Vị Linh mục DCCT được trả tự do nói về thời gian bị giam cầm ở Nga

Mặc dù bị tra tấn, Cha Bohdan Heleta DCCT vẫn cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa và lời cầu nguyện của các tín hữu trên khắp thế giới.

(Ảnh: ATORY CREDIT/ AFP/ Dịch vụ báo chí của Tổng thống Ukraine)

(Ảnh: ATORY CREDIT/ AFP/ Dịch vụ báo chí của Tổng thống Ukraine)

Một Linh mục người Ukraine đã bị giam cầm ở Nga một năm rưỡi cầu nguyện để những người khác sẽ có được niềm hy vọng trong những cuộc đấu tranh hàng ngày vốn đã giúp ngài vượt qua thử thách này.

“Đừng đánh mất hy vọng. Nếu bạn cảm thấy buồn, nghi ngờ hoặc đang trải qua những tình huống bi thảm trong cuộc sống”, Cha Bohdan Heleta DCCT (còn được viết là Geleta) đã nói như vậy trong cuộc phỏng vấn truyền hình đầu tiên kể từ khi ngài và Cha Ivan Levytskyi DCCT được trả tự do vào tháng 6.

“Hãy cố gắng hướng về Chúa. Hãy phó thác bản thân và hoàn cảnh của bạn cho Ngài để Ngài có thể hiện diện trong cuộc sống của bạn và ngự trị trong trái tim bạn. Ngài hành động — Ngài luôn hành động — và Ngài luôn chờ đợi quyết định của chúng ta, để chúng ta thưa xin vâng với Ngài, để chúng ta đồng ý với Ngài. Vì vậy, hãy cầu nguyện, cầu nguyện thật nhiều, hướng về Chúa, thay đổi bản thân và thay đổi thế giới xung quanh bạn”.

Phát biểu với người phỏng vấn của Đài truyền hình Zhyve vào ngày 22 tháng 8, đài truyền hình của Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine tại Kyiv, Ukraine, Cha Bohdan đã mô tả áp lực tâm lý mà ngài phải chịu trong tù, đồng thời cho biết rằng ngài không bị tra tấn về thể lý.

Cha Bohdan, 59 tuổi (trong bức ảnh trên, thứ hai từ trái sang), và Cha Ivan, 47 tuổi (bên trái), đã được trả tự do vào ngày 28 tháng 6, cùng với một số thường dân Ukraine khác. Trong nhiều tháng, không có tin tức gì từ họ hoặc về họ.

Khi công bố tin tức về việc họ được trả tự do, Tổng thống Ukraine Voldymyr Zelenskyy đã cảm ơn Vatican vì đã giúp đỡ trong việc yêu cầu Nga trao trả 2 Linh mục.

Hai Linh mục DCCT người Ucraine, Cha Ivan Levytskyi và Cha Bohdan Heleta, được Nga trả tự do (Ảnh: AFP)

Hai Linh mục DCCT người Ukraine, Cha Ivan Levytskyi và Cha Bohdan Heleta, được Nga trả tự do (Ảnh: AFP)

Phục vụ các tín hữu Công giáo Hy Lạp và La tinh

2 Linh mục phục vụ tại Nhà thờ Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria ở Berdyansk, một thành phố nhỏ trên Biển Azov, phía tây nam Mariupol. Họ là những Linh mục Công giáo Hy Lạp nhưng sau khi quân đội Nga chiếm đóng thị trấn của họ bắt đầu từ ngày 27 tháng 2 năm 2022, họ đã phục vụ cho cả cộng đồng Công giáo Hy Lạp lẫn Công giáo La Mã.

Cộng đoàn của họ đã giảm sút, khi quân đội Nga tiến quân và nhiều cư dân chạy trốn về phía tây đến Ukraine không có người ở. Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Cha Bohdan đã nhắc lại việc đi bộ quanh Berdyansk gần như hoang vắng và cảm thấy như mình đang ở trong một bộ phim khoa học viễn tưởng.

Nhưng những người dân phải di tản trong nước từ những nơi như Mariupol bắt đầu đổ về thị trấn trên đường đến nơi an toàn, và dòng người tị nạn này đã thuyết phục 2 vị Linh mục ở lại và giúp đỡ bất kỳ ai cần thức ăn, nơi trú ẩn và sự hỗ trợ tinh thần. Lúc đầu, Cha Heleta cho biết, chính quyền chiếm đóng đã dung túng cho các hoạt động tôn giáo của ngài và Cha Levytskyi, bao gồm cả việc thường xuyên tụ họp của các Kitô hữu địa phương tại một địa điểm trên bờ biển để đọc Kinh Mân Côi.

“Chúng tôi cử hành Phụng vụ, cầu nguyện và gặp gỡ mọi người”, Cha Bohdan cho biết.

 Nhưng vào ngày 16 tháng 11 năm 2023, khi Cha Heleta đang chuẩn bị cử hành Thánh lễ, “hai người đeo mặt nạ” đã mang theo vũ khí xông vào nhà thờ.

“Họ xuất hiện và nói bằng tiếng Nga: ‘Đi theo chúng tôi’”, Cha Heleta kể lại. “Tôi hỏi họ bằng tiếng Ukraina rằng họ muốn gì, tại sao họ lại xông vào nhà thờ với trang phục như vậy. Họ nói với tôi rằng họ không hiểu tiếng Ukraine. Tôi chuyển sang tiếng Nga. Sau đó, tôi thay áo lễ ra và đi cùng họ đến trại giam trung ương trước khi xét xử ở Berdyansk. Và ở đó họ lập biên bản rằng Cha Ivan và tôi đã vi phạm một số quy định. Chúng tôi phải xin phép chính quyền để được cầu nguyện trong thành phố”.

