Về Amoris Laetitia – Chương VI: Những quan điểm mục vụ (tiếp theo)

Thách thức của các cuộc khủng hoảng

Cuộc sống của mọi gia đình đều được đánh dấu bằng mọi thứ khủng hoảng, nhưng các khủng hoảng này cũng là một phần của vẻ đẹp ấn tượng của gia đình. Khủng hoảng có thể cải thiện, ổn định và làm chín muồi rượu hiệp thông. Mỗi cuộc khủng hoảng đều trở nên một cuộc thực tập trong việc gần gũi nhau hơn và học thêm được chút gì đó về hôn nhân là gì, đều thành cơ hội để cho rượu tương quan chín ngấu và ngon hơn, đều có các bài học để dạy ta, ta cần biết lắng nghe với đôi tai của tâm hồn[1].

Khi đương đầu với khủng hoảng, ta thường có khuynh hướng phản ứng cách tự vệ, phủ nhận, che giấu hay coi thường vấn đề và hy vọng rằng vấn đề ấy rồi sẽ qua, làm thế sẽ không có lợi. Khi vấn đề không được giải quyết, thì truyền thông là điều đầu tiên khăn gói ra đi. Dần dần, “người tôi yêu” trở thành “bạn tôi” sau đó chỉ còn là “cha mẹ của các con tôi” và cuối cùng thành người xa lạ[2].

Vợ chồng cần cùng nhau đương đầu với khủng hoảng, rất khó, vì đôi khi người ta rút lui vào trong sự im lặng hèn nhát để khỏi phải nói ra những gì mình đang cảm nhận. Lúc này điều quan trọng hơn là tạo ra các cơ hội để lòng nói với lòng. Truyền thông là một nghệ thuật ta học khi bình an để đưa ra thực hành khi sóng gió. Đây là một tiến trình gian khổ đem lại một kho tàng mới. Hầu hết những người gặp khó khăn hay khủng hoảng đều không tìm đến sự trợ giúp mục vụ, ta cố gắng tiếp cận các cuộc khủng hoảng hôn nhân cách nhạy bén hơn với gánh nặng khổ đau và băn khoăn của họ[3].

Trong hôn nhân, khủng hoảng thường do không chấp nhận những khác biệt của nhau, không tự giải thoát mình khỏi cha mẹ, con cái chào đời, bị con cái ở độ tuổi thiếu niên công kích, nhu cầu chăm sóc cha mẹ già. Đó là những hoàn cảnh đòi hỏi khắt khe có thể tạo nên e sợ, cảm giác tội lỗi, chán nản và mệt mỏi, để lại những hậu quả nghiêm trọng trên hôn nhân[4].

Những khủng hoảng cá nhân thường liên quan tới tài chính, những rắc rối tại nơi làm việc, những khó khăn về tình cảm, xã hội và tâm linh, những hoàn cảnh không mong muốn ập xuống trên họ, làm ngưng trệ đời sống gia đình và đòi hỏi tiến trình tha thứ và hòa giải. Để dễ dàng tha thứ, mỗi người phải âm thầm và khiêm tốn tự hỏi xem mình có một cách nào đó đẩy người ấy tới những khuyết điểm của họ chăng. Để biết tha thứ và thấy mình được tha thứ là một kinh nghiệm căn bản trong đời sống gia đình[5]. “Nghệ thuật hòa giải gian khổ này rất cần sự hợp tác quảng đại của thân nhân và bạn hữu, và đôi khi đòi cả sự trợ giúp bên ngoài và của các chuyên gia”[6].

Một trong những lý do phổ biến để chấm dứt hôn nhân hiện nay là một hay cả hai người không còn cảm thấy mãn nguyện nữa. Để cứu vãn cuộc hôn nhân này, ta phải biết rằng mọi sự đang trôi qua, đó chỉ là một lần duy nhất không thỏa mãn, cũng cần nghĩ tới sự vắng mặt của người ấy khi ta cần họ nhất, tự ái bị tổn thương hay nỗi sợ hãi bâng quơ, vợ, chồng có thể thấy mình không được tôn trọng trọn vẹn, hay bị người khác hấp dẫn, ghen tương và căng thẳng có thể xuất hiện hay những thứ hấp dẫn mới có thể chiếm hết thời gian và chú ý của người ấy. Các thay đổi về thể lý và nhiều thứ khác là những cơ hội để làm sống lại và canh tân, chứ không đe dọa tình yêu[7].

