Việc cân bằng nhân quyền với những nỗ lực xây dựng hòa bình ở Bắc Triều Tiên

  • Tin tức
  • Chúa Nhật, 06-05-2018 | 06:59:28

Việc có khả năng sẽ phóng thích ba tù nhân người Mỹ từ các trại cải tạo lao động của Bắc Triều Tiên – được cho là “sắp xảy ra” – sẽ là một thành công duy nhất tại giao lộ của những nỗ lực về nhân quyền và hòa bình ở quốc gia Đông Á.

Vatican đã ủng hộ cả việc giải trừ hạt nhân thông qua đàm phán hòa bình lẫn việc bảo vệ nhân quyền vốn bảo vệ phẩm giá của mỗi người được tạo dựng theo hình ảnh và giống với Thiên Chúa.

Tuy nhiên, trong trường hợp của bán đảo Triều Tiên, vấn đề của việc liệu có nên ưu tiên các cuộc đàm phán hòa bình hay các mối bận tâm về nhân quyền chính là một điểm tranh cãi thường xuyên giữa các chuyên gia Bắc Triều Tiên.

“Chúng ta không thể giải quyết tất cả mọi vấn đề cùng một lúc. Bây giờ, tôi sẽ nói rằng chúng ta tập trung vào các vấn đề hạt nhân”, một trong những cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc, Chung-in Moon, tranh luận trong một cuộc hội thảo với chủ đề: “Việc cân bằng vấn đề an ninh, nhân đạo, và các mối bận tâm về nhân quyền trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên”.

“Nếu chúng ta đặt vấn đề nhân quyền và dân chủ chung với nhau, cùng với các vấn đề về hạt nhân, thì Bắc Triều Tiên sẽ coi đó là hành động thù địch bởi Hoa Kỳ và họ sẽ không bao giờ nhượng bộ về vấn đề hạt nhân”, cố vấn Hàn Quốc tiếp tục cho biết trong chuyến thăm Washington DC hôm 27 tháng 2 .

Nhưng trong khi hầu hết người dân Hàn Quốc đều bày tỏ sự nhiệt tình đối với Hội nghị thượng đỉnh liên Triều Tiên mang tính lịch sử vào ngày 27 tháng 4 – mà trong đó Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In đã gặp gỡ nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jung Un – một số người đã bày tỏ sự chỉ trích rằng cuộc gặp gỡ này đòi hỏi phải nhắm mắt làm ngơ trước những vi phạm nhân quyền rộng lớn của chế độ Kim.

Yeonmi Park là một thanh niên Bắc Triều Tiên đã trốn khỏi chế độ này vào năm 2007. Park nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng giữa bối cảnh của chính sách ngoại giao đang diễn ra với Bắc Hàn vào năm 2018, miền Bắc càng ngày càng khiến cho người dân trở nên khó thoát khỏi đất nước.

“Mọi người ở Hàn Quốc đang bị lừa gạt bởi kẻ độc tài này. Trong khi ông ấy hiện đang có mặt tại Hàn Quốc và đưa ra những cuộc đàm phán hòa bình cũng như nói về một tương lai tươi sáng, cuộc đàn áp đối với người dân Bắc Triều Tiên tại các khu vực biên giới quả là tồi tệ hơn bao giờ hết”, Park phát biểu với đài phát thanh New York Public hôm 3 tháng Năm vừa qua.

Tổng số những người đào ngũ từ Bắc Triều Tiên vào năm 2017 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2001, theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc. Xu hướng giảm trong số những người chạy trốn tiếp tục trong quý đầu tiên của năm 2018.

“Điều mà Kim Jung Un đang làm bây giờ đó là cố gắng duy trì quyền lực của mình. Ông ấy sẽ chẳng làm điều gì để có thể thay đổi cuộc sống của người dân Bắc Triều Tiên”, chị Park, người đã trở thành một người ủng hộ nhân quyền thẳng thắn kể từ khi trốn thoát khỏi đất nước, tiếp tục. “Điều có thể trở nên cấp bách hơn đó chính là cuộc sống của những người đang sống trong các trại tập trung của Bắc Triều Tiên lúc này?”.

Hiện tại ước tính có khoảng 80.000 đến 120.000 người trong sáu trại tù chính trị của Bắc Triều Tiên, trong đó Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tìm thấy bằng chứng về nạn đói, tình trạng lao động cưỡng bách và tra tấn đối với các tù nhân.

“Các báo cáo chỉ ra rằng hàng chục ngàn tù nhân phải đối mặt với tình trạng lao động khổ sai hoặc có thể bị hành quyết là các Kitô hữu thuộc  các nhà thờ hầm trú hoặc những người giữ đạo bí mật”, theo báo cáo năm 2018 của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ.

Khi sinh viên người Mỹ 22 tuổi, anh Otto Warmbier, được trả về gia đình vào năm ngoái sau khi bị giam giữ tại Bắc Triều Tiên trong 17 tháng, anh đã bị tổn thương não nặng và qua đời ngay sau đó. Warmbier đã bị kết án 15 năm lao động khổ sai vì đã ăn cắp một tấm áp phích chính trị từ khách sạn của mình trong khi đang tham quan một tour du lịch của Bắc Triều Tiên.

Cha mẹ Warmbier đã đệ đơn kiện chính phủ Bắc Triều Tiên vào ngày 3 tháng Năm.

Ba người Mỹ gốc Hàn hiện đang bị giam giữ ở Bắc Triều Tiên là Tony Kim, Kim Hak-song và Kim Dong-chul. Tony Kim và Kim Hak-song đều dạy tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng (PUST), một trường đại học được thành lập năm 2010 bởi một doanh nhân Kitô giáo người Mỹ gốc Hàn, trước khi bị bắt giữ.

Họ đã bị giam giữ tương ứng vì các tội danh “gián điệp” và “các hành vi thù địch”. Kim Dong-chul là một linh mục Kitô giáo bị kết án 10 năm lao động khổ sai ở Bắc Triều Tiên vào năm 2016, với tội danh gián điệp.

North_Korean_flag_Credit_Katherine_Welles_Shutterstock_CNACác cuộc đàm phán đang diễn ra để phóng thích ba tù nhân nhân này. Tổng thống Trump đã viết về các cuộc đàm phán này trên tài khoản  Twitter của mình hôm 2 tháng 5, kết luận với “Nếu muốn biết thêm thông tin, hãy tiếp tục theo dõi!”.

Khi Hoa Kỳ chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jung Un, người ta vẫn còn được chứng kiến những gì cân bằng sẽ đạt được giữa vấn đề nhân quyền và việc phi hạt nhân hóa.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao đã đưa ra một tuyên bố hứa hẹn rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thúc bách đối với trách nhiệm giải trình các vụ lạm dụng nhân quyền. Điều này bao gồm các nỗ lực nhằm tăng lưu lượng thông tin vào một trong những quốc gia bị cô lập nhất trên thế giới.

Nhưng điều đó có thể là một vấn đề về thời gian, đặc biệt là khi nói đến việc phi hạt nhân hóa, John S. Park, giám đốc của Nhóm làm việc Hàn Quốc tại Trung tâm Khoa học và các vấn đề quốc tế Belfer của Trường Harvard Kennedy, cho biết.

“Mọi người đều lạc quan một cách thận trọng. Việc khởi động một cơ chế phi hạt nhân hóa chính là một bước khởi đầu quan trọng. Các bước tiếp theo là các hành động kiểm tra và xem xét phức tạp hơn nhiều”, ông Park phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với tờ Harvard Gazette hôm 30 tháng Tư.

“Đó sẽ không phải là một chức năng của Bắc Triều Tiên trong việc từ bỏ vũ khí hạt nhân cùng một lúc, mà đúng hơn, là một phần của một quá trình. Và đây là nơi mà thang thời gian trở thành một trung tâm điểm quan trọng của ngoại giao và đàm phán phía trước”, ông Park nói.

“Từ quan điểm của Bắc Triều Tiên, quy trình càng dài thì càng tốt cho họ. Nhưng từ quan điểm của Mỹ, với sự phát triển nhanh chóng của vấn đề hạt nhân, và đặc biệt là khả năng tên lửa đạn đạo liên lục địa vào năm ngoái, thang thời gian trở nên ngắn hơn nhiều”.

Khi tiến trình được thực hiện và quá trình tiến triển tiếp tục, các nhà lãnh đạo Công giáo đã kêu gọi việc cầu nguyện cho bán đảo.

Đức Hồng y Andrew Yeom Soo-jung, Quản trị Tông Tòa của Bình Nhưỡng và đồng thời là Tổng giám mục Seoul, cho biết rằng ngài hàng ngày đều lần chuỗi Mân Côi cầu nguyện cho Bắc Triều Tiên.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Công giáo Pyeonghwa sau hội nghị thượng đỉnh Liên Triều Tiên, Đức Hồng y Yeom cho biết ngài cầu nguyện rằng một ngày nào đó ngài sẽ có thể được cử hành Thánh lễ cùng với những người Công giáo Bắc Triều Tiên.

Hiện tại, Đức Hồng y Yeom mời gọi mọi tín hữu Công giáo cùng hiệp ý với ngài cầu nguyện cho “hòa bình đích thực” và cho việc không để mình rơi vào tuyệt vọng hay sự tự mãn.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết