
Các nhà hoạt động và các phái đoàn quốc tế đứng cạnh các đơn vị xử lý bom chùm, trong chuyến viếng thăm một căn cứ quân sự của Lebanon tại lễ khai mạc Cuộc họp lần thứ hai của các Quốc gia thành viên Công ước về Bom chùm, tại thị trấn Nabatiyehmiền Nam Lebanon, ngày 12 tháng 9 năm 2011 (Ảnh: Mohammad Zaatari/AP)
NEW YORK – Nhắc lại quan điểm của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Giám mục David Malloy Địa phận Rockford, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc tế của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, đã bày tỏ mối quan ngại về mặt đạo đức của ngài đối với quyết định gần đây của chính quyền Biden về việc cung cấp bom chùm cho Ukraine.
Bom, đạn chùm là vũ khí phân tán các loại đạn được có kích thước nhỏ hơn trên một khu vực rộng lớn với mong đợi rằng các quả bom nhỏ sẽ phát nổ khi chạm đất. Nhưng tỷ lệ thất bại cao của loại vũ khí này là một mối lo ngại trong lịch sử vì những vụ nổ muộn sau đó – đôi khi nhiều năm sau – có thể tàn phá dân thường.
Chính quyền Biden tuyên bố họ sẽ gửi vũ khí cho Ukraine vào tuần trước. Tổng thống Joe Biden sau đó đã bảo vệ quyết định này trong một cuộc phỏng vấn, ông nói rằng “người Ukraine sắp hết đạn dược”. Biden, người từ lâu đã phản đối động thái này, cũng lưu ý rằng đây là một quyết định khó thực hiện.
Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia của Chính quyền Biden, nói với các phóng viên vào tuần trước rằng chính quyền nhận ra rủi ro của thứ vũ khí này, nhưng cuối cùng quyết định rằng đó là quyết định thích hợp sẽ được thực hiện.
“Chúng tôi nhận thấy bom, đạn chùm tạo ra nguy cơ gây hại cho dân thường do bom, đạn chưa nổ”, ông Sullivan nói. “Đây là lý do tại sao chúng tôi trì hoãn quyết định càng lâu càng tốt”.
“Nhưng cũng có rủi ro nghiêm trọng về tổn hại dân sự nếu quân đội và xe tăng Nga tràn qua các vị trí của Ukraine, chiếm thêm lãnh thổ Ukraine và khuất phục nhiều thường dân Ukraine hơn vì Ukraine không có đủ pháo binh. Điều đó không thể chấp nhận được đối với chúng tôi”, ông Sullivan nói.
Vào ngày 13 tháng 7, Lầu Năm Góc cho biết rằng bom chùm do Hoa Kỳ cung cấp đã đến Ukraine.
Kể từ năm 2008, hơn 100 quốc gia, bao gồm cả Tòa Thánh, đã ký Công ước cấm sử dụng bom, đạn chùm, thừa nhận nguy cơ của loại vũ khí này đối với dân thường. Hoa Kỳ và Nga, tuy nhiên, đã không ký thỏa thuận. Các Giám mục Hoa Kỳ từ lâu đã kêu gọi chính phủ làm như vậy.
Đức Thánh Cha Phanxicô trước đây đã phát biểu trước hội nghị, kêu gọi tất cả các quốc gia cam kết “để không còn nạn nhân của thứ bom đạn này nữa”, Đức Giám mục Malloy lặp lại quan điểm đó vào ngày 14 tháng 7.
“Trong khi công nhận quyền tự vệ của Ukraine, chúng ta phải tiếp tục cầu nguyện cho đối thoại và hòa bình, và tôi cùng với Đức Thánh Cha của chúng ta ủng hộ và chia sẻ sự bận tâm và nguyện vọng của ngài”, Đức Giám mục Malloy nói.
Minh Tuệ (theo Crux)