Báo cáo về sự bức hại các Kitô hữu: 215 triệu người phải chịu đựng sự không khoan dung, hơn 3.000 người chết vì đức tin. Đó là những số liệu vừa được Hiệp hội quốc tế Open Doors công bố trong báo cáo thường niên World Watch List 2018 (liên quan đến khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 11 năm 2016 đến ngày 31 tháng 10 năm 2017).
Dẫn đầu danh sách 50 quốc gia mà các Kitô hữu bị bức hại nhiều nhất là Bắc Triều Tiên và Afghanistan. Trong “top ten” cũng có Somalia, Sudan, Pakistan, Eritrea, Libya, Irac, Yemen và Iran. Cuộc bức hại ở Pakistan được ghi nhận là bạo lực nhất.
Việt Nam bị xếp vào vị trí thứ 18, nằm trong số các nước mà mức độ bức hại Kitô hữu bị đánh giá là rất cao.
Các nước châu Âu nằm trong danh sách là Thổ Nhĩ Kỳ, đứng thứ 31 và Azerbaijan, đứng thứ 45. Colombia và Mexico là những nước duy nhất ở lục địa Mỹ nằm trong danh sách 50 quốc gia này. Sự không khoan dung tôn giáo được ghi nhận là leo thang mạnh ở Libya và Ấn Độ. Các cuộc tấn công vào hơn 24.000 Kitô hữu tại Ấn Độ đã xảy ra rất khốc liệt do ảnh hưởng ngày càng tăng của chủ nghĩa cực đoan Hindu. Tình hình trở nên tồi tệ hơn trong vài tháng qua ở Nepal (bị xếp vào bảng xếp hạng năm nay và đứng ở vị trí 25) và Azerbaijan.
“Cuộc bức hại chống lại các Kitô hữu trên thế giới vẫn đang tăng mạnh: hiện nay có hơn 215 triệu Kitô hữu đang bị bức hại”. Đây là số liệu đầu tiên của World Watch List 2018, báo cáo hàng năm của Hiệp hội quốc tế Open Doors, hoạt động tại 25 quốc gia nhằm hỗ trợ các Kitô hữu là nạn nhân của mọi kiểu lạm dụng và quấy rối vì lý do đức tin.
Bản báo cáo lập danh sách của 50 quốc gia ở đó Kitô hữu bị bách hại, bị ngược đãi trong tư cách cá nhân hoặc nhóm người, vì đức tin của họ vào Chúa Giêsu. Các kiểu bức hại có thể là sự bị phân biệt đối xử về văn hóa và xã hội, bị gia đình từ chối, bị mất việc làm và thu nhập, bị lạm dụng thể chất, bị tra tấn, bị bắt cóc, bị hành hạ, bị phá hoại tài sản, bị bỏ tù, bị giết chết. Các quốc gia được chia thành ba nhóm, tùy thuộc vào “mức độ đàn áp” đã ghi nhận được: cao (với điểm số giữa 41 và 60), rất cao (61-80), cực cao (81-100). Điểm số, và do đó vị trí trong bảng xếp hạng, được xác định bằng tổng điểm trong sáu lĩnh vực: cá nhân, gia đình, cộng đồng, nhà thờ, cuộc sống công cộng và bạo lực.
Theo báo cáo, trong giai đoạn từ 01-11-2016 đến 31-10-2017, có 3.066 Kitô hữu bị giết chết vì đức tin của họ, 15.540 Kitô hữu bị tấn công (tại nhà thờ, nhà riêng và nơi làm việc).
Cuộc bức hại chống Kitô giáo vượt xa khỏi những con số đó. Bản báo cáo ghi nhận có 1.922 Kitô hữu bị giam giữ không xét xử, 1.252 Kitô hữu bị bắt cóc, hơn 1.000 người bị hãm hiếp, hơn 1.240 người bị cưỡng ép hôn nhân và 33.255 Kitô hữu “bị lạm dụng thể chất hoặc tinh thần”. Họ đều là những người “cuộc sống bị tàn phá vì lựa chọn đức tin”.
Cristian Nani, Giám đốc tổ chức Open Doors nhấn mạnh: đó chỉ là “những con số, không may, phải được coi là điểm khởi đầu của một thực trạng bi thảm có thể là rất lớn, vì thực tế, có rất nhiều tội ác chống lại các Kitô hữu tại nhiều quốc gia đã không được thông báo hoặc không được ghi nhận”. Theo Open Doors, các Kitô hữu bị bách hại ở châu Phi là 81.140.000 (38%), châu Á và Trung Đông 113.310.000 (53%), Mỹ Latinh 20.050.000 (9%), phần còn lại của thế giới là 11.800 ( 0,01%).
Phần lớn các cuộc bách hại Kitô hữu là do những người và tổ chức Hồi giáo thực hiện. Hiện tượng này không chỉ được xác nhận mà hơn nữa còn được ghi nhận là đang ngày càng gia tăng trong các lãnh vực khác nhau. Chủ nghĩa dân tộc dựa trên yếu tố tôn giáo là một nhân tố làm gia tăng cuộc bức hại nhắm vào các Kitô hữu và các nhóm thiểu số khác, ví dụ ở Ấn Độ. “Sự không khoan dung xã hội và sự bóc lột chính trị do sự không khoan dung này là chất độc của giai đoạn hiện nay”, Nani tổng kết. “Phong trào Hồi giáo đang càng ngày càng đe doạ các Kitô hữu và các cộng đồng không phải Hồi giáo ở nhiều nơi trên thế giới” – báo cáo đã xác định năm xu hướng đáng lo ngại trong lĩnh vực này: “sự cực đoan hóa các khu vực bị Hồi giáo thống trị” ở châu Phi và trong thế giới Hồi giáo Á Châu Ả Rập; “Sự phân cách Sunni-Shiite” gây xung đột đặc biệt ở Trung Đông và Châu Á; Sự bành trướng của Hồi giáo ở các khu vực không phải Hồi giáo (đặc biệt là ở Châu Phi hạ Sahara, Indonesia, Malaysia, Brunei); Sự cực đoan tự phát và chủ nghĩa bành trướng Hồi giáo, với trường hợp Nigeria, và việc thanh trừng sắc tộc dựa trên yếu tố tôn giáo, rõ ràng đang phát triển ở một số tiểu bang ở châu Phi như phía đông bắc của Kenya, Nigeria, Somalia và Sudan.
Các Kitô hữu ở Châu Á bị tấn công bởi “chủ nghĩa dân tộc tôn giáo” được ví như “một cơn sóng thần” “làm rung chuyển lục địa, để lại đằng sau nó sự hủy diệt và đôi khi cả những cái chết”. Ấn Độ là trường hợp đáng lo ngại nhất, tiếp theo là Nepal.
Xu hướng này cũng được ghi nhận trong thế giới Phật giáo, nơi có “các cuộc bức hại khác nhau về cách biểu hiện nhưng đang phát triển và tinh tế hơn”: đây là trường hợp của Sri Lanka, Bhutan và Myanmar. Cũng được ghi nhận là nặng nề “ảnh hưởng của ý thức hệ” ở Trung Quốc, Việt Nam và Lào, nơi mà “tư tưởng cộng sản dường như đang trở lại”. Báo cáo, sau đó, ghi nhận “sự hoang tưởng độc tài” là nguồn cơn chính yếu của chính sách khủng bố ở các nước như Triều Tiên và Eritrea; các Kitô hữu ở Mexico và Colombia là nạn nhân của “tham nhũng và tội phạm có tổ chức kết hợp với sự đối kháng sắc tộc”.
“Tin tốt lành” trong Báo cáo là tình hình ở Kenya và Ethiopia đã được cải thiện một chút, và bạo lực nhắm vào các Kitô hữu ở Syria đang giảm đáng kể, chủ yếu là do việc ISIS rút lui.
Ngọc Huỳnh