Trong những hoàn cảnh như thế, một số người có được sự trưởng thành cần thiết luôn tái khẳng định việc chọn người ấy là bạn đời trong suốt cuộc hành trình của cuộc sống, họ không nghĩ mình là người tử đạo, họ tận dụng mọi khả năng và kiên trì làm việc để củng cố sự ràng buộc hôn nhân. Cuối cùng, họ nhận ra, mọi khủng hoảng đều có thể là một “sự ưng thuận” mới, làm cho tình yêu có thể được canh tân, đào sâu và củng cố từ bên trong. Khi khủng hoảng đến, họ không ngại đi vào tận gốc rễ của nó, để thương lượng lại những điều khoản căn bản, để đạt đến một sự quân bình mới và cùng nhau tiến về phía trước. Điều khẩn thiết hiện nay là một thừa tác vụ chăm sóc những người mà tương quan vợ chồng của họ đã đổ vỡ[8].

Các vết thương cũ

Rắc rối của các gia đình hầu hết vì một trong hai vợ chồng thiếu trưởng thành về tình cảm do các vết sẹo của những kinh nghiệm trước đây vẫn còn. Mãi khi bốn mươi, người ta mới đạt một sự trưởng thành đáng lẽ họ phải có vào cuối thời niên thiếu. Một số người yêu bằng một tình yêu qui ngã, thất thường, ích kỷ của trẻ con, những người khác lại yêu bằng một tình yêu thời niên thiếu được đánh dấu bằng hận thù, phê bình gay gắt và buộc tội người khác[9].

Nhiều người từ giã thời thơ ấu mà chưa một lần cảm được tình yêu vô vị lợi. Mối tương quan nghèo nàn với cha mẹ có thể lại nổi lên và làm cho hôn nhân bị tổn thương. Khi rắc rối xảy ra, thì điều quan trọng là mỗi vợ chồng đều phải nắm được lịch sử của mình, nhận ra nhu cầu chữa lành, việc cầu nguyện không ngừng để xin ơn tha thứ và được tha thứ. Dù người ấy có lỗi thật, nhưng chỉ mong người ấy thay đổi thôi, sẽ không vượt qua khủng hoảng được. Ta cũng phải hỏi xem chỗ nào trong cuộc sống ta cần phát triển và chữa lành khi giải quyết xung đột[10].

Việc đồng hành sau khi đổ vỡ và ly dị

Trong một số trường hợp, việc tôn trọng phẩm giá con người và lợi ích của con cái đòi phải ngăn chặn một sự bất công, bạo lực nghiêm trọng hay một sự ngược đãi thường xuyên. Trong những trường hợp ấy, “ly thân là điều không thể tránh để khỏi bị tổn hại vì lạm dụng và bạo lực, khỏi bị nhục mạ và bóc lột và khỏi bị coi thường và hờ hững[11]. Nhưng phải coi đó là giải pháp cuối cùng[12].

  1. Trong việc chăm sóc mục vụ cho những người ly thân, ly dị và bị bỏ rơi, cần có một sự phân định đặc biệt, cần tôn trọng cách riêng đối với những đau khổ của những người phải chịu cảnh ly thân, ly dị và bị bỏ rơi cách bất công hoặc những người do sự ngược đãi của vợ hay chồng mà phải phá vỡ cuộc sống chung. Việc chăm sóc mục vụ nhất thiết phải bao hàm các nỗ lực nhắm tới việc hòa giải và điều đình, nhờ thiết lập các trung tâm tư vấn trong các giáo phận[13], khuyến khích những người ly dị nào vẫn còn chung thủy, không tái hôn tìm trong Thánh Thể nguồn bổ dưỡng họ cần để nuôi sống mình trong tình trạng hiện nay của cuộc sống; đồng hành với những người đang sống đơn lẻ ấy, nhất là khi họ gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính[14]..

Còn đối với những người ly dị nào đã bước vào một cuộc kết hôn mới, cần làm cho họ cảm thấy họ là thành phần của Hội thánh, họ không bị vạ tuyệt thông[15]. Những hoàn cảnh này “đòi phải phân định kỹ và đồng hành cách tôn trọng. Không ai được coi việc chăm sóc những người ấy làm yếu đi đức tin và chứng tá cho sự vô phương tháo gỡ của hôn nhân; mà phải coi đó là cách diễn tả đặc biệt đức ái của cộng đoàn”[16].

Đa số các Nghị phụ Thượng Hội Đồng yêu cầu phải làm sao để tiến trình tuyên bố tiêu hôn được dễ dàng, đỡ mất giờ hơn, và miễn phí nếu được[17]. Các giám mục, vì được bổ nhiệm là mục tử và làm đầu, phải là thẩm phán về những trường hợp được ủy thác cho sự chăm sóc của mình[18], phải bảo đảm cho các tín hữu đến với công lý cách dễ dàng hơn[19].

