Về Amoris Laetitia – Chương IV: Tình yêu trong hôn nhân (I)

Tất cả những gì ta đã nói cho tới nay vẫn chưa đủ để diễn tả Tin mừng về hôn nhân và gia đình, nếu ta không nói về tình yêu. Vì  ân sủng của bí tích hôn phối trước tiên không nhắm gì khác ngoài việc “hoàn thiện tình yêu đôi lứa”[1].Ở đây ta cũng có thể nói rằng: “dù tôi có đức tin đến độ có thể chuyển núi dời non, mà không có tình yêu, tôi chỉ là không. Nếu tôi đem phát chẩn mọi sự tôi có, và đem thân chịu thiêu đốt mà không có tình yêu, tôi cũng chỉ là không” (1 Cr 13, 2 – 3). Tuy nhiên, thuật ngữ “yêu” thường bị lạm dụng[2].

Tình yêu trong đời sống hằng ngày

Thánh Phaolô cho thấy một số đặc điểm của tình yêu đích thật:

Tình yêu thì nhẫn nại, hiền hậu. Tình yêu không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy điều gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tình yêu mang lấy tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13, 4 – 7).

Tình yêu được cảm nghiệm và dưỡng nuôi trong đời sống hằng ngày của vợ chồng và con cái họ. Ta sẽ đào sâu ý nghĩa của bản văn này của thánh Phaolô và trong hoàn cảnh cụ thể của mọi gia đình[3].

Tình yêu thì nhẫn nhục

Từ ngữ đầu tiên là makrothyméi, ám chỉ phẩm chất của một người nào đó không hành động theo sự bốc đồng và luôn tránh phạm tội. Đó là phẩm chất của vị Thiên Chúa của giao ước, Đấng luôn kêu gọi ta noi gương Ngài cả trong đời sống gia đình. “Sự nhẫn nhục” của Thiên Chúa, được bày tỏ trong lòng xót thương của Ngài đối với những kẻ tội lỗi, là dấu chỉ của quyền năng đích thật của Ngài[4].

 Nhẫn nhục không có nghĩa là thường xuyên chịu ngược đãi, chịu những xâm hại thể lý hay để người ta sử dụng mình.

Bất cứ khi nào ta nghĩ rằng các mối tương quan hay con người phải hoàn thiện, hay coi mình là quan trọng, ta đều gặp rắc rối. Ta sẽ trở nên không thể sống chung, khó gần, không thể làm chủ các cơn bốc đồng, gia đình ta sẽ thành bãi chiến trường. Đó là lý do vì sao lời Thiên Chúa nói với ta: “Đừng bao giờ chua cay, gắt gỏng, nóng nảy, giận hờn hay la lối thóa mạ và hãy dẹp bỏ mọi hành vi gian ác” (Ep 4, 31).

Nhẫn nhục bén rễ khi ta nhận ra rằng hệt như ta, tha nhân cũng có quyền sống trong thế giới này. Nếu họ có cản đường tôi, có đảo lộn các kế hoạch của tôi, có làm phiền tôi vì cách hành động hay suy nghĩ của họ hay nếu họ không phải là mọi sự tôi muốn thì cũng chẳng sao. Tình yêu bao giờ cũng có một khía cạnh của sự cảm thông sâu xa đưa tới chỗ chấp nhận người khác như một phần của thế giới này, cả khi họ hành động không như tôi muốn[5].

Tình yêu là để phục vụ tha nhân

Từ ngữ tiếp theo là chrestéeutai, chỉ được dùng ở đây trong toàn bộ Kinh thánh. Thánh Phaolô muốn cho thấy rõ rằng “nhẫn nhục” không phải là một thái độ hoàn toàn thụ động, nhưng là một thái độ có kèm theo hoạt động, nhờ tác động năng động và sáng tạo với tha nhân. Từ ngữ này cho thấy rằng tình yêu luôn làm ích và trợ giúp tha nhân[6]. Như thế, tình yêu bao giờ cũng cho phép ta kinh nghiệm được hạnh phúc của việc trao ban, kinh nghiệm được sự  cao quí và huy hoàng của việc tiêu hao chính mình  cách không mệt mỏi, không đòi đền đáp, chỉ vì niềm vui được cho đi và phục vụ[7].

Tình yêu không ghen tương

Thánh Phaolô coi zeloi như phản nghịch với tình yêu.  Ghen tỵ là cảm thấy buồn vì sự thịnh vượng của người khác; ghen tỵ cho thấy rằng ta không quan tâm tới hạnh phúc của tha nhân mà chỉ biết tới quyền lợi của mình. Ghen tỵ khép  ta lại nơi chính mình, còn tình yêu làm cho ta vượt lên chính mình, biết trân trọng các  thành đạt của người khác, không bao giờ nhìn họ như một hiểm họa, giúp ta nhận ra rằng mọi người đều có những ân ban khác nhau và đều có một con đường độc nhất vô nhị trong cuộc sống, giúp tha nhân tìm ra  hạnh phúc của chính họ[8].

Tóm lại, tình yêu bao giờ cũng khơi lên sự trân trọng chân thành đối với mọi người và nhìn nhận quyền được hạnh phúc của họ, luôn nhìn họ bằng đôi mắt của Thiên Chúa, dẹp bỏ bất công khiến người  thì có quá nhiều, người lại chẳng có gì, thôi thúc ta tìm ra những cách thức giúp những người bị xã hội ruồng bỏ tìm được đôi chút niềm vui. Đó không phải là ghen tỵ mà là khát vọng bình đẳng[9].

Đaminh Nguyễn Đức Thông

Chú thích

[1] Giáo lý Hội thánh Công giáo, 1641.

[2] Cf. Đức Benedicto XVI, Tông thư,  Deus Caritas Est (25.12.2005), 2: AAS 98 (2006), 218;  Amoris Laetitia, số 89

[3]Amoris Laetitia, số 90

[4]Amoris Laetitia, số 91

[5]Amoris Laetitia, số 92

[6]Amoris Laetitia, số 93

[7]Amoris Laetitia, số 94

[8]Amoris Laetitia, số 95

[9]Amoris Laetitia, số 96

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết