Vị Giám chức Hồng Kông: Thỏa thuận Vatican-Trung Quốc ‘không chết’ bất chấp tranh chấp về việc bổ nhiệm Giám mục

Đức Giám mục Stephen Chow, SJ, đồng tế Thánh lễ với Đức Giám mục Joseph Li Shan tại Nhà thờ Chúa Cứu Thế, Bắc Kinh (Ảnh: Giáo phận Công giáo Bắc Kinh)

Đức Giám mục Stephen Chow, SJ, đồng tế Thánh lễ với Đức Giám mục Joseph Li Shan tại Nhà thờ Chúa Cứu Thế, Bắc Kinh (Ảnh: Giáo phận Công giáo Bắc Kinh)

Trong một số phát biểu nhận xét toàn diện nhất của mình sau chuyến viếng thăm Bắc Kinh gần đây, Đức Giám mục Stêphanô Chu Thủ Nhân SJ (Stephen Chow Sau-yan) Địa phận Hồng Kông, chia sẻ rằng ngài không tin rằng thỏa thuận của Vatican với Trung Quốc về việc bổ nhiệm Giám mục đã sụp đổ, bất chấp một số vi phạm gần đây của chính quyền Trung Quốc.

Đức Cha Chow cũng nói về sự am hiểu của Đức Thánh Cha Phanxicô về Trung Quốc và nhấn mạnh vai trò của Hồng Kông như một “Giáo hội cầu nối” giữa Tây phương và Trung Quốc. Vị Giám chức cho biết rằng sự kiên nhẫn, và đôi khi, đối thoại kéo dài là cần thiết bất chấp những trục trặc và chỉ trích, vì giải pháp thay thế là chẳng làm gì cả.

Trò chuyện với Linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro, biên tập viên của tạp chí La Civiltà Cattolica do Dòng Tên điều hành ngay sau chuyến viếng thăm Bắc Kinh từ ngày 17 đến ngày 21 tháng 4, Đức Cha Chow cho biết ngài coi chuyến đi này là “một cầu nối ở cấp Giáo phận, giữa Bắc Kinh và Hồng Kông”.

Một kênh liên lạc chính thức đã được mở ở cấp nhà nước thông qua thỏa thuận tạm thời năm 2018 của Vatican và Trung Quốc về việc bổ nhiệm các Giám mục, vốn đã hai lần được gia hạn, nhưng chuyến viếng thăm Bắc Kinh đã giúp củng cố quan hệ ở một cấp độ khác, Đức Cha Chow nói.

Đức Cha Chow cho biết chuyến viếng thăm đã giúp hình thành mối liên hệ cá nhân giữa ngài và Giáo phận Bắc Kinh, đồng thời cũng giúp khơi dậy sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, mà theo ngài, “được cả hai bên tha thiết mong muốn”, và “mang lại cho chúng tôi hy vọng và quyết tâm cùng cộng tác với nhau”.

Khi được hỏi về những vi phạm gần đây đối với thỏa thuận tạm thời bởi chính quyền Trung Quốc, những người trong vài tháng qua đã thuyên chuyển và bổ nhiệm các Giám mục mà không được Rôma chấp thuận hoặc không được thông báo, Đức Cha Chow lập luận rằng “thỏa thuận vẫn chưa chết, như một số người dường như đã ám chỉ”.

Đức Cha Chow đổ lỗi cho việc thiếu thông tin về các vi phạm, ngài nói, “sự khác biệt trong hiểu biết giữa hai bên về việc bổ nhiệm Giám mục cho các Giáo phận khác có thể là một yếu tố đòi hỏi sự hiểu biết tốt hơn”.

“Do đó, đối thoại thường xuyên và chuyên sâu hơn có thể giúp giảm thiểu sự nhầm lẫn trong tương lai”, Đức Cha Chow nói, đồng thời lưu ý rằng khoảng một phần ba Giáo phận Trung Quốc vẫn chưa có Giám mục.

Tháng trước, Đức Cha Chow đã có chuyến viếng thăm 5 ngày tới Bắc Kinh sau khi được Đức Giám mục Giuse Lý Sơn (Joseph Li Shan), Địa phận Bắc Kinh, người cũng là Chủ tịch Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc (CCPA) do nhà nước điều hành, mời.

Chuyến viếng thăm đánh dấu một cột mốc quan trọng, vì đây là lần đầu tiên một Giám mục Hồng Kông đến Bắc Kinh kể từ năm 1985, khi Hồng Kông vẫn còn là thuộc địa của Anh.

Trong nhiều thập kỷ, Hồng Kông là một thành trì của Giáo hội Công giáo ở rìa Trung Quốc đại lục, nơi người Công giáo và tín đồ của các tôn giáo khác đôi khi phải đối mặt với sự đàn áp dưới sự cai trị chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc vô thần.

Thỏa thuận tạm thời năm 2018 của Vatican với chính quyền Trung Quốc về việc bổ nhiệm Giám mục, vốn đã bị chỉ trích gay gắt bởi cả các nhà lãnh đạo dân sự lẫn các Giám mục Công giáo nổi bật, những người cho rằng nó đang “bán đứng” những người Công giáo Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã được ký kết trong một nỗ lực nhằm chấm dứt sự chia rẽ lâu dài giữa một đàn chiên hầm trú trung thành với Rôma và một Giáo hội chính thức được nhà nước hậu thuẫn.

Mặc dù đã có hiệu lực trong 4 năm, thỏa thuận đó đã bị nghi ngờ trong những tháng gần đây sau khi chính quyền Trung Quốc hai lần công khai vi phạm các điều khoản của thỏa thuận bằng cách bổ nhiệm hoặc thuyên chuyển các Giám mục mà không có sự cho phép của Vatican.

Tháng 11 năm ngoái, Đức Giám mục Gioan Bành Vệ Chiếu (John Peng Weizhao) đã được bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá cho Giáo phận Giang Tây, một lãnh thổ Giáo hội được chính quyền Trung Quốc công nhận, nhưng không được Vatican công nhận.

Đức Cha Peng Weizhao đã được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm vào Giáo phận Dư Giang được chính thức công nhận vào năm 2014, 4 năm trước thỏa thuận năm 2018, nhưng việc thuyên chuyển ngài đến Giang Tây đã được thực hiện mà không có sự tham khảo trước hoặc không có sự cho phép của Vatican.

Vào tháng 4, trước chuyến viếng thăm của Đức Cha Chow, chính quyền Trung Quốc đã thực hiện một động thái tương tự khi Đức Giám mục Giuse Thẩm Bân (Joseph Shen Bin), lãnh đạo Giáo phận Hải Môn (Giang Tô) gần đó và là người đứng đầu Hội đồng Giám mục Trung Quốc do nhà nước hậu thuẫn, được bổ nhiệm làm tân Giám mục Thượng Hải mà Vatican không được thông báo hoặc không có sự chấp thuận của Vatican.

Trong khi Vatican công khai phản đối việc bổ nhiệm Đức Cha Weizhao, họ hầu như im lặng về việc thuyên chuyển Đức Cha Shen.

Trong cuộc trò chuyện với Linh mục Spadaro, Đức Cha Chow cho biết ngài không mô tả chuyến đi tới Bắc Kinh của mình là “lịch sử” như một số người đã nói, mà gọi đó là sự tiếp nối những nỗ lực của người tiền nhiệm của mình.

“Như tôi đã nhiều lần đề cập, Giáo phận của chúng tôi đã được Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II ủy thác sứ mạng trở thành một ‘Giáo hội Cầu nối’”, Đức Cha Chow nói, đồng thời lưu ý rằng hình ảnh cây cầu “lần đầu tiên được nhắc đến bởi Đấng Đáng Kính Matteo Ricci” mà tôi đã đến viếng mộ phần của ngài trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh.

Khi được hỏi về những thách thức liên quan đến việc trở thành một “Giáo hội cầu nối” trong bối cảnh hiện nay, Đức Cha Chow nói, “việc trở thành cầu nối chẳng lãng mạn chút nào”.

“Nếu một cây cầu phục vụ mục đích đã định, mọi người sẽ phải đi bộ qua nó và ô tô sẽ phải cán qua nó”, Đức Cha Chow nói, đồng thời cho biết thách thức chính “là đối mặt với những sự công kích và những lời chỉ trích xuất phát từ nhiều phía khác nhau”.

Lưu ý rằng một số người cho rằng ý định và sự bận tâm của Giáo hội đang bị tổn hại bởi những nỗ lực đối thoại trong quá trình xây dựng cầu nối, Đức Cha Chow cho biết ngài hiểu những mối bận tâm này “bằng sự đồng cảm”, nhưng tin rằng đối thoại là điều hết sức cần thiết.

“Giải pháp thay thế là chẳng làm gì cả và duy trì hiện trạng, không có bất kỳ cơ hội nào để lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau, mà đề cao sự ngờ vực sâu sắc và những hành động gây tổn thương chống lại những kẻ xấu xa mà họ cho là xấu xa”, Đức Cha Chow nói.

Ngay lúc này, thách thức lớn nhất, Đức Cha Chow nói, “là kết nối các bên khác nhau và đối lập, giúp họ nhìn nhận nhau như những con người mong muốn được lắng nghe và thấu hiểu… để giúp họ lắng nghe đối phương với sự tôn trọng và đồng cảm, và hy vọng sẽ mang lại sự hàn gắn trong họ, và / hoặc để thúc đẩy sự hợp tác”.

Đức Cha Chow cũng đề cập đến sự am hiểu của Đức Thánh Cha Phanxicô về Trung Quốc, đồng thời cho biết rằng Đức Thánh Cha thường được các tín hữu tôn kính và đánh giá cao.

Khi nói đến các Giám mục, Đức Cha Chow nói rằng những người ngài gặp gỡ trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh, “rất tích cực với ngài. Nhưng đối với những người chống lại thỏa thuận tạm thời, họ có vẻ khá tiêu cực đối với Đức Thánh Cha Phanxicô”.

“Không có số liệu thống kê về sự lan truyền của những điều thích và không thích, nhưng từ những gì tôi đã nhìn thấy và đọc được, cùng với thái độ của những người Công giáo mà tôi đã gặp gỡ trong chuyến đi, tôi có thể nói rằng phần lớn người Công giáo ở Trung Quốc đều trung thành với Đức Thánh Cha Phanxicô, và họ hy vọng rằng thỏa thuận tạm thời sẽ mang lại những thay đổi mong muốn cho Giáo hội của họ, bao gồm cả cuộc gặp giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Chủ tịch Tập Cận Bình”, Đức Cha Chow nói.

Đức Cha Chow cho biết chính phủ Trung Quốc cũng “rất kính trọng” Đức Thánh Cha Phanxicô và đánh giá cao “tư tưởng cởi mở và hội nhập” của ngài.

“Tình yêu của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với nhân loại nói chung được coi là trùng khớp với các giá trị được Chủ tịch Tập Cận Bình tán thành khi ngài tập trung vào ‘Cộng đồng Vận mệnh chung’ của nhân loại”, Đức Cha Chow nói, đồng thời lưu ý rằng Đức Thánh Cha Phanxicô thường bày tỏ tình cảm của mình đối với người dân Trung Quốc và mong muốn đến thăm Trung Quốc.

“Không có gì đáng ngạc nhiên khi chính phủ Trung Quốc cũng muốn thấy điều đó được thực hiện. Chúng ta hãy cầu nguyện để điều này sẽ xảy ra không chỉ cho Đức Thánh Cha Phanxicô hay Trung Quốc, mà còn cho cả thế giới”, Đức Cha Chow nói.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết