
Đức Giám mục Wilfred Anagbe người Nigeria đã ngồi lại với CNA vào tháng 6 năm 2023 để thảo luận về cuộc đàn áp và giết hại người Công giáo đang diễn ra ở đất nước của ngài, vốn đang ngày càng gia tăng trong những năm gần đây đến nỗi, ngài nói, “nó đã trở thành chuyện thường ngày” (Ảnh được cung cấp bởi Joop Koopman, Tổ chức Viện trợ Giáo hội Đau khổ Hoa Kỳ)
Đức Giám mục Wilfred Anagbe người Nigeria gần đây đã ngồi lại với CNA ở Washington, D.C., để thảo luận về tình hình đàn áp và giết hại các tín hữu Công giáo đang diễn ra ở đất nước của ngài, vốn ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, đến nỗi, ngài nói, “nó đã trở thành chuyện thường ngày”.
Giáo phận Makurdi của Đức Giám mục Anagbe ở Bang Benue của Nigeria là một trong những cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc đàn áp bạo lực ngày càng gia tăng.
Thứ Sáu Tuần Thánh vừa qua, hàng chục người đã thiệt mạng khi các tay súng Hồi giáo đột kích vào một trường tiểu học ở làng Ngban, nơi được dùng làm nơi trú ẩn cho khoảng 100 nông dân Kitô giáo tản cư cùng với gia đình họ.
Vụ tấn công vào ngày 7 tháng 4 khiến 43 người thiệt mạng và hơn 40 người bị thương.
“Nếu quý vị xem video, quý vị sẽ chỉ biết khóc”, Đức Giám mục Anagbe nói. “Bọn chúng kéo đến và tàn sát tất cả những người này”.
“Và mặc dù tất cả những sự việc này đã xảy ra, không có vụ bắt giữ nào được thực hiện. Chính phủ không sẵn sàng hành động về việc này”, vị Giám chức cho biết thêm.
“Nigeria không giống như Hoa Kỳ nơi quý vị có cảnh sát tiểu bang”, Đức Giám mục Anagbe giải thích. “Nếu có bất cứ sự việc gì xảy ra ở Bang Benue… quý vị cần một cuộc gọi từ trụ sở chính [ở thủ đô] để cảnh sát điều tra. Vì vậy, nếu họ không được chỉ thị thì họ sẽ không đi”.
“Vì vậy, trong tình huống này, chúng tôi đã bị giam cầm, chúng tôi chẳng thể làm gì được”, vị Giám mục than phiền.
Một Giáo hội bị bủa vây
Đức Cha Anagbe đã trở thành Giám mục Địa phận Makurdi từ năm 2015. Trong thời gian phục vụ với cương vị Giám mục, Đức Cha Anagbe cho biết ngài đã chứng kiến “sự hiện thực hóa toàn diện chương trình nghị sự Hồi giáo”.
Mặc dù chính phủ đã đưa ra tuyên bố rằng tình hình đã được cải thiện, nhưng các nhóm như những người chăn gia súc du mục Fulani cực đoan và tổ chức Nhà nước Hồi giáo Tỉnh Tây Phi (ISWAP), một chi nhánh của ISIS, chỉ gia tăng các cuộc tấn công của họ nhắm vào các Kitô hữu.
Với việc các bộ lạc Fulani ngày càng lấn chiếm lãnh thổ Kitô giáo, thậm chí các khu vực có đa số các Kitô hữu cũng không được an toàn.
Theo Đức Cha Anagbe, Bang Benue có dân số khoảng 6 triệu người, nghĩa là 99%, theo Kitô giáo.
“Tôi nói với quý vị, không có người Fulani nào là người bản địa của Bang Benue, vì vậy họ đến với tư cách là những kẻ xâm lược hoặc những kẻ gây hấn”, Đức Cha Anagbe nói.
Theo Đức Cha Anagbe, kể từ đầu năm 2022, đã có 140 vụ tấn công nhằm vào các Kitô hữu ở Bang Benue, khiến ít nhất 591 tín hữu bị sát hại.
Vì những vụ tấn công này, Đức Cha Anagbe cho biết rằng có hơn 1,5 triệu Kitô hữu chỉ riêng ở Bang Benue đã phải rời bỏ nhà cửa và làng mạc của họ.
Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ (ACN), một tổ chức hỗ trợ mục vụ Công giáo quốc tế, đã ghi nhận tình huống trong nỗ lực giúp đỡ của mình. Trong nhiều trường hợp, đàn ông bị giết một cách dã man, phụ nữ và trẻ em bị hãm hiếp và bị giam cầm chỉ vì lý do duy nhất là người Kitô hữu.
Các Kitô hữu chính là mục tiêu
Đức Cha Anagbe đã gọi những tuyên bố rằng bạo lực ở Nigeria gây ra bởi vấn đề biến đổi khí hậu chỉ là “tuyên truyền”.
“Họ nói đó là do vấn đề biến đổi khí hậu; điều này không đúng”, Đức Cha Anagbe khẳng định. “Năm 1989, có Tuyên bố Abuja rằng Nigeria nên được thành lập như một quốc gia Hồi giáo; đây là những gì chúng ta hiện đang dần dần chứng kiến”.
“Chúng tôi phải được tự do thờ phượng Thiên Chúa”, Đức Cha Anagbe nói. “Hiện nay ở một số nơi, bạn thậm chí không thể đi tham dự Thánh lễ và sau đó bạn đến tham dự Thánh lễ với tình trạng an ninh nghiêm ngặt, ngay trong đất nước của bạn, và điều đó không nên xảy ra”.
Vì bạo lực và các vụ tấn công liên tục, Bang Benue ngày càng rơi vào tình trạng tuyệt vọng. Theo Đức Cha Anagbe, nhà cửa, trường học và toàn bộ ngôi làng thường xuyên bị phá hủy.
Bất chấp tình hình dường như là không thể, Đức Cha Anagbe cho biết các tín hữu và toàn thể Giáo phận của ngài sẽ tiếp tục tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa và tiếp tục làm việc để tái xây dựng mọi thứ.
“Chúng tôi không thể bỏ cuộc. Tuy nhiên, điều đó thật đau đớn và thực sự gây tổn thương, nhưng chúng tôi không thể bỏ cuộc”, Đức Cha Anagbe nói. “Thiên Chúa vẫn luôn là niềm hy vọng mà chúng tôi có”.
Tác động cá nhân
Đức Cha Anagbe nói rằng việc lãnh đạo một Giáo phận phải đối mặt với cuộc đàn áp như vậy đã gây ra một sự tổn thất cá nhân sâu sắc.
“Đối với tôi, đó là một trải nghiệm rất đau thương và đó là điều mà tôi không muốn bất kỳ ai phải trải qua”, Đức Cha Anagbe nói. “Trong vòng 3 năm, tôi đã mất đi 18 anh em Linh mục, một số đã bị bắt cóc và sau đó được thả nhưng một số đã qua đời trong quá trình đó”.
Một trong những phần khó khăn nhất đó là vị Giám chức cảm thấy bạo lực đã chia cắt ngài khỏi anh chị em giáo dân của mình. Đôi khi Đức Cha Anagbe không thể tiếp cận họ vì nguy hiểm; những lần khác, giáo dân chỉ đơn giản là không còn ở đó nữa.
“Tôi đã mất khoảng 13 Giáo xứ”, Đức Cha Anagbe nói. “Thật khó. Bạn được thúc đẩy bởi lòng nhiệt thành của công việc tông đồ để rao giảng sứ mạng, nhưng bạn không thể đến đó, và người ta cũng không có ở đó”.
“Mọi người đang rời đi, và họ không biết đi đâu. Họ đang sống như những người tị nạn, nhưng trong trường hợp này, họ là những người tị nạn trên chính đất nước của họ, tại chính tiểu bang của họ”, Đức Cha Anagbe cho biết thêm. “Đây là tình thế cực kỳ khó khăn của họ, và họ không thể trở về nhà, và không ai đến hỗ trợ. Vì vậy, điều này quả thực vô cùng đau đớn”.
“Nhưng chúng tôi thực sự hy vọng rằng một ngày nào đó tình hình này sẽ kết thúc”, Đức Cha Anagbe nói một cách xác quyết.
‘Máu của các vị anh hùng tử đạo’
Bất chấp cuộc đàn áp leo thang, Nigeria cho đến nay vẫn có số người tham dự Thánh lễ cao nhất trên thế giới.
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng trong Hoạt động Tông đồ, 94% người Công giáo ở Nigeria nói rằng họ tham dự Thánh lễ ít nhất là hàng tuần.
“Các Giáo phụ đã nói: ‘Máu của các vị anh hùng tử đạo là hạt giống của Kitô giáo’”, Đức Cha Anagbe nói. “Trong những lúc khủng hoảng, bạn trò chuyện với Thiên Chúa khi con người thất bại. Chúng ta phải giữ vững đức tin của mình”.
“Bị bách hại là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của một người Công giáo”, Đức Cha Anagbe nói. “Nhưng điều đó không ngăn cản được đức tin của giáo dân”.
“Chúng tôi không ngừng cầu nguyện”, Đức Cha Anagbe nói. “Thiên Chúa chắc chắn sẽ lắng nghe lời cầu nguyện của chúng tôi. Vì vậy, đó là lý do tại sao Thánh lễ rất quan trọng và tại sao chúng ta cầu nguyện. Chúng ta phải tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa giữa cuộc khủng hoảng này”.
Lời kêu gọi đối với các tín hữu Công giáo Hoa Kỳ
Lời kêu gọi của vị Giám chức đối với các tín hữu Công giáo Hoa Kỳ rất đơn giản.
Đầu tiên, Đức Cha Anagbe kêu gọi các tín hữu Công giáo Hoa Kỳ “tăng cường hỗ trợ vận động chính sách của họ để những người đại diện của họ biết rằng có một mối bận tâm lớn hơn đối với con người, chức không chỉ riêng các Kitô hữu, mà cả những con người đang bị loại bỏ”.
Đối với Đức Cha Anagbe, cái giá phải trả hết sức rõ ràng.
“Nếu chúng ta giữ im lặng, một thế hệ sẽ bị xóa sổ; dân số sẽ bị xóa sổ”, Đức Cha Anagbe nói. “Người dân đang bị giết chóc. Chúng ta không thể cứ tiếp tục giữ im lặng. Đây là những người không có khả năng tự vệ. Vì vậy, tôi muốn mọi người biết rằng có những tội ác đang diễn ra ở Nigeria”.
Thứ hai, và “cực kỳ quan trọng”, Đức Cha Anagbe kêu gọi mọi người cầu nguyện.
“Thiên Chúa sẽ đáp lời cầu nguyện của chúng ta”, Đức Cha Anagbe nói. “Cầu nguyện sẽ nâng đỡ chúng ta và duy trì đức tin của Giáo hội”.
Minh Tuệ (theo CNA)