“Chúng tôi nghe thấy những tiếng la hét”

Cha Heleta phát hiện ra rằng Cha Ivan đã bị bắt tại thị trấn và đã bị giam giữ trong một phòng giam tại cùng một cơ sở. Các thành viên của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã sớm xuất hiện. Cuối cùng, những điệp viên này đã đề nghị thỏa thuận với 2 Linh mục nếu họ “hợp tác”, nhưng các Linh mục đã từ chối, Cha Heleta nói. Các nhóm sản xuất tài liệu tuyên truyền cũng đã đến, tiến hành phỏng vấn các Linh mục.

 “Chúng tôi cũng có thể nghe thấy những tiếng la hét từ phòng giam của mình ở hành lang, vì có một phòng giam nơi người ta bị tra tấn”, Cha Heleta nói. “Thật kinh hoàng”.

 Các Linh mục được chuyển từ cơ sở này sang cơ sở khác, và tại một thời điểm, Cha Heleta bị giam giữ biệt lập, ngài nói. Ở đó, các viên chức nhà tù “phát những bài hát Liên Xô” vào phòng giam của ngài “suốt cả ngày”.

“Lúc đó tôi mới nhận ra con người ta phát điên thế nào”, Cha Heleta nói. “Lúc đó tôi mới nhận ra tại sao người ta lại tự tử”.

Trong một nhà tù khác, Cha Heleta cho biết, các viên chức “hành hạ tôi hầu như mỗi ngày” và Cha Ivan đã bị “đánh đập rất dã man đến nỗi ngài đã bất tỉnh hai lần”.

Họ và những tù nhân khác được cung cấp ba bữa ăn một ngày, nhưng để có được những bữa ăn như vậy, họ phải chắp hai tay sau lưng và cúi đầu xuống chạy vào căng tin, rồi phải chạy qua một loạt các lực lượng đặc biệt, những người sẽ đánh đập họ. Khi họ cuối cùng ngồi xuống để ăn, họ sẽ bị sốc điện.

Mặc dù họ bị bắt giữ như thường dân, các viên chức vẫn cấp cho họ đồng phục để mặc, và “chúng tôi là tù nhân chiến tranh, chúng tôi cũng giống như mọi người khác”.

Hai Linh mục DCCT người Ucraine, Cha Ivan Levytskyi và Cha Bohdan Heleta, được Nga trả tự do (Ảnh: Vatican News)

Hai Linh mục DCCT người Ukraine, Cha Ivan Levytskyi và Cha Bohdan Heleta, được Nga trả tự do (Ảnh: Vatican News)

Bị coi là thành viên của một giáo phái

Việc họ là Linh mục Công giáo cũng chẳng giúp ích gì. “Từ phản ứng của họ, từ cuộc trò chuyện của họ, tôi kết luận rằng Giáo hội của chúng tôi là một giáo phái đối với họ”, Cha Heleta nói về các viên chức và lính canh nhà tù.

“Đối với họ, chúng tôi là một giáo phái tách biệt khỏi Chính thống giáo, và họ là Chính thống giáo, họ thực sự ca ngợi Thiên Chúa. Thực sự, nhưng họ đánh đập người ta, bạn biết không? Đó là sự cuồng tín tôn giáo. … Cả Giáo hội Công giáo Hy Lạp lẫn chúng tôi, những Linh mục đó, là một giáo phái trong Giáo hội này, những người cần phải bị xóa bỏ, phải bị cô lập khỏi xã hội và phải bị thanh trừng”.

Lúc đầu, họ được yêu cầu không được giao tiếp với các tù nhân khác, nhưng cuối cùng họ đã có thể tổ chức các buổi cầu nguyện ngắn và thậm chí giải tội.

Cuối cùng, vào ngày 3 tháng 5, “một nhân vật quan trọng” đã đến từ Moscow – một thanh tra viên liên quan đến các vấn đề của tù nhân – và các Linh mục biết rằng “đó là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó đang xảy ra” dẫn đến việc họ được trả tự do.

“Sau đó, chúng tôi cảm thấy mọi việc đang tiến triển và chúng tôi biết rằng có điều gì đó đang được thực hiện”, Cha Heleta nói.

Có lẽ các Linh mục và các tù nhân khác không biết rằng đã có những cuộc đàm phán diễn ra dẫn đến việc trao đổi tù nhân. Những cuộc đàm phán đó liên quan đến Vatican.

Sau khi các Linh mục được trả tự do, Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk, lãnh đạo của Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine, đã cảm ơn ngoại giao đoàn Vatican, đặc biệt là Đức Hồng y Matteo Zuppi và Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine, Đức Tổng Giám mục Visvaldas Kulbokas.

Tại Hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ một tuần lễ trước đó, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Vatican, đã nói về khả năng của Tòa Thánh trong việc duy trì đường dây liên lạc mở với Kyiv và Moscow cũng như sự sẵn sàng hỗ trợ làm trung gian.

Hiện tại đã được tự do, Cha Heleta cho biết ngài quyết tâm làm chứng về sự gần gũi của Thiên Chúa mà ngài cảm nhận khi bị giam cầm. Ngài cũng không muốn thế giới bỏ quên những người Ukraine vẫn còn nằm trong tay người Nga.

“Họ muốn được hỗ trợ, họ muốn những lời cầu nguyện cho họ, họ muốn cảm thấy rằng họ không bị lãng quên”, Cha Heleta nói.

Và Cha Heleta muốn mọi người biết rằng những trải nghiệm của ngài và Cha Ivan xảy ra vì một lý do. “Họ được tạo dựng để nâng đỡ nhiều người và mang lại cho họ hy vọng”, Cha Heleta nói. “Và niềm hy vọng này được ban tặng bởi Thiên Chúa”.

Minh Tuệ (theo Aleteia)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết