Tình yêu vợ chồng “không kết thúc với đôi bạn. Khi hiến mình cho nhau họ đem lại con cái, một dấu chỉ thường hằng của sự hợp nhất vợ chồng và là một tổng hợp sống động và bất khả phân ly của việc là cha là mẹ”[1].
Đón nhận sự sống mới
Gia đình là nơi một sự sống mới không chỉ được sinh ra mà còn được đón nhận như một ân ban của Thiên Chúa. Con cái được yêu trước cả khi chúng ra đời[2]. Tình yêu này là một phản ánh sự ưu việt của tình yêu Thiên Chúa[3]. Nhưng, “từ giây phút đầu tiên ấy của cuộc đời, nhiều trẻ em đã bị chối bỏ, khước từ và bị tước mất tuổi thơ và tương lai. Nếu một em nào đó đi vào trong thế giới này trong những hoàn cảnh bất đắc dĩ, thì cha mẹ và mọi thành viên của gia đình phải làm mọi sự có thể để chấp nhận em ấy như quà tặng Thiên Chúa ban với sự cởi mở và thương mến. Việc Thiên Chúa ban tặng cho cha mẹ một người con mới bắt đầu với việc chấp nhận, che chở suốt đời và hướng tới cùng đích là sự sống đời đời[4].
Đức Gioan Phaolô II giải thích rằng việc làm cha mẹ có trách nhiệm không muốn nói đến việc “hạn chế sinh sản hay thiếu ý thức về việc nuôi dạy con cái, nhưng muốn nói đến việc ban quyền cho đôi bạn để họ sử dụng tự do bất khả xâm phạm cách khôn ngoan và có trách nhiệm, khi cân nhắc các thực tại xã hội và nhân khẩu học cũng như hoàn cảnh và ước vọng hợp pháp của họ”[5].
Tình yêu và việc mang thai
Mang thai là thời kỳ khó khăn nhưng tuyệt diệu vì con người tham dự vào “mầu nhiệm tạo thành, một mầu nhiệm được canh tân mỗi lần sinh nở”[6]. Mỗi bé thơ lớn lên trong lòng mẹ là một phần của kế hoạch yêu thương của Chúa Cha (Gr 1, 5), mỗi bé đều có một chỗ trong cõi lòng Thiên Chúa từ đời đời; khi em được cưu mang, giấc mơ muôn đời của Thiên Chúa thành hiện thực. Ta cần nhìn bào thai ấy bằng đôi mắt của Thiên Chúa[7].
Người phụ nữ mang thai tham dự vào kế hoạch của Thiên Chúa qua ước mơ có con. Không có ước mơ, bạn không thể có gia đình được. Khi gia đình mất khả năng mơ ước, con cái sẽ không phát triển, tình yêu sẽ mai một, sự sống sẽ teo tóp và tàn lụi”[8].
Các tiến bộ khoa học ngày nay cho phép ta biết trước màu tóc, bệnh tình của em sau này nhưng chỉ Chúa Cha mới biết được căn tính và giá trị sâu xa nhất của em. Các bà mẹ mang thai cần xin Thiên Chúa để biết tỏ cho con cái thấy mình được mọi người mong muốn, chúng có một giá trị vô biên và không bao giờ được sử dụng vì lợi ích của bất cứ ai; để mình thành phương tiện bày tỏ tình thương của Thiên Chúa Đấng chờ đợi mỗi trẻ sinh ra, chấp nhận chúng cách vô điều kiện và tự do đón nhận chúng[9]. Các bà mẹ đừng để bất cứ thứ gì tước mất niềm vui của thiên chức làm mẹ, đừng để những sợ hãi, âu lo và những chỉ trích hay rắc rối của người khác làm vơi nhẹ niềm vui được là phương tiện của Thiên Chúa đem lại sự sống mới cho trần gian này[10].
Tình yêu của một người mẹ và một người cha
“Con cái, một khi được sinh ra, bắt đầu biết chắc rằng chúng được yêu thương. Tình yêu này được tỏ cho chúng qua việc đặt tên, chia sẻ ngôn ngữ, những cái nhìn yêu thương và nụ cười rạng rỡ. Mọi người con đều có quyền đón nhận tình yêu từ cha và mẹ; cả cha lẫn mẹ đều cần thiết đối với sự phát triển hài hòa và toàn diện của con cái. Tôn trọng phẩm giá của con cái là khẳng định nhu cầu và quyền tự nhiên được có cha, có mẹ của chúng”[11]. Nhưng nếu cha mẹ không yêu nhau, con cái thường sẽ chỉ là đồ chơi. Các ngài là những người bày tỏ cho con cái khuôn mặt của Chúa, cùng nhau truyền dạy giá trị của sự hỗ tương, của việc tôn trọng sự khác biệt và của khả năng cho và nhận.Trong các gia đình chỉ còn một cha hoặc mẹ cần bù đắp sự mất mát ấy[12].
