Trong bài Tin Mừng hôm nay (Lc 21,5-19), Đức Giêsu đưa ra một lời giáo huấn về sự kiên vững trong các cuộc bách hại sẽ xảy đến. Những lời giáo huấn này ám hợp một cách đặc biệt cho chúng ta trong ngày lễ mừng kính trọng thể các Thánh Tử Đạo Việt Nam, cha ông của chúng ta.
Những cơn bách hại là thực tại thuộc về lịch sử của Hội Thánh và phân biệt với những biến cố cánh chung cùng tận.
Tác giả Luca nghĩ đến các cuộc bách hại khác nhau mà các đồ đệ của Đức Giêsu phải đối diện, như sẽ được tường thuật trong sách Công Vụ, gồm cả những cuộc bách hại do các nhà lãnh đạo Do Thái gây nên lẫn những cuộc bách hại đến từ các thế lực khác.
Bị bách hại vì Danh Đức Giêsu là một trong những nét đặc trưng căn bản của đời sống Hội Thánh trong lịch sử. Và quả thực, đó cũng là đặc trưng nổi bật của Hội Thánh Việt Nam chúng ta trong lịch sử.
Các cuộc bách hại đó “sẽ là cơ hội để anh em làm chứng” (c.13): làm chứng trước mặt ai? cho ai? về điều gì?
Các cuộc bách hại sẽ là cơ hội để các đồ đệ làm chứng cho Tin Mừng và những giá trị của Tin Mừng, chứ không chỉ là để làm chứng cho sự vô tội hay cho sự trung thành của các đồ đệ.
Chúng ta có thể thấy rất rõ điều này trong lịch sử Hội Thánh Việt Nam. Các Thánh Tử Đạo đã làm chứng cho Tin Mừng và cho các giá trị của Tin Mừng một cách anh dũng; và hơn hẳn mọi hoạt động khác, chính khi đổ máu đào làm chứng cho Tin Mừng như thế, các ngài đã thực hiện ở mức độ tuyệt vời nhất sứ mạng loan báo Tin Mừng của Hội Thánh Chúa Kitô đi giữa lòng dân tộc Việt Nam chúng ta.
Theo giáo huấn của Chúa Giêsu trong bài tin mừng hôm nay, trong các cuộc bách hại, người đồ đệ của Chúa được dặn đừng lo phải bào chữa thế nào, “vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được” (c.14).
Sự lan tràn của Lời không thể là hiện thực nếu không có những đau khổ và máu tử đạo của các đồ đệ. Ở đây, Đức Giêsu muốn chuẩn bị cho các đồ đệ đi vào con đường đó, và muốn làm cho họ nên vững mạnh để đối diện với nhiệm vụ thừa sai. Các đồ đệ được kêu gọi đừng lo tự vệ, một chỉ chú tâm vào việc làm chứng mà thôi.
Đó cũng là điều đã được thực hiện một cách tuyệt vời nơi các Thánh Tử Đạo Việt Nam chúng ta.
Sự trung thành với Tin Mừng và với việc làm chứng cho Tin Mừng có thể gây nên những căng thẳng, chia rẽ, bách hại đến từ các thẩm quyền chính trị, tôn giáo, kinh tế, xã hội và văn hóa. Hơn nữa, bi kịch thậm chí còn có thể xảy ra trong phạm vi gia đình và các tương quan bằng hữu thân tình: “Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ làm cho một số người trong anh em phải chết” (c.16).
Như thế là cả trong lãnh vực công cộng lẫn trong các tương quan cá nhân, người đồ đệ đều phải trải qua những đau khổ và thử thách vì Tin Mừng. Lòng tin vào Đức Giêsu và cách sống theo đường lối của Ngài sẽ khiến các đồ đệ trở nên xa lạ và bị coi là thù nghịch không chỉ với các hệ thống tôn giáo và quyền lực thế gian, mà còn ngay cả với những người ruột thịt và thân nghĩa nữa. Các Kitô hữu sẽ không đi theo cha mẹ, anh em hay bạn hữu mình, mà là đi theo Chúa Kitô. Và do đó, “vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét” (c.17).
“Nhưng một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu” (c.18). Có lẽ tác giả Luca muốn khẳng định rằng cho dù bị bách hại tàn khốc, các Kitô hữu vẫn được mời gọi đừng mất tinh thần, vì sự bảo vệ của Thiên Chúa là một yếu tố được bảo đảm chắc chắn.
Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT