Việc phục vụ của các mục tử là “khuyến khích sự trưởng thành của một lương tâm được soi sáng, được đào luyện” để có thể không những chỉ nhận ra “tình cảnh không phù hợp một cách khách quan với các đòi hỏi chung của Tin Mừng”, mà còn, với sự chân thành và trung thực, nhận ra những gì có thể tiến dâng Thiên Chúa, và khám phá, với một sự chắc chắn luân lý nhất định, điều gì là hiến lễ mà Thiên Chúa đang chờ đợi giữa các giới hạn cụ thể của một hoàn cảnh phức tạp, cho dù vẫn chưa hoàn toàn là lý tưởng khách quan (AL 303)
“VIA CARITATIS” – VỀ CHƯƠNG VIII CỦA “AMORIS LAETITIA”
(tiếp theo)
Linh mục Aristide Fumagalli
Lộ trình tiệm tiến
Lý tưởng trọn vẹn của hôn nhân, do những hạn chế và sự mong manh của điều kiện lịch sử, chỉ có thể được các cặp vợ chồng thực hiện một cách không trọn vẹn, bởi lẽ sự hoàn thành của nó sẽ là thực tại cánh chung, trong tương ứng với biến cố chung cuộc của Nước Trời. Suốt dòng lịch sử, hôn nhân, ngay cả là hôn nhân bí tích, vẫn chỉ là một “dấu chỉ không hoàn hảo của tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội” (AL 72), một sự “so sánh loại suy bất toàn” của tình yêu đó (AL 73).
Do đặc trưng của lịch sử cứu độ là “đã và chưa”, “không gia đình nào là hoàn hảo và được kiện toàn một lần dứt khoát, nhưng đòi hỏi một sự phát triển tiệm tiến khả năng yêu thương của mình” (AL 325). Trong ý nghĩa này, so với lý tưởng toàn vẹn của hôn nhân, không có tình cảnh nào là hoàn toàn bình thường và mọi tình huống, vì sự khiếm khuyết của nó, đều có thể được gọi là “bất thường”.[1] Các bất toàn lịch sử của lý tưởng toàn vẹn của hôn nhân tương ứng với sử tính của con người, những người “nhận biết, yêu mến và thực thi sự thiện luân lý theo những giai đoạn tăng triển khác nhau”, và “tiến bộ dần dần, bằng việc hội nhập dần dần giữa các ân huệ của Thiên Chúa với những đòi hỏi của tình yêu dứt khoát và tuyệt đối của Ngài vào trong toàn thể đời sống cá nhân và xã hội của con người” (AL 295). Theo giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II trong Familiaris Consortio, Giáo Hội biết rằng đời sống con người là một “quá trình tiệm tiến”, diễn ra theo “luật tiệm tiến” (FC 34). Cuộc hành trình của con người hướng về sự thiện hảo lý tưởng bao hàm “một sự tiệm tiến trong việc thực hiện cách khôn ngoan các hành động tự do nơi những chủ thể không ở trong điều kiện hiểu biết, đánh giá hoặc thực hành cách đầy đủ các đòi hỏi khách quan của luật” (AL 295).
Được mời gọi “đồng hành với lòng thương xót và sự kiên nhẫn trong các giai đoạn có thể có của sự tăng trưởng của con người như chúng đang được vun đắp từng ngày”, Giáo Hội, trong khi “không làm giảm thiểu lý tưởng Tin Mừng của hôn nhân” và “mặc dù có nguy cơ bị vấy bẩn bùn lầy trên đường”, vẫn không từ bỏ việc tìm kiếm “điều tốt nhất có thể” (AL 308, trích dẫn Evangelii Gaudium 44).
Phân định điều tốt nhất có thể
Trong con đường dần dần hướng về lý tưởng đầy đủ của hôn nhân, điều tốt nhất có thể, so sánh với bước chân của người đi bộ, không thể được xác định bởi “một khoản luật chung mới về Giáo Luật, có thể áp dụng cho tất cả các trường hợp”, nhưng đòi hỏi “một sự phân định cá nhân và mục vụ, với tinh thần trách nhiệm, các trường hợp đặc biệt” (AL 300). Và có ít nhất hai lý do cho điều đó.
Lý do đầu tiên là sự cần thiết phải khắc phục những bất tất của các quy luật chung đối với các trường hợp cụ thể. Nhắc đến lời dạy của Thánh Thomas Aquinas, đến nay vẫn là nhà thần học được trích dẫn nhiều nhất, Đức Phanxicô lưu ý rằng “càng đi xuống những trường hợp riêng biệt, càng gặp thấy điều bất tất” (AL 304). Vậy sự phân định trường hợp đặc biệt sẽ không phải là ngoại lệ cho quy luật chung, nhưng là phần mở rộng của tinh thần của luật trong sự độc đáo của sự kiện, nơi mà văn tự không dẫn nó đến được. Luật pháp, trên thực tế, vẫn theo lời dạy của Thánh Thomas Aquinas, có giá trị trong hầu hết các trường hợp, do đó không phải là tất cả mọi thứ đều có thể (xem. Summa Theologiae, I-II, 94, 4). Điều này không có nghĩa là sự phân định thực tế trong một trường hợp cụ thể, sẽ có thể được nâng lên mức độ một nguyên tắc chung (x. AL 304).
Lý do thứ hai đòi phải có sự phân định các trường hợp đặc biệt thì xuất phát từ thực tế là “việc quy tội hoặc trách nhiệm một hành động nào đó có thể được giảm thiểu và thậm chí có thể được loại bỏ” (AL 302) bởi những hoàn cảnh giảm khinh và những yếu tố điều kiện hóa. Trong khía cạnh này, giáo lý truyền thống của Giáo Hội dạy rằng trách nhiệm chủ quan trong việc đáp ứng các đòi hỏi khách quan của lý tưởng thiện hảo do các nguyên tắc chung đưa ra, sẽ bị điều kiện hóa bởi các yếu tố hạn chế nhận thức và sự tự nguyện.
Lời nhắc nhở của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Liên quan đến những điều kiện này, Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo trình bày một cách quyết đoán: “Việc quy tội và trách nhiệm một hành động nào đó có thể được giảm thiểu và thậm chí có thể được loại bỏ vì lý do không biết, không chú ý, do áp lực, do cưỡng ép, do sợ hãi, do thói quen, do quá gắn bó và do các nguyên nhân khác về tâm thần hoặc xã hội” (số 1735). Trong một đoạn khác, Sách Giáo Lý cũng đề cập đến những hoàn cảnh làm giảm nhẹ trách nhiệm luân lý, và đề cập khá dài, sự non nớt về tình cảm, sức mạnh của các thói quen đã thủ đắc, trạng thái lo âu hoặc các yếu tố tâm lý và xã hội khác (số 2352). Do đó, một phán quyết tiêu cực về một tình cảnh khách quan không bao hàm một phán quyết về việc quy trách nhiệm hoặc mức phạm lỗi của người liên hệ (AL 302). Các giới hạn có thể có của việc quy tội và trách nhiệm đòi hỏi phải phân biệt giữa tình cảnh khách quan là tội và tình trạng chủ quan của người đang ở trong tình cảnh đó.[2] Như giáo huấn luân lý truyền thống đã dạy, “chất liệu nghiêm trọng” khách quan chưa đủ để xác quyết tội chết, mà để là tội chết, còn phải xác định các điều kiện chủ quan của “sự nhận thức đầy đủ” và của “sự ưng thuận tự do”. Dựa trên những sự phân biệt đó, phải nhìn nhận rằng trong một tình cảnh khách quan là tội lỗi – mà chủ quan không phải là tội lỗi hay không hoàn toàn là tội lỗi – người ta có thể sống trong ân sủng của Thiên Chúa, có thể yêu thương, và cũng có thể tăng trưởng trong đời sống ân sủng và bác ái (AL 305).
Việc quy tội chủ quan một tình cảnh khách quan sẽ không thể bỏ qua lương tâm cá nhân của những người liên quan. Đề cập đến một số tình cảnh không thực hiện một cách khách quan quan niệm hôn nhân của Giáo Hội, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “lương tâm của con người phải được tham gia tốt hơn vào việc thực hành của Giáo Hội”.
Công nhận “chúng ta cảm thấy khó khăn khi muốn dành chỗ cho lương tâm của các tín hữu”, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng “chúng ta được mời gọi để đào tạo các lương tâm chứ không thay thế các lương tâm” (AL 37). Việc phục vụ của các mục tử, khi ấy, là việc “khuyến khích sự trưởng thành của một lương tâm được soi sáng, được đào luyện” để có thể không những chỉ nhận ra “tình cảnh không phù hợp một cách khách quan với các đòi hỏi chung của Tin Mừng”, mà còn, với sự chân thành và trung thực, nhận ra những gì có thể tiến dâng Thiên Chúa, và khám phá, với một sự chắc chắn luân lý nhất định, điều gì là hiến lễ mà Thiên Chúa đang chờ đợi giữa các giới hạn cụ thể của một hoàn cảnh phức tạp, cho dù vẫn chưa hoàn toàn là lý tưởng khách quan (AL 303).
(còn tiếp)
Chú thích:
[1] “Niềm vui lớn lao của tôi về văn kiện này nằm ở chỗ là nó, một cách rất nhẹ nhàng mạch lạc, vượt quá sự phân chia giả tạo, bên ngoài, rõ ràng giữa “hợp quy tắc” và “bất hợp quy tắc”, và đặt tất cả dưới ‘via caritatis”, cảnh vực chung của Tin Mừng, theo lời của Thánh Phaolô: “Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội bất tuân, để thương xót mọi người!” (Rm 11,32)”: C. Schönborn, Cuộc họp báo trình bày Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng của Đức Phanxicô Amoris Laetitia, về tình yêu trong gia đình, 08/04/ 2016
[https://press.vatican.va/content/salastampa/it/bollettino/pubblico/2016/04/08/0241/00531.html#sch].
[2] Tôi đã đào sâu điểm này và những áp dụng của nó đối với vấn đề các tín hữu ly dị tái hôn lãnh nhận các bí tích trong bài nghiên cứu: Divorziati risposati e sacramenti. Modificare la prassi, «Il Regno – Attualità», 60 (2015), 6, pp. 420-427.
(Giuse Ngọc Huỳnh chuyển ngữ)