Vị Giám mục Trung Quốc bị quản thúc tại gia được chính phủ Trung Quốc công nhận sau nhiều năm từ chối

Đức Giám mục Melchior Thạch Hồng Trinh (Shi Hongzhen) là Giám mục Giáo phận Thiên Tân (Ảnh: Wikimedia Commons)

Đức Giám mục Melchior Thạch Hồng Trinh (Shi Hongzhen), Giám mục Giáo phận Thiên Tân (Ảnh: Wikimedia Commons)

Sau 5 năm từ chối, chính phủ Trung Quốc đã chính thức công nhận Đức Giám mục Melchior Thạch Hồng Trinh (Shi Hongzhen) là Giám mục Giáo phận Thiên Tân, Vatican cho biết, trong những gì được gọi là “một thành quả tích cực của cuộc đối thoại được thiết lập trong nhiều năm giữa Tòa Thánh và chính phủ Trung Quốc”.

Động thái này – nằm trong khuôn khổ Thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh về việc bổ nhiệm Giám mục – đã được trang web chinacatholic.cn, tiếng nói của các tổ chức Công giáo chính thức do chính quyền Bắc Kinh kiểm soát, công bố sáng nay và được Văn phòng Báo chí Vatican xác nhận bằng tuyên bố riêng vào buổi trưa.

“Tòa Thánh rất vui mừng khi biết rằng hôm nay, ngày 27 tháng 8 năm 2024, Đức Giám mục Melchior Thạch Hồng Trinh (Shi Hongzhen) đã được chính thức công nhận theo luật dân sự là Giám mục Giáo phận Thiên Tân (Thành phố Thiên Tân, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa)”, Vatican cho biết trong một tuyên bố.

bishopMelchior bishopMelchior2

Đức Cha Shi, 95 tuổi, được tấn phong làm Giám mục phó Giáo phận Thiên Tân vào năm 1982 và vào năm 2019, ngài kế nhiệm Đức cố Giám mục Phaolô Liu Shuhe làm Giám mục Giáo phận Thiên Tân. Nhưng ngài chỉ được chính quyền Trung Quốc công nhận là một Linh mục và bị quản thúc tại gia vì từ chối tham gia Hiệp hội Công giáo Yêu nước do chính quyền phê chuẩn, hoạt động như một cầu nối giữa các tín hữu Công giáo đã đăng ký và chính quyền Trung Quốc.

Một phái đoàn Vatican đã gặp gỡ Đức Giám mục Shi tại Thiên Tân trong khuôn khổ chuyến viếng thăm Trung Quốc vào năm 2022 để đàm phán về việc gia hạn thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc về việc bổ nhiệm Giám mục, theo AsiaNews, một hãng thông tấn Công giáo đưa tin về Giáo hội tại Châu Á.

Giáo phận Thiên Tân không có vị Giám mục nào được nhà nước công nhận kể từ năm 2005. Theo tuyên bố của Vatican, Giáo phận này có khoảng 56.000 người Công giáo, 21 Giáo xứ, 62 Linh mục và “một số lượng lớn các Nữ tu”.

Quốc kỳ Vatican và Trung Quốc (Ảnh: esfera/Shutterstock)

Quốc kỳ Vatican và Trung Quốc (Ảnh: esfera/Shutterstock)

Năm 2018, Vatican và chính phủ Trung Quốc đã ký một thỏa thuận phác thảo các thủ tục nhằm đảm bảo các Giám mục Công giáo được cộng đồng Công giáo tại Trung Quốc bầu chọn và được Đức Giáo hoàng chấp thuận trước khi được truyền chức và nhậm chức. Vào thời điểm đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng đã chính thức hóa chức vụ của một số Giám mục được tấn phong mà không có sự chấp thuận của Vatican. Thỏa thuận tạm thời có thời hạn 2 năm đã được gia hạn vào năm 2020 và một lần nữa vào năm 2022, mặc dù đã có những lúc Trung Quốc bổ nhiệm hoặc thuyên chuyển các Giám mục rõ ràng vi phạm thỏa thuận.

Việc công nhận Đức Giám mục Shi diễn ra sau những gì có vẻ là sự hòa hoãn trong quan hệ Trung Quốc-Vatican kể từ những vi phạm đó, cũng được đánh dấu bằng sự tham gia của 2 Giám mục Trung Quốc trong Thượng Hội đồng Giám mục tại Rôma vào tháng 10 năm ngoái và việc tấn phong 3 Giám mục theo thỏa thuận vào tháng 1. Động thái của chính phủ Trung Quốc nhằm công nhận Đức Giám mục Shi diễn ra ngay trước khi thỏa thuận tạm thời giữa Vatican và Trung Quốc về việc bổ nhiệm Giám mục được gia hạn vào tháng 10.

“Vatican cam kết tiếp tục cuộc đối thoại tôn trọng và mang tính xây dựng với Đảng Cộng sản Trung Quốc để thực hiện thỏa thuận một cách hiệu quả và phát triển hơn nữa quan hệ song phương, nhằm thúc đẩy sứ mệnh của Giáo hội Công giáo và lợi ích của người dân Trung Quốc”, Vatican cho biết trong một tuyên bố khi công bố việc gia hạn thỏa thuận vào năm 2022.

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết