Đức Cha James Checchio, Giám mục Địa phận Metuchen đã chủ sự Thánh lễ cầu nguyện cho sự hòa hợp chủng tộc và công lý hôm thứ Sáu vừa qua, kêu gọi các tín hữu Công giáo tập trung vào việc xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
Đức Cha James Checchio đã cử hành Thánh lễ cầu nguyện tại Nhà thờ Chính Tòa kính Thánh Phanxicô Assisi vào ngày 19 tháng 6.
“Tội ác phân biệt chủng tộc là có thật và thậm chí còn nguy hiểm hơn cả coronavirus”, Đức Cha Checchio chia sẻ trong bài giảng Thánh lễ, kêu gọi các tín hữu Công giáo hy sinh và cầu nguyện cho việc chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc, đồng thời cũng cho biết thêm rằng “chúng ta cần phải giải quyết bệnh dịch phân biệt chủng tộc này với cùng cường độ mà chúng ta đang sử dụng trong nỗ lực diệt trừ virus COVID-19”.
“Khi chúng ta tiếp tục ứng phó với đại dịch COVID-19 toàn cầu và những tác động của nó đối với sức khỏe và nền kinh tế của chúng ta, tội ác này đã thể hiện một lần nữa với chúng ta như là một tội lỗi và căn bệnh xã hội của nạn phân biệt chủng tộc”, Đức Cha Checchio nói.
“Trong thời gian khó khăn này, sự hỗn loạn, thiếu tin tưởng, sự phẫn nộ và hoang mang lo lắng đã giúp đưa ra ánh sáng sự bùng nổ của sự thù hận cực kỳ dễ lây lan và nguy hiểm”.
Ngoài các giáo sĩ, các thừa viên giáo dân và các thành viên của những người Mỹ gốc Phi, những người châu Phi và Caribbean trong Giáo phận đã tham dự Thánh lễ này.
Giáo phận Metuchen đang và sẽ tổ chức các buổi cầu nguyện, với chủ đề “Tình yêu bất diệt: Nguyện xin Thánh Tâm Chúa Giêsu ban sự hòa hợp chủng tộc, hòa bình, công lý và sự chữa lành nơi quốc gia của chúng ta” trên khắp Giáo phận vào các ngày thứ Sáu trong tháng Sáu này.
Ngoài việc chầu kính Thánh Thể và đọc Kinh Cầu Thánh Tâm, Đức Cha Checchio cũng cùng quỳ xuống và cầu nguyện cho George Floyd, người đã bị sát hại vào ngày 25 tháng 5 trong khi bị cảnh sát bắt giữ. Vị Giám chức đã quỳ gối trong 8 phút 45 giây – khoảng thời gian mà cựu sĩ quan cảnh sát thành phố Minneapolis, Derek Chauvin, đã sử dụng phương pháp kiềm chế dùng đầu gối đè cổ gây tranh cãi dẫn đến cái chết của Floyd.
“Cội rễ của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc không bao giờ hiện diện “ở một nơi nào khác”, nhưng nó nằm trong chính tâm hồn con người”, Đức Giám mục Checchio nói.” Mỗi người chúng ta có thể góp phần vào nền văn minh tình thương hay sự thù hận. Sự chữa lành chủng tộc bắt đầu bằng sự chấp nhận lớn hơn đối với nhân tính của chúng ta như một món quà từ Chúa Cha, và kế đến, một sự thừa nhận rằng tất cả mọi người đều là con của cùng Một Cha Trên Trời”.
Đức Cha Checchio nhấn mạnh phẩm giá của tất cả mọi người, đồng thời lưu ý rằng mỗi người được tạo dựng theo hình ảnh và giống với Thiên Chúa. Đức Cha Checchio cũng cho biết rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc mâu thuẫn với Giáo huấn của Chúa Kitô và là một sự công kích nhắm vào nhân loại.
“Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô, tất cả chúng ta đều được tạo dựng theo hình ảnh và giống với Thiên Chúa. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc xảy ra khi chân lý nền tảng này bị phớt lờ”, Đức Cha Checchio nói. “Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là một tội ác chia rẽ gia đình nhân loại”.
Đức Giám mục Checchio cho biết rằng qua các Bí tích, những lời cầu nguyện và những hy sinh hàng ngày, Thiên Chúa trở nên hiện diện một cách rõ nét hơn trên thế giới và nơi mỗi người. Cị Giám chức nhấn mạnh rằng mỗi khi con người sống như huynh đệ thực sự trong Chúa Kitô, hình ảnh của Thiên Chúa được phục hồi trong thế giới của chúng ta.
“Thiên Chúa dùng mỗi người chúng ta để làm cho chính Ngài hiện diện trong thế giới của chúng ta qua những hành động yêu thương đơn sơ nhưng chân thành của chúng ta, và do đó thế giới phản chiếu một cách rõ nét hơn hình ảnh của chính Thiên Chúa khi chúng ta canh tân bộ mặt trái đất, biến nó trở thành hình ảnh của chính Thiên Chúa”, Đức Giám mục Checchio nói.
“Vâng, Thiên Chúa ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cần để nố lực phấn đấu hầu trở nên hoàn thiện giống như Ngài, và dấu ấn của tình bạn của một người với Chúa Giêsu – đối với tất cả chúng ta – đó là thấm nhuần sức sống của Chúa Giêsu một cách trọn vẹn, ngõ hầu chúng ta chỉ muốn làm những điều Ngài muốn thực hiện thông qua chúng ta”.
Minh Tuệ (theo Catholic Voice)