Với những tìm kiếm, với những đam mê cũng có, với những khát vọng cũng có, và những chao đảo cũng có để rồi cuối cùng làm sao Thiên Chúa khơi dậy trong ta cái hiện diện mạnh mẽ lạ lùng của Chúa Thánh Thần trong Hội thánh
Thưa các bạn,
Tôi xin phép được kể lại một bài thơ của một tác giả thuộc dòng Augustino : Bài thơ CÁI BỊ.
Bài thơ diễn tả hành trình của đời một người và được diễn tả như thế này:
Có một lần tôi đang ngồi trước ngưỡng cửa nhà tôi, và tôi nhìn ngắm thiên hạ đi ngang qua đường. Tôi cũng không rõ lúc đó tôi nghĩ cái gì, và tôi mong cái gì tôi cũng không nhớ rõ nữa; nhưng mà bất chợt có khuôn mặt của bạn đi qua, bạn vẫy tay và thế là không biết làm sao bị một sức hấp dẫn nào đó, tôi chạy vội vào trong nhà xách cái bị nhét vội vào đó một chút những hành trang, rời khỏi chỗ tôi thường ở… Tôi lên đường với bạn và hai ta cùng đi cho tới lúc mặt trời lên cao nắng gắt và hai chân rã rời, mồ hôi cùng mồ kê nhễ nhãi. Mệt quá tôi quẳng xác xuống đường và bạn quay lại hiền từ nói với tôi: “Hãy ngó vào cái bị đi, quẳng bớt nó đi”. Tôi ngó vào trong cái bị và lấy ra một mớ quần áo, một vài bộ tôi rất thích, tôi thường dùng nó để đi lễ, tôi cũng thường dùng nó để đi những ngày sinh nhật, những ngày vui với bạn tôi. Tiếc rẻ thật! Nhưng tôi quẳng nó xuống vệ đường.
Thế rồi bạn đi trước, tôi đi sau. Chúng ta lại tiếp tục hành trình cho tới lúc quá trưa, cũng vẫn mồ hôi mồ kê nhễ nhãi. Mặt trời xói vào đầu, mắt hoa với mệt. Một lần nữa, tôi lại quẳng xác tôi xuống vệ đường. Bạn vẫn quay lại với nét mặt hiền từ, bạn nói: “Hãy ngó vào cái bị đi, quẳng bớt nó đi”. Tôi ngó vào cái bị, lấy ra một cuốn sách kinh tế, một cuốn sách tin học, một cuốn danh ngôn… Tiếc thật! Bởi vì đây là những hành trang cho tôi lên đường. Và tôi tin vào mấy cái này lắm, biết làm sao được, tôi lại quăng nó xuống vệ đường.
Rồi bạn đi trước, tôi đi sau… Hai ta lại lóc cóc lên đường. Vào quá trưa cũng lại cái cơn mệt mỏi và mồ hôi mồ kê, không làm sao lê bước được nữa. Một lần nữa tôi lại quẳng mình xuống vệ đường. Bạn đi trước dừng lại, ngó lui vẫn một con mắt hiền từ và nhắc lại với tôi: “Coi lại cái bị xem, quẳng bớt nó đi”. tôi nhìn lại cái bị thì còn lại cái gì? Cuốn Kinh thánh, một vài cuốn sách đạo đức; những cuốn sách mà sau những giờ mệt mỏi và đấu tranh với cuộc sống, tôi muốn tĩnh lại để suy nghĩ về nội tâm của mình và tìm kiếm Lời của Thiên Chúa. Những sách đạo đức thật là quý giá cho tôi trong những giây phút căng thẳng của cuộc sống mà tôi phải bôn ba và chiến đấu hằng ngày. Tiếc thật!… Nhưng mà rồi cuối cùng tôi cũng để lại ở bên vệ đường. Và rồi tôi lại tiếp tục lên đường với bạn tôi mãi cho tới chiều tà mặt trời gác núi. Tôi thấy cả con người của tôi rã rời, không thể nào gắng gượng được thêm một vài bước nữa. Thế rồi y như những lần trước, tôi quẳng xuống về đường thân xác nặng nề của tôi. Tôi thấy bạn quay lại với tôi… Phía xa xa đấy là mặt trời đã vào những giây phút cuối cùng của ngày. Bạn nhắc lại với tôi: “Xem xem quẳng hết đi”. Tôi ngó lại vào cái bị chỉ còn thấy một cuốn album, ở trong đó có ghi lại hình ảnh của mẹ tôi lúc bà còn là một thiếu nữ rất trẻ đẹp, hình ảnh bạn bè và anh em ruột của tôi, tất cả những cái này đã đồng hành với tôi suốt một cuộc đời, và không bao giờ tôi gỡ ra khỏi lòng tôi được nữa. Nhưng thế rồi tôi tin vào bạn tôi, kính cẩn để lại cuốn album đó bên vệ đường. Và bạn nói với tôi: “Ngó kỹ đi còn gì nữa không?” Tôi giơ cái bị lên ngó thì thấy lủng đáy và phía bên kia cái bị chính là đầu núi và mặt trời chuẩn bị nấp vào phía sau. Tôi quẳng nốt cái bị đi. Và bạn quay lại nói với tôi: “Xong rồi, Chúng ta đã tới nơi”.
