Về Amoris Laetitia – Chương IX: Nền linh đạo cho Hôn Nhân và Gia Đình
Công Đồng Vatican II tuyên bố rằng nền linh đạo dành cho giáo dân sẽ có những tính chất đặc thù của nó từ những hoàn cảnh của đời sống hôn nhân và gia đình[1] và “việc chăm sóc các gia đình không xa lạ” với nền linh đạo này[2]. Ta sẽ dừng lại để mô tả một số tính chất của nền linh đạo đặc biệt này[3].
Một nền linh đạo về sự hiệp thông siêu nhiên
Chúa Ba Ngôi hiện diện và ở thật sâu trong đền thờ của sự hiệp thông vợ chồng, trong tình yêu vợ chồng[4].
Sống trong một gia đình, ta không thể giả vờ và gian dối, không thể đeo mặt nạ mãi được. Nếu sự chân thành ấy là do tình yêu thôi thúc, thì Chúa luôn ở đó với niềm hoan lạc và bình an của Ngài. Nền linh đạo của tình yêu gia đình được hình thành bởi muôn ngàn những cử chỉ nho nhỏ, chân thành. Việc quan tâm lẫn nhau này “làm cho con người và Thiên Chúa xích lại gần nhau”[5], nên nền linh đạo hôn nhân là một nền linh đạo của sự liên kết, nơi tình yêu Thiên Chúa cư ngụ[6].
Sự hiệp thông gia đình là con đường đưa tới sự thánh hóa hằng ngày và là phương thế để đào sâu sự hiệp thông với Thiên Chúa. Vì “ai ghét anh em mình, người ấy ở trong bóng tối và bước đi trong bóng tối” (1 Ga 2, 11); người ấy “ở trong cõi chết” (1 Ga 3, 14) và “không biết Thiên Chúa” (1 Ga 4, 8). Đức Benedicto XVI cũng cho thấy “nhắm mắt lại trước đồng loại thì cũng là nhắm mắt lại trước Thiên Chúa”[7] và tình yêu là ánh sáng duy nhất có thể “không ngừng chiếu sáng thế gian đã bị lu mờ”[8]. Ước gì “chúng ta yêu thương nhau, ước gì Thiên Chúa ở trong ta và tình yêu của Ngài đã hoàn hảo nơi ta” (1 Ga 4, 12). Những người có khát vọng tâm linh sâu xa phải nhìn gia đình như một con đường Chúa đang dùng để dẫn đưa họ tới những đỉnh cao của sự hiệp thông thần bí[9].
Họp nhau cầu nguyện dưới ánh sáng Phục sinh
Khi tập trung vào Đức Kitô, gia đình sẽ thống nhất và chiếu sáng cho toàn bộ đời sống gia đình, sẽ sống những lúc đau khổ, khó khăn trong sự hiệp thông với thập giá Chúa và sự gần gũi của Chúa sẽ giúp họ khắc phục được những lúc ấy, sẽ tránh được tan vỡ. Vì mầu nhiệm thập giá của Đức Kitô bao giờ cũng biến đổi gian nan khốn khổ thành hiến lễ tình yêu[10]. Hơn nữa, những lúc vui mừng, giải trí, ăn mừng và cả khi giao hợp đều có thể được kinh nghiệm như việc tham dự vào sự sống viên mãn của sự phục sinh. Vợ chồng với những cử chỉ hằng ngày tạo nên một không gian, trong đó họ kinh nghiệm được sự hiện diện kín ẩn của Chúa phục sinh[11].
Việc cầu nguyện gia đình là cách đặc biệt diễn tả và củng cố đức tin vượt qua này[12]. Đó là những lúc họ đến với nhau trước Thiên Chúa đang sống, kể cho Ngài những âu lo, xin Ngài những điều cần thiết cho gia đình, cầu nguyện cho những người đang trải qua gian khổ, xin ơn trợ giúp để bày tỏ tình yêu và tạ ơn vì sự sống và xin Đức Mẹ chở che dưới tà áo mẹ hiền. Những cách diễn tả lòng đạo đức bình dân là kho tàng thiêng liêng cho nhiều gia đình. Chóp đỉnh của việc cầu nguyện của gia đình chính là việc cùng tham dự bàn tiệc Thánh Thể, tại đó, vợ chồng có thể luôn canh tân giao ước vượt qua Thiên Chúa đã ký kết với nhân loại trên thập giá[13]. Thánh Thể là bí tích của giao ước mới, nơi công trình cứu chuộc của Đức Kitô được thực hiện (x. Lc 22, 20), lương thực của Thánh Thể bao giờ cũng đem lại cho vợ chồng sức mạnh và động cơ cần thiết để sống giao ước hôn nhân mỗi ngày với tư cách là một “Hội thánh tại gia”[14].
Một nền linh đạo của tình yêu tự do và riêng biệt
Hôn nhân cũng là một kinh nghiệm về việc hoàn toàn thuộc về một người khác. Quyết định mạnh mẽ này là một “đòi hỏi nội tâm của giao ước của tình yêu vợ chồng”[15], vì “ai không thể chọn yêu thương muôn đời thì cũng không yêu dù chỉ một ngày”[16]. Mỗi sáng, vào lúc thức dậy, ta khẳng định lại trước Thiên Chúa quyết định trung thành của ta bất kể chuyện gì xảy ra trong ngày. Trước khi đi ngủ, hy vọng sẽ thức dậy và tiếp tục cuộc mạo hiểm, tin tưởng vào sự trợ giúp của Chúa. Theo cách này, mỗi vợ chồng đều là một dấu chỉ và một công cụ của sự gần gũi của Chúa, Đấng không bao giờ ruồng bỏ ta, cho người kia: “Này đây, thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20)[17].
Khi vợ chồng nhận ra rằng người kia không phải là của riêng mình, nhưng có một người chủ quan trọng hơn nhiều, Đấng chiếm lấy cõi sâu thẳm và riêng tư nhất của người ấy, chính là lúc tình yêu họ đã trưởng thành. Ngoài ra, vợ chồng không được giả thiết rằng người kia có thể thỏa mãn nhu cầu của mình cách hoàn toàn, vì thế cần giúp họ đi tới một sự “vỡ mộng” nào đó liên quan tới ngưởi kia[18], để khỏi chờ mong nơi người ấy một cái gì đó chỉ dành riêng cho một mình tình yêu Thiên Chúa thôi. Không gian mỗi vợ chồng dành riêng cho mối tương quan của riêng mình với Thiên Chúa không chỉ giúp chữa lành nỗi đau của cuộc sống chung mà còn làm cho vợ chồng có thể tìm được trong tình yêu Thiên Chúa nguồn ý nghĩa sâu xa nhất trong đời sống mình[19].
Một nền linh đạo về sự chăm sóc, an ủi và khích lệ
Các đôi bạn Kitô hữu là những cộng tác viên của ân sủng và chứng nhân của đức tin đối với nhau, với con cái và với nhân thân ruột thịt[20]. Vì thế, ta hãy chăm sóc nhau, hướng dẫn và khích lệ nhau, và coi việc này như một phần của linh đạo gia đình. Vợ chồng luôn là những phản ảnh về tình yêu ấy của Thiên Chúa cho nhau, một tình yêu luôn ủi an bằng lời nói, bằng ánh mắt, bằng đôi tay giúp đỡ, bằng sự âu yếm, ấp ủ. Vì lý do này, muốn hình thành nên một gia đình thì phải muốn cùng Thiên Chúa xây dựng, hợp nhất với Ngài trong việc xây dựng một thế giới nơi không ai cảm thấy đơn độc một mình[21].
Toàn bộ đời sống gia đình là một “sự hướng dẫn” trong lòng xót thương. Vì là một kẻ “chài lưới người” (Lc 5, 10), là một nông gia canh tác đất tốt của những người ta yêu, mỗi chúng ta phải tìm cách đem lại những gì tốt nhất cho họ[22].
Chiêm ngắm những người thân yêu của ta bằng đôi mắt Thiên Chúa và thấy Đức Kitô nơi họ là một kinh nghiệm thiêng liêng sâu sắc. Ta chỉ có thể hiện diện trọn vẹn với người khác qua việc trao hiến trọn vẹn bản thân mình và quên mọi thứ khác. Trong sự hiện diện của Ngài, không ai cảm thấy mình không được chú ý, vì lời nói và cử chỉ của Ngài bật lên thắc mắc này: “Con muốn Ta làm gì cho con?” (Mc 10, 51). Mỗi người trong những người đang sống với ta đều có một phẩm giá vô biên với tư cách là đối tượng của tình yêu bao la của Cha[23].
Được Thần khí hướng dẫn, quĩ đạo gia đình được mở rộng qua lòng hiếu khách. “Đừng quên tỏ lòng hiếu khách đối với những người xa lạ, vì nhờ thế một số người đón tiếp các thiên thần mà không biết” (Hr 13, 2). Khi một gia đình đón tiếp và đến với người khác, nhất là người nghèo và bị bỏ rơi, thì đó là một biểu tượng, một chứng nhân và là người tham dự vào việc làm mẹ của Hội thánh[24].
Không một gia đình nào được hình thành cách hoàn thiện cả; các gia đình cần không ngừng phát triển và trưởng thành trong khả năng yêu thương. Đây là một ơn gọi không có hồi kết phát xuất từ sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa Ba Ngôi, từ sự kết hợp sâu sắc giữa Đức Kitô và Hội thánh Ngài, từ cộng đoàn yêu thương là Thánh gia Nazaret và từ tình huynh đệ tinh tuyền tồn tại nơi các thánh trên trời. Việc ta chiêm ngắm sự hoàn tất ta chưa đạt được này giữ ta khỏi phán đoán cách gay gắt những ai sống trong các hoàn cảnh mong manh. Ước gì ta đừng chán nản vì các giới hạn của ta hay thôi không tìm kiếm sự viên mãn của tình yêu và sự hiệp thông mà Thiên Chúa đang đặt trước mắt ta[25].
Kinh cầu nguyện với thánh gia
Giêsu, Maria, Giuse, nơi các ngài chúng con thấy được vẻ chói ngời của tình yêu chân thật; chúng con hướng về các ngài với trọn niềm tin tưởng.
Lạy Thánh gia Nazaret, xin làm cho các gia đình chúng con cũng thành nơi hiệp thông và cầu nguyện, thành những ngôi trường đích thật của tin mừng và thành các Hội thánh tại gia.
Lạy Thánh gia Nazaret, xin cho các gia đình chúng con đừng bao giờ lại phải chịu cảnh bạo hành, loại bỏ và chia ly, xin cho tất cả những ai đã chịu đau thương, và xúc phạm, đều được an ủi, chữa lành
Lạy Thánh gia Nazaret, xin làm cho chúng con một lần nữa biết để tâm tới sự thánh thiêng và bất khả xâm phạm của gia đình và để tâm đến vẻ đẹp của gia đình trong chương trình của Thiên Chúa.
Giêsu, Maria, Giuse, xin ân cần lắng nghe lời chúng con
Amen
Làm tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Rôma, trong Năm Thánh Ngoại Thường của Lòng Thương Xót
Ngày 19. 3. 2016
Đaminh Nguyễn Đức Thông, C.Ss.R.
[1] Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân Apostolicam Actuositatem, 4.
[2] X. Ibid.
[3] Amoris Laetitia, số 313
[4] Amoris Laetitia, số 314
[5] Công Đồng Vatican II, Gaudium et Spes, 49.
[6] Amoris Laetitia, số 315
[7] Thông điệp Deus Caritas Est (25.12.2105), 16: AAS 98 (2006), 230.
[8] Ibid., 39: AAS 98 (2006), 250.
[9] Amoris Laetitia, số 316
[10]Relatio Finalis 2015, 87.
[11] Đức Gioan Phaolô II, Vita Consecrata (25.3.1996), 42: AAS 88 (1996), 416; Amoris Laetitia, số 317
[12] X. Relatio Finalis 2015, 87.
[13] X. Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio (22.11.1981), 57: AAS 74 (1982), 150.
[14] Công Đồng Vatican II, Lumen Gentium, 11; Amoris Laetitia, số 318
[15] Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio (22.11.1981), 11: AAS 74 (1982), 93.
[16] Id. Bài giảng Lễ với các Gia đình Cordoba, Argentina (8.1.1987), 4: Insegnamenti X/1 (1987), 1161 – 1162.
[17] Amoris Laetitia, số 319
[18] X. Gemeinsames Leben, Munich, 1973, tr. 18. Bản dịch tiếng Anh: Life Together, New York, 1954, tr. 27.
[19] Amoris Laetitia, số 320
[20] Công Đồng Vatican II, Apostolicam Actuositatem, 11.
[21]Bài nói chuyện vào Đêm Canh thức Cầu nguyện Lễ hội các Gia đình, Philadelphia (26.9.2015); L’Obsservatore Romano, 28 – 29.9.2015, tr.6; Amoris Laetitia, số 321
[22] Amoris Laetitia, số 322
[23] Amoris Laetitia, số 323
[24] Ibid., 49: AAS (1892), 141; Amoris Laetitia, số 324
[25] Amoris Laetitia, số 325.