Vào dịp Đại lễ Phục sinh vừa qua, hàng ngàn người Mỹ đã trở lại Đạo Công giáo thậm chí ngay cả khi các cáo buộc lạm dụng tình dục đã làm chấn động Giáo hội.
Vào đêm Vọng Phục sinh, một nhóm người sắp trở thành tín hữu Công giáo mặc áo choàng trắng tay cầm nến sáng đứng chờ để được Đức Hồng Y Joseph W. Tobin xướng tên. Từng người một, dưới trần nhà thờ cao vút và những khung cửa sổ kính màu của Nhà thờ Chính Tòa, Ngài xức dầu lên trán họ và cầu nguyện, “Hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần”.
Giáo hội Công giáo La Mã là một tổ chức bị khuấy động bởi vụ bê bối. Việc xử lý một dịch bệnh liên quan đến vấn nạn lạm dụng tình dục trẻ em đã dẫn đến sự giám sát từ các cơ quan thực thi pháp luật và đồng thời làm suy yếu thẩm quyền luân lý của các Giám mục, những người đã phải cố gắng để an ủi các tín hữu mà sự tin tưởng của họ vào Giáo hội, và các Giám mục, đã bị xói mòn.
Nhưng những người đang xếp hàng thì không nghĩ về điều đó.
“Chào mừng anh chị em được hiệp thông trọn vẹn trong Giáo hội”, Đức Hồng y Joseph W. Tobin, Tổng Giám mục Địa phận Newark, nhắn nhủ với 15 người trở lại Đạo Công giáo – được gọi là các Tân Tòng – sau khi họ được rửa tội, được lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức và được rước lễ, các Bí tích giúp củng cố đức tin của học vào Giáo hội Công giáo. “Anh chị em cũng có một ngôi nhà ở đây với chúng tôi”.
Nghi thức Đêm Vọng Phục sinh là khi Giáo hội chào đón những người mới gia nhập Giáo hội. Có hàng ngàn người ở khu vực New York cũng đã trải qua các nghi thức gia nhập Kitô giáo giống như nhóm quy tụ trong Đêm Vọng Phục sinh vừa qua tại Nhà thờ Chính tòa Thánh Tâm tại Newark.
Chỉ riêng Tổng Giáo phận Newark đã chứng kiến hơn 1.000 người lãnh nhận các Bí tích Khai Tâm Kitô giáo trong dịp lễ Phục sinh này, gần bằng số người đã được chào đón vào sự hiệp thông trọn vẹn trong Giáo hội mỗi năm trong thập kỷ qua. Giáo phận Brooklyn, nơi chỉ có hơn 1.000 người lãnh nhận các Bí tích lần đầu tiên trong lễ Phục sinh này, cũng cho biết con số của họ ngang bằng với những năm trước.
Nhiều anh chị em Tân Tòng trong dịp lễ Phục sinh này là một phần của các nhóm có hơn một chục người, cùng quy tụ lại với nhau trong các ngôi nhà thờ lớn. Nhưng cũng có nơi chỉ có duy nhất một phụ nữ, bao quanh bởi gia đình và bạn bè, lãnh nhận các Bí tích Khai Tâm Kitô giáo tại Giáo xứ khu phố của mình.
Tại sao lại phải trở lại đạo, và tại sao phải vậy? Đó không phải là một sự lựa chọn bất thường. Việc trở lại Đạo đòi hỏi cần phải có nhiều tháng chuẩn bị, ngụp lặn vào sự phong phú của các nghi lễ và truyền thống của Giáo hội Công giáo và thần học vốn làm nền tảng cho tất cả. Đối với mỗi anh chị em Tân tòng, mỗi người đều có một con đường khác nhau.
Dần dần nhận biết Thiên Chúa
Nhiều tín hữu khác tại St. Rose of Lima ở Short Hills, N.J., đã cho rằng Joanna Huang đã trở thành một tín hữu Công giáo. Joanna Huang đã tham dự Thánh lễ gần như mỗi Chúa nhật trong chục năm nay, và chị đã đưa những đứa con gái của mình, nay đã trở thành những thanh thiếu niên, đến tham dự các lớp Giáo lý.
Thực ra, các con gái của chị đều là người Công giáo vì đó là tôn giáo của chồng cũ của chị. Khi họ kết hôn, chị đã hứa sẽ nuôi dạy con cái của họ trong Giáo hội. Chị tiếp tục tham dự Thánh lễ bởi vì điều đó thì thuận tiện hơn là để chúng ở lại đó và sau đó quay lại đón.
Trước đây, chị Huang không tin lắm, nhưng chị tự thấy mình mong chờ một điều gì đó trong các Bài đọc và đã thời gian dành để suy ngẫm. Ở một số điểm, chị Huang nói, niềm tin vào Thiên Chúa đã dần dần trở nên mạnh mẽ.
“Tôi không biết liệu có phải tôi đã mất năm năm, hay ba năm cho điều đó hay không”, chị Huang, 49 tuổi, chia sẻ. “Đây là một quá trình tiệm tiến dần đều”.
Chị Huang, người làm công việc tiếp thị và chiến lược cho một công ty về lĩnh vực công nghệ, cho biết cái bóng của các vụ bê bối đã không len lỏi vào mối tương quan của chị với Giáo hội, bởi vì chị quen biết một số Linh mục và Nữ tu thông qua sự khởi đầu của mình.
Chị Huang đánh giá cao ý thức cộng đồng tại Giáo xứ của mình và cách chị chứng kiến đức tin định hình các cô con gái của mình. Đức con gái nhỏ của chị, một vận động viên trượt băng, luôn dâng một lời cầu nguyện ngắn trước khi bước lên băng. Điều đó cũng giúp họ vượt qua cuộc ly hôn.
“Tôi đã giúp chúng có được được đức tin đó”, chị Huang nói, “để nhận thức được rằng Thiên Chúa có kế hoạch riêng cho chúng”.
Các cô con gái của chị Huang đã thúc đẩy chị để được rửa tội, chúng nói với chị, “Mẹ là một người Công giáo hơn rất nhiều người Công giáo mà chúng con thấy”. Tuy nhiên, khi chị tình cờ được hỏi về quá trình trở lại Đạo cách đây khoảng một năm trước, chị không ngờ rằng mình sẽ đứng trước Thánh Rôsa Lima như là người Tân tòng duy nhất trong năm nay, mấy đứa con gái của chị giữ vai trò là mẹ đỡ đầu khi chị được rửa tội.
Chị cho rằng đó phải là một phần của một kế hoạch.
Một cuộc tìm kiếm tâm linh dẫn đến Giáo hội Công giáo
Người sinh viên đại học 20 tuổi ở New Jersey, được nuôi dưỡng bởi cha mẹ người Mỹ gốc Pakistan là người Hồi giáo. Khi còn là một thiếu niên, anh từ bỏ niềm tin vào Thiên Chúa, trở thành một người vô thần. Anh tin rằng trong một thời gian tuân giữ quy tắc vàng – đối xử với người khác theo cách bạn muốn được đối xử – là đủ.
Nhưng niềm tin của anh đã thay đổi. “Bạn cần một Đấng có thẩm quyền cao hơn con người”, chàng sinh viên nói.
Chàng sinh viên đã bắt đầu đi tìm kiếm, khám phá những đức tin khác nhau. Hơi ngạc nhiên, Giáo hội Công giáo đã lôi cuốn chàng sinh viên này nhất. Anh có những người bạn là người Công giáo; Họ dường như tận hưởng cuộc sống, anh nói: “Họ có sự ủng hộ mạnh mẽ đối với niềm tin của họ”. (Chàng sinh viên, được một quan chức của Tổng Giáo phận Newark giới thiệu với một phóng viên, chai sẻ với điều kiện giấu tên vì anh ta đã không nói với gia đình và những người khác về việc trở lại Đạo Công giáo của mình)
Trong các lớp học, anh đắm mình vào các cuộc trò chuyện khám phá các khái niệm về thiên đàng và hỏa ngục, và về việc một cuộc hôn nhân Kitô giáo trông như thế nào. “Điều đó thực sự có nghĩa là gì khi hai cơ thể trở thành một khi bạn lập giao ước với người phối ngẫu của mình?”, anh nói.
Sau nhiều tháng chuẩn bị, anh đã sẵn sàng.
“Đó chính là điều tôi tin bây giờ”, anh nói. “Tôi có thể, với sự tự tin, nói rằng tôi là một người Công giáo, nói với sự tự tin rằng tôi muốn được liên kết với Giáo hội bất chấp tình trạng của nó thế nào hay những vấn đề mà nó mắc phải. Tôi tin Giáo hội”.
Tuy nhiên, tình huống với gia đình đè nặng lên anh. Anh đã cẩn thận lên kế hoạch về việc phải nói với họ thế nào. Anh lo lắng về việc khiến cho ông bà của mình phiền lụy cũng như những cuộc xung đột với các thành viên khác trong gia đình.
“Tôi cho rằng, đó không phải là điều tồi tệ nhất”, anh cho biết, tuy nhiên, “Điều đó quả là sẽ hết sức khó khăn”.
Tìm hiểu các Giáo huấn của Giáo hội
“Các bạn cầu nguyện như thế nào?”, Nữ tu Patricia Cigrand hỏi các anh chị em Tân tòng. “Các bạn cầu nguyện khi nào? Các bạn cầu nguyện ở đâu?”.
Trong nhiều tháng trời, một nhóm các anh chị em Tân tòng đã cùng nhau tham dự các lớp học mỗi tối thứ Hai tại Giáo xứ Thánh Brigitta ở Cheshire, Conn.
Một số tham dự lớp học vì họ chuẩn bị kết hôn với người Công giáo. Michelle Madeux đã kết hôn với một người Công giáo trong nhiều năm, và hiện chị đang nuôi dạy con trong Giáo hội.
Vài ngày trước lễ Phục sinh, chị Madeux cho biết chị đã trải qua quá trình không chắc chắn liệu mình có tuân giữ và trở lại Đạo hay không.
“Tôi đã luôn mở lòng với hoạt động của Chúa Thánh Thần”, chị Madeux, một y tá năm nay 47 tuổi lớn lên là một người thuộc Giáo hội Tin Lành Methodist, cho biết. “Nếu Chúa Thánh Thần đánh động tôi trong năm nay hoặc Chúa Thánh Thần thúc bách tôi năm năm kể từ bây giờ để trở thành Công giáo, tôi sẵn sàng”.
Nhưng quyết định đó, chị Madeux nói, sẽ không liên quan đến vụ bê bối lạm dụng tình dục. “Giáo hội đã hiện diện ở đây 2.000 năm”, chị nói. “Giáo hội đã chống cự lại hết vụ bê bối này đến vụ bê bối khác, các cuộc thập tự chinh, những biến động chính trị, và nó vẫn còn tồn tại”.
Chị cho biết thêm, “Có một sự hiện diện lớn hơn trong công việc”.
Christopher Jones, một nhân viên cửa hàng tạp hóa 35 tuổi, đã lớn lên trong Giáo hội, nhưng anh chưa bao giờ hoàn thành việc lãnh nhận chuỗi các Bí tích mà một người Công giáo trẻ thường phải lãnh nhận.
Jones chia sẻ rằng anh rất vui mừng vì phần lớn gia đình anh dự định sẽ đến tham dự để chứng kiến sự khởi đầu trọn vẹn của anh vào Giáo hội.
“Tôi chắc chắn mẹ tôi sẽ phải bật khóc”, anh Jones chia sẻ. “Và cả bà tôi nữa”.
“Tôi có lẽ sẽ bật khóc khi nhìn thấy bạn”, chị Madeux nói với Jones. Cuối cùng, chị theo dõi Jones từ hàng ghế.
‘Nếu con muốn trở thành tín hữu Công giáo, chẳng có vấn đề gì’
Trong Thánh lễ một Chúa nhật nọ, một linh mục tại Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp hướng dẫn các Tân tòng qua một danh sách những lời cầu nguyện:
Để những ai thừa hưởng trái đất nhận biết về Đấng Tạo Dựng thực sự muôn loài muôn vật, Đấng ban cho chúng ta những đặc quyền về tinh thần và sự sống. Chúng ta ngợi khen Ngài.
“Tạ ơn Chúa”, các Tân tòng thưa.
Trong số đó có Elizabeth Velasquez. Chị nhận thức rõ được những sự hỗn loạn vốn đã làm rung chuyển Giáo hội, dẫn đến những lời chỉ trích và làm xáo trộn đức tin của một số tín hữu Công giáo. Chị không hề nản lòng. Những lời cáo buộc đã có từ lâu, chị Velasquez nói, và tội lỗi của những người khác ít làm ảnh hưởng đến đức tin của chị.
“Người con duy nhất của Thiên Chúa cũng đã phải chịu ma quỷ cám dỗ”, chị Velasquez nói bằng tiếng Tây Ban Nha, “vì vậy tôi là ai mà lại phán xét người khác?”.
Điều quan trọng với chị Velasquez đó chính là chia sẻ đức tin giống như chồng và con chị. Việc trở thành người Công giáo, chị Velasquez nói, sẽ giúp họ được trở nên hợp nhất. “Tôi có gia đình cùng đồng hành”, chị Velasquez nói. Con trai chị đang chuẩn bị để được rước lễ lần đầu chỉ vài tuần sau khi chị lãnh nhận các Bí tích.
“Tôi đang chờ đợi ngày đó với rất nhiều cảm xúc”, chị Velasquez, 31 tuổi, chia sẻ, “bởi vì tôi sẽ có thể tiến lên và lãnh nhận Mình Thánh Chúa Kitô”.
Giáo xứ của chị Velasquez, tọa lạc tại khu phố Sunset Park ở Brooklyn, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của Giáo hội. Thánh lễ buổi chiều bằng tiếng Tây Ban Nha được cử hành theo sau Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Trung, và ngay trước Thánh lễ được của hành bằng tiếng Việt. Và mỗi Thánh lễ thường chật kín người tham dự.
Chị Velasquez, người đã rời Guatemala từ khi mới 16 tuổi, đã được nuôi dưỡng trong Giáo hội Tin Lành, vốn phổ biến tại quốc gia này cũng như những nơi khác ở Mỹ Latinh.
Tuy nhiên, gia đình đã chấp nhận việc Velasquez trở lại Đạo Công giáo. “Nếu con muốn trở thành người Công giáo, sẽ chẳng có vấn đề gì cả”, cha Velasquez nói với chị. Và anh trai Velasquez cũng nói rằng họ tôn thờ cùng một Thiên Chúa.
Sau cùng, được Thiên Chúa mời gọi
Một rừng hoa loa kèn Phục Sinh và hoa cẩm chướng phủ kín khối cẩm thạch trước bàn thờ tại Nhà thờ Thánh Tâm, và các hàng ghế trong nhà thờ đã đầy người.
Đêm mà các anh chị em Tân tòng chờ đợi đã đến. Tuy nhiên, họ vẫn phải chờ đợi thêm, qua các bài đọc bằng tiếng Anh và sau đó các bài đọc bằng tiếng Tây Ban Nha, và một loạt những lời nguyện.
“Không thể có sự rút gọn nào trong Đêm Vọng Phục Sinh này”, Đức Hồng y Tobin nói với các tín hữu. “Đêm Canh Thức Phục Sinh này khiến chúng ta chờ đợi và chờ đợi”.
Cuối cùng, Đức Hồng y Tobin đổ nước thánh lên đầu và xức dầu cho họ. Sau đó, họ được rước lễ lần đầu tiên.
Một vài hàng ghế đầu tiên chật kín với các Tân tòng trong những chiếc áo choàng trắng. Họ là những anh chị em Tân Tòng; họ đã được bắt đầu trong Giáo hội. Một số đã trải qua những khúc quanh co trong cuộc đời thông qua nghiện ngập, ngoại tình và công việc tiêu tốn cuộc sống của họ.
Đêm Canh thức Phục sinh đánh dấu sự trở lại của họ đối với Giáo hội, giống như những người con hoang đàng.
Patricia Cottman đã trải qua một phần tuổi thơ của mình trong Giáo hội, nhưng mẹ chị qua đời khi chị lên 10 tuổi và cha chị cũng qua đời khi chị mới 14 tuổi. Chị Cottman là một trong sáu người con trong gia đình, và tất cả, vì lý do riêng của họ, đã quay lưng với Giáo hội Công giáo.
Tuy nhiên, chị Cottman nói, Thiên Chúa đã mời gọi chị. Cô đã dành nhiều năm làm công việc truyền giáo ở nước ngoài, và giờ đây, chị đã sẵn sàng trở lại Đạo Công giáo.
“Giáo hội đôi khi có thể khiến người ta nản lòng”, chị Cottman nói. Nhưng chi cho biết thêm, “Con người chỉ là con người. Linh mục cũng chỉ là con người. Có những người chung thành và có những người có thể phải đấu tranh bằng cách nào đó. Nhưng Thiên Chúa, và Lời của Ngài, thì luôn luôn trung thành”.
Chị Cottman đã vội vã chạy đến cùng với những người khác gần bàn thờ để chụp ảnh với Đức Hồng Y Tobin. Đã gần nửa đêm, và nhà thờ vắng tanh chỉ còn lại họ. Họ reo hò. Họ ôm lấy nhau. Và cùng nhau, họ cùng nhau cất lên lời ca: Ngài đã sống lại từ cõi chết! Hallelujah! Hallelujah! Hallelujah! Hallelujah! Ngài đã sống lại từ cõi chết!
Minh Tuệ (theo NY Times)