Đó là ý bài thơ mà tôi đã đọc cách đây 10 năm. Nó muốn diễn tả lại cái gì thì tôi không rõ? Chắc các bạn cứ nên suy nghĩ kỹ đi. Không biết ở phía sau muốn nói cái gì cho thân phận người lữ hành như chúng ta. Một bạn trẻ bắt đầu từ những ngày chớm nở, cả những niềm hy vọng mà người ta gọi là những cái mà mình dựa vào đó để gọi là đầu đội trời chân đạp đất và rồi mình thách đố được với cuộc sống này. Bởi vì tuổi trẻ thì sống như vậy. Như thế lúc này lúc kia có cái bế tắc. Nhưng như thể là nơi mình có một sức sống có thể thách đố trước cuộc đời. Vì thế cho nên tại sao tuổi trẻ luôn mang một sức mà ở đó Giáo hội nhìn vào tuổi trẻ trân trọng yêu mến và nói rằng: “Tương lai thuộc về tuổi trẻ”. Thì cũng y như Chúa Kitô quay lại khi Ngài nói với các môn đệ, Ngài biết rõ các ông lắm chứ. Ngài biết người này tốt, người kia chẳng ra gì, người khác lại háo danh, người nọ theo Chúa chỉ vì một thứ tính toán có lợi gì đó.
Ấy thế mà Chúa đặt nền tảng cả vào nhóm trẻ, và mười mấy ông đó, Thiên Chúa dần dần đặt niềm tin vào các ông không luống công. bởi vì các ông đó cuối cùng đã giữ được cái trẻ mà cái trẻ đó bắt nguồn từ một cuộc biến đổi – Ấy là cái trẻ trung của chính Thiên Chúa muôn đời hằng hữu. – Như vậy chúng ta có thể hiểu rằng, tuổi trẻ có thể có một cái đột nhập khác là cái ĐỘT NHẬP TỪ GIỚI CỦA THIÊN CHÚA vào trong tâm hồn của chúng ta khiến cho cái quy luật của cằn cỗi già nua của thời gian cứ đến và làm cho đầu bạc răng long mặt mày nhăn nhó. Rồi cái kinh nghiệm lầm lỗi yếu đuối, rồi không còn đáng kể nữa. Vì ở phía sau có sự tiếp nối một cách khác, tức là cái trẻ trung ngàn đời của chính Thiên Chúa là Đấng không bao giờ mât đi trong cái quy luật thời gian này. Có lẽ nhìn vào sự can thiệp của Thiên Chúa dính dấp vào tuổi trẻ cho nên Giáo hội đặt được hy vọng lớn lao trong tuổi trẻ.
Thế cho nên, ngay từ đầu tôi đã gợi lại niềm hy vọng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào giới trẻ đã được chuyển lại cho chúng ta: “Hãy sẵn sàng làm chứng cho những mối hy vọng mà các bạn đang mang ở nơi mình các bạn”. Nói đến đây tôi chợt nhớ tới khuôn mặt Hitoshi, trong phim Ohshin, là một khuôn mặt là lạ. Nhưng một lúc nào đó bỗng lỗ ra chọn lựa một con người và cái nội dung chọn lựa là thế này: Bạn đó có một cái đeo đuổi thật sự vào nó trở thành cái mối ám ảnh từ nhỏ cho đến bây giờ, nhất quyết mình phải thành đạt. Và vì nếu sự đeo đuổi đó gặp cản trở thì có thể sẵn sàng dùng hết mọi phương tiện để đạt thấu được, kể cả tình yêu… Nó làm cái bệ phóng để mà phóng đi. Như vậy con người với con người trở thành công cụ của nhau để mà người ta đeo đuổi cho nó đã cái con người của mình; khi đó phải nói nó là một xã hội ghê gớm. Nói như vậy, từng người từng người một sẽ bị nô lệ vào cái động lực của nó. Đó cũng là một cách chọn lựa.
Bởi đó cho nên mấy ngày nay chúng ta sẽ trao đổi với nhau về cái đột nhập của Thiên Chúa vào trong đời của chúng ta; sự đột nhập rất là tinh tế, nó vào trong chính cái nội dung cuộc sống của mình. Với những tìm kiếm, với những đam mê cũng có, với những khát vọng cũng có, và những chao đảo cũng có để rồi cuối cùng làm sao Thiên Chúa khơi dậy trong ta cái hiện diện mạnh mẽ lạ lùng của Chúa Thánh Thần trong Hội thánh; và Hội thánh luôn luôn cứ sống trong tư thế gọi là chênh vênh, luôn luôn dao động suốt lịch sử trần gian này. Hội thánh đó là khuôn mặt của chúng ta, khuôn mặt của các bạn trẻ, khuôn mặt của những người nam người nữ, muôn đời cứ thế kế thừa nhau với tất cả những dao động của trần gian cứ đi mãi.
Vậy cái mầu nhiệm đột nhập của Thiên Chúa làm thế nào mà nó xảy nên được, một sự lạ lùng từ Thiên Chúa.
Lm Anphongsô Phạm Gia Thụy CSsR