Con cái bao giờ cũng là các nạn nhân vô tội của các cuộc ly dị. Vì thế, lợi ích của con cái phải là quan tâm hàng đầu. Đức Thánh Cha kêu gọi các bậc cha mẹ ly thân, không được bắt con cái làm con tin! Chúng phải lớn lên và biết rằng dù không sống chung, nhưng cha mẹ chúng luôn nói tốt về nhau[20]. Làm mất uy tín vợ chồng như một phương tiện để chinh phục tình cảm của con cái hay vì trả thù hoặc tự biện minh cho mình là vô trách nhiệm, sẽ gây ra những thương tích khó chữa lành[21].

Các cha mẹ phải tự hỏi không biết ta có trở nên tê cứng với nỗi xót xa của linh hồn con cái mình không; có cảm thấy gánh nặng ê chề về tâm lý chúng đang phải chịu trong các gia đình ly dị không?[22]. Các cộng đoàn Kitô hữu không được bỏ rơi các cha mẹ đã ly dị và đã bước vào một cuộc hôn nhân mới, vì nếu ta cứ để họ trong tình trạng hờ hững với đời sống của cộng đoàn, coi họ như thể những người bị vạ tuyệt thông, ta không thể khuyến khích họ làm mọi sự có thể để nuôi dạy con cái trong đời sống Kitô hữu, làm gương cho chúng về một đức tin dấn thân và thực tế. Vì thế, nhiệm vụ mục vụ quan trọng nhất liên quan tới gia đình là củng cố tình yêu của họ, giúp họ chữa lành các thương tích và làm việc để ngăn chặn sự lây lan của thảm kịch này trong thời đại ta[23].

Một số hoàn cảnh phức tạp

 Cần đặc biệt chú ý tới các cuộc hôn nhân hỗn hợp bằng cách thiết lập sự hợp tác chân thành giữa các thừa tác viên Công giáo và không Công giáo từ lúc bắt đầu các cuộc dự bị hôn nhân và lễ cưới[24]. Tuy vợ chồng trong cuộc hôn nhân hỗn hợp chia sẻ bí tích Thánh tẩy và hôn phối, nhưng việc chia sẻ Thánh Thể chỉ có thể là ngoại lệ và trong mỗi trường hợp đều phải theo các qui tắc nhất định[25]

 Cần có sự chăm sóc mục vụ cho các cuộc hôn nhân khác đạo, nhấn mạnh đến nhu cầu tôn trọng tự do tôn giáo tại những nơi không có; giúp các gia đình một bên là Công giáo còn người kia không tin để bên Công giáo đưa tin mừng vào trong gia đình mình và nuôi dạy con cái trong đức tin Kitô giáo[26].

Khi những người trong hoàn cảnh hôn nhân phức tạp muốn được thánh tẩy, các giám mục được mời gọi thực hiện việc phân định mục vụ xứng với lợi ích thiêng liêng của những người ấy[27].

Hội thánh làm thành của mình thái độ của Chúa Giêsu, Đấng hiến trao tình yêu vô biên của Ngài cho mỗi người không trừ ai[28]. Hội thánh khẳng định mọi người, bất kể khuynh hướng giới tính, đều phải được tôn trọng trong phẩm giá của họ và phải tránh mọi thứ kỳ thị bất công[29] nhất là các hình thức hung hăng và bạo lực. Việc hướng dẫn mục vụ cần giúp những người thể hiện khuynh hướng đồng tính có thể đón nhận sự trợ giúp họ cần để hiểu và thực hiện cách đầy đủ ý Thiên Chúa trong đời mình[30], nhưng không thể coi các cuộc “hôn nhân” đồng giới giống như cuộc hôn nhân giữa người nam và ngươi nữ[31].

Các gia đình chỉ có một mình cha hoặc mẹ phải nhận được sự động viên và nâng đỡ của các gia đình khác trong cộng đoàn Kitô hữu và việc viếng thăm mục vụ của giáo xứ[32].

Khi cái chết làm cho ta cảm được nỗi quặn đau

Ta phải đem lại ánh sáng đức tin như một sự nâng đỡ đối với các gia đình tang chế[33], vì quay lưng lại với họ là thiếu lòng khoan nhân, đánh mất cơ hội mục vụ và khép cửa lại đối với những nỗ lực phúc âm hóa khác[34]. Trong hoàn cảnh này, nhiều người trách móc, giận dữ Thiên Chúa. Nhưng một số người lại bày tỏ khả năng tập trung sức lực chăm lo cho con cái, cháu chắt hơn, tìm thấy trong kinh nghiệm yêu thương ấy một cảm thức về sứ mạng mới trong việc nuôi dạy con cái. Ta cần giúp họ kiên trì cầu nguyện, ý thức rằng việc khóc than của ta không tôn vinh người quá cố mà chỉ phá hại đời ta; giúp họ chấp nhận sự hiện hữu mới của người quá cố qua ý thức rằng những người chết không qua đi, Chúa phục sinh sẽ không bao giờ bỏ ta: “Tôi hăm hở ra đi và ở với Đức Kitô” (Pl 1, 23), “đối với các tín hữu, sự sống thay đổi chứ không mất đi”[35].

Cách duy nhất để duy trì sự hiệp thông với những người mình yêu là cầu nguyện cho họ[36]. “Việc cầu nguyện của ta không chỉ giúp họ mà họ còn có thể chuyển cầu cho ta cách hữu hiệu”[37]. Thánh Têrêsa Lisieux muốn tiếp tục thực hiện những việc tốt lành từ trời[38]. Đây thật sự là “mối liên kết của tình yêu”[39], vì sự hiệp thông của những người lữ hành với anh em đã an nghỉ trong Chúa không bị gián đoạn[40]. Nếu ta chấp nhận cái chết, ta có thể chuẩn bị cho cái chết ấy. Càng sống tốt lành nơi thế gian này, hạnh phúc ta sẽ có thể chia sẻ với những người thân yêu của ta trên trời càng lớn. Càng trưởng thành và triển nở trên thế gian này, ta càng có thể đem nhiều quà tặng lên bàn tiệc thiên quốc[41].

Đaminh Nguyễn Đức Thông, C.Ss.R.

[1] Amoris Laetitia, số 232

[2] Amoris Laetitia, số 233

[3] Amoris Laetitia, số 234

[4] Amoris Laetitia, số 235

[5]Relatio Synodi 2104, 44.

[6]Relatio Finalis 2015, 81; Amoris Laetitia, số 236

[7] Amoris Laetitia, số 237

[8] Ibid., 78; Amoris Laetitia, số 238

[9] Amoris Laetitia, số 239

[10] Amoris Laetitia, số 240

[11] Giáo lý (24. 6. 2015); L’Osservatore Romano, 25.6. 2015.

[12] Thánh Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio (22. 11. 1982), 83: AAS 74 (1982), 184; Amoris Laetitia, số 241

[13]Relatio Syndodi 2014, 47.

[14] Ibid., 50; Amoris Laetitia, số 242

[15] Giáo lý (5.8.2015): L’Osservatore Romano, 6.8. 2015, tr. 7.

[16]Relatio Synodi 2014, 51; x. Relatio Finalis 2105, 84; Amoris Laetitia, số 243

[17] Ibid., 48.

[18] Motu Proprio Mitis Iudex Dominus Jesus (15.8.2015); Preambe, III: L’Osservatore Romano, 9. 9. 2015, tr. 3

[19] Amoris Laetitia, số 244

[20] Giáo lý (20.5.2015), L’Osservatore Romano 21.5.2015, tr.8

[21] Amoris Laetitia, số 245

[22] Giáo lý (24. 6.2015), L’Osservatore Romano 25.6.2015, tr. 8.

[23] Amoris Laetitia, số 246

[24] Familiaris Consortio, 78

[25] Pontifical for Promoting Christian Unity, Directory for the Application of Principles and Norms on Ecumenism, 25 March, 1993, 159 – 161; Amoris Laetitia, số 247

[26] Ibid., 74; Amoris Laetitia, số 248

[27] Ibid., 75; Amoris Laetitia, số 249

[28] X. Tự Sắc Misericordiae Vultus, 12: AAS 107 (2015), 407; Amoris Laetitia, số 250

[29] Giáo lý của Hội thánh Công giáo, 2358; xem Relatio Finalis 2015, 76.

[30] Ibid.

[31] Amoris Laetitia, số 251

[32] Ibid., 80; Amoris Laetitia, số 252

[33] X. Ibid., 20

[34] Amoris Laetitia, số 253

[35] Amoris Laetitia, số 254

[36] X. Giáo lý Hội thánh Công giáo, 958.

[37] Ibid.

[38] X. Têrêsa Liseiux, Derniers Entretiens: Le “carnet de Mère Agnes, 17.7.1897, trong Oeuvres Completes, Paris, 1966, 1050. Các nữ tu Dòng Cát minh của chị nói về lời chị hứa rằng việc ra khỏi thế gian này của chị giống như” việc mưa hoa hồng” (Ibid., 9.6.1897, 1913).

[39] X. Giáo lý Hội thánh Công giáo, 857

[40] Công Đồng Vatican II, Lumen Gentium, 49; Amoris Laetitia, số Amoris Laetitia, 257

[41] Amoris Laetitia, số 258

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết