Về Amoris Laetitia – Chương IV: Tình yêu trong hôn nhân (IV)

Lớn lên trong tình nghĩa vợ chồng

Tình nghĩa vợ chồng là một tình yêu[1] được ân sủng của bí tích hôn phối thánh hóa, làm phong phú và soi sáng, là sự “hiệp thông tình cảm”[2], thiêng liêng và hy sinh, kết hợp sự ấm áp của tình bạn lại với đam mê tình ái và kéo dài mãi sau khi cảm xúc và đam mê giảm bớt. Đây cũng là phản ảnh của giao ước bền vững giữa Đức Kitô và nhân loại[3].

Khi người nam và người nữ cử hành bí tích hôn phối, chính Thiên Chúa “được phản chiếu” nơi họ; Ngài đóng trên họ những đặc tính của Ngài, làm cho tình yêu của họ thành biểu tượng chói ngời của sự hiệp thông Ba Ngôi,khi làm cho hai vợ chồng thành một sự hiện hữu duy nhất”[4]. Dẫu thế, hôn nhân vẫn đang tiến triển, chưa thành toàn như Thiên Chúa đòi hỏi[5].

Việc chia sẻ suốt đời

Ngoài tình yêu kết hợp ta lại với Thiên Chúa, tình yêu vợ chồng có mọi đặc điểm của một tình bạn tốt lành[6]: quan tâm đến lợi ích của người kia, tới sự hỗ tương, âu yếm, ấm cúng, ổn định và sự tương đồng phát sinh từ một cuộc sống được chia sẻ suốt đời. Họ không bao giờ coi  tương quan của mình là một mối tương quan nhất thời, nhưng bao giờ cũng làm chứng cho sự hợp nhất yêu thương, tuy mong manh, vẫn tin rằng sự hợp nhất ấy đứng vững trước thử thách của thời gian.Sự kết hợp bền vững này được diễn tả bằng các lời thề hôn ước trước Thiên Chúa Đấng kêu gọi trung thành[7].

Tình yêu nào yếu hèn, bệnh hoạn, không chấp nhận hôn nhân như một thách thức phải mang,  phải bảo vệ, tái sinh, canh tân và tái tạo cho tới chết, tình yêu ấy sẽ chết trước nền văn hóa phù du luôn ngăn cản tiến trình phát triển không ngừng. Nhưng người ta chỉ có được tình yêu hứa hẹn kéo dài đến muôn đời ấy khi họ hoàn toàn trao phó tương lai mình cho Đấng họ yêu mến[8]; khi họ chia sẻ mọi sự trong việc không ngừng tôn trọng nhau. Đó là một tình yêu “làm cho tình yêu Thiên Chúa và tình yêu con người nên một trong toàn bộ cuộc sống”[9].

Niềm hoan lạc và vẻ tuyệt mỹ

Trong hôn nhân, niềm hoan lạc của tình yêu cần phải được vun xới. Niềm hoan lạc ở đây liên quan tới việc mở rộng cõi lòng[10], tới nhận thức rằng hôn nhân là một hỗn hợp không thể tránh giữa thích thú và đấu tranh, căng thẳng và nghỉ ngơi, đau khổ và ủi an, thỏa mãn và khát mong, bực bội và khoái lạc, nhưng bao giờ cung thôi thúc đôi bạn “giúp đỡ và phục vụ nhau[11].

Tình yêu này được gọi là “đức ái” khi ta hiểu được và trân trọng “giá trị quan trọng” của người khác[12], đánh giá được sự thánh thiêng của họ. Trong một xã hội tiêu thụ, cảm thức về vẻ đẹp bị bần cùng hóa nên niềm vui cũng nhạt nhòa theo. Mọi sự chỉ là để trao đổi, chiếm hữu hay tiêu thụ kể cả con người.Việc yêu thương tha nhân bao giờ cũng kéo theo niềm vui của việc chiêm ngắm và hiểu rõ vẻ đẹp bên trong và sự thánh thiêng của họ, khiến ta có thể tìm kiếm lợi ích của họ cả khi họ không thể thuộc về ta hay khi họ không còn hấp dẫn về thể lý lại còn khiến tôi phiền hà, chịu đựng[13].Một cái nhìn trân trọng có tầm quan trọng đặc biệt, và một cái nhìn ghen tỵ bao giờ cũngrất có hại. Tình yêu luôn mở mắt ta và làm ta có thể thấy giá trị quan trọng của con người hơn mọi thứ khác[14].

Không có niềm vui nào lớn hơn niềm vui của việc chia sẻ những điều tốt lành. Niềm vui mãnh liệt trong cuộc sống nẩy sinh khi ta có thể khơi lên niềm vui nơi người khác. Đây không phải là niềm vui hão huyền qui ngã, mà là việc nếm trước nước trời của những người luôn tự do trao hiến[15].

Niềm hoan lạc cũng lớn lên nhờ buồn rầu, đau đớn. Vì “nguy nan trong chiến trường càng ghê rợn, niềm vui chiến thắng càng ngất ngây.”[16] Chẳng mấy niềm hoan lạc của con người sâu thẳm và cảm động như niềm hoan lạc mà hai người yêu nhau và đã đạt được một cái gì đó là kết quả của nỗ lực  gian khổ chung[17].

Lấy nhau vì tình yêu

Hôn nhân thể hiện sự nghiêm túc của việc người này đồng hóa với người kia và quyết định muốn từ biệt chủ nghĩa cá nhân thời niên thiếu, từ bỏ sự an toàn của gia đình để thuộc về nhau, để xây dựng những ràng buộc mạnh mẽ khác và để mặc lấy những trách nhiệm mới về một người khác; thể hiện quyết định vững vàng và chân thành muốn đi chung đường, bất kể chuyện gì sẽ xảy ra, vì thế đây không thể là kết quả của một quyết định vội vàng, nhưng cũng không thể bị trì hoãn đến vô định[18].Việc hiến mình cách dứt khoát cho một người khác bao giờ cũng kéo theo một sự liều lĩnh và một canh bạc táo bạo. Không sẵn sàng thực hiện cam kết ấy là ích kỷ, toan tính và bần tiện. Khi được diễn tả trước người khác trong hợp động hôn phối, với tất cả những cam kết công khai, tình yêu ấy cho thấy rõ và bảo vệ “sự ưng thuận” mà những người ấy tự do tỏ bày cách không dè sẻn với nhau[19].

Đaminh Nguyễn Đức Thông

Chú thích:

[1] Thánh Tôma Aquinô gọi tình yêu này là một vis unitiva (Summa Theologiae I, q. 20, art. 1, ad 3), làm vọng vang cụm từ của echoing Pseudo-Dionysius the Areopagite (De Divinis Nominibus, IV, 12: PG 3, 709).

[2] Thomas aquinas, Summa Theologiae II-II, q. 27, art. 2.

[3] Gioan Phaolô II, Tông huấn, Familiaris Consortio (22.11. 1981) 13: AAS 74 (1982), 94.

[4] Catechesis (2 April 2014): L’Osservatore Romano, 3 April 2014, p. 8.

[5]Amoris Laetitia, số 121 – 122

[6] Thomas aquinas, Summa Contra Gentiles III, 123; cf. ArisToTLe, Nicomachean Ethics, 8, 12 (ed. Bywater, Oxford, 1984, 174).

[7]Amoris Laetitia, số 123

[8] Encyclical Letter Lumen Fidei (29.6.2013), 52: AAS 105 (2013), 590.

[9]Ibid., 49; Amoris Laetitia, số 124

[10] Cf. Summa Theologiae I-II, q. 31, art. 3., ad 3; Amoris Laetitia, số 125

[11] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Mục Vụ Về Hội Thánh Trong Thế Giới Hôm Nay, Gaudium et Spes, 48.

[12] Cf. Thomas aquinas, Summa Theologiae I-II, q. 26, art. 3.

[13]Amoris Laetitia, số 127

[14]Amoris Laetitia, số 128

[15]Amoris Laetitia, số 129

[16] Thánh Augustinô, Confessions, VIII, III, 7: PL 32, 752.

[17]Amoris Laetitia, số 130

[18]Amoris Laetitia, số 131

[19]Amoris Laetitia, số 132

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết