Hạt giống Lời và những hoàn cảnh bất toàn
Ta phải kiên trì dẫn đưa các vợ chồng tiếp tục đi xa hơn để họ đạt được một sự hiểu biết sâu xa hơn và hội nhập trọn vẹn hơn vào trong mầu nhiệm Đức Kitô kết hợp với Hội thánh [1].
Sau khi nói tới những đặc tính của bí tích hôn phối gồm sự hợp nhất, mở ra cho sự sống, thủy chung, bất khả phân ly và nâng đỡ nhau trên đường tiến tới sự hiệp thông hoàn toàn với Chúa, Đức Thánh Cha khuyến khích ta tìm ra những yếu tố tích cực tìm được trong các cuộc hôn nhân trong các truyền thống tôn giáo khác[2]. Ngài khẳng định: “bất cứ ai muốn đưa vào trong thế giới này một gia đình biết dạy con cái ham thích mọi động thái nhắm đến việc chiến thắng sự dữ – một gia đình chứng tỏ rằng Thần khí đang sống và hoạt động – đều nhận được lòng biết ơn và trân trọng của ta. Bất kể họ thuộc dân tộc, tôn giáo hay vùng nào!”[3]
Để chăm sóc mục vụ đối với các tín hữu đang sống với nhau hay chỉ lấy nhau về mặt dân sự hoặc đã ly dị và tái hôn, với cái nhìn và tình yêu của Đức Kitô, Hội thánh sẽ tìm kiếm ơn hoán cải cho họ, khuyến khích họ làm điều tốt, ân cần chăm sóc nhau và phục vụ cộng đoàn nơi họ đang sống và làm việc… Khi một đôi bạn nào đó trong cuộc hôn nhân bất thường, đạt được một sự ổn định đáng đế ý nhờ một sự ràng buộc công khai nào đó – và được đánh dấu bằng một tình cảm sâu đậm, bằng trách nhiệm đối với con cái và khả năng khắc phục những khó khăn – ta có thể coi đây là một cơ hội, và ở đâu có thể, thì đưa họ tới chỗ cử hành bí tích hôn phối[4].
Khi đương đầu với những hoàn cảnh khó khăn và những gia đình thương tích, các mục tử buộc phải phân biệt rõ các hoàn cảnh (Familiaris Consortio, 84), trong khi vẫn tuyên bố rõ giáo huấn của Hội thánh, các mục tử nhất thiết phải để ý xem người ta đang cảm nghiệm và chịu đựng đau khổ ra sao trong hoàn cảnh của họ[5]
Việc truyền sinh và nuôi dạy con cái
Việc kết hợp vợ chồng, “do tự bản chất của nó”[6], là để sinh con. Người con được sinh ra là kết quả và sự hoàn tất của việc vợ chồng trao hiến cho nhau”[7]. Ngay từ đầu, tình yêu bao giờ cũng mở ra cho sự sinh sản, một sự sinh sản lôi kéo tình yêu vượt ra khỏi chính mình. Vì thế, không một hoạt động tình dục nào của vợ chồng có thể phủ nhận ý nghĩa này[8], cả khi vì những lý do khác nhau hành vi ấy không phải lúc nào cũng sinh ra sự sống mới[9].
Con cái đáng được sinh ra từ tình yêu ấy, và không phải bằng bất cứ phương tiện nào, vì “em không phải là một của nợ mà là một quà tặng”[10], là “hoa trái của hành vi đặc biệt của tình phu phụ của cha mẹ”[11]. Tạo Hóa tạo dựng người nam và người nữ để họ tham dự vào công cuộc tạo thành của Ngài và đồng thời biến họ thành những công cụ của tình yêu, khi ủy thác cho họ trách nhiệm về tương lai của nhân loại, nhờ việc chuyển giao sự sống con người[12].
Vì đang có não trạng muốn hạ việc sinh sản xuống thành một cái gì đó có thể thay đổi trong kế hoạch của cá nhân hay đôi bạn[13], nên Đức Thánh Cha kêu gọi tôn trọng phẩm giá của con người trong việc đánh giá về mặt luân lý các phương pháp hạn chế sinh sản… Việc chọn nhận con nuôi có thể cũng là một đặc điểm của đời sống hôn nhân[14]. Với lòng biết ơn đặc biệt, Hội thánh “nâng đỡ các gia đình nào chấp nhận, nuôi dưỡng và bao bọc trong tình yêu thương những người con bị những dị tật khác nhau”[15].
Nếu gia đình là cung thánh của sự sống, nơi sự sống được cưu mang và chăm sóc, thì rẫy từ và hủy hoại sự sống quả là một mâu thuẫn khủng khiếp. Được sống, lớn lên trong lòng mẹ của trẻ em vô tội là quyền bất khả nhượng, không ai có thể biện minh cho quyết định chấm dứt sự sống ấy. Gia đình bảo vệ sự sống con người trong mọi giai đoạn của sự sống ấy, kể cả giai đoạn cuối cùng. Hội thánh cảm thấy phải gấp rút khẳng định quyền được chết tự nhiên, không phải trải qua điều trị tấn công và cái chết êm dịu, mà còn “cương quyết dẹp bỏ án tử hình”[16].
Một trong những thách thức căn bản các gia đình hiện đang phải đương đầu chắc chắn là việc nuôi dạy con cái[17]. Bổn phận quan trọng nhất và quyền đầu tiên, chủ yếu và bất khả nhượng của cha mẹ là việc giáo dục toàn diện cho con cái họ[18]: họ được hưởng quyền chọn loại hình giáo dục – có thể tiếp cận và có chất lượng cao – họ muốn cho con cái họ theo xác tín của mình. Các trường học không thay thế mà chỉ hỗ trợ cha mẹ. Những người khác trong tiến trình giáo dục thực hiện trách nhiệm nhân danh cha mẹ, với sự đồng ý và ở một mức độ nào đó, với sự ủy quyền của họ[19]. Nhưng, “hiện đang có một rạn nứt giữa gia đình và xã hội, giữa gia đình và học đường; hiệp ước giáo dục hôm nay đã bị phá vỡ và vì thế sự kết hợp giữa gia đình và xã hội đang bị khủng hoảng”[20].
Hội thánh được kêu gọi cộng tác với cha mẹ, giúp họ hoàn tất sứ mạng giáo dục, đánh giá đúng vai trò riêng của họ và giúp họ nhận ra rằng họ là các thừa tác viên đối với việc giáo dục con cái mình. Trong việc giáo dục con cái này, họ xây dựng Hội thánh[21] và khi xây dựng Hội thánh như thế họ cũng chấp nhận ơn gọi Thiên Chúa ban[22].
Gia đình và Hội thánh
Với niềm hân hoan và an ủi sâu xa, Hội thánh biết ơn và khích lệ các gia đình vẫn còn trung thành với giáo huấn của Tin mừng, vì họ đang làm chứng cách uy tín cho vẻ đẹp của hôn nhân vô phương tháo gỡ và trung thành mãi mãi. Trong các gia đình này, các cá nhân có được kinh nghiệm của Hội thánh về sự hiệp thông nơi các ngôi vị, một sự hiệp thông phản ánh mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi nhờ ân sủng; họ học được khả năng chịu đựng, học được tình huynh đệ, sự tha thứ quảng đại và nhất là việc thờ phượng Thiên Chúa và việc hiến trao cuộc đời[23].
Hội thánh không ngừng được phong phú nhờ đời sống của các gia đình. Hội thánh rất hữu ích đối với các gia đình và gia đình cũng hữu ích đối với Hội thánh. Việc bảo vệ ơn Chúa trong bí tích hôn phối này là một bận tâm không chỉ của các gia đình mà còn của toàn cộng đoàn Kitô hữu[24].
Kinh nghiệm về tình yêu trong các gia đình là nguồn sức mạnh vô tận cho đời sống của Hội thánh. Nhờ sự hợp nhất trong tình yêu, đôi bạn kinh nghiệm được vẻ đẹp của việc làm cha, làm mẹ; họ chia sẻ những kế hoạch, thử thách, hy vọng và âu lo; họ học cách chăm sóc nhau và tha thứ cho nhau; họ cử hành những giây phút hạnh phúc và nâng đỡ nhau trong những nẻo đường khác nhau của cuộc sống chung. Vẻ đẹp của việc trao hiến cho nhau này, niềm vui vì một sự sống được sinh ra và việc yêu thương chăm sóc của mọi thành viên của gia đình làm cho việc đáp lại ơn gọi gia đình thành độc nhất vô nhị và bất khả thay thế[25] cho toàn Hội thánh và toàn xã hội[26].
Đaminh Nguyễn Đức Thông
Chú thích
[1]Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio (22.11.1981), 9: AAS 74 (1982), 90; Amoris Laetitia, số 76
[2]Bài Giảng Trong Thánh Lễ Bế Mạc Hội Nghị Thế Giới Về Gia Đình TạiPhiladelphia (27 September 2015): L’Osservatore Romano, 28-29 September 2015, p. 7.
[3]Relatio Finalis 2015, 53-54; Amoris Laetitia, số 77
[4]Ibid., 51.Amoris Laetitia, số 78
[5] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ về Hội thánh trong Thế giơi Hôm nay Gaudium et Spes, 48; Amoris Laetitia, số 79
[6] Giáo lý Hội thánh Công giáo, 2366.
[7] Cf. Đức PhaolôVI, Thông điệp Humanae Vitae (25.7.1968), 11-12: AAS 60 (1968), 488-489.
[8] Cf. Đức PhaolôVI, Thông điệp Humanae Vitae (25.7.1968), 11-12: AAS 60 (1968), 488-489.
[9]Amoris Laetitia, số 80
[10] Giáo lý Hội thánh Công giáo, 2378.
[11] Thánh bộ Đạo lý Đức tin, Huấn thị Donum Vitae (22.2.1987), II, 8: AAS 80 (1988), 97.
[12]Relatio Finalis 2015, 63; Amoris Laetitia, số 81
[13]Relatio Synodi 2014, 57
[14]Ibid., 58.
[15]Ibid., 57; Amoris Laetitia, số 82
[16]Relatio Finalis 2015, 64; Amoris Laetitia, số 83
[17]Ibid., 61
[18] Bộ Giáo luật, c. 1136; cf. Bộ Giáo luật của các Hội thánh Đông phương, 627.
[19] Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia đình, The Truth and Meaning of Human Sexuality (8.12.1995), 23.
[20] Catechesis (20 May 2015): L’Osservatore Romano, 21.5.2015, p. 8; Amoris Laetitia, số 84
[21] Đức Gioan Phao lô II, Tông huấn Familiaris Consortio (28.11.1981) 38: AAS 74 (1982), 129.
[22] Cf. Address to the Diocesan Conference of Rome (14.6.2015): L’Osservatore Romano, 15-16.6. 2015, p. 8; Amoris Laetitia, số 85
[23]Relatio Synodi 2014, 23; Giáo lý của Hội thánh Công giáo, 1657; Amoris Laetitia, số 86
[24]Relatio Finalis 2015, 52; Amoris Laetitia, số 87
[25]Ibid., 49-50.
[26]Amoris Laetitia, số 88