Cảm thức bị mồ côi ảnh hưởng đến nhiều trẻ em và thanh thiếu niên sâu đậm hơn ta nghĩ nhiều. Vì thế, ta không thể coi thường nhu cầu con cái cần sự hiện diện của mẹ, nhất là những tháng đầu của cuộc sống. Làm yếu đi sự hiện diện của người mẹ đang khơi lên những nguy hiểm nghiêm trọng cho thế giới của ta. Những khả năng đặc biệt cũng như những nhiệm vụ quan trọng của phụ nữ đòi hỏi xã hội phải bảo vệ và gìn giữ vì lợi ích của mọi người[13].
“Các bà mẹ là thuốc giải độc mạnh nhất đối với việc truyền bá chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, vì họ luôn luôn làm chứng cho sự dịu hiền, trao hiến và sức mạnh luân lý và tôn giáo qua việc cầu nguyện và các việc đạo đức. Không có họ xã hội sẽ thành phi nhân, Hội thánh sẽ không có các tín hữu mới, đức tin sẽ đánh mất phần tốt lành của sự ấm cúng đơn giản và sâu xa[14].
Ai được mẹ chăm sóc với sự dịu hiền và nhân hậu sẽ lớn lên trong tin tưởng và sẽ kinh nghiệm được rằng thế giới này là một nơi tốt lành và thể hiện niềm vui. Người cha sẽ giúp con cảm nhận được các giới hạn của cuộc sống, cởi mở với những thách thức của thế giới rộng lớn hơn, và thấy được nhu cầu cần làm việc chăm chỉ và cố gắng không ngừng. Người cha đúng nghĩa cũng cần thiết hệt như một người mẹ chu đáo[15]. Xã hội hiện nay đang bị coi là môt “xã hội không có cha”, một mặt vì, người ta đang cố tẩy chay những người cha độc đoán cản trở sự giải thoát và tự lập của giới trẻ; mặt khác là những người cha bỏ bê gia đình. Họ để mặc trẻ thơ và người trẻ một mình[16]. Chính vì thế mà quyền bính của họ thường bị nghi ngờ và chính họ cũng bị đối xử cách hỗn xược. Con cái bao giờ cũng cần tình yêu và sự hướng dẫn cần thiết để trưởng thành[17]. Người cha được đặt vào trong gia đình để gần gũi vợ và chia sẻ mọi sự, vui buồn, hy vọng và gian khổ và gần gũi con cái khi chúng lớn lên, vì con cái cần thấy một người cha chờ đợi chúng khi chúng về nhà với những rắc rối[18].
Đaminh Nguyễn Đức Thông, C.Ss.R.
(còn tiếp)
Chú thích
[1] Gioan Phaolô II ,Tông huấn, Familiaris Consortio, (22.11.1981), 14: AAS 74 (1982), 96; Amoris Laetitia, số 165
[2] Giáo lý (11 February 2015): L’Osservatore Romano, 12.2. 2015, p. 8.
[3]Ibid.
[4] Amoris Laetitia, số 166
[5]Letter to the Secretary General of the United Nations Organization on Population and Development (18.3.1994): Insegnamenti XVII/1 (1994), 750-751; Amoris Laetitia, số 167
[6]Ibid.
[7] Amoris Laetitia, số 168
[8]Address at the Meeting with Families in Manila (16.1.2015): AAS 107 (2015), 176; Amoris Laetitia, số 169
[9] Amoris Laetitia, số 170
[10] Amoris Laetitia, số 171
[11] Hội đồng Giám mục Úc châu, Thư Mục vụ, Don’t Mess with Marriage (24.11. 2015), 13.
[12] Amoris Laetitia, số 172
[13] Cf. id., Tông huấn Mulieris Dignitatem (15.8.1988), 30-31: AAS 80 (1988), 1726-1729; Amoris Laetitia, số 173
[14] Giáo lý (28.1.2015): L’Osservatore Romano, 29.1. 2015, p. 8; Amoris Laetitia, số 174
[15] Amoris Laetitia, số 17 Amoris Laetitia, số 175
[16] Cf. Relatio Finalis 2015, 28.
[17] Giáo lý (4.2. 2015), L’Osservatore Romano, 5.2.2015, p. 8; Amoris Laetitia, số 176
[18] Amoris Laetitia, số 177