Về Amoris Laetitia – Chương VI: Những quan điểm mục vụ (tiếp theo)

Chuẩn bị cho việc cử hành hôn lễ

Hiện việc chuẩn bị hôn nhân có khuynh hướng tập trung vào thiệp mời, quần áo, tiệc tùng. Vợ chồng đến với lễ cưới thường mệt lử và lo ra, không tập trung và sẵn sàng cho bước quan trọng họ sắp thực hiện, cần giúp họ quan tâm trước hết đến tình yêu và việc cử hành tình yêu ấy; can đảm làm khác với người ta để khỏi bị ảnh hưởng của xã hội tiêu thụ và chuộng vẻ giả dối. Đây phải là một qui tắc chứ không phải luật trừ[1].

Khuyến khích đôi bạn làm cho việc cử hành phụng vụ thành một kinh nghiệm bản thân sâu sắc và đánh giá đúng ý nghĩa của mỗi dấu chỉ, giúp họ cảm nhận việc kết hợp thân xác như các dấu chỉ của giao ước tình yêu và sự kết hợp giữa Con Thiên Chúa nhập thể và Hội Thánh Ngài. Thân xác, được tạo dựng với ý nghĩa Thiên Chúa ban, “trở thành ngôn ngữ của các thừa tác viên của bí tích, ý thức rằng trong giao ước hôn nhân mầu nhiệm được diễn tả và được hiện thực là mầu nhiệm có nguồn gốc nơi chính Thiên Chúa”[2].

Cần giúp đôi bạn hiểu rằng lời ưng thuận của họ không chỉ là những lời thuộc hiện tại mà còn bao gồm cả tương lai, “sự tự do và trung thành không chống lại nhau, nhưng nâng đỡ nhau,  cả trong các mối tương quan liên vị lẫn xã hội. …Kính trọng lời nói của con người, trung  thành với lời hứa của mình: đó là những điều không thể mua bán được. Sức mạnh không thể buộc được những việc ấy và không có hy sinh, không thể giữ được những việc ấy”[3].

Cần khuyến khích họ nhìn bí tích là một thực tại không ngừng ảnh hưởng  trên toàn bộ đời sống hôn nhân[4]. Ý nghĩa sinh sản của giới tính, ngôn ngữ thân xác, và các dấu chỉ của tình yêu được chiếu tỏa suốt  cuộc sống hôn nhân, tất cả đều trở nên một “sự liên tục không bị đứt quãng của ngôn ngữ phụng vụ” và “đời sống vợ chồng  theo một nghĩa nào đó  luôn trở nên có tính phụng vụ”[5].

Đôi bạn cũng có thể suy gẫm về các bài đọc Kinh thánh,  ý nghĩa của các chiếc nhẫn họ trao cho nhau và các dấu chỉ khác là những thành phần của nghi lễ. Cần giúp họ cầu nguyện  với nhau, và cho nhau để được trung thành và quảng đại, để tình yêu của họ được hiến thánh; giúp họ kinh nghiệm được những giờ phút cầu nguyện là những giờ có ảnh hưởng tốt nhất. Phụng vụ hôn nhân là một cử hành vừa của gia đình vừa của cộng đoàn, dành cho hết mọi người cho cả những người thi thoảng mới tham dự đời sống Hội thánh, hay những người là thành viên của các giáo phái Kitô giáo khác hay các cộng đoàn tôn giáo. Vì thế đó là cơ hội giá trị cho việc loan báo Tin mừng của Đức Kitô[6] .

Việc đồng hành những năm đầu đời hôn nhân

Chỉ những ai tự do chọn và yêu thương nhau mới được phép lấy nhau nhưng đôi lúc tình yêu  chỉ là sự hấp dẫn của thân xác nên khi tình cảm nhạt phai hay thân xác tàn tạ, họ sẽ dễ bị tổn thương; giai đoạn đính hôn quá ngắn, quyết định lại bị thôi thúc vì nhiều lý do và điều rắc rối hơn chính là đôi bạn chưa trưởng thành đủ, nên cần giúp đôi bạn suốt những năm đầu của đời sống gia đình phong phú hóa, đào sâu quyết định tự do và ý thức của họ để có, để giữ và để yêu nhau suốt đời[7].

Giúp họ có được một cái nhìn hướng về tương lai, mà với sự trợ giúp của ân sủng Thiên Chúa, họ  được kêu gọi gầy dựng hằng ngày bằng cách dẹp bỏ mọi ảo tưởng và vợ chồng mình sao chấp nhận vậy: một sản phẩm chưa hoàn tất, một tác phẩm còn dang dở. Thái độ chì  chiết bạn đời là dấu chỉ  cho thấy người ta chưa đi vào hôn nhân  như một chương trình phải cùng nhau thực hiện cách kiên trì, hiểu biết, khoan dung và đại lượng. Trái lại, tình yêu giúp họ dừng lại nơi những điểm tốt và xấu của nhau, đưa ra mục đích cao nhất và tham gia vào việc thi đua và tự công chính hóa mình, giúp nhau xây dựng sự hợp nhất trưởng thành. Đây là điều ta nói cho họ biết ngay từ đầu để họ có thể hiểu rõ rằng  đám cưới chỉ “mới là khởi đầu thôi”. Việc chúc lành hôn phối họ  nhận được là một ân sủng và một sự khích lệ trong cuộc hành trình này. Họ chỉ có thể đạt được lợi ích qua việc ngồi xuống và nói chuyện với nhau về việc làm thế nào để đạt được mục đích của họ cách cụ thể[8].

Nếu, những năm đầu của hôn nhân, kinh nghiệm của đôi bạn về tình yêu  trở nên tù túng, tình yêu ấy sẽ mất đi chính sự hấp dẫn đáng lẽ phải là sức mạnh có tính thôi thúc của nó. Tình yêu non trẻ cần nhảy tới tương lai với niềm hy vọng bao la. Hy vọng cũng  mời ta sống trọn vẹn giây phút hiện tại, dành mọi sự cho cuộc sống gia đình, vì tương lai ngày mai là hiện tại hôm nay[9].

Đây là giai đoạn đòi hỏi sự đại độ và hy sinh. Những tình cảm mãnh liệt ban đầu nhường bước cho việc nhận ra người ấy bây giờ là một phần của đời tôi. Niềm hoan lạc của việc thuộc về nhau đưa tới chỗ nhìn cuộc sống như một chương trình chung, coi hạnh phúc của người ấy quan trọng hơn hạnh phúc của tôi, ngồi lại để không có kẻ được người mất, nhưng cả hai đều được; để không có các quyết định đơn phương, vì mỗi vợ chồng đều chia sẻ trách nhiệm đối với gia đình[10].

Kỳ vọng quá cao về người phối ngẫu là một trong những nguyên nhân đổ vỡ. Khi đối diện với những giới hạn và khó khăn, điều tối quan trọng là nhận ra rằng vợ chồng mình là phương tiện Thiên Chúa dùng để làm cho mình trưởng thành; là thay đổi, cải thiện, làm cho những phẩm chất tốt lành vốn có trong mỗi người nở hoa; làm cho hôn nhân lớn lên thành một cái gì đó quí giá và bền vững.Trong cuộc sống vợ chồng, cả những lúc gian nan, người này vẫn có thể làm cho người kia ngạc nhiên và những cánh cửa mới vẫn có thể mở ra cho tương quan của họ, như thể họ gặp nhau lần đầu vậy. Tình yêu làm cho người này đợi chờ người kia với sự kiên nhẫn của thợ thủ công, một sự kiên nhẫn xuất phát từ Thiên Chúa[11].

Việc chăm sóc mục vụ đối với những vợ chồng mới cưới cần khuyến khích họ quảng đại trong việc trao ban sự sống. Nếu cần phải kế hoạch hóa gia đình thì phải dựa vào giáo huấn của Thông điệp Humanae Vitae (x. 1014) và Tông huấn Familiaris Consortio (x. 14; 2835) để chống lại não trạng thù địch với sự sống. Trong những quyết định liên quan tới việc làm cha mẹ có trách nhiệm giả thiết phải có việc đào tạo lương tâm (GS 16). Đôi bạn càng cố lắng nghe Thiên Chúa và các điều răn của Ngài trong lương tâm mình (x. Rm 2, 15) và càng được đồng hành về mặt thiêng liêng, thì quyết định của họ càng thoát khỏi tính thất thường chủ quan và khỏi tác động của các tập tục thịnh hành của xã hội[12]. Sau khi vợ chồng đã bàn bạc với nhau, họ sẽ cân nhắc thật kỹ lợi ích của mình và của con cái, quyền lợi của các nhóm gia đình, của xã hội hiện nay và Hội thánh, kể cả điều kiện vật chất và tinh thần của thời đại cũng như tình trạng của cuộc sống họ[13]. Họ chỉ được sử dụng các phương pháp dựa trên luật tự nhiên và khả năng sinh con tự nhiên[14]

Một số tài nguyên

 Trong việc đồng hành với những năm đầu của cuộc hôn nhân này, cần nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc cầu nguyện và tham dự lễ Chúa nhật của các gia đình; khích lệ các đôi bạn thường xuyên gặp gỡ nhau để có thể phát triển trong đời sống thiêng liêng và tình liên đới trong những đòi hỏi cụ thể của cuộc sống; cần tổ chức các việc đạo đức và Thánh Thể cho các gia đình, nhất là những dịp kỷ niệm hôn phối, là những thứ nuôi dưỡng công cuộc phúc âm hóa trong gia đình”[15].

Người ta cần thời gian để bàn chuyện, ấp ủ yêu thương, chia sẻ kế hoạch, lắng nghe nhau và nhìn thật sâu vào ánh mắt nhau, để trân trọng nhau và xây dựng một mối tương quan vững mạnh hơn. Vì vậy, những người làm mục vụ cần suy nghĩ về những cách thức giúp các đôi bạn trẻ và dễ bị tổn thương tận dụng tối đa những khoảnh khắc ấy, để hiện diện với nhau, kể cả chia sẻ với nhau những lúc thinh lặng đầy ý nghĩa[16]: lên kế hoạch ở với nhau lúc rảnh, giải trí với con cái, cử hành các biến cố quan trọng khác nhau, chia sẻ các cơ hội phát triển tâm linh. Khi không còn biết làm thế nào để dành thời gian cho nhau nữa, họ sẽ vùi đầu vào một món đồ nào đó, sẽ dấn thân vào những thứ khác, tìm cách ấp ủ người khác hay chạy trốn những gì đang trở thành một sự gần gũi khó chịu[17].

Ta cần khuyến khích các đôi bạn trẻ phát huy thói quen đem lại cảm thức lành mạnh về sự gần gũi và ổn định nhờ các thói quen hằng ngày: một nụ hôn ban sáng, một chúc lành ban đêm, đợi ở cửa để đón nhau về, cùng du lịch với nhau và chia sẻ những việc vặt vãnh trong nhà; phá đi một thói quen ăn nhậu để cùng ăn mừng những ngày kỷ niệm hay những biến cố đặc biệt của gia đình. Còn có thể ăn mừng, người ta còn có thể nhen lên ngọn lửa tình yêu và giải thoát tình yêu ấy khỏi sự đơn điệu và điểm tô cho thói quen hằng ngày bằng niềm hy vọng[18].

Các mục tử phải khuyến khích các gia đình lớn lên trong đức tin, khuyến khích xưng tội, đi linh hướng thường xuyên, thỉnh thoảng tĩnh tâm, cầu nguyện gia đình và cầu nguyện riêng vì “gia đình nào còn cầu nguyện với nhau, gia đình ấy còn ở lại với nhau”. Khi thăm các gia đình, ta nên qui tụ hết mọi thành viên và vắn tắt cầu nguyện cho nhau, đặt gia đình trong bàn tay Chúa. Mọi công tác mục vụ đều phải làm cho người ta được uốn nắn và hình thành từ bên trong với tư cách là các thành viên của Hội Thánh nhờ việc đọc Kinh thánh cầu nguyện. Lời Thiên Chúa là tiêu chuẩn để xét đoán và là ánh sáng để phân định các thách thức khác nhau mà các gia đình đang gặp phải[19].

Khi một trong hai vợ chồng chưa được thánh tẩy hay không muốn thực hành đức tin, thì việc bày tỏ tình yêu, đem lại hạnh phúc, xoa dịu thương đau và chia sẻ cuộc sống với vợ chồng không phải là tín hữu bao giờ cũng tiêu biểu cho con đường thánh hóa thật. Thiên Chúa tuôn tràn tình yêu xuống đâu, thì ở đó người ta đều cảm được sự hiện diện biến đổi của nó, thường cách mầu nhiệm (1 Cr 7, 14)[20].

Các giáo xứ nâng đỡ và giúp các gia đình lớn lên bằng nhiều cách: các cuộc họp, các cuộc tĩnh tâm ngắn, các cuộc nói chuyện do các chuyên gia, việc tư vấn hôn nhân, các dịch vụ xã hội giải quyết những vấn đề gia đình như nghiện ngập, bất trung và bạo lực gia đình, các chương trình phát triển về mặt thiêng liêng, các hội nghị dành cho các cha mẹ có con cái hay sinh sự và các cuộc họp gia đình. Văn phòng giáo xứ phải được chuẩn bị để đáp ứng cách hữu hiệu và nhạy bén các nhu cầu của gia đình và khi cần, có thể giới thiệu tới những người có thể trợ giúp[21].

Nhiều đôi bạn, khi kết hôn, đã bỏ cộng đoàn Kitô hữu. Ta cần tận dụng những cơ hội khi họ trở lại như Thánh tẩy và Rước lễ lần đầu của con cái họ, ma chay cưới hỏi của thân nhân họ, để nhắc cho họ về lý tưởng cao đẹp của hôn nhân Kitô giáo và nâng đỡ họ. Việc làm phép nhà hay rước ảnh Đức Mẹ tới các gia đình hàng xóm cũng là dịp tốt. Ngày nay, việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình phải là một sứ vụ căn bản, đến tận nơi người ta đang ở[22].

Chiếu ánh sáng vào những cuộc khủng hoảng, âu lo và khó khăn

Rượu để càng lâu càng ngon thế nào, thì kinh nghiệm hằng ngày về sự chung thủy cũng đem lại cho đời sống hôn nhân sự phong phú và “hương vị” như thế.

Tình yêu trưởng thành hơn khi khi đôi bạn khám phá ra nhau, ngày này qua ngày khác, năm nọ tới năm kia, cách mới mẻ hơn, họ đang nếm được sự ngọt ngào của rượu tình yêu, vì đã vượt qua các cuộc khủng hoảng và khó khăn cách thành công[23].

Đaminh Nguyễn Đức Thông, C.Ss.R.

(còn tiếp)

[1] Amoris Laetitia, số 212

[2] Thánh Gioan Phaolô II, Giáo lý (27.6.1984), 4: Insegnamenti VII/1 (1984), 1941; Amoris Laetitia, số 213

[3] Giáo lý (21. 10.2015): L’Osservatore Romano, 22.10,2015, tr. 12; Amoris Laetitia, số 214

[4] X. Đức Pio XI, Thông điệp Casti Connubii (31. 12. 1930): AAS 22 (1930), 583.

[5] Đức Gioan Phaolô II, Giáo lý (4.7.1984), 3, 6: Insegnamenti VII/2 (1984), tr. 9 – 10; Amoris Laetitia, số 215

[6]Relatio Finalis 2015, 59; Amoris Laetitia, số 216

[7] Amoris Laetitia, số 217

[8] Amoris Laetitia, số 218

[9] Amoris Laetitia, số 219

[10] Amoris Laetitia, số 220

[11] Amoris Laetitia, số 221

[12] Ibid., 44.

[13] Công Đồng Vatican II, Gaudium et Spes, 50.

[14] Humanae Vitae, 1; Amoris Laetitia, số 222

[15]Relatio Synodi 2014, 40; Amoris Laetitia, số 223

[16] Amoris Laetitia, số 224

[17] Amoris Laetitia, số 225

[18] Amoris Laetitia, số 226

[19] Ibid., 34; Amoris Laetitia, số 227

[20] Amoris Laetitia, số 228

[21] Amoris Laetitia, số 229

[22] Amoris Laetitia, số 230

[23] Amoris Laetitia, số 231

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết