Các nhà thờ đã bị đóng cửa ở Giang Tây và Phúc Kiến. Các Linh mục hầm trú đã bị trục xuất khỏi các Giáo xứ của họ. Những người trẻ dưới 18 tuổi đã bị kéo ra khỏi nhà thờ. Sự phụ thuộc của Tôn giáo vào văn hóa Trung Quốc gần giống với chính sách của các hoàng đế nhà Thanh. Quyền lực của Giáo hoàng phải phụ thuộc vào quyền lực của hoàng đế. Giáo hội phải là một phần của cấu trúc của nhà nước và tuân theo các cơ quan chính trị. Giáo hội phải là một phần của các cấu trúc của nhà nước và phục tùng các cơ quan chính trị.
Bắc Kinh (Asia News) – Có bất kỳ thay đổi nào đối với Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc sau thỏa thuận Trung-Vatican? Tình hình ở Trung Quốc trở nên tốt hơn hay tồi tệ hơn? Để tìm hiểu sự việc, tôi đã viếng thăm một số Giáo phận trong nước và những gì tôi viết ở đây chính là báo cáo về những sự việc đang xảy ra.
Thậm chí hiện nay, chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy việc Hán hóa [*], đòi hỏi sự phục tùng của các tôn giáo đối với văn hóa Trung Quốc. Điều này rất giống với chính sách của Hoàng đế Khang Hy vào thời điểm của các nghi thức gây tranh cãi của Trung Quốc. Tất cả các tôn giáo, đặc biệt là Công giáo và Tin lành, phải tùng phục và tuân theo chính sách này.
Tại tỉnh Phúc Kiến, Tổng Giáo phận Phúc Châu chính là nạn nhân của cuộc đàn áp và tình trạng bạo lực. Hầu như tất cả các nhà thờ thuộc Giáo hội hầm trú đều đã bị đóng cửa, đặc biệt là ở Phúc Thanh. Chính phủ đang cố gắng ép buộc các linh mục hầm trú gia nhập Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc.
Trong Thông điệp “Ad Apostolorum Principi” của mình, Đức Piô XII chi biết rằng mục đích của hiệp hội này đó chính là dần dần thúc đẩy người Công giáo nắm lấy nền tảng của chủ nghĩa duy vật vô thần, từ chối Thiên Chúa và bác bỏ các nguyên tắc tôn giáo. Thậm chí ngày nay nó được coi như là trái với Giáo lý Công giáo và vi phạm lương tâm của người dân.
Tại Giang Tây, các hành vi đàn áp cũng đã được báo cáo, đặc biệt là tại Giáo phận Dư Giang. Các quan chức chính quyền địa phương thường vào các nhà thờ trong các nghi lễ để buộc phải kéo trẻ em và các thanh thiếu niên dưới 18 tuổi ra khỏi nhà thờ. Lệnh cấm giáo dục tôn giáo đối với trẻ em dưới 18 tuổi hiện được thi hành ở khắp mọi nơi tại Trung Quốc.
Chính phủ vì thế hiện đang theo đuổi cả cộng đồng chính thức và hầm trú, cộng đồng hầm trú là những cộng đồng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Chính phủ hơn nữa còn buộc các linh mục hầm trú rời khỏi chức vụ và các Giáo xứ của họ.
Thậm chí ngay cả nhà riêng hiện cũng được coi như là “những nơi thờ phượng bất hợp pháp”, vì vậy người Công giáo có nguy cơ bị phạt tiền và có thể bị ngồi tù nếu họ bị bắt gặp. Các sách kinh nguyện, các bài hát phụng vụ và Kinh Thánh đã bị tịch thu trong các nhà thờ và mọi người buộc phải treo quốc kỳ.
Một số nhà lãnh đạo địa phương nghĩ rằng cuộc đàn áp ở Giang Tây và Phúc Kiến xảy ra vì các tín hữu Công giáo địa phương chỉ là một nhóm nhỏ thiểu số. Theo nghĩa này, các quy định mới và việc Hán hóa chính là một hình thức thử nghiệm, để đánh giá mức độ phản kháng mà nó tạo ra và đồng thời để nghiên cứu cách thức làm thế nào để đánh bại nó.
Hiện tại, các quy định mới được thi hành trên toàn quốc, thậm chí ngay cả ở những nơi như Hà Bắc và Sơn Tây, nơi mà người Công giáo chiếm một tỷ lệ đáng kể trong dân số.
Kể từ khi ký kết thỏa thuận Trung-Vatican, cuộc đàn áp đã không giảm bớt; mà ngược lại, nó còn trở nên tồi tệ hơn. Chính phủ còn tiếp tục ảo tưởng như thể chúng ta đang sống vào thời nhà Thanh: thẩm quyền của Giáo hoàng phải phụ thuộc vào hoàng đế, và Giáo hội là một phần trong các cấu trúc của nhà nước và phải phục tùng chính quyền.
Chính phủ chỉ xem Kitô giáo như là một tôn giáo ngoại bang và là một sự nguy hiểm tiềm tàng. Nếu Kitô hữu muốn sống ở Trung Quốc, họ phải chấp nhận các nguyên tắc của việc Hán hóa. Mục đích đó chính là để buộc các Kitô hữu, các tín hữu Công giáo và Tin lành, chấp nhận quyền lực của nhà nước trên cả Thiên Chúa và đức tin của họ.
Đảng Cộng sản biết rằng các tôn giáo không thể bị phá hủy chỉ sau một đêm. Điều này rất rõ ràng và hiển nhiên trong một tài liệu năm 1982 của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tài liệu viết: “Những người nghĩ rằng với việc thiết lập hệ thống xã hội chủ nghĩa và với một mức độ tiến bộ kinh tế và văn hóa nhất định, và suy nghĩ rằng tôn giáo sẽ tàn lụi trong một thời gian ngắn là một điều không thực tế. Những người mong đợi dựa vào các nghị định hành chính hoặc các biện pháp cưỡng chế khác để xóa sạch mọi tư tưởng và thực hành tôn giáo chỉ bằng một cú đánh thậm chí còn xa hơn so với quan điểm cơ bản mà chủ nghĩa Mác đưa ra đối với vấn đề tôn giáo. Họ hoàn toàn sai lầm và sẽ gây ra sự tổn hại không nhỏ”.
Trong thực tế, cái gọi là Hán hóa chỉ là một nỗ lực khác nhằm khuất phục tất cả các tôn giáo, khiến họ chấp nhận hệ tư tưởng cộng sản và thúc đẩy các tín đồ từ bỏ đức tin của họ. Chừng nào chúng ta cam kết đối thoại, chúng ta cần phải học những bài học trong lịch sử.
[*] Chính sách này hướng đến văn hóa Trung Quốc trong việc bày tỏ đức tin, và đòi hỏi phải phục tùng Đảng Cộng sản Trung Quốc. Xem bài viết của tác giả Bernardo Cervellera, “Một nhà tù mới đối với Giáo hội tại Trung Quốc: việc Hán hóa”, AsiaNews.it, ngày 17 tháng 8 năm 2018.
Minh Tuệ (theo Asia News)