“Via Caritatis” – Về Chương VIII của “Amoris Laetitia” (IV)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã hứa hẹn rõ ràng cho các tín hữu ly dị tái hôn “một logic hội nhập” là “chìa khóa cho việc đồng hành mục vụ với họ” (AL 299).

VIA CARITATIS” – VỀ CHƯƠNG VIII CỦA “AMORIS LAETITIA”

 (tiếp theo)

Linh mục Aristide Fumagalli

Chung sống đơn giản và hôn nhân dân sự

Mặc dù so với lý tưởng toàn vẹn về hôn nhân thì mọi tình cảnh đều “bất thường” cách nào đó, nhưng Giáo Luật dành cách nói “bất thường” để chỉ các tình cảnh hôn nhân của những người đã được rửa tội sống với nhau như vợ chồng mà không có bí tích hôn nhân, chưa phù hợp, như trong trường hợp chung sống đơn giản và hôn nhân dân sự, hoặc không còn tương ứng, như trong trường hợp của các kết hợp đôi lứa mới của những người đã kết hôn bí tích, với giáo huấn của Giáo Hội.

Trong sự đa dạng không thể tính hết được và tính cách cụ thể của các tình cảnh đó, có những hình thức kết hợp “hoàn toàn mâu thuẫn” với lý tưởng của hôn nhân Kitô giáo, đang khi một số người khác “thực hiện lý tưởng đó ít là một phần hay tương tự” (AL 292).

Hướng tới những người có hoàn cảnh hôn nhân khác nhau bị coi như ‘bất hợp luật’, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, được ủng hộ mạnh mẽ bởi sự đồng thuận chung của các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, đã nói rằng “trách nhiệm của Giáo Hội là giúp cho họ hiểu khoa sư phạm của Thiên Chúa trong đời sống của họ” (AL 297).

Nhận biết rằng ân sủng của Thiên Chúa đạt đến tất cả mọi người và không loại trừ một ai, Giáo Hội đối diện với những tình cảnh hôn nhân “theo cách thế mang tính xây dựng”, trân trọng những “dấu chỉ của tình yêu mà bằng cách nào đó phản ảnh tình yêu của Thiên Chúa” và cố gắng để biến chúng thành “những cơ hội để tiến dần đến sự viên mãn của hôn nhân và gia đình trong ánh sáng của Tin Mừng” (AL 294).

Sự phân định các tình cảnh hôn nhân gọi là “bất hợp luật” sẽ có những khía cạnh khác biệt trong trường hợp sống chung đơn giản và kết hôn dân sự so với trường hợp những người ly dị tái hôn trong một kết hợp dân sự mới.

Liên quan đến những người sống chung đơn giản và những người chỉ kết hôn dân sự, việc phân định phải được thực hiện trong ý thức rằng chọn lựa của họ “thường không được thúc đẩy bởi thành kiến hay sự phản kháng đối với kết hợp bí tích, nhưng do hoàn cảnh văn hóa hay ngẫu nhiên” (AL 294). Trong mọi trường hợp, khi sự kết hợp đạt đến một sự ổn định đáng kể thông qua một khế ước công khai, được đặc trưng bởi tình cảm sâu sắc, bởi trách nhiệm đối với con cái, bởi khả năng vượt qua các thử thách, thì có thể được xem như một cơ hội đồng hành nhằm phát triển đến bí tích hôn phối (AL 293).

Những gì có thể xảy đến cho những người chung sống đơn giản và những người chỉ kết hôn dân sự, thì không dành cho những người đã ly dị đang sống trong kết hợp mới, bởi lẽ bí tích hôn phối thành sự trước kia của họ không thể được giải gỡ.[1]

Việc phân định các bước cần phải thực hiện trong trường hợp này, là điểm tinh tế và gây tranh cãi nhất của Tông Huấn. Chính Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã công nhận rằng không có “những toa thuốc đơn giản”.[2]

Những kết hợp mới

Trong nhận thức rõ ràng rằng các kết hợp mới của những người đã ly dị “không phải là lý tưởng mà Tin Mừng đề ra cho hôn nhân và gia đình” (AL 298), sự phân định luôn luôn phải là “một sự phân định thích đáng” “các tình cảnh rất khác nhau” để không “phân loại sắp xếp hạng mục hoặc khép vào những khẳng định quá cứng nhắc” (AL 298).

Trong thực tế, phải nhận rằng, ví dụ, “một sự kiện có thể xảy ra là sự kết hợp lần thứ hai đã ổn định theo thời gian, với những đứa con mới, với những bằng chứng về sự trung thành, sự cống hiến quảng đại, sự dấn thân Kitô giáo, sự ý thức về sự bất hợp luật của tình cảnh của mình và rất khó quay trở lại mà không cảm thấy trong lương tâm rằng mình sẽ rơi vào những sai lỗi mới.[3] (…) Một trường hợp khác nữa, đó là sự kết hợp mới xảy ra từ một cuộc ly dị chưa lâu, với tất cả những hậu quả của khổ đau và hoang mang gây ra cho con cái và toàn thể gia đình, hoặc tình cảnh của một người liên tục bỏ bê bổn phận gia đình” (AL 298).

Đồng ý với hướng đi của phần lớn các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, Đức Thánh Cha Phanxicô  đã hứa hẹn rõ ràng cho các tín hữu ly dị tái hôn trong một kết hợp mới “một logic hội nhập” là “chìa khóa cho việc đồng hành mục vụ với họ” (AL 299).

Việc hội nhập theo Familiaris Consortio

Logic của hội nhập đối với các tín hữu ly dị đang sống trong kết hợp mới không phải là điều mới mẻ của Amoris Laetitia, vì nó đã được nói rõ ràng trong Tông Huấn Familiaris Consortio (FC). Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết trong FC:

“Cùng với THĐGM, tôi nồng nhiệt kêu mời các chủ chăn và toàn thể cộng đoàn tín hữu hãy giúp đỡ những người ly dị đã tái hôn. Bằng một lòng bác ái rộng lớn, tất cả sẽ làm thế nào để họ không cảm thấy bị lìa xa Hội Thánh, vì là những người đã được rửa tội, không những họ có thể mà còn phải dự phần vào đời sống Hội Thánh” (FC 84)

Sự tham gia tích cực vào đời sống Hội Thánh, như thế, không chỉ là một sự thuộc về Hội Thánh cách thụ động, như đã được khẳng định trong Familiaris Consortio: “Người ta sẽ mời họ lắng nghe Lời Thiên Chúa, tham dự Hy Tế thánh lễ, kiên trì cầu nguyện, góp phần vào các công cuộc bác ái và vào các sáng kiến của Hội Thánh để phụng sự công lý, giáo dục con cái họ trong đức tin Kitô giáo, vun trồng tinh thần đền tội và làm các việc đền tội để ngày qua ngày thành khẩn nài xin ơn thánh của Thiên Chúa. Ước gì Hội Thánh cầu nguyện cho họ, khích lệ họ và tỏ ra là một người mẹ nhân từ đối với họ, và nhờ đó giữ họ trong đức tin đức cậy” (FC 84).

Giáo huấn đầy thẩm quyền của Familiaris Consortio, mặc dù thúc đẩy sự hội nhập của các tín hữu đã ly dị và tái hôn vào trong đời sống Giáo Hội, cũng đã đặt ra các giới hạn. Trong thực tế, họ không được lãnh nhận các bí tích, không chỉ bí tích hôn nhân mới, mà là các bí tích khác nữa, đặc biệt là bí tích Thánh Thể và bí tích Hòa giải. Việc chấp nhận cho rước lễ và giải tội, thật ra, không hoàn toàn bị loại trừ, nhưng được gắn với hai điều kiện: kiêng giữ các hành vi vợ chồng và không gây trở ngại – “scandal” trong ngôn ngữ riêng của Giáo luật – cho đức tin của những người khác. Ngoài ra, các kỷ luật do Familiaris Consortio thiết lập cũng yêu cầu những người ly dị tái hôn không đảm nhận những nhiệm vụ Hội Thánh trong các lĩnh vực đòi hỏi một chứng từ đặc biệt của đời sống Kitô hữu: lãnh vực phụng vụ (thừa tác viên đọc sách thánh, thừa tác viên trao Mình Thánh Chúa ngoại thường); lãnh vực mục vụ (thành viên hội đồng mục vụ); lãnh vực giáo dục (giáo lý viên, cha đỡ đầu / mẹ đỡ đầu trong các bí tích khai tâm Kitô giáo); lãnh vực thể chế (giáo viên dạy về tôn giáo).

(còn tiếp)

Chú thích:

[1] “Hôn phối thành nhận và hoàn hợp không thể bị tháo gỡ bởi một quyền bính nhân loại hay một nguyên do nào, ngoài sự chết” (Giáo luật, 1141). Cfr. Giovanni Paolo II, Discorso agli officiali e avvocati del Tribunale della Rota romana, per l’inaugurazione dell’anno giudiziario, 21 /1/ 2000.

[2] Bênêđictô XVI, Diễn văn tại hội nghị thế giới về gia đình lần thứ bảy, Milano, 02/06/2012, câu trả lời 5, trong Insegnamenti VIII, 1 (2012), p. 691.

[3] “Hội Thánh nhận biết những hoàn cảnh trong đó ‘người nam và người nữ, vì những lý do hệ trọng – như nuôi dạy con cái – không thể thỏa mãn sự đòi buộc phải chia tay’. Cũng một trường hợp của những người đã nỗ lực nhiều để cứu cuộc hôn nhân đầu tiên của họ và đã bị bỏ rơi một cách bất công, hoặc trường hợp của ‘những người đã ký kết một kết ước thứ hai nhằm mục đích nuôi dạy con cái, và đôi khi trong lương tâm họ chủ quan tin rằng cuộc hôn nhân trước đây của họ đã đổ vỡ vô phương cứu vãn, chưa bao giờ thành sự’ ” (AL 298 trích Familiaris Consortio 84).

Ngọc Huỳnh chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết