Sau các vụ thảm sát trong Tuần Thánh năm nay tại các bang Plateau và Benue của Nigeria, được cho là đã khiến hơn 170 người thiệt mạng, Cha sở Giáo xứ Thánh Giuse Aboki thuộc Giáo phận Katsina-Ala đã chia sẻ lời chứng tận mắt về các vụ tấn công đẫm máu này. Theo ngài, các vụ tấn công do những người chăn gia súc Fulani thực hiện.
Hơn 170 Kitô hữu được cho là đã bị sát hại trong Mùa Chay và Tuần Thánh tại Vành đai Trung tâm của Nigeria, riêng tại bang Benue đã ghi nhận ít nhất 72 trường hợp bị giết hại trong Tam Nhật Vượt Qua, từ ngày 18 đến 20 tháng Tư.
Các vụ tấn công, bị cáo buộc do các chiến binh Fulani thực hiện, đã nhắm vào các cộng đồng nông dân Kitô giáo tại các huyện Ukum và Logo, làm dấy lên lo ngại về sự bách hại tôn giáo cũng như sự thờ ơ của chính quyền tại quốc gia Tây Phi này.
Trong cuộc phỏng vấn với ACI Africa – đối tác tin tức của CNA tại châu Phi – vào ngày 29 tháng Tư, Linh mục Moses Aondoanenge Igba đã chia sẻ chứng từ tận mắt về sự kinh hoàng xảy ra từ Thứ Năm Tuần Thánh đến Thứ Sáu Tuần Thánh.
“Đó là một cuộc tàn sát quy mô lớn. Tôi có thể nói rằng đã có trên 70 người bị sát hại vào thời điểm đó. Sau vụ tấn công, người dân tiếp tục đi tìm người thân bị mất tích. Khi không tìm thấy anh chị em hay họ hàng của mình, họ đổ ra các khu rừng tìm kiếm và lần theo mùi hôi để phát hiện những thi thể đang phân hủy”, Cha Igba kể lại với ACI Africa.
Cha Igba mô tả các vụ tấn công đẫm máu ấy là hành vi có tổ chức và được thực hiện một cách có hệ thống. “Những sự việc đã xảy ra vào Thứ Năm Tuần Thánh đó – tôi gọi là Thứ Năm Đen – và ngày kế tiếp, Thứ Sáu Đen, là một vụ tấn công quy mô lớn và một cuộc thảm sát dã man những người dân vô tội trong cộng đồng chúng tôi”, Cha Igba nói.
Ám chỉ đến những vụ tấn công đẫm máu trước đây diễn ra vào các dịp lễ Kitô giáo, vị Linh mục cho rằng các vụ giết người liên tiếp này là một phần của kế hoạch Hồi giáo hóa do những kẻ tấn công và những kẻ đồng lõa của họ thực hiện.
“Đừng quên rằng họ có một chương trình Hồi giáo hóa. Tôi tự hỏi, tại sao những vụ giết chóc này luôn xảy ra vào dịp lễ của các Kitô hữu? Dù là Lễ Giáng Sinh hay Phục Sinh, họ đều đến sách nhiễu các buổi cử hành phụng vụ của chúng tôi. Điều đó chỉ ra một ý thức hệ xâm lược. Đây không chỉ đơn thuần là hành động khủng bố, mà nhằm mục đích chiếm đất và Hồi giáo hóa”, Cha Igba nói.
Cha Igba giải thích rằng ngoài động cơ tôn giáo, dường như còn có ý đồ kinh tế nhằm làm tê liệt hoạt động canh tác nông nghiệp.
“Xét về vấn đề an ninh lương thực, họ như muốn phá hủy tất cả những gì chúng tôi có để khiến chúng tôi đói khát và buộc phải rời bỏ đất đai”, ngài nói, ngụ ý rằng những kẻ tấn công đang áp dụng chiến thuật “tiêu thổ” (scorched-earth).
Dù đối mặt với hiểm nguy, Cha Igba tiếp tục vẫn ở lại giữa đoàn chiên của mình. Ngài kể lại số phận bi thảm của một số giáo dân đã tìm đến nhà xứ để lánh nạn nhưng vẫn bị sát hại dã man.
“Một giáo dân của tôi, ông Augustine Uzu, đã ở với tôi vào thứ Ba cử hành Thánh lễ Truyền Dầu khi ngôi làng của ông bị tấn công. Ông chạy đến nhà xứ để trú ẩn”, Cha Igba nhớ lại.
Tối hôm đó, ông Uzu quyết định trở về làng để lấy thêm một số đồ đạc, nghĩ rằng mối nguy hiểm đã qua. “Thật không may, bọn Fulani vẫn còn ở đó. Chúng bắt được ông, và khi ông nõ lực chạy trở lại nhà xứ, chúng đã chém ông đến chết, bỏ xác ông bên vệ đường”.
Cha Igba đã kể lại việc ngài đã kêu gọi một nhóm thanh niên đến thu nhặt thi thể của ông Uzu. “Chúng tôi chờ một ngày rồi huy động một số thanh niên để thu gom các phần thi thể của ông ấy. Chúng tôi đã chôn cất ông vào ban đêm, khoảng 2 giờ sáng, dưới bóng tối, rồi vội vã quay trở lại nhà xứ”.
Vị Linh mục cũng thuật lại một trường hợp khác của một giáo dân suýt mất mạng trong một vụ tấn công bằng mã tấu.
“Một thanh niên trong Giáo xứ của tôi bị bọn Fulani bắt. Chúng ra lệnh cho anh nằm ngửa rồi dùng mã tấu chém vào bụng, khiến ruột gan anh lòi hết cả ra ngoài. Nhờ ơn Chúa, anh đã sống sót sau khi được đưa khẩn cấp đến bệnh viện Thánh Antôn ở Zaki Biam. Hiện anh đang hồi phục và đã có thể trò chuyện và ăn uống”, Cha Igba kể lại.
Trước làn sóng bạo lực gia tăng, khuôn viên nhà thờ đã nhanh chóng trở thành nơi tị nạn cho anh chị em giáo dân và người dân trong cộng đồng đang chạy trốn những kẻ tấn công, Cha Igba nói với ACI Africa. Ngài chia sẻ thêm rằng mình quyết định ở lại để làm nguồn hy vọng thay vì trốn chạy.
“Tôi luôn động viên bà con hãy can đảm. Tôi không trốn chạy. Tôi ở lại giữa anh chị em giáo dân của mình, đứng vững như một dấu chỉ hy vọng cho họ. Khi đạn bay vèo vèo qua nhà thờ, tôi đứng dưới gốc cây, chỉ dẫn những người chạy vào nhà xứ hãy đi vòng ra phía sau nhà xứ”, ngài thuật lại.
Cha Igba cho biết có nhiều người đã cảnh báo ngài về sự nguy hiểm, nhưng ngài vẫn kiên định.
“Mọi người rất sợ hãi, bảo tôi rằng tôi đang liều mạng, nhưng tôi nói với họ: ‘Tôi là ánh sáng hy vọng cho anh chị em’. Nếu tôi không có mặt ở đó, người dân đã bỏ chạy xa hơn, và chẳng ai còn ở lại nhà xứ”, Cha Igba nói.
Khi được hỏi về việc kêu gọi “tự vệ”, vị Linh mục 61 tuổi người Nigeria đã chỉ ra những khó khăn mà người dân các vùng nông thôn đang phải đối mặt, đặc biệt là sự chênh lệch về hỏa lực.
“Khi anh nói về tự vệ ở vùng quê hiện nay, thì gần như là điều không thể. Cuộc chiến giờ không còn là cung tên nữa. Bọn chúng đem theo AK-47, AK-49, thậm chí cả bệ phóng tên lửa. Các cộng đồng nông thôn không thể nào đương đầu với loại vũ khí ấy”, ngài nói.
Cha Igba chỉ trích chính phủ Nigeria vì những gì ngài gọi là “tiêu chuẩn kép” trong cách xử lý các nỗ lực tự vệ của người dân. “Các cộng đồng tìm cách tự trang bị thì lại bị gán cho là tội phạm”, ngài nói. “Trong khi đó, chính quyền lại nhắm mắt làm ngơ trước việc bọn chăn gia súc Fulani mang theo vũ khí trái phép và xâm nhập vào các làng mạc”.
Trong cuộc phỏng vấn vào ngày 29 tháng Tư, Cha Igba cũng khuyến khích các tín hữu không được tuyệt vọng trước các vụ tấn công và những thảm kịch liên quan.
“Thông điệp của tôi gửi đến các tín hữu là: dù chúng ta có người bảo vệ hay không, Thiên Chúa mới là Đấng bảo vệ tối thượng của chúng ta. Nhất là giờ đây, khi chúng ta đang sống trong Năm Thánh Hy Vọng, chúng ta không được nghĩ rằng mọi sự đã đánh mất. Niềm hy vọng phải là ngọn đèn soi đường cho chúng ta”, Cha Igba nói, đề cập đến chủ đề của Năm Thánh 2025.
Ngài khích lệ những ai đang than khóc người thân hãy kiên vững trong đức tin. “Vào Thứ Sáu Tuần Thánh, trong nghi thức Suy tôn Thánh giá, tôi đã nói với cộng đoàn rằng Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô – điều tưởng như xa vời – giờ đây đã trở thành kinh nghiệm thực tế của chúng ta”.
“Anh chị em chúng ta đã bước lên thập giá trong một hành trình đầy đau thương và nghiệt ngã. Những người còn sống thì mang trên mình thập giá của sầu khổ và sự phản bội từ những người lẽ ra phải bảo vệ họ”, Cha Igba nói.
Cha Igba tiếp tục khích lệ dân Chúa đang lâm cảnh khốn cùng hãy nhìn vượt qua nỗi đau để thấy được niềm hy vọng được thực hiện trong mầu nhiệm Phục Sinh.
“Sau thập giá là sự sống lại. Chúng ta phải tin rằng cái chết của họ sẽ không vô ích”, Cha Igba nói với ACI Africa trong cuộc phỏng vấn vào ngày 29 tháng Tư.
Minh Tuệ (theo CNA)