Linh mục Otfried Chan – Tổng thư ký Hội đồng Giám mục khu vực Trung Quốc, bao gồm Đài Loan – đã đề cập đến việc liệu thỏa thuận có thể khiến cho mối quan hệ ngoại giao của Tòa Thánh với Đài Bắc bị đe dọa hay không, đồng thời cho biết rằng ngài nghĩ rằng tình trạng của mối quan hệ ngoại giao cuối cùng có thể thay đổi, nhưng quả quyết rằng Vatican sẽ “không bỏ rơi” các tín hữu Công giáo tại Đài Loan.

Linh mục Otfried Chan, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục khu vực Trung Quốc, phát biểu với các nhà báo hôm 24 tháng 10 năm 2019. (Ảnh: Elise Harris / Crux)
Đài Bắc – Một quan chức hàng đầu của Giáo hội Công giáo Đài Loan đã bày tỏ sự nghi ngờ rằng thỏa thuận bí mật gây tranh cãi giữa Vatican và Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục thực sự chỉ tồn tại trên giấy tờ, đồng thời cho thấy rằng thỏa thuận này hơn nữa là một cuộc đấu khẩu thay vì mang tính cách nghi thức. Cha Otfried Chan – Tổng thư ký Hội đồng Giám mục khu vực Trung Quốc, bao gồm Đài Loan – cũng đã đề cập đến việc liệu thỏa thuận có thể khiến cho mối quan hệ ngoại giao của Tòa Thánh với Đài Bắc bị đe dọa hay không, đồng thời cho biết rằng ngài nghĩ rằng tình trạng của mối quan hệ ngoại giao cuối cùng có thể thay đổi, nhưng quả quyết rằng Vatican sẽ “không bỏ rơi” các tín hữu Công giáo tại Đài Loan. Mặc dù khẳng định rằng ngài không nói với bất kỳ ai khác ngoài tự nhủ lòng mình, Cha Chan đã phát biểu với các nhà báo hôm 24 tháng 10 rằng ngài đã nghe “những lời đồn đoán” rằng thỏa thuận của Vatican với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục “không tồn tại, chỉ trong tâm trí của mọi người, chứ không phải trên giấy tờ”. Tháng 9 năm ngoái, Vatican đã công bố “thỏa thuận tạm thời” với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục, nhưng các điều khoản của thỏa thuận bí mật chưa bao giờ được công khai. Người ta tin rằng nó cho phép các quan chức Trung Quốc đề xuất các giám mục để Đức Giáo hoàng phê chuẩn. Điều khoản duy nhất được công khai tại buổi công bố thỏa thuận đó chính là quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc giải vạ tuyệt thông cho bảy giám mục được tấn phong bởi chính quyền Trung Quốc mà không có sự chấp thuận của Đức Giáo hoàng, có nghĩa là họ đã phục vụ một cách bất hợp pháp cho đến khi thỏa thuận được ký kết. Ghi nhận những tranh cãi xung quanh quyết định giữ bí mật thỏa thuận, Cha Chan cho biết ngài nghĩ rằng “có lẽ có một số sự thật” về những lời đồn đoán rằng không có thỏa thuận chính thức nào về mặt giấy tờ, “bởi vì nếu như Bắc Kinh đã ký kết bất cứ điều gì được viết trong một văn kiện, họ sẽ không đàn áp các Kitô hữu như hiện nay”. Cha Chan đã đề cập đến những câu chuyện xuất phát từ Trung Quốc kể lại việc các nhà chức trách thường xuyên đàn áp đời sống tôn giáo ở nước này, bao gồm cả việc tháo dỡ Thánh giá khỏi các nhà thờ và phá hủy các bức tượng về Đức Trinh Nữ Maria. Theo những gì trong bản tin, Cha Chan nói, không phải là “một cuộc đối thoại”, mà là “một cuộc độc thoại”, trong đó nhiều quan chức của Vatican đã ra sức bảo vệ thỏa thuận này, trong khi các quan chức Công giáo khác lại chỉ trích nó, thế nhưng không có bất kỳ lời nào từ phía Trung Quốc. “Tuy nhiên, Bắc Kinh nói bằng hành động chứ không phải bằng lời nói hoặc bằng tài liệu văn bản”, Cha Chan nói. “Vì vậy, những sự việc đang xảy ra đó chính là họ đang tăng cường việc đàn áp tôn giáo thêm rất nhiều, họ không chân thành, họ không quan tâm đến việc xây dựng quan hệ ngoại giao với Vatican và tôi thiết nghĩ Tòa Thánh giờ đây đã hiểu điều này”. Nếu có một thỏa thuận bằng văn bản, Bắc Kinh sẽ nắm giữ, Cha Chan nói, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng rằng thỏa thuận này chủ yếu được thực hiện với ý định “làm cho một số giám mục bất hợp pháp trở nên hợp pháp, nhằm hợp pháp hóa địa vị của họ, đồng thời tạo sự thống nhất giữa Giáo hội hầm trú và Giáo hội chính thức. Tôi nghĩ rằng, mục tiêu của thỏa thuận, nhưng nó trông như thế nào, không ai biết đến”. Phát biểu với các nhà báo từ trụ sở Hội đồng Giám mục khu vực Trung Quốc, Cha Chan thừa nhận rằng Đức Giáo hoàng, với tư cách là một nhà lãnh đạo tinh thần, có trách nhiệm chăm sóc các tín hữu Công giáo trên toàn thế giới, và chính vì điều này, “Ngài phải chăm sóc đàn chiên của mình tại Trung Quốc cũng như sự hiệp nhất giữa Giáo hội chính thức và Giáo hội Vatican”.
“Đó chính là bổn phận của Đức Giáo hoàng, chứ không phải là nhiệm vụ của các chính trị gia”, Cha Chan nói, “nhưng để làm điều này, Ngài cần phải đối thoại với Bắc Kinh. Nhưng cuộc đối thoại này đã thất bại. Nó không thành công, đó là một thực tế”.
Khi được hỏi lý do tại sao chiến lược ‘Ostpolitik’ của Vatican trong việc chiến đấu với chủ nghĩa cộng sản, vốn dường như có hiệu quả hơn ở châu Âu, lại không hoạt động với Trung Quốc, Cha Chan cho biết một phần lý do đó chính là văn hóa, bởi vì châu Âu có nguồn gốc Kitô giáo sâu sắc hơn, trong khi khái niệm Kitô giáo vẫn còn tương đối mới đối với văn hóa Trung Quốc.
Ban đầu, ‘Ostpolitik’ là một thuật ngữ vào cuối những năm 1960 để mô tả việc bình thường hóa quan hệ giữa hai miền của nước Đức. Sau đó, nó cũng đề cập đến những nỗ lực dưới thời của Đức Phaolô VI để tham gia cùng với các chế độ cộng sản Đông Âu thông qua việc thỏa hiệp và những thỏa thuận với mục đích xây dựng những lợi ích vụn vặt theo thời gian.
Cách tiếp cận cơ bản tương tự đã được sử dụng bởi tất cả mọi Giáo hoàng kể từ đó với Trung Quốc, cho đến nay và kể cả Đức Phanxicô – ngoại trừ Đức Gioan Phaolô I, người chỉ tại vị có 33 ngày đã không cho phép Ngài dành nhiều thời gian cho các vấn đề quốc tế.
Lưu ý rằng đã có những chỉ trích mạnh mẽ đối với cách tiếp cận ‘Ostpolitik’ của Vatican đối với Trung Quốc, bao gồm cả nguyên Tổng Giám mục Địa phận Hồng Kông, Đức Hồng y Joseph Zen, Cha Chan cho biết rằng trong khi không phải lúc nào ngài cũng đồng ý với các cách thức của Đức Hồng y Zen, ngài cho rằng lập trường của Đức Hồng y Zen là mang tính “tiên tri”.
Phát biểu về lo ngại rằng Tòa Thánh sẽ bỏ rơi mối quan hệ ngoại giao với Đài Bắc, liệu rằng Bắc Kinh có mở cửa cho việc thiết lập quan hệ chính thức, Cha Chan cho biết ngài hy vọng rằng tình trạng quan hệ có thể thay đổi nhưng đồng thời tin chắc rằng Vatican sẽ không bỏ rơi Đài Loan.
Cộng hòa Trung Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh vào năm 1942 khi Bộ trưởng ngoại giao đã được chỉ định, đến Rome vào năm 1943.
Sau cuộc nội chiến Trung Quốc, Chủ tịch Tưởng Giới Thạch khi đó vào năm 1949 đã chạy trốn sang đảo Đài Loan cùng với chính phủ của ông, trong khi những người cộng sản đã thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên đất liền.
Theo chính sách “Một Trung Quốc” (One China) sau đó, các chính phủ đã củng cố quan hệ ngoại giao hoặc với Đài Bắc hoặc Bắc Kinh, nhưng không phải cả hai, bởi vì không có quốc gia nào chính thức công nhận Đài Loan như là một quốc gia độc lập.
Cho đến thập niên 1970, hầu hết các nước phương Tây đều đã chuyển đại sứ quán sang Bắc Kinh. Hiện tại, chỉ có 15 quốc gia giữ quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc. Vatican là quốc gia duy nhất ở châu Âu làm như vậy.
Trong cuộc họp vào tháng 5 năm 2018 với ĐTC Phanxicô như một phần của chuyến thăm “ad limina” đến Rome, một chuyến viếng thăm diễn ra cứ khoảng mỗi 5 năm một lần trong đó các Giám mục sẽ gặp Đức Giáo hoàng và các ban ngành khác nhau của Vatican để thảo luận về tình hình của Giáo hội địa phương của họ, các Giám mục Đài Loan đã đề cập đến vấn đề này.
Theo Cha Chan, người từng làm phiên dịch trong cuộc họp, cả Đức Giáo hoàng và Ngoại trưởng Vatican, Đức Hồng y Pietro Parolin, đều đã khẳng định rằng “Giáo hội không bao giờ bỏ rơi đàn chiên của mình”.
Thậm chí ngay cả khi Tòa Thánh chọn việc củng cố mối quan hệ chính thức với Bắc Kinh, thì thông điệp đó chính là “điều đó không có nghĩa là chúng ta quên Đài Loan và từ bỏ Đài Loan”, Cha Chan nói.
“Tôi không loại trừ việc tình hình của Đài Loan có thể thay đổi. Tôi có thể tưởng tượng điều đó, nhưng không bao giờ có thể là một sự rút lui và sau đó Đài Loan sẽ bị bỏ rơi. Không, không thể”, Cha Chan nói, đồng thời bày tỏ sự xác quyết rằng dù mọi thứ có vẻ không ổn, Đài Loan sẽ không bị lãng quên.
Minh Tuệ (theo Crux)