Vị Giám chức lên án vụ tấn công nhắm vào nhà thờ Công giáo ở Nam Sudan

Giáo xứ Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu tại Nam Sudan (Ảnh: Giáo phận phía Tây Đức Mẹ Nam Sudan)

Giáo xứ Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu tại Nam Sudan (Ảnh: Giáo phận Đức Mẹ Nam Sudan phía Tây)

Sau vụ tấn công vào một Giáo xứ Công giáo ở Nam Sudan vào ngày 10 tháng 12 khiến một người thiệt mạng và một người khác bị thương, vị Giám chức địa phương đã gọi vụ thảm sát này là hành động “khủng khiếp” và “vô cùng đau lòng”.

“Hành động bạo lực này thực sự đau lòng và đáng lên án”, Đức Giám mục Edward Hiiboro Kussala thuộc Giáo phận Tombura-Yambio của Nam Sudan cho biết.

Vào tối ngày 10 tháng 12, những tay súng vẫn chưa rõ danh tính đã tấn công Giáo xứ Đức Mẹ Phù Hộ các Giáo Hữu, nơi có một trại tị nạn, và xả súng bừa bãi, làm thiệt mạng một nạn nhân được xác định là James Undo và làm bị thương một phụ nữ không rõ danh tính.

“Hành động bạo lực này không thể biện minh được và không bao giờ được phép xảy ra nữa”, Đức Giám mục Hiiboro nói trong một tuyên bố. “Tôi kêu gọi những người chịu trách nhiệm hãy ăn năn, cầu xin Thiên Chúa tha thứ và tránh xa bạo lực. Con đường hòa bình là con đường duy nhất để tiến về phía trước”.

Vị Giám chức cho biết các vụ tấn công nhắm vào những nơi thờ phượng rõ ràng là vi phạm luật nhân đạo quốc tế.

“Nhà thờ, thánh đường Hồi giáo, bệnh viện, trường học hoặc đại sứ quán luôn phải là nơi trú ẩn, bình yên và an toàn”, Đức Giám mục Hiiboro nói.

“Những không gian linh thiêng này được tạo ra để bảo vệ những người vô tội, không phải để biến thành chiến trường. Vụ tấn công nhắm vào một nơi linh thiêng như vậy là sự xúc phạm đến nhân loại và là sự vi phạm trắng trợn phẩm giá cơ bản của con người”, vị Giám chức nói.

Đức Giám mục Hiiboro kêu gọi những người chịu trách nhiệm về bạo lực hãy ăn năn và đi theo con đường hòa bình, đồng thời nhấn mạnh rằng hòa bình là con đường khả thi duy nhất cho khu vực.

Ngài kêu gọi chính phủ Nam Sudan bảo vệ nhóm dân cư dễ bị tổn thương vì tình trạng bạo lực tiếp tục leo thang ở quốc gia mới nhất thế giới này.

“Tình hình ở Tombura đã trở nên mất kiểm soát”, Đức Giám mục Hiiboro lưu ý.

“Chính phủ phải khôi phục trật tự và đảm bảo sự an toàn cho người dân, đặc biệt là những người đã mất mát quá nhiều. Tôi xin hỏi, Tổng thống Nam Sudan ở đâu? Ông ấy có nghe thấy tiếng kêu cứu của người dân Tombura không? Trong suốt 3 năm, bạo lực đã hoành hành ở khu vực này, nhưng dường như không có hành động hay phản ứng nào từ cơ quan cao nhất của đất nước”.

Trong số những vấn đề khác, khu vực xung quanh Tombura là trọng tâm của “Quân đội kháng chiến của Chúa”, một phe phái vũ trang được thành lập vào năm 1987 trong bối cảnh căng thẳng ở Uganda và đã trở thành sự hiện diện trong khu vực, thường bị cáo buộc về hành vi tàn bạo và khủng bố.

Đức Giám mục Hiiboro cho biết sự im lặng hoàn toàn của chính quyền trước tình trạng bạo lực như vậy tạo ra ấn tượng rằng Tombura, nằm ở cực tây của đất nước, gần biên giới với Cộng hòa Dân chủ Congo và Cộng hòa Trung Phi, không phải là một phần của Nam Sudan.

“Chúng tôi sát cánh cùng với người dân Tombura vào thời điểm khủng hoảng này”, vị Giám chức cho biết.

“Chúng tôi xin gửi lời chia buồn và cầu nguyện cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này, và chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực mang lại hòa bình và công lý cho khu vực này”, Đức Giám mục Hiiboro nói.

Vụ tấn công gần đây nhằm vào một nhà thờ nhấn mạnh tình hình hiện đang ngày càng tồi tệ đối với các Kitô hữu ở Nam Sudan, một quốc gia có 11 triệu dân, trong đó 60% là Kitô hữu.

Vào tháng 4 năm 2021, Cha Christian Carlassare, một Linh mục truyền giáo người Ý, đã bị những tay súng tấn công và làm bị thương nghiêm trọng.

Tương tự như vậy, Linh mục Anh giáo Daniel Garang Ayuen đã bị giết hại vào tháng 6 năm 2020, và Nhà thờ Chính Tòa của Giáo phận Athooch đã bị phóng hỏa. Vào tháng 1 năm 2022, những kẻ cực đoan Hồi giáo đã tấn công cộng đồng Kitô giáo Yith Pabol, khiến ít nhất 28 người thiệt mạng và 57 ngôi nhà bị đốt cháy.

Những vụ tấn công như vậy là lời nhắc nhở dứt khoát về những gì mà các Kitô hữu đã trải qua ở Sudan cách đây khoảng 50 năm, theo Đức Hồng y Gabriel Zubeir Wako, nguyên Tổng Giám mục Khartoum.

Vị Hồng y người Sudan nhận xét rằng “đã có một thời người ta sợ nói rằng họ là Kitô hữu”.

“Mọi người sợ đeo Thánh giá. Mọi người sợ khẳng định quyền của mình, ví dụ quyền được đi tham dự Thánh lễ vào Chúa nhật”.

Đức Giám mục Hiiboro cho biết việc quay lại thời kỳ đó là vô ích và đồng thời kêu gọi các Kitô hữu hãy có trách nhiệm xây dựng hòa bình cho đất nước.

“Đây là khoảng thời gian chuẩn bị tâm hồn chúng ta chào đón sự ra đời của Đấng Cứu Thế, Đấng đã đến để mang lại hòa bình cho thế giới. Chúng ta hãy cùng nhau chịu trách nhiệm xây dựng hòa bình trong cộng đồng, trong đất nước và trong trái tim mình”, Đức Giám mục Hiiboro cho biết trong tuyên bố ngày 12 tháng 12.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết