Mở rộng sự phong nhiêu
Một số vợ chồng không thể có con nhưng hôn nhân vẫn giữ được các đặc tính hiệp thông sự sống, và vẫn giữ được giá trị và sự vô phương tháo gỡ của nó[1].
Việc nhận con nuôi là một cách thức quảng đại để trở thành cha mẹ, là một hành vi yêu thương, vì đã trao hiến quà tặng của gia đình cho người không có, thành máng chuyển tình yêu Thiên Chúa[2]. Con cái, dù con đẻ, con nuôi hay chỉ được nhận chăm sóc một thời gian, đều là các bản vị có quyền riêng cần phải được chấp nhận, yêu thương và chăm sóc. Động cơ nhận con nuôi trước hết phải là vì quyền lợi tốt nhất của chúng[3]. Cũng cần ngăn chặn nạn buôn bán trẻ em[4].
Sự phong nhiêu của các gia đình còn thể hiện tình liên đới với tha nhân. Các gia đình trở thành trung tâm đưa người ta vào trong xã hội và là điểm tiếp xúc giữa bầu khí riêng tư với bầu khí công cộng. Vì đức tin luôn đưa ta đi sâu hơn vào trong thế gian này[5]. Gia đình Chúa Giêsu, đầy ân sủng và khôn ngoan, vẫn không có vẻ bất thường hay khác với các gia đình khác. Chúa Giêsu dễ dàng tương tác với gia đình rộng lớn hơn (Lc 2, 44). Nhưng, hiện vẫn có một số gia đình Kitô giáo bị coi là xa lạ hay không thực sự là thành viên của cộng đoàn[6].
Vợ chồng nào kinh nghiệm được sức mạnh của tình yêu, đều biết rằng tình yêu này được mời gọi băng bó thương tích của những người bị hất hủi, nuôi dưỡng một nền văn hóa gặp gỡ và đấu tranh cho công lý. Thiên Chúa vẫn ban cho gia đình công việc “thuần hóa” thế giới này và giúp mỗi người biết nhìn đồng loại là anh chị em mình. “Bất cứ điều gì các ngươi làm cho một trong những kẻ bé mọn nhất này là các ngươi làm cho chính Ta” (Mt 25, 40), “Khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khổ, què quặt, thương tật, đui mù, và các ngươi sẽ được chúc phúc” (Lc 14, 12 – 14). Đây là bí quyết của gia đình hạnh phúc.[7]
Nhờ chứng tá cũng như lời nói của mình, các gia đình đang tỏ bày Chúa Giêsu cho người khác, đang truyền lại đức tin, khơi lên khát vọng Thiên Chúa và phản ánh vẻ đẹp và cách sống của Tin mừng. Họ đang làm cho xã hội dậy men nhờ tình huynh đệ, việc quan tâm tới xã hội và lên tiếng bênh vực những người thiếu may mắn, nhờ đức tin chói ngời và đức cậy sống động. Sự phong nhiêu của các gia đình ấy làm cho tình yêu Thiên Chúa hiện diện trong xã hội qua muôn ngàn cách[8].
Phân biệt thân mình
Thánh Phaolô trong 1 Côrintô 11, 17 – 34, đã đưa ra những đòi hỏi khi cử hành Thánh Thể[9]: ta phải là các chi thể trong một thân mình duy nhất, không được làm tổn thương thân mình ấy bằng cách tạo ra những khác biệt hay chia rẽ; phải nhìn nhận thân mình ấy với đức tin và đức ái cả trong dấu chỉ bí tích lẫn trong cộng đoàn; phải mở toang các cửa của gia đình để có được sự hiệp thông hơn với những người thiệt thòi. Ta không được quên rằng “sự huyền nhiệm của bí tích này có một đặc tính xã hội”[10]. Ai không thấy được người đui mù, đau khổ, ai đồng thuận với những hình thức chia rẽ, khinh miệt và bất bình đẳng khác nhau, sẽ lãnh nhận Thánh Thể cách bất xứng. Trái lại, ai chuẩn bị cách xứng hợp và thường xuyên lãnh nhận Thánh Thể, đều tăng cường khát vọng tình huynh đệ, củng cố ý thức xã hội và dấn thân cho những người thiếu thốn[11].
Sự sống trong gia đình
Chủ nghĩa cá nhân phổ biến hiện nay có thể đưa tới chỗ coi những người khác là phiền hà và hiểm họa, nhưng không thể đem lại một nền hòa bình hay hạnh phúc lớn hơn được mà chỉ bóp nghẹt con tim của gia đình và làm cho đời sống gia đình ngày càng nhỏ hẹp hơn[12].
Là con cái
Mọi người đều là con, vì ai cũng phải lãnh nhận sự sống từ nơi cha mẹ mình[13].
Vì thế, điều răn thảo kính cha mẹ (x. Xh 20, 12) liên quan tới một điều thánh thiêng, một nền tảng của mọi thứ tôn trọng khác của con người. Xã hội nào con cái không thảo kính cha mẹ bao giờ cũng là một xã hội không đáng tôn trọng, một xã hội ắp đầy những người trẻ tham lam và gây hấn”[14].
Hôn nhân tự nó cũng đòi phải bỏ cha mẹ, để gia đình mới thành một tổ ấm, một nơi an toàn, nơi vợ chồng thật sự là “một xương một thịt”. Tuy nhiên, nhiều vợ chồng vẫn không tin tưởng nhau mà lại coi cha mẹ quan trọng hơn tình cảm và ý kiến của vợ chồng. Hôn nhân luôn thách thức vợ chồng tìm ra những cách mới của việc làm con cái[15].
Những người cao niên
“Đừng sa thải tôi khi tuổi đà xế bóng” (Tv 71, 9). Đây là lời cầu xin của người cao niên, sợ bị quên lãng và loại bỏ. “Hội thánh không thể và không muốn bất nhẫn, hờ hững và khinh khi tuổi già”[16]. Người cao niên trong gia đình giúp ta đánh giá đúng “sự liên tục giữa các thế hệ”, bảo đảm việc chuyển giao các giá trị và việc đưa vào trong đời sống Kitô hữu”[17]. Gia đình nào không tôn trọng và thương mến ông bà, gia đình ấy đã suy thoái rồi, còn gia đình nào thương nhớ họ, gia đình ấy sẽ có tương lai. “Xã hội nào không có chỗ cho người cao niên, hay sa thải họ vì họ gây rắc rối, thì xã hội ấy đã bị virus rồi”[18], “đã bị trốc gốc rồi”[19].
Là anh chị em
Tình huynh đệ hình thành trong gia đình giữa con cái với nhau, nếu được củng cố nhờ bầu khí giáo dục về việc cởi mở với tha nhân, sẽ là một trường học vĩ đại về tự do và hòa bình[20], vì việc lớn lên với tư cách là anh chị em tạo nên một kinh nghiệm rất đẹp về việc chăm sóc và giúp đỡ nhau nhất là đối với các em nhỏ, yếu ớt, bệnh hoạn hay dị tật[21]. Ta phải nhìn nhận rằng “có anh chị em yêu thương là một kinh nghiệm độc đáo, quí báu và sâu đậm”[22].Gia đình nào chỉ có thể có một người con duy nhất, thì phải liệu sao để em ấy không lớn lên một mình hay cách cô lập[23].
Một cõi lòng bao la
Cha, mẹ chồng, nhạc phụ nhạc mẫu, mọi người thân của vợ chồng và những gia đình khác sẽ làm nên một đại gia đình. Đại gia đình này sẽ yêu thương, nâng đỡ các bà mẹ thiếu niên hay độc thân đang phải tự mình nuôi con, các con cái không có cha mẹ, những người khuyết tật đang cần đến tình cảm và sự gần gũi đặc biệt, những bạn trẻ nghiện ngập, những người không lập gia đình, ly thân hay góa bụa đang ở một mình, và những người cao niên và đau yếu thiếu sự nâng đỡ của con cái và “cả những người đã hoàn toàn thất bại trong cuộc sống”[24]. Đại gia đình này có thể giúp bù lại những khiếm khuyết của cha mẹ, khám phá và tường trình những hoàn cảnh bạo lực và lạm dụng, và đem lại tình yêu và sự ổn định cho những nơi cha mẹ bất lực về chuyện này[25].
Đại gia đình này sẽ không coi người thân như những người cạnh tranh, các mối đe dọa hay những kẻ xâm phạm nhưng sẽ tôn trọng các truyền thống và tập quán của nhau, cố gắng hiểu ngôn ngữ của nhau và không chỉ trích, sẽ chăm sóc và yêu mến nhau trong khi vẫn duy trì sự riêng tư và độc lập hợp pháp của nhau. Đó là một cách diễn tả tuyệt vời tình yêu hào phóng của vợ chồng[26].
Đaminh Nguyễn Đức Thông, C.Ss.R.
Chú thích
[1] Hội nghị chung đầu tiên của các giám mục châu Mỹ Latinh và Caribbe, AparecidaDocument (29.6. 2007), No. 457; Amoris Laetitia, số 178
[2] Amoris Laetitia, số 179
[3]Address at the Meeting with Families in Manila (16.1.2015): AAS 107 (2015), 178.
[4] Amoris Laetitia, số 180
[5]Address at the Meeting with Families in Manila (16.1.2015): AAS 107 (2015), 178.
[6] Amoris Laetitia, số 181
[7] Amoris Laetitia, số 183
[8] Amoris Laetitia, số 184
[9] Amoris Laetitia, số 185
[10] Benedict XVI Thông điệp Deus Caritas Est (25.12.2005), 14: AAS 98 (2006), 228.
[11] Amoris Laetitia, số 186
[12] Amoris Laetitia, số 187
[13] Cf. Relatio Finalis 2015, 11; Amoris Laetitia, số 188
[14] Giáo lý (11.2.2015): L’Osservatore Romano, 12.2.2015, p. 8; Amoris Laetitia, số 189
[15] Amoris Laetitia, số 190
[16] Giáo lý (11.3.2015): L’Osservatore Romano, 12.3. 2015, p. 8; Amoris Laetitia, số 191
[17]Relatio Finalis 2015, 18.
[18]Ibid.
[19]Address at the Meeting with the Elderly (28.9.2014): L’Osservatore Romano, 29-30.9.2014, p. 7; Amoris Laetitia, số 192
[20] Amoris Laetitia, số 194
[21]Ibid.
[22]Ibid.
[23] Amoris Laetitia, số 195
[24] Giáo lý (7.10. 2015): L’Osservatore Romano, 8.10.2015), p. 8.
[25] Amoris Laetitia, số 196 – 197
[26] Amoris Laetitia, số 198