Bạo lực chống lại các cộng đồng tôn giáo cũng như việc bách hại tự do tôn giáo đã gia tăng tại Indonesia vào năm 2016, theo Báo cáo về tự do tôn giáo tại Indonesia năm 2016, được thực hiện và công bố bởi ‘Viện nghiên cứu Wahid’ – một trung tâm nghiên cứu có trụ sở tại Jakarta năm 2004 và được đề tên bởi cựu tổng thống Indonesia Abdurrahman Wahid- được biết đến như một lãnh tụ Hồi giáo nổi tiếng. Viện này – hoạt động bởi các nhà nghiên cứu Hồi giáo – đã thường xuyên theo dõi vấn đề tự do tôn giáo tại Indonesia từ năm 2008.
Năm 2016, theo Báo cáo gửi cho Fides, đã có ít nhất 204 vụ và 313 hành vi ngược đãi đối với các cộng đồng tôn giáo, đặc biệt là các nhóm thiểu số, tăng khoảng 7% so với năm 2015, trong đó số vụ vi phạm là 190 vụ và 249 hành vi bạo lực.
Theo như báo cáo nhấn mạnh, phần lớn các vi phạm (130 vụ) vào năm 2016 được tiến hành bởi các cơ quan chính phủ, còn lại là các hoạt động của các đơn vị không thuộc chính phủ, như các đơn vị tư nhân, các tổ chức, cá nhân hoặc các nhóm công dân.
“Nếu xem xét các vụ vi phạm đã được khảo sát vào đầu năm 2017, số vụ vi phạm tăng lên thêm 7%”, Alamsyah M Jafar – một nhà nghiên cứu tại “Viện Wahid”, cho biết.
Quan sát sự phân bố bạo lực tại các khu vực khác nhau của quần đảo Indonesia, các vụ vi phạm tự do tôn giáo xảy ra tại 25 tỉnh thành: phần lớn tại Tây Java (46 vụ), tiếp đến là tỉnh Aceh tại Sumatra (36 vụ), sau đó là khu vực đô thị Jakarta (23 vụ), Yogyakarta (10 vụ), Đông Java (9 vụ), Lampung (8 vụ), Banten và trung tâm Java (mỗi nơi 7 vụ).
Ngay cả báo chí Kitô giáo cũng như các cộng đồng Công giáo tại Indonesia cũng đã nói về Báo cáo. Linh mục Paulus Rusbani Setyawan – người đứng đầu Ủy ban Giáo dân của Giáo phận Bandung, thủ phủ tỉnh Tây Java, 97% là người Hồi giáo – đã có một số nhận định về Báo cáo và phát biểu với Fides: “Nếu chúng ta nhìn vào đời sống hàng ngày của người dân tại Tây Java, chúng ta có thể nhận ra rằng, theo nguyên tắc chung, người dân không quan tâm đến các vấn đề sắc tộc hay tôn giáo khi liên hệ với những người khác. Về cơ bản, chúng ta có thể nhận thấy việc chung sống hòa bình của những người dân nơi đây”.
Tuy nhiên – Linh mục Setyawan cho biết thêm, “thái độ không khoan dung – mà sau đó đã đầu độc xã hội bằng một loại vi rút của việc không dung nạp và bạo lực – chính là kết quả của những lời dạy của một số nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị – những người nói về tính ưu việt của một cộng đồng so với những cộng đồng khác”.
“Có một thực tế đáng buồn và hết sức nghiêm trọng rằng một số nhà lãnh đạo xã hội hay tôn giáo, thậm chí ngay cả một số nhà giáo dục tại các trường công, dù cố ý hay không, đã gieo rắc thái độ bất khoan dung và phân biệt đối xử trong xã hội Indonesia”.
Chẳng hạn như, “chân lý của một tôn giáo được nhấn mạnh và của các tôn giáo khác thì bị phỉ báng, hoặc các nghi thức và việc thực hành đức tin của các sinh viên với những niềm tin khác lại bị nhạo báng”, linh mục Setyawan cho biết. “Nếu để cho những thái độ mang tính đầu độc này sinh sôi này nở, người ta sẽ phá huỷ đi sự hiệp nhất và tính toàn vẹn của người dân Indonesia”, linh mục Setyawan cảnh báo. Linh mục Setyawan đồng thời cũng muốn nhắc nhở rằng “diện mạo thực sự của Indonesia chính là việc cùng chung sống trong hòa bình, tinh thần bao dung và sự tha thứ”.
Minh Tuệ chuyển ngữ