“Via Caritatis” – Về Chương VIII của “Amoris Laetitia” (III)

Được nâng đỡ bởi cột trụ lòng thương xót, “Hội Thánh không phải là một trạm thu thuế” được điều khiển bởi “những người kiểm soát ân sủng”, mà là nhà Cha, nơi có chỗ cho từng người với cuộc sống vất vả của họ” (AL 310).

VIA CARITATIS” – VỀ CHƯƠNG VIII CỦA “AMORIS LAETITIA”

 (tiếp theo)

Linh mục Aristide Fumagalli

Thực hành phân định

Tránh việc tin rằng “tất cả mọi thứ đều chỉ có thể là đen hoặc trắng” và nhận diện “những yếu tố có thể thúc đẩy việc Tin Mừng hóa và phát triển nhân bản cũng như thiêng liêng” (AL 293), việc phân định các trường hợp đặc biệt sẽ giúp “tìm ra những cách khả dĩ đáp lại tiếng Chúa và tăng trưởng qua các giới hạn” (AL 305). Về cuộc tìm kiếm đó, cần nhớ rằng “một bước nhỏ, giữa những giới hạn lớn của con người, có thể làm đẹp lòng Chúa hơn là một cuộc sống đúng đắn bên ngoài êm ả trôi qua từng ngày mà không phải đối mặt với bất kỳ khó khăn đáng kể nào” (AL 305 = EG 44).

Đồng thời là cá nhân và là mục vụ, việc phân định có nơi chỗ cụ thể của nó, và đó chính là trong “cuộc trò chuyện” của các tín hữu với linh mục “ở tòa trong” (AL 300). Trạng thái đối thoại của sự phân định cho phép các tín hữu “hiểu rõ hơn về những gì đang xảy ra và […] khám phá ra một lộ trình cho sự trưởng thành cá nhân” và cho phép vị mục tử “đi vào trọng tâm của bi kịch của con người và hiểu được quan điểm của họ, nhằm giúp họ sống tốt hơn và nhận ra vị trí của họ trong Hội Thánh” (AL 312).

Trong cuộc trò chuyện ở tòa trong, các linh mục có nhiệm vụ phải “đồng hành với những người có liên hệ trên con đường phân định dựa theo giáo huấn của Hội Thánh và những hướng dẫn của Giám mục” (AL 300), còn các tín hữu phải “thực hiện một cuộc kiểm thảo lương tâm, qua những lúc hồi tâm và sám hối” (AL 300).

Về vấn đề này, Đức Phanxicô đưa ra một số tiêu chí làm mẫu: những người ly dị tái hôn nên tự hỏi xem mình đã sống thế nào đối với con cái khi mối liên kết vợ chồng đi vào khủng hoảng; tự hỏi xem mình đã có những nỗ lực hòa giải hay không; xem người phối ngẫu bị bỏ rơi đang sống thế nào; mối quan hệ mới có những hậu quả gì trên những người khác trong gia đình và cộng đoàn tín hữu; xem xét mẫu gương nào mình đang cống hiến cho các bạn trẻ đang chuẩn bị hôn nhân (AL 300).

Để thực hành tốt việc phân định, đòi hỏi cả vị linh mục lẫn người tín hữu phải có các “thái độ cơ bản” là “sự khiêm tốn, sự cẩn trọng, lòng yêu mến Hội Thánh và giáo huấn của Hội Thánh, trong tâm thành tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và khao khát đáp lại thánh ý Thiên Chúa cách hoàn hảo hơn”. Nếu không có những đảm bảo cần thiết đó, sự phân định sẽ gặp “nguy cơ nghiêm trọng” của chủ nghĩa cá nhân về mục vụ của linh mục và chủ nghĩa chủ quan cá nhân của các tín hữu, khiến người ta tưởng rằng “Hội Thánh ủng hộ một nền luân lý hai mặt” (AL 300), chỗ công khai tuyên bố một đàng và chỗ riêng tư thực hiện một nẻo.

Nhằm mục đích “đào luyện một phán đoán đúng đắn về những gì gây cản trở khả năng của một sự tham gia đầy đủ hơn vào đời sống của Giáo Hội và về các bước có thể nuôi dưỡng khả năng đó và làm cho nó phát triển” (AL 300), sự phân định không chỉ dừng lại ở việc xác định một bước duy nhất, nhưng vẫn tiếp tục trong việc chỉ dẫn các bước tiếp theo. Vì lý do này, “sự phân định có tính chất năng động và phải luôn luôn mở ra cho những giai đoạn tăng trưởng mới và những quyết định mới giúp thực hiện lý tưởng đầy đủ hơn” (AL 303).

Việc phân định không quy về một hành động tức thời. Điều này loại trừ việc có thể thực hiện phân định trong câu hỏi duy nhất của người tín hữu rằng họ có được lãnh các bí tích hay không, ví như vào những dịp đặc biệt như là dịp rước lễ lần đầu của những đứa con, và trong một câu trả lời duy nhất của linh mục rằng ngài có cho phép hay không Trong những trường hợp đó, linh mục có thể tính đến sự cần thiết của việc phân định được tiến hành theo các tiêu chí đã được quy định.

Việc từ chối có thể là do trách nhiệm của người tín hữu, những người, ít nhất, tôn trọng tính ưu việt của bác ái huynh đệ, “luật thứ nhất của Kitô hữu” (AL 306), phải tránh những hành vi có hại (scandal) cho sự hiệp thông trong Hội Thánh.

Thúc đẩy cuộc hành trình trên con đường đức ái, “việc phân định mục vụ thấm đẫm tình yêu thương xót” (AL 312)  sẽ tránh logic loại trừ và, ngược lại, theo đuổi việc hội nhập đầy lòng thương xót vào trong đời sống Giáo Hội (x. AL 296), là việc có giá trị “cho tất cả mọi người, dù họ đang sống trong bất cứ hoàn cảnh nào” (AL 297). Được nâng đỡ bởi cột trụ lòng thương xót, “Hội Thánh không phải là một trạm thu thuế” được điều khiển bởi “những người kiểm soát ân sủng”, mà là nhà Cha, nơi có chỗ cho từng người với cuộc sống vất vả của họ” (AL 310). Ngay cả đối với những người “phơi bày một tội khách quan”, vẫn có thể có khả năng, nhờ việc phân định mục vụ, nhận ra “một cách thức nào đó để họ tham gia vào đời sống cộng đoàn” (AL 297).

(còn tiếp)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết