Việt Nam nạo vét bãi đá trên Biển Đông bất chấp sự tức giận của Bắc Kinh

  • Tin tức
  • Thứ Bảy, 10-12-2016 | 11:45:21

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Việt Nam đã bắt đầu việc nạo vét tại thực thể đá đang tranh chấp trên Biển Đông. Đây là động thái mới nhất của nhà nước cộng sản này để khẳng định chủ quyền của mình tại khu vực đường biển chiến lược.

Đá Lát (Ladd) do Việt Nam quản lý , tại quần đảo Trường Sa trên Biển Đông vào ngày 19/7/2016 trong hình ảnh của Planet Labs gửi cho Reuters ngày 6/12/2016. Trevor Hammond/Planet Labs/Handout via REUTERS

Hành động rõ ràng như vậy trên Đá Lát tại quần đảo Trường Sa có thể chọc giận Bắc Kinh, đối thủ chính của Việt Nam tại Biển Đông, bởi nước này cũng có tuyên bố chủ quyền trên quần đảo này và hầu hết vùng biển giàu tài nguyên quanh đây.

Đá Lát nằm ở rìa phía tây nam của quần đảo Trường Sa, là thực thể hoàn toàn chìm dưới mặt biển khi thủy triều dâng cao nhưng vẫn có một ngọn hải đăng và một tiền đồn với một số binh lính Việt Nam đóng quân tại đây. Đài Loan cũng có tuyên bố chủ quyền tại đây.

Trong một bức ảnh chụp ngày 30/11 và được cơ quan vệ tinh đặt trụ sở tại Mỹ Planet Labs cung cấp, có thể nhìn thấy một số tàu thuyền ở một con vịnh mới được đào, giữa con phá và vùng biển khơi.

Mặc dù không rõ mục đích của hoạt động này, các nhà phân tích nói rằng có thể dự đoán việc nạo vét cũng được tiến hành ở mức độ lớn hơn tại các thực thể đá khác.

“Chúng ta có thể thấy, trong bối cảnh này, chiến lược của Việt Nam là hoàn toàn không tin tưởng…Họ đang nhanh chóng cải thiện khả năng phòng thủ của họ”, theo Trevor Hollingsbee, một nhà phân tích tình báo hải quân nghỉ hưu của Bộ Quốc phòng Anh.

“Họ đang làm tất cả những gì họ có thể để sửa chữa mọi lỗ hổng – “Và Đảo Đá Lát là một trong những lỗ hổng đó.”

Vào tháng Tám, Reuters cho biết, Việt Nam đã lắp đặt tên lửa di động tại một vài hòn đảo nhắm ngăn chặn việc Trung Quốc tấn công trên các tuyến đường thương mại quan trọng.

Bộ Ngoại giao Việt Nam không hồi đáp đề nghị bình luận về vấn đề này.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Kháng đã phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ vào thứ sáu rằng “chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa bao gồm đảo Đá Lát”, theo luận điệu của Bắc Kinh về quần đảo Trường Sa và Đảo Đá Lát.

“Chúng tôi kêu gọi các quốc gia liên quan tôn trọng quyền lợi và chủ quyền quốc gia của Trung Quốc, chấm dứt các hoạt động bất hợp pháp, và không được đưa ra bất kỳ hành động nào khiến tình hình trở nên phức tạp,” ông nói.

Các vị trí phòng thủ

Các tàu bè tại vùng Đảo Đá Lát không thể được xác định trong các hình ảnh, nhưng hầu như chắc chắn rằng Việt Nam sẽ không để nước nào thách thức quyền kiểm soát của mình tại thực thể đá này.

Greg Poling, một chuyên gia Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) có trụ sở ở Washington, nói rằng vẫn chưa rõ việc nạo vét tại Đá Lát đã được triển khai đến mức độ nào. Cũng có thể đây không phải là hành động bồi đắp và xây dựng căn cứ mà chỉ là một nỗ lực để tăng cường khả năng tiếp cận cho các tàu tiếp tế và tàu đánh cá.

Ông cũng nói rằng Đá Lát theo lý thuyết có thể đóng một vai trò trong việc giúp bảo vệ vùng đảo lân cận của quần đảo Trường Sa, nơi một đường băng đang được cải thiện và nhà chứa máy bay mới được xây dựng của Việt Nam, ông nói.

“Việt Nam biết mình không thể chiến đấu với Trung Quốc nhưng vẫn muốn cải thiện khả năng theo dõi đối phương” – Poling nói

Việt Nam vốn từ lâu đã lo sợ hành động tân trang quân sự của Trung Quốc nhằm đẩy Việt Nam ra khỏi 21 căn cứ của nước này tại quần đảo Trường Sa. Những lo ngại đó đã tăng cao trong bối cảnh có các hoạt động xây dựng của Bắc Kinh cũng như sự tức giận của Trung Quốc đối với các hành động pháp lý của Phillipines thách thức các tuyên bố chủ quyền của họ.

Trung Quốc lần đầu tiên chiếm đóng tại khu vực quần đảo Trường Sa sau một cuộc hải chiến với lực lượng hải quân còn non yếu của Việt Nam vào năm 1988. Việt Nam nói rằng có 64 binh lính đã tử vong khi họ cố bảo vệ một lá cờ trên đá Gạc Ma – một sự kiện vẫn còn để lại những cảm xúc mãnh liệt đối với Hà Nội.

Xây dựng hàng loạt

Mỹ đã liên tục kêu gọi các bên tuyên bố chủ quyền tránh các hành động làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông, tuyến đường vận tải thương mại thế giới trị giá khoảng 5 tỷ đôla mỗi năm.

Anna Richey-Allen, một nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói rằng nước này đã biết đến báo cáo về hành động bồi đắp do Việt Nam tiến hành và rằng Mỹ thường xuyên bày tỏ quan ngại về những hành động như vậy của các bên liên quan.

“Chúng tôi đã liên tục cảnh báo rằng việc bồi đắp và quân sự hóa tại các khu vực tranh chấp trên Biển Đông có nguy cơ gây nên một xu hướng leo thang căng thẳng và bất ổn” – bà nói. “Chúng tôi khuyến khích các bên liên quan thực hiện các bước đi làm giảm căng thẳng và giải quyết các bất đồng một cách hòa bình”.

Việt Nam đã trở thành đối thủ chính của Trung Quốc tại biển Đông, chủ động khẳng định chủ quyền tại toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa  và tiến hành hiện đại hóa lực lượng hải quân của mình. Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền tại cả hai khu vực này nhưng thường quan điểm của Đài Loan, về mặt lịch sử, cũng giống như của Bắc Kinh.

Theo “Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á” (Asia Maritime Transparency Initiative) do CSIS thực hiện, cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam đã bồi đắp thêm khoảng 120 mẫu Anh (tương đương 49 ha) đất tại các căn cứ của mình trên biển Đông.

Các chuyên gia quân sự khu vực nói rằng các căn cứ trọng yếu của Việt Nam được củng cố rất tốt, một số địa điểm có các vịnh và các boongke, dường như được xây dựng với khả năng nhanh chóng ngăn chặn sự xâm lược của đối phương.

Tuy nhiên, hoạt động bồi đắp của Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn so với Trung Quốc.

Mỹ, nước thường chỉ trích Trung Quốc đã quân sự hóa tuyến đường biển, ước tính rằng trong hơn ba năm qua, Bắc Kinh đã bồi đắp thêm hơn 3.200 mẫu Anh (tương đương 1.300 ha) đất tại bảy thực thể trên Biển Đông bao gồm các đường băng, hải cảng, nhà chứa máy bay và thiết bị liên lạc.

Bắc Kinh nói rằng mình có quyền xây dựng “các cơ sở tự phòng thủ cần thiết và có giới hạn” tại lãnh thổ của mình và phản ứng giận dữ đối việc các tàu chiến Mỹ thực hiện “quyền tự do đi lại” gần các đảo do Trung Quốc quản lý.

Việc bồi đắp của Trung Quốc đang bị hư hại

Trong một bức ảnh khác do Planet Labs cung cấp, hoạt động bồi đắp tại chuỗi đảo Hoàng Sa do Trung Quốc chiếm đã bị các trận bão gần đây gây hư hại.

Đầu năm nay, Trung Quốc bắt đầu việc nạo vét và bồi đắp tại Đảo Bắc (North), cách đảo Phú Lâm (Woody) 12km, nơi Trung Quốc có căn cứ quân sự lớn và trong năm nay vừa được trang bị các tên lửa đất đối không.

Các hình ảnh vệ tinh vào tháng Hai và tháng Ba cho thấy  tàu nạo vét đang hoạt động để xây dựng một chiếc cầu dài khoảng 700m (2300 bộ) kết nối vùng Đảo Bắc Trũng với Trung Đảo.

Tuy nhiên, những hình ảnh chụp sau hai trận bão lớn tại khu vực vào tháng Mười cho thấy phần lớn dải cát hẹp này đã bị cuốn đi.

Quần đảo Hoàng Sa đã nằm dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc từ hơn 40 năm qua, kể từ trận chiến vào cuối cuộc Chiến tranh Việt Nam, khi các lực lượng Trung Quốc đẩy lui hải quân của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Các nhà phân tích nói rằng những đảo này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các hạm đội tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân của Trung Quốc tại đảo Hải Nam (Hainan) ở phía bắc.

Trung Quốc chưa bình luận công khai về công việc tại đảo Bắc và Bộ Ngoại giao nước này cũng không phản hồi các đề nghị bình luận.

(Báo cáo từ Martin Petty tại Hà Nội, Ben Blanchard tại Bắc Kinh và David Brunnstrom tại Washington; biên tập bởi Alex Richardson và Leslie Adler)

Nguồn: http://www.reuters.com

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết