Vị Giám chức Anh cho biết Dự luật hỗ trợ tự tử sẽ dẫn đến sự sụt giảm nguồn tài trợ cho lĩnh vực chăm sóc giảm nhẹ

Quốc hội Anh đang tranh luận về dự luật hợp pháp hóa việc hỗ trợ tự tử (Ảnh: Not Dead Yet UK.)

Quốc hội Anh đang tranh luận về dự luật hợp pháp hóa việc trợ tử (Ảnh: Not Dead Yet UK)

Lưu ý rằng nước Anh là quốc gia sáng lập ra phong trào chăm sóc giảm nhẹ hiện đại, Đức Giám mục Địa phận Nottingham cho biết đề xuất hợp pháp hóa việc hỗ trợ tự tử có thể dẫn đến “sự sụt giảm dần dần nguồn tài trợ cho lĩnh vực chăm sóc giảm nhẹ”.

Dự luật Người lớn mắc bệnh giai đoạn cuối (Cuối đời) của Nghị sĩ Đảng Lao động Kim Leadbeater hiện đang được thảo luận tại Quốc hội Vương quốc Anh. Mặc dù tân Thủ tướng Keir Starmer ủng hộ việc hợp pháp hóa trợ tử, ông vẫn đề nghị các thành viên quốc hội “bỏ phiếu tự do” về vấn đề này.

Đức Giám mục Patrick McKinney đã đọc tuyên bố của mình về vấn đề này hôm Chúa nhật vừa qua tại Nhà thờ St. Mary ở thị trấn Wigston thuộc Leicestershire.

“Dự luật này có khả năng khởi xướng một sự thay đổi mô hình trong cách chúng ta hiểu, trân trọng và bảo vệ sự thiêng liêng của mọi sự sống con người, và do đó ảnh hưởng sâu sắc đến chính cấu trúc của xã hội chúng ta. Luật hợp pháp hóa trợ tử tấn công vào nền tảng của trật tự pháp lý; quyền được sống củng cố tất cả các quyền khác, trong đó có việc thực hiện quyền tự do”, vị Giám chức nói.

“Trong khi những mô tả chân thực và đầy cảm xúc về sự đau đớn trong giờ phút hấp hối và cái chết có sức tác động mạnh mẽ đến tất cả chúng ta, thì những mong muốn mãnh liệt của một số ít người không thể lớn hơn nghĩa vụ của chúng ta đối với thiện ích chung lớn hơn, bao gồm bảo vệ sự sống của tất cả mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất”, vị Giám chức tiếp tục.

Đức Giám mục McKinney cho biết chăm sóc giảm nhẹ là “một công cụ quý giá và quan trọng trong việc chăm sóc bệnh nhân trong giai đoạn cuối của bệnh”.

Chăm sóc giảm nhẹ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mắc bệnh nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng, chẳng hạn như ung thư, và có thể được thực hiện kèm theo hoặc không kèm theo chăm sóc chữa bệnh. Được Giáo hội ủng hộ, chăm sóc giảm nhẹ được coi là phương pháp chăm sóc toàn diện cho con người, không chỉ riêng căn bệnh của họ.

“Công việc tuyệt vời của các bệnh viện trên khắp đất nước chúng ta chứng minh cho ý nghĩa của việc đồng hành toàn diện và chăm sóc tận tình cho một người trong những ngày cuối đời của họ”, vị Giám chức cho biết.

“Anh là nước sáng lập ra phong trào chăm sóc cuối đời hiện đại, và thật đáng buồn khi xã hội chúng ta phản ánh rằng việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc cuối đời là một cuộc xổ số theo mã bưu chính, và các dịch vụ chăm sóc cuối đời ở đất nước này được tài trợ rất ít và phụ thuộc rất nhiều vào các khoản đóng góp từ thiện”, Đức Giám mục McKinney tiếp tục.

