Về Amoris Laetitia - Chương VIII: Đồng hành, phân định và hợp nhất sự hèn yếu

Tuy Hội thánh công nhận rằng việc cắt đứt sợi dây hôn phối là chống lại ý Thiên Chúa, nhưng Hội thánh cũng ý thức về sự mong manh của nhiều con cái mình[1]. Được ánh mắt của Đức Giêsu Kitô soi sáng cách riêng trong năm thánh Lòng Thương Xót này, Hội thánh hướng về những người đang tham dự vào đời sống mình cách bất toàn, khuyến khích họ làm điều thiện, chăm sóc nhau trong tình yêu và phục vụ cộng đoàn nơi họ đang sống và làm việc[2]. Hội thánh cũng ân cần đồng hành với những người tình yêu đang bị thương tích và rắc rối, bằng cách phục hồi niềm hy vọng và tin tưởng nơi họ[3]. Vì Hội thánh thường giống như nhiệm vụ của một bệnh việc dã chiến[4].

Một số hình thức hôn nhân mâu thuẫn triệt để với lý tưởng của hôn nhân Kitô giáo, trong khi các hình thức khác lại chỉ công nhận lý tưởng ấy cách cục bộ và cách tương tự. Hội thánh không coi nhẹ các yếu tố có tính xây dựng trong những hoàn cảnh chưa hay không còn phù hợp với giáo huấn của Hội thánh về hôn nhân”[5].

Tính từ từ trong việc chăm sóc mục vụ

Đối với một cuộc hôn nhân thuần túy dân sự và cả việc sống chung nữa, các Nghị phụ cho thấy là khi cuộc hôn nhân ấy đạt được một sự ổn định đặc biệt, được pháp luật công nhận, được đánh dấu bằng tình cảm sâu nặng và trách nhiệm đối với con cái, có khả năng vượt qua các thử thách, thì có thể giúp họ hướng đến việc cử hành bí tích hôn phối[6]. Với nhiều bạn trẻ đang trì hoãn cách vô định cam kết của hôn nhân, và những người phá vỡ cam kết đã thiết lập rồi và cách gián tiếp đang mang một cam kết khác, Hội thánh khẳng định đó là những người cần đến việc chăm sóc mục vụ[7]. Hội thánh có trách nhiệm phân định mục vụ và đối thoại mục vụ với những người này để “nhận ra các yếu tố có thể nuôi dưỡng việc phúc âm hóa và sự phát triển nhân bản và tâm linh”[8].

Các cuộc hôn nhân dân sự chỉ vì hoàn cảnh văn hóa và ngẫu nhiên[9] ta cần tôn trọng những dấu chỉ tình yêu vẫn phản ánh tình yêu của chính Thiên Chúa[10], vì số những người, sau khi sống chung một thời gian dài, đã xin được cử hành hôn phối trong Hội thánh ngày một nhiều.

Còn sống chung vì muốn chống lại bất cứ thứ gì có tổ chức hay đang đợi chờ nhiều an toàn hơn trong cuộc sống, hoặc do việc cử hành hôn nhân quá tốn kém, ta phải biến tất cả các hoàn cảnh thành các cơ hội có thể đưa tới thực tại trọn vẹn của hôn nhân và gia đình phù hợp với tin mừng bằng cách đón tiếp và hướng dẫn họ cách kiên trì và cẩn thận[11] như Chúa Giêsu đối xử với người phụ nữ Samarita (x. Ga 4, 1 – 26): Ngài tập trung vào khát vọng tình yêu đích thật của chị để giải thoát chị khỏi sự tăm tối trong cuộc sống và đưa chị tới niềm hoan lạc sung mãn của tin mừng[12].

Thánh Gioan Phaolô II đưa ra cái gọi là “luật dần dần” vì biết rằng con người hoàn tất sự thiện luân lý nhờ các giai đoạn phát triển khác nhau[13]. Đây là sự từ từ trong việc thực hành cách khôn ngoan các hành vi tự do về phía các chủ thể không ở trong địa vị hiểu, đánh giá hay thực hiện các đòi hỏi khách quan của luật. Luật này tự nó là một quà tặng của Thiên Chúa giúp con người tiến triển dần dần với việc ngày một hòa hợp với các ân ban của Thiên Chúa và những đòi hỏi dứt khoát và tuyệt đối của tình yêu Thiên Chúa trong toàn bộ cuộc sống cá nhân và xã hội của mình[14].

Việc phân định những hoàn cảnh “bất thường”[15]

Đức Thánh Cha nói, con đường của Hội thánh mãi mãi vẫn là con đường của Chúa Giêsu xót thương và phục hồi, không kết án bất cứ ai đời đời, đổ tràn dầu thơm của lòng xót thương của Thiên Chúa xuống trên tất cả những ai xin với lòng chân thành… Vì đức ái thật chẳng bao giờ do công nghiệp của mình, bao giờ cũng vô điều kiện và nhưng không[16], nên cần “tránh những xét đoán nào không cân nhắc tính phức tạp của các hoàn cảnh khác nhau” và “để ý đến cách người ta kinh nghiệm về sự đau buồn vì hoàn cảnh của họ”[17].

Hội thánh thấy mình được “lòng xót thương không cân xứng, vô điều kiện và nhưng không” đụng tới mình. Không ai có thể bị kết án muôn đời, vì đó là logic của tin mừng! Cả những người bị tách khỏi cộng đoàn (x. Mt 18, 17) vẫn có một cách nào đó tham dự vào đời sống Hội thánh, trong việc phục vụ xã hội, trong các cuộc họp nhau cầu nguyện hay một cách nào khác theo sáng kiến của họ cùng với sự phân định của cha xứ. Còn cách giải quyết những hoàn cảnh “bất thường”, như trường hợp của những người đã có hợp đồng hôn nhân dân sự, mà lại đã ly dị và tái hôn, hay chỉ sống chung với nhau thôi, Hội thánh có trách nhiệm giúp họ hiểu khoa sư phạm về ân sủng Thiên Chúa trong đời sống họ và giúp họ đạt được sự viên mãn của kế hoạch của Thiên Chúa đối với họ[18].

Đối với những người ly dị và tái hôn, Hội thánh chấp nhận hoàn cảnh, “vì những lý do nghiêm trọng, như việc nuôi dạy con cái, người nam và nữ không thể thỏa mãn luật buộc phải ly thân”[19].

Hội thánh cũng quan tâm tới những người đã cố gắng hết sức để cứu vãn cuộc hôn nhân trước và đã bị bỏ cách bất công, hay “những người đã đi vào cuộc hôn nhân thứ hai vì việc nuôi dạy con cái, và đôi khi cách chủ quan lại chắc chắn trong lương tâm rằng cuộc hôn nhân trước đã bị đổ vỡ vô phương hàn gắn không thành sự”[20]; tới cuộc hôn nhân mới xuất phát từ cuộc ly dị mới đây, với đau khổ và hỗn loạn mà con cái và toàn gia đình phải chịu hay trường hợp một người nào đó thường xuyên bỏ bê các bổn phận đối với gia đình.

Dĩ nhiên, đây không phải là lý tưởng tin mừng. Các mục tử phải “phân định kỹ càng các hoàn cảnh”[21]. Ta biết rằng “chẳng có phương pháp nào dễ cả”[22].

Cùng với nhiều nghị phụ Thượng Hội Đồng, Đức Thánh Cha thấy cần phải đưa những người đã được thánh tẩy mà đã ly dị và tái hôn theo luật dân sự vào trong cộng đoàn Kitô hữu cách trọn vẹn bằng những con đường khác nhau, trong khi vẫn tránh bất cứ dịp gây gương xấu nào. Logic của việc đưa vào này là để họ có được kinh nghiệm hân hoan và hiệu quả trong Hội thánh: vì được thánh tẩy, họ là anh chị em ta; Chúa Thánh Thần luôn đổ đầy lòng họ các khả năng và tài năng vì lợi ích của mọi người; họ là những phần tử sống động của Hội thánh, có thể sống và lớn lên trong Hội thánh và có thể kinh nghiệm Hội thánh chính là một người mẹ luôn đón tiếp, chăm sóc họ với tình yêu thương và khích lệ họ đi theo con đường của sự sống và tin mừng[23].

Vì vô vàn vô số các hoàn cảnh cụ thể này, nên không thể đưa ra một luật chung cho mọi trường hợp được. Điều có thể thực hiện chính là khích lệ việc phân định có tính cá nhân và mục vụ và có trách nhiệm về những trường hợp đặc biệt với ý thức rằng “mức độ trách nhiệm trong các trường hợp không giống nhau”[24], các hậu quả và hiệu lực của một luật nào đó không phải lúc nào cũng như lúc nào[25]. Các linh mục có nhiệm vụ giúp những người ly dị và tái hôn hiểu hoàn cảnh của mình theo giáo huấn của Hội thánh và các hướng dẫn của đức giám mục, giúp họ hành động thế nào đối với con cái khi vợ chồng bị khủng hoảng; giúp họ kiểm xét xem họ đã cố gắng làm hòa lại hay chưa; bên bị bỏ sẽ ra sao; mối tương quan mới để lại những hậu quả nào trên những người còn lại trong gia đình, cộng đoàn tín hữu và những người trẻ đang chuẩn bị hôn nhân. Để thực hiện việc phân định này, nhất thiết phải có những điều kiện sau: khiêm tốn, thận trọng suy xét và yêu mến Hội thánh và giáo huấn của Hội thánh, tìm kiếm và đáp lại ý Thiên Chúa cách cụ thể và hoàn hảo hơn[26].

Đaminh Nguyễn Đức Thông, C.Ss.R.

(còn tiếp)

[1]Relatio Synodi 2014, 24.

[2] Ibid., 25.

[3] Ibid., 28.

[4] Amoris Laetitia, số 291

[5] X. Ibid., 41, 43; Relatio Finalis 2015, 70; Amoris Laetitia, số 292

[6] Ibid., 27.

[7] Ibid., 26.

[8] Ibid.; Amoris Laetitia, số 293

[9]Relatio Finalis 2015, 71.

[10] X. Ibidì

[11] Ibid., 43.

[12] Amoris Laetitia, số 294

[13] Tông huấn Familiaris Consortio (22.11.1981), 34: AAS 74 (1982), 123.

[14] Ibid., 9; AAS 74 (1982), 90; Amoris Laetitia, số 295

[15] X. Giáo lý (24.6.2015): L’Oseervatore Romano 25.6.2015, tr. 8

[16]Bài giảng Lễ cử hành với các Hồng Y mới (15.2.2015): AAS 107 (2015), 257.

[17]Relatio Finalis 2015, 51; Amoris Laetitia, số 296

[18]Relatio Synodi 2014, 25; Amoris Laetitia, số 297

[19] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio (22.11.1981), 84: AAS 74 (1982), 186. Trong những hoàn cảnh như thế, nhiều người, vì biết và chấp nhận khả năng sống “như anh em” mà Hội thánh dạy họ, cho thấy rằng nếu thiếu một số diễn tả sự ân ái, “thường có nguy cơ bất trung và con cái bị thiệt thòi” (Công Đồng Vatican II, Gaudium et Spes, 51).

[20] Ibid.

[21] Ibid., 45.

[22] Benedicto XVI, Bài Nói Chuyện Với Cuộc Họp Các Gia Đình Thế Giới Lần Thứ Bảy (2.6.2012), Response số 5: Insegnamenti VIII/1 (2012), 691; Amoris Laetitia, số 298

[23]Relatio Finalis 2015, 84; Amoris Laetitia, số 299

[24] Ibid., 51.

[25] Đây cũng là trường hợp liên quan tới kỷ luật bí tích, vì sự phân định có thể nhận ra rằng trong hoàn cảnh cụ thể nào đó có thể không có tội nặng. Trong những trường hợp ấy, áp dụng điều tìm được trong một tài liệu khác: x. Evangelii Gaudium (24.11.2013), 44 và 47: AAS 105 (12013), 1038 – 1040.

[26] Ibid., 86; Amoris Laetitia, số 300

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết