mục tiêu theo đuổi hòa bình toàn cầu, Đức Thánh Cha còn nhấn mạnh ba thách thức toàn cầu khác mà các nhà lãnh đạo tôn giáo có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết thông qua “sự thống nhất hơn về mục đích”.

Nói về những thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, Đức Thánh Cha cho biết rằng virus “đã đặt tất cả chúng ta vào cùng một con thuyền” và khiến nhân loại nhận thức được tính dễ bị tổn thương của nó.

“Không ai trong chúng ta hoàn toàn độc lập, không ai hoàn toàn tự cung tự cấp”, Đức Thánh Cha nói, và đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo không “lãng phí” sự liên đới nổi lên trong đại dịch.

Thay vào đó, các tôn giáo “không được thờ ơ với điều này: họ được kêu gọi hiện diện trên tiền tuyến, như những người thúc đẩy sự hiệp nhất giữa những thách thức nghiêm trọng có nguy cơ chia rẽ gia đình nhân loại của chúng ta hơn nữa”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Chúng ta phải giúp các anh chị em của thời đại chúng ta không quên tính dễ bị tổn thương của chúng ta”, thay vì trở thành con mồi của sự ảo tưởng về sự toàn năng sinh ra từ những tiến bộ công nghệ và kinh tế, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đồng thời cảnh báo các nhà lãnh đạo không để trở thành con mồi của “mạng lưới lợi nhuận và thu nhập, như thể chúng là giải pháp cho mọi tội ác”.

COVID-19 cũng là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của sự quan tâm và sự cần thiết đối với nhân loại để trở thành “nghệ nhân của sự hiệp thông”, điều mà Đức Thánh Cha nói bắt đầu với những người nghèo “bằng cách lên tiếng cho những người không có tiếng nói, bằng cách làm chứng cho một sự liên đới toàn cầu, nhưng trước hết là quan tâm đến những người nghèo, những người thiếu thốn, những người bị ảnh hưởng nhiều nhất từ đại dịch”.

“Chúng ta đứng về phía họ, không đứng về phía những người có nhiều hơn và cho ít hơn. Chúng ta hãy trở thành những người có lương tâm ngôn sứ và can đảm”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng “Chừng nào sự bất bình đẳng và bất công vẫn tiếp tục hoành hành, những loại virus tồi tệ hơn Covid sẽ không chấm dứt: đó là sự thù hận, bạo lực, khủng bố”.

Đức Thánh Cha cho biết sự đón nhận huynh đệ là một thách thức toàn cầu lớn khác cần phải được giải quyết, đặc biệt là đối với những người dễ bị tổn thương và những người phải di tản do chiến tranh, nghèo đói hoặc biến đổi khí hậu.

“Mỗi ngày, trẻ em, những đứa trẻ em được sinh ra và chưa chào đời, những người di cư và những người lớn tuổi, đều bị gạt ra bên lề. Nhiều anh chị em của chúng ta bị sát tế trên tế đàn của lợi nhuận, giữa những làn hương khói của sự thờ ơ. Tuy nhiên, mỗi con người đều thánh thiêng”, Đức Thánh Cha nói, “Trước hết, nhiệm vụ của chúng ta, nhiệm vụ của các tôn giáo, là nhắc nhở thế giới về điều này”.

Khi một “cuộc di cư ồ ạt” của những người tiếp tục chạy trốn khỏi quê hương của họ trên khắp thế giới, điều quan trọng, Đức Thánh Cha nói, cần phải nhớ rằng “Đây không chỉ là một mục khác trên tin tức hàng ngày; đó là một sự kiện lịch sử đòi hỏi các giải pháp phù hợp và cần phải có tầm nhìn xa hơn”.

“Chúng ta hãy tái khám phá nghệ thuật của lòng hiếu khách, của sự chào đón, lòng trắc ẩn. Và chúng ta cũng học biết xấu hổ: vâng, cảm nhận sự xấu hổ lành mạnh xuất phát từ lòng trắc ẩn đối với những người đau khổ, cảm thông và quan tâm đến trình trạng và số phận của họ, điều mà chúng ta nhận ra rằng chúng ta cũng cùng chia sẻ”, Đức Thánh Cha nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nêu ra tầm quan trọng của việc vượt qua những thách thức trong việc quan tâm đến môi trường và nhấn mạnh sự cần thiết phải có cam kết lớn hơn trong vấn đề đó.

“Với sự quan tâm yêu thương, Đấng Tối Cao đã chuẩn bị một ngôi nhà chung cho tất cả mọi sự sống. Và chúng ta, những người tuyên xưng mình thuộc về Người, làm sao chúng ta có thể để nó bị ô nhiễm, bị ngược đãi và hủy hoại?”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Chúng ta cũng hiệp lực trong thách đố này. Nó không nằm sau cùng xét về tầm quan trọng”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc bài diễn văn dài của mình bằng cách kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo cùng nhau tiến về phía trước, “để cuộc hành trình của các tôn giáo ngày càng được đánh dấu bằng tình bạn bè thân hữu”.

“Chớ gì chúng ta đừng bao giờ nhắm vào các hình thức hoà giải giả tạo, nhưng chúng ta gìn giữ căn tính chúng ta, mở ra với sự can đảm của sự đa dạng, và với cuộc gặp gỡ huynh đệ. Chỉ bằng cách này, trong thời kỳ tăm tối mà chúng ta đang sống, chúng ta mới có thể chiếu tỏa ánh sáng của Đấng Tạo Hóa của chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Minh Tuệ (theo Crux)

 

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết