Một vị Giám chức hàng đầu của Nigeria đã nói rằng chính cơ cấu nhà nước ở quốc gia đông dân nhất châu Phi này đang “rối loạn chức năng” và “không hoạt động”, bao gồm cả việc chia đất nước thành 36 bang và vai trò của quân đội trong các vấn đề quốc gia.
Bất chấp những lo ngại dưới thời Tổng thống Bola Tinubu và Phó Tổng thống Kashim Shettima, cả hai đều là người Hồi giáo, rằng Nigeria có thể hướng tới việc gia tăng Hồi giáo hóa, Đức Giám mục Matthew Kukah Địa phận Sokoto ở miền bắc đa số là người Hồi giáo cũng cho biết ngài tin rằng chính quyền mới sẽ không “công cụ hóa” tôn giáo.
“Tôi có thể cảm thấy thoải mái khi biết rằng việc trở thành một Kitô hữu sẽ không phải là một guy cơ đối với tôi”, Đức Giám mục Kukah nói.
Đức Cha Kukah đã đưa ra nhận xét của mình trong cuộc phỏng vấn vào ngày 28 tháng 11 với Channels Television, một hãng tin độc lập.
Mặc dù đứng đầu một Giáo phận nhỏ bé, Đức Cha Kukah có sự hiện diện mạnh mẽ trong đời sống công cộng tại Nigeria. Có bằng tiến sĩ tốt nghiệp Đại học London, Đức Cha Kukah là một trong những nhà lãnh đạo tôn giáo được tín nhiệm và được ngưỡng mộ nhất trong nước, từng phục vụ trong ủy ban quốc gia về cải cách chính trị và đã lãnh đạo các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột giữa tập đoàn Shell và nhóm dân tộc Ogoni về hoạt động khai thác dầu mỏ ở đồng bằng Niger.
Trong cuộc phỏng vấn mới của mình, Đức Cha Kukah gợi ý rằng nhà nước Nigeria cần được tháo dỡ và xây dựng lại.
“Cấu trúc của nhà nước Nigeria quả thực không khoa học. Nó bị rối loạn chức năng. Nó không hoạt động”, Đức Cha Kukah nói. “Đó là lý do tại sao giữa sự sung túc, chúng tôi vẫn đau khổ”.
Sai lầm đầu tiên mà Nigeria mắc phải, vị Giám chức nói, là việc thành lập các bang, mà theo ngài, đó là một chiến lược tạm thời nhằm nỗ lực ngăn chặn một cuộc nội chiến thay vì là một hành động xây dựng quốc gia được cân nhắc kỹ lưỡng.
Xét theo bối cảnh, Nigeria đã giành được độc lập từ Vương quốc Anh vào năm 1960 với tư cách là một liên bang gồm ba khu vực, mỗi khu vực do một nhóm sắc tộc cụ thể thống trị: Người Hausa-Fulani phần lớn theo đạo Hồi ở phía bắc, người Yoruba ở phía tây và người Igbo chủ yếu là các Kitô hữu ở phía đông. Các nhóm ở miền Nam cảm thấy hệ thống chính trị chồng chéo lên nhau một cách không công bằng có lợi cho miền Bắc, dẫn đến cuộc đảo chính năm 1966 và cuộc phản đảo chính tạo tiền đề cho cuộc nội chiến Biafra từ năm 1967 đến năm 1970.
Cách đây 3 năm trước, nhà lãnh đạo Nigeria từ những năm 1960, Tướng Yakubo Gowon, thừa nhận rằng quyết định chia ba vùng của đất nước thành một loạt các bang nhỏ hơn được thúc đẩy chủ yếu bởi hy vọng nó sẽ giúp đất nước không bị tan rã.
Tuy nhiên, theo Đức Cha Kukah, việc phân chia thành các bang nhỏ hơn không được cân nhắc kỹ lưỡng và đã làm trầm trọng thêm sự căng thẳng thay vì giải quyết chúng, đồng thời so sánh nó với Hội nghị Berlin năm 1884, trong đó các cường quốc thực dân châu Âu đã tùy tiện chia châu Phi thành các quốc gia-dân tộc.
“Chúng ta không khác gì hội nghị Berlin”, Đức Cha Kukah nói. “Các ông lớn chỉ cần ngồi xuống…những người này chỉ đơn giản là đặt trụ sở chính quyền địa phương cho các ngôi làng của họ hoặc thành lập bang cho các ngôi làng của họ”.
Đức Cha Kukah cho biết sự tùy tiện mà qua đó các quốc gia được thành lập đã khơi dậy ý thức dân tộc và mọi người bắt đầu suy nghĩ và hành động dựa trên bản sắc dân tộc của họ.
“Có nhiều thống đốc không biết rõ các nhóm sắc tộc hình thành nên bang mà họ cai quản. Có nhiều thống đốc có lẽ chưa bao giờ đi thăm thú vòng quanh bang mà họ đang cai quản”, Đức Cha Kukah nói.
“Họ có thể không bao giờ làm như vậy vì ngoài Tòa nhà nghị viện của bang, bạn sẽ đến trụ sở chính quyền địa phương, đó là chuyến thăm cấp nhà nước trừ khi bạn cắt băng ở đâu đó”, Đức Cha Kukah nói.
Đức Cha Kukah nói rằng “quyền lực không chỉ là thứ bạn nắm giữ. Quyền lực và chức vụ là hai thứ khác nhau. Chức vụ thì khác. Quyền lực thì khác. Bạn có thể có một chức vụ nhưng không có quyền lực. Bạn có thể có quyền lực nhưng không có chức vụ”.
Ngoài ra, Đức Cha Kukah cho biết vai trò của quân đội trong đời sống người dân Nigeria cũng có vấn đề, đồng thời khẳng định rằng “quân đội đã phá hủy nền tảng của nền dân chủ”.
“Hãy quên những người lính tốt hay những người lính xấu, bởi vì quân đội không có chương trình nghị sự nào để lên nắm quyền ở Nigeria ngoài sự tức giận”, Đức Cha Kukah nói.
“Điều chúng ta thấy bây giờ là những gì quân đội quyết định cung cấp cho chúng ta mà không có sự chính xác về mặt khoa học cũng như không chú ý đến các nhóm thiểu số”, Đức Cha Kukah nói. “Đó là lý do tại sao các cuộc kích động của các nhóm thiểu số từ Đồng bằng Niger cho đến Vành đai Trung tâm lại không được giám sát, nên chúng ta mới có kết quả như hiện tại”.
Được biết đến với những lời chỉ trích gay gắt đối với các chế độ cầm quyền liên tục ở Nigeria, Đức Cha Kukah nói rằng Tổng thống Tinubu, dù có tất cả những khuyết điểm của mình, không phải là “không biết gì về địa hình chính trị ở Nigeria”.
“Có lẽ ông ấy là người đầu tiên thoát ra khỏi cái mà chúng ta có thể gọi là cuộc đấu tranh của người dân, ý tôi là, cuộc đấu tranh của xã hội dân sự trong hơn 20 năm qua. Vì vậy, ông ấy khó có thể mắc sai lầm nếu ông ấy nghiêm túc với những gì mình cần làm và ông đã có sẵn ý tưởng, và rõ ràng ông ấy có sự nhiệt huyết đối với nhân quyền, công lý, sự công bằng, bình đẳng”, Đức Cha Kukah nói.
Vị Giám chức đã bác bỏ những lo ngại rằng Tổng thống Tinubu, người tranh cử với tấm vé Hồi giáo-Hồi giáo (Muslim- Muslim ticket), có thể tìm cách Hồi giáo hóa đất nước.
“Mọi người thắc mắc tại sao tôi không lên tiếng phản đối tấm vé Hồi giáo-Hồi giáo”, Đức Cha Kukah nói. “Tôi tập trung vào các cá nhân và những gì tôi nghĩ họ có thể mang lại. Họ không cần phải đến từ cộng đồng của tôi, họ không cần phải là người Công giáo, họ không cần phải là người Kitô hữu”.
Đề cập đến Tổng thống Tinubu và Phó Tổng thống Shettima, Đức Cha Kukah cho biết rằng “sự hiểu biết của tôi về họ đủ để tôi biết rằng đây không phải là những người sẽ công cụ hóa tôn giáo”.
“Họ có thể có những khuyết điểm khác, nhưng tôi có thể cảm thấy thoải mái khi biết rằng việc trở thành một Kitô hữu sẽ không phải là một mối đe dọa đối với tôi”, Đức Cha Kukah nói.
Đức Cha Kukah cho biết rằng để Tổng thống Tinubu thành công ở một “đất nước phức tạp” như Nigeria, ông ấy phải có “những thiết bị nghe tinh vi để ông có thể nghe thấy tiếng nói của những người không có tiếng nói, bất kể họ ở đâu”.
Minh Tuệ (theo Crux)