
Đức Hồng y Antoine Kambanda nhận mũ đỏ từ Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Công nghị Hồng y vào ngày 28 tháng 11 năm 2020 (Ảnh:Truyền thông Vatican)
Vị Hồng y đầu tiên của Rwanda đã mất đi bảy thành viên trong gia đình trực hệ của mình trong cuộc diệt chủng năm 1994. Giờ đây, vị Giám chức đang tận dụng vai trò của mình với tư cách là Tổng giám mục Địa phận Kigali để gieo “những hạt giống hòa bình” bằng cách thúc đẩy gia đình như là nền tảng để xây dựng một tương lai hòa bình.
Tân Hồng y Antoine Kambanda đã làm nên lịch sử khi được nhận chiếc mũ đỏ của mình từ Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Công nghị Hồng y vào ngày 28 tháng 11 với tư cách là vị Hồng y đầu tiên đến từ quốc gia Đông-Trung châu Phi.
“Đây quả là một niềm vui lớn lao và tôi tạ ơn Thiên Chúa về Hồng ân quá đỗi tuyệt vời này đối với Giáo hội tại Rwanda, quê hương đất nước của tôi, cũng như Châu Phi”, Đức Hồng y Kambanda phát biểu với EWTN News vào ngày 30 tháng 11.
Ngay sau Công nghị Hồng y, 11 tân Hồng y có mặt tại Rome đã đến chào Đức Nguyên Giáo hoàng Benedict XVI tại Tu viện Mater Ecclesiae tại Vatican.
“Đức Nguyên Giáo hoàng Benedict XVI hiện vẫn còn hết sức minh mẫn”, Đức Hồng y Kambanda nói. “Khi tôi được giới thiệu với tư cách là Tổng giám mục của Rwanda, Ngài đã nhớ đến Rwanda và nói với tôi: ‘Dân tộc của Đức Cha đã phải chịu đựng rất nhiều đau khổ’. Điều đó cho thấy Đức Nguyên Giáo hoàng Benedict XVI có một trí nhớ tốt về Rwanda và những sự việc đã diễn ra ở Rwanda, và Ngài cầu nguyện cho chúng tôi”.
Rwanda đã trải qua một cuộc diệt chủng kéo dài 100 ngày vào năm 1994, trong đó hơn 800.000 người đã thiệt mạng khi các thành viên của nhóm sắc tộc Hutu chiếm đa số đã dùng dao rựa và gây hấn với những người láng giềng, bạn bè và đồng nghiệp thuộc nhóm sắc tộc Tutsi thiểu số của họ.
Đức TGM Kambanda đã mất đi cha mẹ và năm anh chị em của mình trong cuộc diệt chủng này. Thành viên duy nhất khác còn sống sót trong gia đình của vị Giám chức là người anh của ngài hiện đang sống ở Ý.
Đức TGM Kambanda lúc đó 35 tuổi và đang học thần học luân lý ở Rome vào thời điểm xảy ra thảm họa diệt chủng. Ngài trở lại Rwanda vào năm 1999 sau khi nhận bằng tiến sĩ để chỉ đạo Tổ chức Caritas địa phương giúp tái thiết đất nước bị tàn phá bởi bạo lực của mình.
“Giáo hội ở Rwanda đã nắm giữ một vai trò quan trọng trong quá trình hòa giải”, Đức TGM Kambanda nói.
Trong 20 năm qua, Đức Cha Kambanda đã trực tiếp tham gia vào quá trình hòa giải và tái thiết này ở Rwanda, đầu tiên trong vai trò là Giám đốc Ủy ban Công lý và Hòa bình của Giáo phận ở Kigali từ năm 1999 đến năm 2005 và sau đó là Giám mục của các Giáo phận Kibungo và Kigali.
Vị Giám chức phát biểu với EWTN rằng trong quá trình tái xây dựng mọi thứ, việc củng cố gia đình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
“Gia đình là điều mà chúng ta đang tập trung mọi nỗ lực bởi vì gia đình là Giáo hội tại gia và gia đình chính là nền tảng của xã hội để chuẩn bị cho nền hòa bình lâu dài trong tương lai”, Đức Cha Kambanda chia sẻ.
“Khi chúng ta chăm sóc những đứa trẻ, trẻ em được nuôi dưỡng trong tình yêu thương, hòa bình và lòng nhân ái. Đó là hạt giống hòa bình mà chúng ta gieo vào lòng chúng và là nền tảng cho các mối quan hệ hòa bình và đất nước hòa bình trong tương lai”.
Sự hình thành của thế hệ tiếp theo là rất quan trọng, Đức Cha Kambanda giải thích. “Tuổi trẻ có sức mạnh, họ có tài năng, và họ cần được đào tạo về kỹ năng để mọi tài năng của họ được phát triển … Tuổi trẻ dễ bị tổn thương, nhưng khi được đào tạo bài bản, được chăm sóc tốt, họ sẽ trở thành một giải pháp hữu hiệu thay vì trở thành vấn đề của xã hội”.
Đức Cha Kambanda, 62 tuổi, đã phục vụ với vai trò Tổng Giám mục của thủ đô Kigali của Rwanda, kể từ năm 2019. Trước khi được bổ nhiệm vào vai trò này, Ngài là Giám mục Địa phận Kibungo từ tháng 5 năm 2013. Khẩu hiệu Giám mục của ngài là: “Ut vitam habeant’’ (Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào).
Sinh năm 1958 ở Kigali, cậu bé Kambanda theo học các trường tiểu học ở Burundi và Uganda trước khi hoàn thành trung học ở Kenya.
Kambanda đã trở lại Rwanda để học Chủng viện và được Thánh Gioan Phaolô II truyền chức Linh mục vào năm 1990 trong chuyến viếng thăm mục vụ của Ngài tới Rwanda.
Sau khi nhận bằng tiến sĩ thần học luân lý tại Học viện Anphongsô ở Rôma, Cha Kambanda dạy thần học luân lý và là Linh hướng tại các Chủng viện ở Rwanda. Cha Kambanda cũng từng là hiệu trưởng của Đại chủng viện Triết học ở Kabgayi và Đại Chủng viện Saint Charles Borromeo ở Nyakibanda.
“Tôi chưa bao giờ mơ mộng trở thành một Hồng y. Đó là Thánh ý của Thiên Chúa. Tôi yêu mến Thiên Chúa, và tôi đã dâng hiến cuộc đời mình để phụng sự Ngài. Việc trở thành Hồng y cho tôi cơ hội để nỗ lực dấn thân nhiều hơn nữa hầu phụng sự Thiên Chúa”, Đức TGM Kambanda chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News một ngày sau khi Đức Giáo hoàng Phanxicô thông báo rằng Ngài đã bầu chọn thêm 13 tân Hồng y.
“Tôi tạ ơn Thiên Chúa vì ân sủng của Ngài luôn hoạt động trong Giáo hội của Ngài – một Giáo hội mà ngày nay phải đối mặt với nhiều thách đố. Vì vậy, chúng ta phải nỗ lực để chia sẻ và làm cho thông điệp về Ơn cứu độ được hiểu rõ hơn. Đó vừa là niềm vui, vừa là gánh nặng, vừa là một thách thức”, Đức Hồng Y Kambanda nói.
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2014 với tờ Patheos, Đức Cha Kambanda đã nhắc lại tội ác diệt chủng.
“Sự kiện năm 1994 quả là một nỗi đau vô cùng khủng khiếp đối với tất cả mọi người dân Rwanda chúng tôi. Người dân trong nước phải chịu đựng nỗi đau đớn về thể chất, tâm lý và tinh thần. Đối với những người sinh sống bên ngoài đất nước, chúng tôi phải chịu đựng nỗi đau đó về mặt tâm lý và tinh thần. Thật là đau đớn khi phải sống ở Châu Âu xa xôi, nơi tôi bị bao quanh bởi một xã hội khá thờ ơ vẫn cứ tiếp tục cuộc sống bình thường của nó. Tôi phải thích nghi với nó để có thể tiếp tục bất chấp sự buồn phiền và đau khổ sâu sắc của tôi”, Đức Cha Kambanda chia sẻ.
“Nhưng tôi phải nói rằng chính đức tin và lời cầu nguyện đã nâng đỡ tôi trong giai đoạn khó khăn đó … Tôi đã phát triển một đời sống cầu nguyện liên lỉ và sâu sắc. Những giờ suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện đã đưa tôi đến sự hiệp thông sâu sắc hơn với Thiên Chúa và qua Ngài tôi cũng hiệp thông với những người thân yêu đã qua đời. Điều này đã cho tôi dũng khí và sức mạnh để hoàn thành việc học và hoàn thành sứ mạng của mình ở Rome bất chấp hoàn cảnh khó khăn”.
Minh Tuệ (theo CNA)