Làm nhẹ bớt những dữ kiện trong việc phân định mục vụ
Để có được sự hiểu biết đầy đủ về khả năng và nhu cầu phân định đặc biệt trong những hoàn cảnh “bất thường”, ta phải làm sao để người ta không thể nói cách đơn giản là mọi người ở trong những hoàn cảnh “bất thường” đều ở trong tình trạng tội trọng và bị tước mất ơn thánh hóa[1].
Khi hành động vì không biết, không cố tình, không tự do, do sợ hãi, thói quen[2] hay do sự ấu trĩ về tình cảm, áp lực của thói quen, các hoàn cảnh khiến phải lo lắng hay các dữ kiện tâm lý xã hội khác[3], thì người ta sẽ không phải chịu hoặc được giảm nhẹ trách nhiệm về việc họ làm. Vì thế, việc chăm sóc mục vụ cũng phải cân nhắc những hoàn cảnh đó[4].
Cần đưa lương tâm mỗi cá nhân đi sâu hơn vào trong thực hành của Hội thánh bằng cách khuyến khích phát triển một lương tâm được khai sáng, hình thành và hướng dẫn bởi sự phân định có trách nhiệm của mục tử của mình và ngày càng tin tưởng vào ân sủng của Thiên Chúa hơn; giúp lương tâm ấy nhận ra lúc này đâu là đáp trả quảng đại nhất, đâu là điều Thiên Chúa đang đòi hỏi giữa sự phức tạp cụ thể của những giới hạn của con người. Ta hãy nhớ rằng sự phân định này phải không ngừng mở ra cho các giai đoạn mới và các quyết định mới giúp ta có thể làm cho lý tưởng này ngày một được thực hiện cách trọn vẹn hơn[5].
Các qui luật và việc phân định
Khi nói về các nguyên tắc chung, ta cần nhớ rằng càng đi xuống chi tiết bao nhiêu, càng đụng phải khiếm khuyết bấy nhiêu. Các qui luật chung đưa ra một điều thiện không bao giờ bị coi thường hay bỏ qua, nhưng khi đã thành công thức, các qui luật ấy không thể cung cấp cách tuyệt đối cho mọi hoàn cảnh đặc biệt. Nên ta không thể nâng sự phân định thực tế trong những hoàn cảnh đặc biệt lên tới mức là một qui luật được[6].
Các mục tử không thể cho rằng chỉ cần áp dụng các luật luân lý cho những người sống trong tình trạng “bất thường” là đủ vì như thế chẳng khác gì ngồi trên toàn Môsê và xét xử các trường hợp khó khăn và các gia đình thương tích bằng thái độ kẻ cả và giả hình[7]. Vì những hình thức của các dữ kiện chữa trị và giảm nhẹ, nên trong hoàn cảnh tội lỗi khách quan, một người nào đó vẫn có thể sống trong ân sủng của Thiên Chúa, vẫn có thể yêu thương và lớn lên trong đời sống ân sủng và trong đức ái, khi đón nhận sự giúp đỡ của Hội thánh tới cùng[8]. Việc phân định phải giúp tìm ra những con đường có thể đáp trả Thiên Chúa và lớn lên trong các giới hạn. Ta hãy nhớ rằng “một bước nho nhỏ, giữa những giới hạn của con người, có thể làm vui lòng Thiên Chúa hơn một đời bên ngoài có vẻ trật tự, nhưng lại không trải qua những ngày gian khổ”[9]. Đây là một thưc tại không thể bỏ qua được[10].
Trong mọi trường hợp, khi đối xử với những người gặp khó khăn trong việc sống trọn vẹn luật của Thiên Chúa, ta phải làm sao để họ nghe rõ lời mời theo đuổi con đường đức ái. “Khi bị lửa đe dọa, ta chạy ngay đi múc nước dập tắt thế nào… thì ta cũng phải dập tắt ngay ngọn lửa tội lỗi xuất phát từ vỏ trấu của ta và làm ta khốn khổ như thế, nếu ta được ban cho cơ hội để thực hiện công việc của lòng xót thương, thì hãy vui mừng, như thể đó là nước nguồn Chúa ban để dập tắt ngọn hỏa hào vậy”[11].
Logic của lòng nhân từ mục vụ
Ta phải khuyến khích các bạn trẻ đã được thánh tẩy hiểu rằng ân sủng của bí tích hôn phối và việc họ tham dự vào đời sống Hội thánh có thể làm phong phú và nuôi dưỡng những viễn tượng của tình yêu của họ[12]. Việc bày tỏ sự hiểu biết khi đối diện với những hoàn cảnh ngoại lệ không bao giờ được làm lu mờ ánh sáng của lý tưởng trọn vẹn hơn là những thứ Chúa Giêsu luôn ban cho con người. Hôm nay, điều quan trọng hơn cả của việc chăm sóc mục vụ đối với những người thất bại chính là việc cố tăng cường sức mạnh của các cuộc hôn nhân và như thế cũng là cố ngăn chặn các cuộc đổ vỡ[13].
Tuy “không giảm nhẹ lý tưởng tin mừng, nhưng vẫn cần dành chỗ cho “lòng xót thương của Chúa, một lòng xót thương không ngừng thôi thúc ta cố gắng hết sức”[14]. Chúa Giêsu muốn Hội thánh để tâm tới sự tốt lành Chúa Thánh Thần gieo vào giữa nhân loại lầm than, muốn một bà Mẹ, trong khi diễn tả giáo huấn khách quan, vẫn “không ngừng làm mọi điều tốt có thể làm, dù trong tiến trình này, có thể bị lem luốc bởi bụi đất bên đường”[15]. Các mục tử của Hội thánh phải giúp các tín hữu đối xử với những người hèn yếu với lòng xót thương, không phán đoán vội vã hoặc cay nghiệt cách không phù hợp[16].
Hiền thê của Đức Kitô phải làm cho thái độ của mình rập theo khuôn mẫu Con Thiên Chúa Đấng luôn đến với mọi người không trừ ai”[17].
Ta không thể quên rằng “lòng xót thương không chỉ là hoạt động của Chúa Cha mà còn là tiêu chuẩn để biết ai là con Thiên Chúa thật. Vì lòng xót thương chính là nền tảng của đời sống Hội thánh, là toàn bộ hoạt động mục vụ của Hội thánh. Hội thánh là nhà của Cha, nơi mọi người với mọi vấn đề của mình đều có một chỗ”[18]
Việc dạy thần học luân lý phải nhấn mạnh và khích lệ các giá trị chủ yếu và cao cả nhất của tin mừng[19], nhất là sự ưu việt của đức ái. Đôi khi ta thấy dành chỗ cho tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa trong các hoạt động của ta không dễ[20]. Ta đã đặt ra quá nhiều điều kiện về lòng xót thương đến độ làm mất hết ý nghĩa cụ thể và đích thật của nó. Ví dụ như, đúng là lòng xót thương không loại trừ công lý và sự thật, nhưng trước hết ta phải nói rằng lòng xót thương là sự viên toàn của công lý và là sự thể hiện rực rỡ nhất của sự thật của Thiên Chúa. Nên ta cũng phải coi là bất toàn những quan niệm thần học “nghi ngờ sự toàn năng của Thiên Chúa và nhất là lòng thương của Ngài[21].
Điều này giúp ta tránh một nền luân lý máy móc, lạnh lùng khi giải quyết các vấn đề nhạy cảm, và giúp phân định cách xót thương, sẵn sàng hiểu, tha thứ, đồng hành, hy vọng và nhất là hợp nhất lại; giúp “mở toang cõi lòng cho những người đang sống tại vùng ven xa xôi nhất của xã hội[22]. Cha khuyến khích các Kitô hữu tin tưởng nói chuyện với các mục tử vì chắc chắn họ sẽ nhận được một ánh sáng giúp họ hiểu hơn hoàn cảnh của mình và khám phá ra con đường dẫn tới sự phát triển bản thân. Cha cũng khuyến khích các mục tử lắng nghe họ với sự nhạy bén và bình tĩnh, giúp họ sống một cuộc sống tốt đẹp hơn và nhận ra chỗ của mình trong Hội thánh[23].
Đaminh Nguyễn Đức Thông, C.Ss.R.
[1] Amoris Laetitia, số 301
[2] GLHTCG Số 1735.
[3] Ibid., 2352; Thánh bộ Đạo lý đức tin, Tuyên bố về An tử Iure et Bona (5.5.1980), II: AAS 72 (1980), 546; Đức Gioan Phaolô II, trong việc phê bình về “chọn lựa căn bản” đã công nhận rằng “chắc chắn có có thể xảy ra những hoàn cảnh rất phức tạp và mơ hồ theo quan niệm tâm lý, và có ảnh hưởng trên việc phạm tội chủ quan của tội nhân” (Tông huấn, Reconcilio et Paenitentia (2.12.1984), 17: AAS 77 91985), 223).
[4] Amoris Laetitia, số 302
[5] Amoris Laetitia, số 303
[6] Amoris Laetitia, số 304
[7] Bài nói chuyện bế mạc Đại hội thường niên lần thứ mười bốn của Thượng Hội Đồng giám mục (24.10.2015): L’ Obsservatore Romano, 26 – 27.10.2015, tr. 13.
[8] Trong một số trường hợp, điều này gồm cả sự trợ giúp của các bí tích. Vì thế, “tôi muốn nhắc các linh mục rằng tòa giải tội không phải là nơi tra tấn mà là một cuộc gặp gỡ lòng nhân từ của Chúa” (Tông huấn Evangelii Gaudium [24.11.2013], 44: AAS 105 [2013]. Tôi cũng muốn co thấy rằng Thánh Thể “không phải là một phần thưởng cho người hoàn thiện nhưng là một phương dược cực mạnh và và sự bổ dưỡng cho những kẻ yếu đuối” (Ibid., 47: 1039).
[9] Tông huấn Evangelii Gaudium (24.11.2013), 44: AAS 105 (2013), 1038 – 1039.
[10] Amoris Laetitia, số 305
[11]De Catechizandis Rudibus, I, 14, 22: PL 40, 327; x, Tông huấn Evangelii Gaudium (24.11.2013), 1038 – 1039; Amoris Laetitia, số 306
[12]Relatio Synodi 2014, 26.
[13] Amoris Laetitia, số 307
[14] Tông huấn Evangelii Gaudium (24.11.2013), 44: AAS 105 (2013), 1038.
[15] Ibid., 45.
[16] Amoris Laetitia, số 308
[17] Tông thư Misericordiae Vutltus (11.4.2015), 12: AAS 107 (2015): 407; Amoris Laetitia, số 309
[18] Tông huấn Evangelii Gaudium (24.11.2013), 47: AAS 105 (20134), 1040; Amoris Laetitia, số 310
[19] X. Ibid., 36 – 37: AAS 105 (2013), 1035.
[20] Có lẽ vì một sự bối rối nào đó, bị che khuất dưới lòng nhiệt thành đối với sự trung thành với sự thật, một số linh mục đòi hối nhân quyết tâm chừa cải thiếu sắc thái đến độ làm cho lòng xót thương bị lu mờ do theo cái gọi là công lý thuần túy. Vì lý do này, nhắc lại giáo huấn của đức Gioan Phaolô II, người đã tuyên bố khả năng sa ngã lại “không được gây tổn hại cho tính chân thật của việc quyết tâm” (Thư gửi đức hồng y Wiiliam W. Baum nhân khóa học về Diễn đàn Nội tâm được do Tòa xá giải tổ chức [22.3.1996], 5: Insegnamenti XIX/1 [1996], 589).
[21] Ủy ban Thần học Quốc tế, The Hope of Salvation for Infants Who Die Without Being Baptized (19.4.2007), 2; Amoris Laetitia, số 311
[22] Tông thư Misericordiae Vultus (11.4.2015), 15: AAS 107 (2015), 409.
[23] Amoris Laetitia, số 312