Một hôm, “Ông Gioan nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta” (Mc 9,38).
Ông Gioan phát biểu trong tư cách đồ đệ (“Thưa Thầy”) và như là thay mặt cho cả nhóm (“chúng con thấy…”). Ông nói về một sự kiện bộc lộ cách nghĩ của ông và của cả nhóm đồ đệ.
Các ông đã thấy một người kia không thuộc Nhóm Mười Hai nhưng lại lấy danh Đức Giêsu mà trừ quỷ. Trong thực tế, như chúng ta có thể thấy trong 1,34.39; 3,22; 5,2-20; 7,24-30, “trừ quỷ” tức là giải thoát người ta khỏi thế lực xấu vốn có thể làm cho người đó ra tê liệt, trả lại cho người đó sự tự do và tự lập. Vậy điều mà các môn đệ thấy, là có người lấy danh Đức Giêsu mà giải thoát người khác khỏi những thế lực ma quỷ đang cầm hãm và áp chế anh ta.
Nhưng Nhóm Mười Hai đã tìm cách ngăn cản người đó hành động, và lý do, như ông Gioan nói, là vì “người đó không theo chúng ta”.
Cần chú ý một chi tiết nhỏ, nhưng quan trọng: Gioan đã không nói rằng “vì người ấy không theo Thầy”, mà là “không theo chúng ta”. Với đại từ nhân xưng “chúng ta” này, ông Gioan muốn gộp vào đó cả Đức Giêsu cùng với Nhóm Mười Hai, làm thành một nhóm khép kín. Tham vọng của ông Gioan khi làm như vậy là loại trừ cái khả năng có người theo Đức Giêsu mà không theo nhóm các ông, cho dù Đức Giêsu luôn luôn mời gọi một cách rõ ràng người ta đi theo chính bản thân Người (x. 1,18; 2,14.15; 8,34). Đức Giêsu luôn mời gọi mỗi đồ đệ gắn bó với chính Người, một cách trực tiếp, không qua trung gian, tuy luôn luôn có chiều kích cộng đoàn trong việc đi theo Người. Nhưng ông Gioan và cả nhóm có vẻ không chấp nhận nguyên tắc đó. Họ đã nghĩ rằng chỉ khi gắn bó với nhóm của họ, thì người ta mới có thể thực hiện được ơn giải thoát và cứu độ do Đức Giêsu ban tặng.
Trong trường hợp cụ thể này, họ không chấp nhận cho những người ở ngoài nhóm họ được trừ quỷ nhân danh Đức Giêsu. Chính họ đã không trừ được quỷ (x.9,28) thì không ai có thể làm được điều đó. Đây thực sự là một lập trường tùy tiện và độc đoán, vì không cần xét đến giá trị và hiệu quả của hành động của người kia, cũng không cần xét đến tình cảnh của người đang bị quỷ ám, càng không cần xét đến mối tương quan thực chất và sâu xa của người kia với Đức Giêsu. Chỉ có một tiêu chí đã được tính đến: có theo nhóm của các ông hay là không! Chỉ có một mối bận tâm được tính đến: kiểm soát hành động của những người khác và độc quyền chiếm hữu Đức Giêsu!
“Đức Giêsu bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy” (c.39).
Đức Giêsu không đồng ý với lập trường và hành động vừa được đề cập của nhóm đồ đệ. Người bảo họ đứng ngăn cản người kia trừ quỷ.
Trong lý do mà Đức Giêsu viện dẫn, có một chi tiết quan trọng: Đức Giêsu đã tế nhị dùng một lối nói khác với lối nói của ông Gioan ở c.38. Linh mục Nguyễn Thế Thuấn dịch: “lấy danh Thầy” (c.38) và “nhân danh Ta” (c.39). Nhóm CGKPV dịch “lấy danh Thầy” (c.38) và “lấy danh nghĩa Thầy” (c.39). Bản Hy Lạp viết: “en tô onomati sou” (c.38) và “epi tô onomati mou” (c.39). Cách nói thứ nhất (trong lời ông Gioan) diễn tả một hành động được thực hiện nhờ vào việc kêu cầu danh Đức Giêsu. Cách nói thứ hai (trong lời Đức Giêsu) diễn tả một hành động được thực hiện “trong vị thế / trong chỗ / nhân danh Đức Giêsu”, như thể đại diện cho chính Đức Giêsu mà hành động vậy; và do đó, cách diễn tả này tiền giả định một mối liên hệ đặc biệt với Đức Giêsu.
Người thực hiện những hành động quyền năng như những hành động quyền năng của Đức Giêsu và “nhân danh” (epi tô onomati) Đức Giêsu, thì phải là người có một lòng tin và một sự gắn bó đích thực với Người, bởi lẽ lòng tin và sự gắn bó đó chính là điều kiện để có thể hành động như vậy (9,23: “Mọi sự đều có thể đối với người tin”). Hiệu quả (tức là những hành động quyền năng đã thực hiện được) lại trở thành bằng chứng cho lòng tin và sự gắn bó ấy.
Một người đã có lòng tin và sự gắn bó như vậy đối với Đức Giêsu chắc chắn sẽ không thể dễ dàng chuyển sang vị thế chống đối và căm ghét Người (kiểu diễn tả “nói xấu ai” có nghĩa là căm ghét người đó).
Sau khi nói về mối tương quan của những người làm phép lạ với chính bản thân Người (“lấy danh nghĩa Thầy: epi tô onomati mou”), Đức Giêsu nói về mối tương quan của những người đó với cả nhóm: “Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (c.40). Không đặt mình bên trên Nhóm Mười Hai, và chứng tỏ mình đối nghịch với lập trường tìm vị thế lớn nhất của các đồ đệ (x. 9,34), Đức Giêsu dùng đại từ nhân xưng “chúng ta” để chỉ chính bản thân Người cùng với nhóm các đồ đệ.
Nhóm Mười hai đã muốn kiểm soát hành động của những người không thuộc nhóm của họ. Đức Giêsu, trái lại, chấp nhận cho người khác liên minh với mình để thực hiện sự giải thoát con người khỏi thế lực sự dữ và ma quỷ.
Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.