Vị Giám chức Tokyo cảnh báo chống lại việc gạt người già ra bên lề khi tỷ lệ sinh giảm sút

Đức Tổng giám mục Địa phận Tokyo đã kêu gọi “sự tương tác giữa thế hệ trẻ và thế hệ già” và đồng thời cảnh báo về tình trạng người cao niên ngày càng bị gạt ra bên lề, khi Nhật Bản đang phải vật lộn với tỷ lệ sinh giảm nhanh chóng và dân số già hóa.

Người cao tuổi tập luyện với tạ gỗ trong khuôn viên một ngôi đền ở Tokyo vào ngày 21 tháng 9 năm 2009 để kỷ niệm Ngày Kính trọng Người cao tuổi của Nhật Bản. Số lượng người cao tuổi ở Nhật Bản đã đạt mức cao kỷ lục trong năm nay, với cứ 4 phụ nữ thì có 1 người từ 65 tuổi trở lên. Tỷ lệ người cao tuổi trong số phụ nữ đạt 25,4 phần trăm, lần đầu tiên vượt quá 25 phần trăm, trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 19,9 (Ảnh: Yoshikazu TSUNO / AFP)

Người cao tuổi tập luyện với tạ gỗ trong khuôn viên một ngôi đền ở Tokyo vào ngày 21 tháng 9 năm 2009 để kỷ niệm Ngày Kính trọng Người cao tuổi của Nhật Bản. Số lượng người cao tuổi ở Nhật Bản đã đạt mức cao kỷ lục trong năm nay, với cứ 4 phụ nữ thì có 1 người từ 65 tuổi trở lên. Tỷ lệ người cao tuổi trong số phụ nữ đạt 25,4%, lần đầu tiên vượt quá 25%, trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 19,9% (Ảnh: Yoshikazu TSUNO / AFP)

Trong bài giảng hôm Chúa Nhật, ngày 15 tháng 9, Ngày Kính trọng Người cao tuổi tại Nhật Bản, Đức Tổng Giám mục Isao Kikuchi đã kêu gọi sự liên đới giữa các thế hệ, đồng thời nhấn mạnh vai trò vô giá mà người cao tuổi vẫn tiếp tục đóng góp trong xã hội.

Trích dẫn thông điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô nhân dịp này, Đức Tổng Giám mục Isao Kikuchi đã cảnh báo về xu hướng xã hội coi người già là gánh nặng cho các thế hệ trẻ.

Vị Giám chức đã nhấn mạnh sự cần thiết phải chống lại quan niệm sai lầm rằng thế hệ già cỗi “cướp đi tương lai của thế hệ trẻ”.

“Ngay cả khi các hoạt động của họ trở nên kém hiệu quả và có thể bị coi là vô giá trị”, Đức Tổng Giám mục Kikuchi cho biết, trích lời Đức Giáo hoàng Phanxicô, “Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con cái của Ngài, ngay cả khi họ già nua và sức lực suy giảm, ngay cả khi tóc họ bạc đi và vai trò của họ trong xã hội trở nên kém quan trọng hơn”.

Ban đầu, Giáo hội chỉ định ngày Chúa Nhật thứ tư của tháng 7 là Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ông bà và Người cao tuổi.

Tuy nhiên, Giáo hội Nhật Bản đã xin phép và nhận được sự cho phép từ Tòa Thánh để chuyển ngày lễ này sang tháng 9, trùng với ngày lễ quốc gia, Ngày Kính trọng Người cao tuổi.

Năm nay, Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ông bà và Người cao tuổi được cử hành vào ngày 15 tháng 9.

Cuộc khủng hoảng dân số già của Nhật Bản là một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất thế giới, với gần 30% dân số trên 65 tuổi.

Tỷ lệ sinh giảm, kết hợp với tuổi thọ kéo dài đã tạo ra sự mất cân bằng nhân khẩu học, phá vỡ cấu trúc gia đình truyền thống.

Tỷ lệ sinh của Nhật Bản, thước đo số con trung bình mà một phụ nữ dự kiến ​​có trong đời, đã giảm xuống còn 1,2 vào năm ngoái, theo số liệu thống kê mới nhất.

Năm 2023, cả nước ghi nhận 727.277 ca sinh, giảm 5,6% so với năm trước, đánh dấu con số thấp nhất kể từ khi bắt đầu ghi nhận vào năm 1899.

Ngoài ra, dữ liệu cho thấy tỷ lệ kết hôn giảm 6%, với 474.717 cặp đôi kết hôn vào năm ngoái. Các nhà chức trách trích dẫn sự sụt giảm kết hôn này là một yếu tố quan trọng góp phần vào tỷ lệ sinh giảm.

Trong xã hội bảo thủ truyền thống của Nhật Bản, việc sinh con ngoài giá thú vẫn còn hiếm vì các giá trị gia đình được coi trọng.

Minh Tuệ (theo Licas News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết