Trong hai ngày 02/11 và 03/11, Đức Hồng Y Luis Antonio Gokim Tagle, Tổng Giám mục Manila, đã giảng tĩnh tâm choTổng Công Hội lần thứ XXV của Dòng Chúa Cứu Thế, đang nhóm họp tại Thái Lan. Dưới đây là nội dung bài chia sẻ thứ ba của Đức Hồng Y, nói về việc lãnh đạo trong Hội Thánh và trong DCCT:
Mối bận tâm của chúng ta không phải là lãnh đạo, nhưng là lãnh đạo vì sứ vụ. Tài liệu làm việc của TCH XXV cho thấy rất rõ chúng ta là một thân mình, nên việc lãnh đạo trong cộng đoàn tu phải đi xa hơn việc điều hành và quản lý. Cộng đoàn tu là một cộng đoàn trong vị trí sứ vụ ở trong Hội thánh và cho Hội thánh. Trong khi việc điều hành và quản lý là cần thiết, chúng ta vẫn nhận ra rằng, một người điều hành giỏi không có nghĩa là một nhà lãnh đạo giỏi. Các tài liệu viết về thuật lãnh đạo hiện nay đa phần là cho công việc kinh doanh. Tôi tin rằng anh em không hề muốn Dòng Chúa Cứu Thế là một công ty doanh nghiệp đa quốc gia. Việc học ở trường về điều hành và quản lý là quan trọng và rất tốt, nhưng điều đó không hề bảo đảm sẽ sản sinh ra những nhà lãnh đạo đích thật.
Có người tặng tôi quyển sách tựa đề The End of Leadership. Tôi nghĩ quyển sách viết về mục đích của việc lãnh đạo, những thật sự không phải thế. Nó nói về cái chết của việc lãnh đạo. Nguyên nhân cái chết của việc lãnh đạo đến từ các trường học về lãnh đạo. Liệu chúng ta có thể dạy lãnh đạo? Liệu anh em trở thành nhà lãnh đạo nhờ các lớp học lãnh đạo hai tuần hay hai tháng? Phải chăng biết lãnh đạo là nhờ được truyền lãnh đạo ở các lớp học hay các buổi thảo luận.
Trong phần trình bày này, tôi xin đưa ra ba điểm.
- Điểm thứ nhất : Linh đạo trong thế giới tục hoá
Tôi xin mượn cái nhìn của Bob Johansen trong quyển sách Leaders Make the Future. Trong quyển sách này, Bob nêu lên bốn đặc tính của thế giới hôm nay: Biến động (Volatility), Không chắc chắn (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mâu thuẫn (Ambicanlence), hay gọi là VUCA.
Quả thật VUCA đang hiện diện trong thế giới này và ngày càng trở nên tệ hơn. Theo Bob Johansen, VUCA sẽ gia tăng và lan rộng khắp nơi. Nếu anh em hỏi các bạn trẻ: “Bạn muốn ăn trưa gì?” Câu trả lời là “Gì cũng được!” (Whatever!). “Lớn lên bạn muốn làm gì?” – “Gì cũng được!” (Whatever!). “Sau này bạn muốn cưới ai?” – “Ai cũng được!” (Whoever!). Và chúng ta ngày càng sẽ có nhiều ứng sinh và sinh viên bị ảnh hưởng bởi VUCA.
Theo Johansen, các nhà lãnh đạo không thể thụ động trước VUCA. Hành động đầu tiên của nhà lãnh đạo là lắng nghe tiếng ồn của VUCA. Dấu hiệu đầu tiên của một nhà lãnh đạo là khả năng lắng nghe tiếng nói và tiếng ồn của VUCA. Thật không dễ chịu khi lắng nghe và bước vào tiếng ồn ấy. Chỉ khi lắng nghe được tiếng ồn ấy, nhà lãnh đạo mới có thể là một sự hiện diện biến đổi (transforming presence). Chỉ có lắng nghe trong đau đớn, dìm mình vào và liên đới với mới giúp nhà lãnh đạo biến đổi sự biến động thành tầm nhìn, sự không chắc chắn thành hiểu biết, sự phức tạp thành minh bạch, và sự mâu thuẫn thành nhanh nhẹn. Đó là VUCA mới, một VUCA được biến đổi nhờ lắng nghe.
Tầm nhìn phát sinh nhờ lắng nghe sự biến động; hiểu biết phát sinh nhờ lắng nghe sự không chắc chắn; minh bạch phát sinh nhờ lắng nghe sự phức tạp, và nhanh nhẹn phát sinh nhờ lắng nghe sự mâu thuẩn. Để làm được công việc khó khăn này, công việc biến đổi (transformative task) của một nhà lãnh đạo trong xã hội hôm nay, chúng ta cần có một số phẩm chất. Đầu tiên là khả năng lắng nghe cách sâu sắc; lắng nghe trong sự dìm mình vào và liên đới với. Lắng nghe như thế giúp chúng ta thấy, hiểu, được sáng tỏ, nên năng động và nhanh nhẹn. Kế tiếp là lắng nghe trong khiêm tốn. Tôi không thể lắng nghe trong cách thức biến đổi nếu tôi đến đối thoại với người khác cùng với những điều đã sắp xếp xong rồi. Khiêm nhường để lắng nghe và học từ VUCA của thời đại là điều vô cùng hệ trọng. Lắng nghe trong khiêm nhường sẽ đưa đến sự cảm thông – đó là khả năng thấu cảm thật sự với con người ở những địa tầng khác nhau của kinh nghiệm sống những VUCA riêng của họ.
Một lần kia tôi họp ở Nigeria và bàn về nạn buôn người. Có một anh em chuyên chăm sóc mục vụ cho người tị nạn và di dân bất hợp pháp. Anh ấy hỏi người mẹ đã sống trong trại tị nạn mười sáu năm qua cùng với gia đình mình, “Là một người mẹ tị nạn, điều gì làm cho bà đau đớn nhất?” Người mẹ trả lời, điều làm cho bà đau đớn nhất là khi con của bà hỏi, “Mẹ ơi, tương lai gia đình của chúng ta sẽ ra sao?”, và bà đã không có câu trả lời cho con của mình. Đó là VUCA của bà. Người nghèo có kinh nghiệm này. Ngay cả người giàu cũng có cái bấp bênh và không chắc chắn của mình.
Ở Châu Á, tỉ lệ người trẻ tự vẫn cao nhất là ở các quốc gia giàu có. Họ có tất cả những gì cần thiết cho thực phẩm, nhà ở, giáo dục, nhưng tại sao họ vẫn quyết định chết là tốt hơn? Chúng ta cần phải cảm thông! Hãy LẮNG NGHE trong KHIÊM NHƯỜNG để CẢM THÔNG.
Điểm kế tiếp là chúng ta học làm thế nào để phân biệt vấn đề (a problem) và những điều khác. Cái khó của nhà lãnh đạo là nhìn những khó khăn như vấn đề. Chúng ta làm gì với vấn đề? Chúng ta sẽ tìm cách giải quyết. Câu trả lời là giải quyết vấn đề. Chúng ta đang ở trong dạng lãnh đạo giải quyết vấn đề. Điều này sẽ hút cạn kiệt mọi nguồn và năng lượng của nhà lãnh đạo. Nhìn kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy, một số vấn đề chúng ta có thể tìm thấy giải pháp. Nhưng đa số chúng đều là lưỡng nan (dilemma), chứ không phải là vấn đề. Chúng ta không tìm giải pháp cho lưỡng nan. Lưỡng nan thì luôn có.
Khi tôi còn trẻ, có vở nhạc kịch rất nổi tiếng The Sound of Music. Bề trên tu viện, trong vở nhạc kịch hỏi chị em, “Chúng ta giải quyết vấn đề Maria như thế nào?” Maria là vấn đề? Bề trên của anh em là vấn đề, hay là lưỡng nan? Khi anh em nhìn các thành viên trong cộng đoàn của mình, nếu anh em không thể bảo rằng họ là quà tặng của Thiên Chúa, thì ít nhất hãy nói họ là lưỡng nan, chứ đừng gọi họ là vấn đề!
Đối với vấn đề, anh em đề nghị giải pháp. Đối với lưỡng nan, hãy kể những câu chuyện; những câu chuyện của những người đã tìm được ý nghĩa khi họ đối diện với những tình huống khó khăn. Chính vì thế, Johansen nói rằng, nhà lãnh đạo của hôm nay là người kể chuyện. Nếu anh em không có chuyện gì để kể mà chỉ có những khái niệm, anh em đang góp phần vào VUCA. Bởi thế tình liên đới với anh em, với người nghèo rất quan trọng. Chúng ta sẽ làm chứng làm thế nào người nghèo tìm thấy sức mạnh, niềm hy vọng và ý nghĩa giữa những thử thách khó khăn của họ. Họ không thể tìm ra mọi giải pháp, nhưng họ tìm ra ý nghĩa. Và đó là những câu chuyện của họ mà chúng ta sẽ là người kể. Một nhà lãnh đạo là một người kể chuyện tốt, những câu chuyện thật của niềm hy vọng để nung nấu anh em trong cộng đoàn mình, để giúp nhau nhìn thấy những cơ hội phúc lành trong cuộc sống.
- Điểm thứ hai: Việc lãnh đạo trong Hội thánh
Tôi muốn mượn cái nhìn của Lovett Weems, một mục sư đã nghiên cứu nhiều về việc lãnh đạo trong Hội thánh. Ông đề nghị một nhà lãnh đạo cần phải có bốn điều sau:
Thứ nhất, tầm nhìn (vision). Tầm nhìn ở đây không phải là tầm nhìn cá nhân của nhà lãnh đạo mà là tầm nhìn của giáo xứ, của cộng đoàn mình. Tầm nhìn phát xuất từ một câu hỏi rất căn bản: “Chúa muốn bây giờ chúng ta làm gì, hay trở nên gì?” Một tầm nhìn phát xuất từ cầu nguyện và biện phân. Nhà lãnh đạo phải cam kết với tầm nhìn đó và để cho tầm nhìn đó hướng dẫn mình, nhờ thế cộng đoàn được hướng dẫn bởi tầm nhìn chứ không phải bởi cá nhân.
Ở Philippines, giáo dân thường nói, một cha xứ mới là một ông vua mới. Khi ông vua mới đến việc đầu tiên ông sẽ làm là xoá sạch những ký ức mà ông vua trước đã để lại!
Thường việc lãnh đạo quá gắn chặt với những cá tính của người lãnh đạo và không để tầm nhìn dẫn dắt cộng đoàn. Tầm nhìn rất quan trọng. Tầm nhìn đưa ra đường hướng. Một tầm nhìn đích thật sẽ làm cho cộng đoàn phấn khởi. Nó sẽ thiêu đốt trái tim chúng ta.
Khi hình thành tầm nhìn, anh em hãy đọc kỹ để xem mình có được đánh động không. Nếu tầm nhìn đó không đánh động anh em, nó sẽ không thể dẫn anh em đi, không thể ảnh hưởng trên anh em.
Tầm nhìn sẽ đưa ra những tiêu chuẩn lượng giá đời sống cộng đoàn và sứ vụ. Nếu anh em có tầm nhìn, anh em sẽ tránh được những giờ thảo luận về việc để chai nước bên phải hay bên trái. Tầm nhìn sẽ đưa đôi mắt chúng ta hướng lên những điều cao hơn, xa hơn. Thách đố của nhà lãnh đạo là phải luôn nhắc nhớ anh em về tầm nhìn chung.
Thứ hai, văn hoá. Một nhà lãnh đạo phải biết văn hoá của cộng đoàn mình và những văn hoá mà trong đó cộng đoàn mình đang thể hiện. Một nhà lãnh đạo phải biết ai là người nhiều chuyện trong cộng đoàn. Đó là một phần văn hoá vì họ có thể uốn nắn văn hoá của cộng đoàn. Ai là người thì thầm bên tai bề trên, “Chuyện này chỉ có giữa hai chúng ta biết…” Ai là người hám lợi. Tôi nghĩ tôi nên dừng ở đây. Tất cả những điều đó là một phần văn hoá. Một nhà lãnh đạo không thể ngây thơ được. Trong khi yêu mến anh em của mình, nhà lãnh đạo cần biết những tài năng và vai trò của các anh em trong cộng đoàn mình. Nhà lãnh đạo cần biết rõ vai trò của các anh em đang góp phần hình thành văn hoá cộng đoàn mình.
Thứ ba, tương quan. Nhà lãnh đạo phải thực hành năng quyền trong tương quan. Tương quan không chỉ là hợp luật hay hợp pháp. Một nhà lãnh đạo chỉ có thể giúp cộng đoàn tập trung vào tầm nhìn khi có tương quan với anh em.
Thứ tư, tính thống nhất. Nhà lãnh đạo thể hiện tầm nhìn của cộng đoàn nơi chính con người của mình. Nhờ đó, không có sự phân rẽ giữa tầm nhìn mà nhà lãnh đạo trình bày và con người thật của mình. Chúng ta cần sự chân thật, thống nhất giữa lời nói và việc làm. Đây là điều mà người trẻ ngày hôm nay mong chờ nhất. Cha mẹ khi dạy dỗ con cái thường không để ý điều này.
- Điểm thứ Ba, Chúa Giêsu
Chúng ta không thấy từ “lãnh đạo” trong Tân Ước. Tuy nhiên, Kinh Thánh có các từ: mục tử, vua, ngôn sứ, tôi tớ. Chúng ta hãy nhìn Chúa Giêsu, Đấng thực hành lãnh đạo có tầm nhìn và biến đổi người khác, bằng cách trở thành tôi tớ. Con Thiên Chúa diễn tả quyền năng Thiên Chúa qua sự phục vụ khiêm hạ.
Trong Tin Mừng Gioan 12, 49-50, Chúa Giêsu nhận biết Ngài là thừa sai, Đấng được Chúa Cha đến, “Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi.”
Chúa Giêsu được thiêu đốt bởi chính sứ vụ đến từ Cha. Ngài cùng cháy với nó. Khi những hiểm nguy trở nên quá rõ ràng rằng chính để hoàn thành sứ vụ, Ngài có phải đau khổ và ngay cả phải chết, Ngài thưa cùng Cha, “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha” (Ga 12,27).
Chúa Giêsu đã gắn chặt chính mình và quyền năng của mình với sứ vụ. Thật đáng tiếc khi các nhà lãnh đạo thế giới hôm nay gắn chặt bản thân với tham vọng. Đối với chúng ta, Chúa Giêsu chính là khuôn mẫu và sứ vụ, chứ không phải là tham vọng. Chúng ta phải tỉnh thức đừng để tham vọng chui vào tâm trí của những người theo Chúa Kitô.
Những người tham vọng không bao giờ phục vụ. Họ sẽ không dùng quyền để phục vụ sứ vụ và cho sứ vụ, nhưng cho những lợi ích bản thân mình. Thay vì làm sáng danh Chúa, họ sẽ cố gắng làm cho danh họ cả sáng.
Căn tính của Chúa Giêsu là thừa sai ngay cả trong giờ chết. “Trong chính cái chết ô nhục của con, con xin làm cho Danh Cha cả sáng.” Đó là quyền năng! Đó là lãnh đạo!
Một khía cạnh khác của việc lãnh đạo như một tôi tớ khiêm nhường của Chúa Giêsu đó là Ngài TIN các môn đệ của Ngài. Ngài biết rõ các ông thế nào. Không giống như các rabbi thời bấy giờ để trò chọn thầy, Chúa Giêsu chọn các môn đệ của mình. Trường học của Ngài rất khác.
Tôi mơ có một ngày tôi sẽ mở một trường để nhận những học sinh bị loại từ các trường Công giáo của chúng ta!
Nếu Chúa Giêsu dùng tiêu chuẩn của chúng ta để xét thì Nhóm Mười Hai không thể vào trường học của Ngài. Ngài gọi các học sinh của Ngài. Ngài nhẫn nại dạy họ. Cũng có những giây phút Ngài vui mừng với họ. Ngài lắng nghe, “Người ta bảo Thầy là ai?” Nhà lãnh đạo phải học lắng nghe mọi người xung quanh mình. Rồi sau đó, Ngài lần đầu tiên kiểm tra bài Phêrô, “Còn anh em bảo Thầy là ai?” Thánh Phêrô đã thi đậu, “Thầy là Đấng Kitô.” Nhưng sau đó thánh nhân lại trượt. Chỉ trong vài hàng, thánh nhân có ba tên gọi: Simôn, Phêrô và Satan!
Ngài đã dạy dỗ, hướng dẫn và sai học trò của mình lên đường. Các ông được sai đi với quyền trừ quỷ. Đó là quyền năng thật (real authority) đến từ Chúa Giêsu. Ngài chia sẻ với họ quyền năng của Ngài, nhưng đồng thời lại mời gọi họ lên đường trong tình trạng nguy hiểm, dễ bị làm hại, dễ tổn thương: Không gậy, không túi tiền, bao bị… Thật là một sự kết hợp diệu kỳ. Quyền năng lại được trao cho kẻ dễ bị tấn công. Không có tình trạng “bình sành lọ đất” này để hoàn toàn tuỳ thuộc vào Tin Mừng, các môn đệ sẽ dùng sai quyền năng Chúa Giêsu ban cho. Nói cách khác, Chúa Giêsu chia sẻ với các môn đệ chính kinh nghiệm của Ngài. Thư gởi cho các tín hữu Philip 2, 5-11 cho thấy mầu nhiệm Chúa Giêsu huỷ mình ra không. Quyền năng thật được thể hiện bởi chính kẻ bị tấn công và tổn thương nhất. Chính trong hình ảnh này, Chúa nói, “Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.”
Tôi nói với các thầy tôi thụ phong linh mục rằng, anh em được sai đi như chiên chứ không phải như sói. Thời đại của chúng ta thích thể hiện quyền năng bằng gay gắt, cay nghiệt, nhẫn tâm, tàn ác.
Hình ảnh thật của một nhà lãnh đạo là hình ảnh Chúa Giêsu rửa chân các môn đệ. Ngài đã trở nên thấp nhất trong các tôi tớ. Đừng tôn mình lên. Đây là điều Chúa Giêsu làm cho chúng ta. Khi thánh Giacôbê và Gioan cùng với mẹ đến xin quyền năng, Chúa Giêsu liền mời họ uống chén đắng và cùng chịu phép Rửa với Ngài. Nghĩa là họ được tham dự trọn vẹn vào chính quyền năng phục vụ của Ngài, vào chính sứ vụ của Ngài. Ngài muốn họ tập trung vào sứ vụ, chứ không phải tham vọng và địa vị. Nói cách khác, Ngài cho họ thuốc giải. Khi tham vọng đã bị giải, câu trả lời của Ngài là sứ vụ.
Khi bề trên hay bạn hữu tìm quà tặng các tân chức linh mục, tôi bảo họ sao không tặng một cái thau và một chiếc khăn để nhắc nhớ rằng các tân chức được gọi là vì sứ vụ. Nếu có năng quyền nào chúng ta nhận được thì đó là vì sứ vụ và cho sứ vụ.
Trong đời tu, không có cá nhân phục vụ mà là cộng đoàn phục vụ. Toàn thể cộng đoàn thực hành việc lãnh đạo trong sứ vụ của mình. Họ được gọi để phục vụ cách khiêm tốn. Một cộng đoàn chứng nhân đích thực là một năng quyền vĩ đại. Chính trong cách hiểu này, sự vâng phục là sự sẵn sàng vì sứ vụ. Vâng phục không phải là nói vâng, hay chiều theo, hay cảm thấy mình là tôi tớ của bề trên. Đó không phải là vâng phục. Vâng phục là, “Này con đây. Như Chúa Cha đã sai Chúa Giêsu, con xin sẵn sàng.”
Toàn thể cộng đoàn phải sống một cách quyền năng, nghĩa là cùng nhau tham dự trọn vẹn vào sứ vụ. Đó chính là quyền năng thật. Kiêu căng sẽ huỷ diệt nhà lãnh đạo. Kiêu căng sẽ huỷ diệt việc phục vụ. Kiêu căng sẽ huỷ diệt cộng đoàn. Vì thế, sự khiêm nhường phục vụ trong sứ vụ là chiếc ghế thật của năng quyền. Trong một thế giới biến động, không chắc chắn, phức tạp và mâu thuẫn, một tôi tớ khiêm nhường là đoá hồng giữa sa mạc. Người ấy sẽ truyền năng lượng cho toàn xã hội, và trao cho anh chị em mình một niềm hy vọng rằng quyền năng thật vẫn đang hiện diện. Chúng ta hãy làm chứng điều đó.
Pattaya, ngày 6 tháng 11 năm 2016
Phaolô Lưu Quang Bảo Vinh, C.Ss.R. tường thuật