“Cũng cần lưu ý rằng ở nhiều quốc gia ban hành luật như vậy, nguồn tài trợ cho dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ đã dần suy giảm”, Đức Giám mục McKinney cho biết thêm.

Vị Giám chức thừa nhận những người ủng hộ luật này cho rằng người già, người khuyết tật và những người dễ bị tổn thương khác sẽ được bảo vệ thông qua việc xây dựng Dự luật một cách cẩn thận – nhưng ngài lưu ý rằng bằng chứng từ các quốc gia khác nơi trợ tử đã được hợp pháp hóa cho thấy “mối nguy hiểm rất thực tế” là những biện pháp bảo vệ này có thể trở nên kém an toàn hơn.

“Canada, với hệ thống y tế tương tự như chúng ta, cung cấp một câu chuyện bổ ích về vấn đề này. Cái gọi là ‘hỗ trợ y tế khi chết’ đã được đưa ra theo cách tương tự như Dự luật hiện tại này, nhưng 5 năm sau, nó đã nhanh chóng được mở rộng để bao gồm bệnh mãn tính, khuyết tật, sức khỏe tâm thần, và nó thậm chí còn được cung cấp cho bệnh nhân vì những lý do liên quan đến tuổi già, khuyết tật và các vấn đề xã hội khác”, Đức Giám mục McKinney nói.

“Tại New Zealand, chỉ trong vòng một năm sau khi được hợp pháp hóa, bằng chứng xuất hiện cho thấy mọi người đang lựa chọn an tử vì lo ngại về tài chính, hoặc vì họ cảm thấy gánh nặng cho gia đình, hoặc vì họ cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi. Một khi có ngoại lệ, bằng chứng rõ ràng là luật như vậy không có hồi kết”, vị Giám chức giải thích.

Đức Giám mục McKinney tiếp tục nói rằng luật được đề xuất sẽ gây áp lực lên các bác sĩ và các chuyên gia y tế khác.

“Nhu cầu chăm sóc y tế nảy sinh từ sự yếu đuối của tình trạng con người, và nó bao gồm trách nhiệm chăm sóc và thúc đẩy sự sống của con người, được củng cố bởi nguyên tắc ‘không gây hại’. Dự luật này có nguy cơ thay đổi mãi mãi mối quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ, những người mà chúng ta luôn tìm kiếm lời khuyên y tế và sự chăm sóc khi cần thiết”, vị Giám chức nói.

Tổ chức Right to Life UK cho biết 82% bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ phản đối việc áp dụng trợ tử.

Trong một lá thư gửi Nghị sĩ Leadbeater, 24 bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ cho biết: “Người ta nhận thấy rằng trợ tử là giải pháp tiết kiệm hơn về mặt tài chính so với việc cung cấp dịch vụ chăm sóc toàn diện cho những người đang hấp hối”.

Catherine Robinson, phát ngôn viên của Right To Life UK, cho biết các bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ đã nhấn mạnh nhiều vấn đề liên quan đến dự luật trợ tử.

“Họ nhấn mạnh sự thiếu hụt đầu tư đáng tiếc vào việc chăm sóc giảm nhẹ, cũng như mối nguy hiểm thực sự rằng tự tử được hỗ trợ sẽ được coi là giải pháp rẻ hơn so với chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc cuối đời chất lượng cao, vốn là những gì mọi người ở giai đoạn cuối đời thực sự cần. Bộ trưởng Y tế đã xác nhận rằng ông sẽ bỏ phiếu phản đối Dự luật, nói rằng ‘trọng tâm nên là việc chăm sóc giảm nhẹ’”, bà Robinson nói.

“Đã đến lúc chính phủ phải lắng nghe các chuyên gia chăm sóc giảm nhẹ và Bộ trưởng Y tế về vấn đề này, đồng thời đầu tư nguồn lực vào việc chăm sóc giảm nhẹ thay vì trợ tử”, bà Robinson cho biết thêm.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết