Việt Nam thất thoát sức dân

1.6_opt_FICEHiện trạng đáng buồn

Lâu nay Việt Nam ta nói nhiều đến khái niệm “chảy máu chất xám”, diễn tả hiện trạng những trí thức mất cơ hội cống hiến cho nước nhà, phải đưa tài trí và tâm huyết đi phục vụ cho các ngành khoa học ở nước ngoài.

Nhưng còn một thực trạng đáng nói nữa, cũng từ nhiều năm nay, chính phủ Việt Nam thực hiện và cho phép thực hiện chế độ “xuất khẩu lao động”, nay gọi với cái tên mĩ miều hơn chế độ “tu nghiệp sinh” hoặc “thực tập sinh”. Khởi đầu chỉ những doanh nghiệp nhà nước mới có quyền làm, những năm gần đây đã cấp phép cả cho tư nhân. Cho nên, dịch vụ này có xu hướng đang phát triển mạnh.

Các doanh nghiệp thực hiện gọi là các công ty phái cử. Thường thì các công ty phái cử của Việt Nam hợp tác với các nghiệp đoàn của nước ngoài, các nghiệp đoàn ấy đi tìm các doanh nghiệp trong nước họ có nhu cầu tuyển lao động nước ngoài. Và qua đó, các bạn trẻ (có tay nghề và cả không có) được đưa đến các công ty, nhà máy, công xưởng…, để làm việc, chủ yếu ở các ngành công việc nặng nhọc: cơ khí , hàn xì, nấu ép nhựa, điện tử, may mặc, sơn, chăn nuôi, trồng trọt…

Đây là một hoạt động rất “béo bở” cho các công ty phái cử và các nghiệp đoàn nước ngoài. Các công ty phái cử ngoài thu lợi từ việc nộp phí xuất cảnh của người lao động (NLĐ), họ còn thu một khoản đáng kể từ lương tháng của NLĐ trong suốt thời gian khoảng 3 năm làm việc ở nước ngoài. Càng đưa được nhiều người đi, họ thu lợi càng cao.  Cho nên đôi khi, một số công ty phái cử bất chấp lợi ích, sự an toàn, và điều kiện làm việc của NLĐ, họ hợp tác với những nghiệp đoàn hoặc doanh nghiệp không tốt ở nước ngoài, và đưa NLĐ của mình đi như “mang con bỏ chợ” để thu lợi.

Các bộ phận “tạo nguồn” của công ty phái cử về tận địa phương để quảng bá và tuyển mộ. Rất nhiều bạn trẻ, chủ yếu ở độ tuổi 18 – 30, đã và đang được mời gọi tham gia vào chế độ “tu nghiệp” này. Họ là người đang ở độ tuổi rực rỡ nhất về sức khỏe, sự năng động, sáng tạo. Nhưng cái rực rỡ ấy lại phải đưa đi cống hiến cho người ngoài. Chắc bản thân các em và gia đình cũng không muốn, nhưng vì trong nước quá thiếu công ăn việc làm, đành phải xa gia đình, vợ con, người yêu,… đem thân đi làm giầu cho nước người, lao động trong một hoàn cảnh khá khắc nghiệt, bị quản lý nghiêm ngặt về thời gian, suốt 3 năm không được về thăm gia đình. Chẳng may gặp sự cố gì, việc nhờ cậy giúp đỡ cũng khó khăn, cả về khả năng lẫn điều kiện.

Đồng lương của NLĐ được trả cũng rẻ hơn nhiều so với người bản xứ cùng làm công việc như nhau, đã vậy còn phải khấu trừ đi non một nửa để nuôi nghiệp đoàn và công ty phái cử. Thế là chẳng khác chi một cổ đôi ba tròng, bị ăn trên đầu trên cổ.

Trách nhiệm người quản lý xã hội

Để thất thoát một nguồn lao động ở độ tuổi sung mãn như vậy thật đáng tiếc. Trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về Nhà Nước, những người quản lý xã hội hiện nay. Đã không tạo ra được đủ công ăn việc làm, không xây dựng được những công ty, công xưởng, nhà máy,… thành môi trường làm việc tốt cho người dân; lại còn lấy đất đai của dân để đầu tư  vào các dự án tốn kém mà chỉ phục vụ cho một số rất ít người, ví dụ các dự án sân gôn. Đền bù cho họ không được là bao, tiền đền bù người nông dân tiêu chẳng mấy chốc hết, ngó ruộng đất thì mất rồi, thành ra thất nghiệp trắng tay.

Giáo huấn xã hội Công giáo (GHXHCG) chỉ rõ rằng:

“Vấn đề công ăn việc làm đang thách thức trách nhiệm của Nhà Nước, là cơ quan có nhiệm vụ đẩy mạnh các chính sách lao động tích cực, tức là những chính sách khuyến khích tạo công ăn việc làm ngay trong lãnh thổ quốc gia.  Nghĩa vụ của Nhà Nước không phải là trực tiếp bảo đảm quyền lao động của mỗi công dân, khiến cho toàn bộ đời sống kinh tế trở nên hết sức cứng nhắc, cũng như hạn chế các sáng kiến tự do của cá nhân, cho bằng là “duy trì các hoạt động kinh doanh bằng cách tạo ra những điều kiện có thể bảo đảm có công ăn việc làm…” (x. TLHTXHCG 291).

Trách nhiệm của nền giáo dục thiếu thực dụng

Ngành giáo dục của ta chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển về khoa học, kỹ thuật và công nghệ của thời đại. Việc học còn quá thiếu tính thực dụng. Một sinh viên mới ra trường được tuyển vào làm trong một công ty phần mềm chia sẻ: “Chúng em vào công ty, phải được các kỹ sư nước ngoài và đồng nghiệp lớp anh chị huấn luyện cho từ những cái cơ bản, mới làm việc được..”. Các trường dạy nghề hiện nay còn quá thiếu và không trang bị được tay nghề cần thiết, đáp ứng nhu cầu công việc cho các doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài tại Việt Nam. Cho nên nguồn lao động trẻ được tuyển dụng theo chế độ “tu nghiệp sinh” ấy đa số làm những công việc chân tay, thấp kém và nặng nhọc nhất…

Duy trì công ăn việc làm càng ngày càng lệ thuộc vào khả năng chuyên môn của người lao động. Các hệ thống giáo dục và đào tạo không được bỏ qua việc đào tạo nhân bản hay công nghệ, là những điều rất cần để đương sự có thể chu toàn trách nhiệm một cách hiệu quả. Nhu cầu ngày càng phổ biến là mỗi người phải thay đổi việc làm nhiều lần trong cuộc đời mình đòi hệ thống giáo dục phải cổ vũ mọi người sẵn sàng tham gia việc cập nhật và tái huấn luyện liên tục. Người ta nên dạy người trẻ biết hành động theo sáng kiến của mình, dám nhận trách nhiệm đương đầu bằng khả năng chuyên môn của chính mình trước những rủi ro gắn liền với bối cảnh kinh tế biến động – một bối cảnh thường không thể dự đoán được.” (x. TLHTXHCG 290)

Trách nhiệm của người sở hữu quá nhiều của cải & điều kiện (các đại gia)

Việt Nam hiện tại không thiếu người có rất nhiều tiền của và cả khả năng tài trí. Chỉ cần vào gút-gồ (google) nhập chữ ‘đại gia’ và tìm kiếm, thì ra không biết bao nhiêu thông tin đại gia từ Bắc chí Nam: đại gia xây nhà trăm tỷ, lâu đài đẹp như mơ của đại gia Việt, đại gia ‘lộ’ khối tài sản ngầm ngàn tỷ, đại gia và chân dài,…vv… Các đại gia của ta không biết làm ăn cách nào, nhưng vô cùng giàu có, khoảng cách họ với những người làm công cho họ có thể lên đến hàng nghìn, hàng triệu lần. Và khi giàu có rồi họ lo tôn tạo cơ ngơi, nơi ở rất hoành tráng xa hoa, như vua chúa ngày xưa; và ăn chơi hưởng thụ tối đa, ném tiền qua cửa sổ vào những dịch vụ ăn uống xa xỉ, hưởng lạc với các chân dài, gái đẹp rất phóng túng…!

Đúng ra họ phải quan tâm đến xã hội và công ích, đến những hoàn cảnh sống của đồng bào mình hơn. Họ nên dùng tiền của và tài trí để tạo lập nên nhiều cơ hội việc làm hơn cho giới lao động, đồng thời thiết định một qui chế lao động với các chế độ công bằng hơn trong tương quan giữa người sử dụng lao động và người lao động, để tránh rơi vào tình trạng giới chủ thì thu lợi quá nhiều, người lao động thì đồng lương không đủ sống.

Nếu không như thế, theo Nguyên tắc Liên đới của GHXHCG, các đại gia có thể ở vào tình trạng mắc nợ xã hội mà không lo trả:

Nguyên tắc liên đới đòi hỏi con người hôm nay phải ngày càng nhận thức rõ hơn rằng họ chính là người mắc nợ xã hội mà trong đó họ là thành viên. Họ là những người mắc nợ vì tất cả những điều kiện đã làm cho cuộc sống của họ trở nên đáng sống, và vì những di sản không thể phân chia được nhưng rất cần thiết do văn hoá, do sự hiểu biết khoa học và kỹ thuật, do của cải vật chất và phi vật chất cũng như do tất cả những gì mà điều kiện con người mang lại…” (x. TLHTXHCG 195)

Nguyên tắc Công ích trong GHXHCG cũng chỉ ra rằng, người ta không được quyền sống làm ngơ (vô cảm) với người khác, với những hoàn cảnh sống xung quanh mình. Một xã hội mà các thành phần dân chúng sống trong đó phát triển đều thì mới tốt đẹp, văn minh và ổn định:

“Con người không thể tìm được sự phát triển mỹ mãn nơi chính bản thân mình, nếu bỏ qua sự kiện là con người hiện hữu “với” người khác và “vì” người khác. Sự thật này không chỉ bắt con người phải sống với người khác ở các cấp độ khác nhau trong đời sống xã hội, mà còn bắt con người phải không ngừng tìm kiếm – không chỉ tìm kiếm trong ý tưởng mà cả trong thực tế cụ thể – điều tốt, tức là ý nghĩa và sự thật, được tìm thấy trong hết mọi hình thức đang có của đời sống xã hội…” (x. TLHTXHCG 165)

Không ai có quyền cho mình đứng ngoài việc xây dựng công ích, người có khả năng hơn, có điều kiện hơn thì càng phải đóng góp nhiều hơn:

“Công ích có liên quan tới mọi thành phần trong xã hội, không ai được miễn cộng tác vào việc thực hiện và phát huy công ích, tuỳ theo khả năng của mỗi người…” (x. TLHTXHGC 167)

Hiện trạng nước ta hiện nay có quá nhiều việc cần phải khắc phục, nhìn vào đâu cũng có vấn đề. Muốn làm thì phải có nhân sự, nhân sự hiện tại thừa mà lại thiếu. Người có khả năng và điều kiện thì hoặc không có cơ hội cống hiến, hoặc không chịu cống hiến cho đất nước; số khác có khả năng và sức khỏe nhưng không có điều kiện phát huy, thì bị nước ngoài trưng dụng mất. Thành ra tổn hại cho nguyên khí quốc gia biết chừng nào. Trong tình cảnh đó, GHXHCG đủ sự soi sáng và hướng dẫn cần thiết để khắc phục hầu hết các vấn đề của xã hội, có điều chúng ta có biết tận dụng nguồn cẩm nang quí báu này không?

Long Thành

Nguồn: Tập san GHXH, số 19

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết