
Những người di cư tại một trung tâm tiếp nhận ở Malta
Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo hàng năm diễn ra từ ngày 18 đến 25 tháng 1. Sự kiện này chứng kiến sự tham dự của đại diện của tất cả các giáo phái Kitô giáo tập trung tại Vatican để cầu nguyện và suy ngẫm về chủ đề được chọn cho năm 2020.
Các nhà lãnh đạo của các cộng đồng Kitô giáo trên khắp thế giới hàng năm đều cùng nhau quy tụ tại Vatican nhân Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo. Theo truyền thống, ĐTC Phanxicô sẽ bế mạc sáng kiến này bằng cách chủ sự giờ Kinh Chiều tại Vương Cung Thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành.
Chủ đề cho Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo năm 2020, được lựa chọn và chuẩn bị bởi một nhóm đại diện thuộc các Giáo hội Kitô giáo tại Malta, trích từ Sách Công vụ Tông đồ: “Họ đã đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có” (Cv 28: 2).
Các tài liệu làm việc đã được hoàn thiện trong một cuộc họp của Hội đồng Giáo hoàng về Cổ võ sự Hiệp nhất Kitô giáo, Ủy ban Quốc tế về Đức tin và Ủy ban Trật tự của Hội đồng Giáo hội Thế giới.
Đức Tổng Giám mục Ian Ernest, giám đốc Trung tâm Anh giáo tại Rome và đại diện cá nhân của Đức Tổng Giám mục Canterbury tại Tòa Thánh, đã phát biểu với Đài phát thanh Vatican về sự liên quan sâu sắc của chủ đề được chọn.
“Điều này quả thực có liên quan để cầu nguyện để các Kitô hữu chúng ta có thể hành động – như chủ đề được chọn đã nói – với ‘lòng nhân đạo hiếm có’, khi nói đến những người, do những thực tế và sự khắc nghiệt của cuộc sống nơi họ sinh sống, đến với các bờ biển của chúng ta”, Đức Tổng Giám mục Ian Ernest nói.
Cầu nguyện và hành động
Đức Tổng Giám mục Ian Ernest bày tỏ sự tin tưởng rằng điều rất quan trọng đó là các Kitô hữu, “không chỉ cùng nhau cầu nguyện, mà còn cùng nhau hành động để chúng ta có thể trở nên gương sáng trước thế giới về một cộng đồng yêu thương vốn luôn chào đón những người ngoại kiều, quan tâm đến họ và mang lại cho họ phẩm giá mà họ được thừa hưởng như những con người”.
Đức Tổng Giám mục Ian Ernest tiếp tục suy tư về sự cần thiết đối với một hành động đại kết cụ thể nhằm giúp thay đổi một viễn tượng và một câu chuyện tường thuật mà trong đó coi những người di cư và những người tị nạn như là những người xa lạ hơn là những anh chị em của chúng ta hiện đang cần được giúp đỡ.
Đức Tổng Giám mục Ernest nhắc lại rằng trước khi chịu khổ nạn, Chúa Giêsu đã cầu nguyện để tất cả chúng ta được nên Một, “bởi vì Chúa Cha và Ngài là một, và đây là một lệnh truyền mà Ngài đã trao ban cho chúng ta, rằng chúng ta phải ở bên cạnh nhau, để cùng nhau làm chứng cho tình yêu của Ngài”.
Do đó, điều đặc biệt quan trọng, Đức Tổng Giám mục Ernest nói, đó là “trong những lúc khó khăn, trong những lúc bị đàn áp hay bách hại, trong những lúc những anh chị em này không còn nơi nào để đi, chúng ta đã chào đón họ”.
“Chúng ta có một Thiên Chúa, Đấng đã đến với chúng ta để chào đón chúng ta, và điều quan trọng – và tôi rất vui – đó là ngày nay các Kitô hữu có thể gặp gỡ nhau, để cùng nhau cầu nguyện. Và không chỉ việc cầu nguyện với nhau quan trọng không thôi, mà chúng ta cần phải làm một điều gì từ đó?”, Đức Tổng Giám mục Ernest chia sẻ.
Đức Thánh Cha Phanxicô
Đức Tổng Giám mục Ernest đã bày tỏ sự đánh giá cao về việc chúng ta có các nhà lãnh đạo Giáo hội, chẳng hạn như Đức Thánh Cha Phanxicô, “người đã thực sự đi đầu trong cuộc tranh đấu của những anh chị em phía bên kia, và nắm lấy đôi bàn tay của họ”.
Vì vậy, Đức Tổng Giám mục Ernest nói, chủ đề này thực sự phù hợp bởi vì cần có một lối sống mới, để chúng ta có thể hiện thực hóa điều này trong thế giới mà chúng ta đang sống.
Lưu ý việc mình mới đảm nhận công việc mới tại Rome chỉ mới được 3 tháng, Đức Tổng Giám mục Ernest cho biết rằng trong năm nay ngài sẽ tham gia vào nhiều sự kiện và sáng kiến khác nhau. Đức Tổng Giám mục Ernest cũng hy vọng và tin tưởng rằng trong năm tới Trung tâm Anh giáo tại Rome sẽ có thể tự mở cửa để tổ chức một số sự kiện quan trọng.
Lời kêu gọi
Đức Tổng Giám mục Ernest kết thúc với lời kêu gọi tất cả những người tuyên xưng mình là Kitô hữu hãy hành động với ‘lòng nhân đạo hiếm có’ như đã được đề cập trong Sách Công vụ Tông đồ, đồng thời lưu ý rằng “nếu như có ‘lòng nhân đạo hiếm có’ như vậy, chắc chắn sẽ có hy vọng lớn về một sự thay đổi lối tư duy trong thế giới mà chúng ta đang sống”.
Thiên Ân (theo Vatican News)