
Tu viện Dòng Thừa sai Bác ái tọa lạc tại khuôn viên Giáo xứ Thánh Gia, nhà thờ Công giáo duy nhất ở Gaza, đã bị hư hại do hỏa tiễn đâm trúng vào ngày 16 tháng 12 năm 2023 (Ảnh: Tòa Thượng phụ nghi lễ Latinh tại Giêrusalem)
Vị Linh mục của Giáo xứ Công giáo duy nhất ở Gaza đang kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tìm kiếm hòa bình, đồng thời cho biết rằng Gaza đã “trở thành một cái lồng” trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra tại đây.
Cha Gabriel Romanelli là Cha sở của Giáo xứ Thánh Gia ở Gaza, nơi đã trở thành địa điểm trú ẩn cho cộng đồng thiểu số Kitô giáo ở vùng Gaza bị chiến tranh tàn phá.
Khu phức hợp của Giáo xứ đã được chuyển đổi thành nơi trú ẩn tạm thời vào đầu cuộc chiến giữa nhóm khủng bố Hamas và Israel, bắt đầu cách đây gần một năm rưỡi khi Hamas phát động cuộc xâm lược Israel vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, làn thiệt mạng hơn 1.200 đàn ông, phụ nữ và trẻ em Israel và bắt giữ 251 con tin.
59 con tin hiện vẫn còn bị giam cầm, trong đó có 35 người mà Israel tin rằng đã chết.

Đức Thánh Cha Phanxicô trò chuyện qua điện thoại trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô tạiVatican vào ngày 17 tháng 5 năm 2023. Đức Thánh Cha đã gọi điện đến Giáo xứ Công giáo Thánh Gia ở Gaza hầu như mỗi buổi tối kể từ ngày 9 tháng 10 năm 2023 (Ảnh: ANDREAS SOLARO/ AFP/ Getty Images)
Đức Thánh Cha Phanxicô đã thường xuyên gọi điện đến Giáo xứ Công giáo ở Gaza kể từ ngày 9 tháng 10 năm 2023, thậm chí vẫn tiếp tục gọi điện khi đang trong tình trạng nguy kịch tại bệnh viện.
Cha Romanelli cho biết Giáo xứ vẫn đang hoạt động “hữu hiệu” nhưng kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tìm kiếm hòa bình trong cuộc phỏng vấn với Vatican News hôm thứ Tư, ngày 9 tháng 4.
Cha Romanelli cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô về cuộc gọi gần đây nhất của ngài và nói rằng mọi người “rất vui khi nghe ngài gọi điện hỏi thăm”.
Đức Thánh Cha đã “gọi điện, chào hỏi chúng tôi, hỏi thăm tình hình của chúng tôi và mọi người thế nào”, Cha Romanelli nói với Vatican News.
Giáo xứ là nơi trú ẩn tạm thời của 500 người, chủ yếu là các tín đồ Chính thống giáo, Tin lành và Công giáo nhưng cũng có một số trẻ em Hồi giáo và gia đình của họ. Cha Romanelli cho biết những người trú ngụ tại nơi trú ẩn “vẫn ổn cho đến hiện tại” nhưng nguồn tiếp tế rất ít.
Cha Romanelli cũng cảm ơn Đức Hồng y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Công giáo nghi lễ La tinh của Giêrusalem, vì “sự giúp đỡ liên tục” của ngài.
“Cùng với 500 người tị nạn và những người Hồi giáo lân cận ở khu Zeitoun, hiện tại chúng tôi vẫn ổn”, ngài nói.
Nhưng Cha Romanelli lưu ý rằng “mọi thứ đang bắt đầu cạn kiệt”.
“Gaza là một nơi giam hãm tù túng — nó đã trở thành một cái lồng, một cái lồng khổng lồ”, Cha Romanelli nói.
“Chúng tôi giúp đỡ tất cả mọi người, cả các Kitô lẫn những người không phải là Kitô hữu”, Cha Romanelli nói. “Chúng tôi nỗ lực thực sự trở thành khí cụ hòa bình cho tất cả mọi người”.
Cha Romanelli nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và đồng thời cho biết điều cần thiết là phải “thuyết phục mọi người, tất cả các nhà lãnh đạo thế giới rằng hòa bình là điều khả thi”.
“Chừng nào cuộc xung đột vũ trang này còn tiếp diễn thì sẽ không có vấn đề nào thực sự được giải quyết”, Cha Romanelli cho biết.
Ngài cũng nói thêm rằng điều quan trọng là phải “thuyết phục theo cách mà cuộc chiến này kết thúc với những điều kiện có lợi cho người dân”, cho “cả người Palestine lẫn người Israel”.
Minh Tuệ (theo CNA)