Vatican yêu cầu một số thay đổi đối với cơ quan Giáo hội mới ở Đức

Các đại diện của Giáo triều Rôma và Hội đồng Giám mục Đức gặp nhau tại Vatican vào ngày 28 tháng 6 năm 2024 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Các đại diện của Giáo triều Rôma và Hội đồng Giám mục Đức gặp nhau tại Vatican vào ngày 28 tháng 6 năm 2024 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Như một phần của cuộc giằng co đang diễn ra với các Giám mục Đức về con đường cải cách gây tranh cãi của đất nước, Vatican đã yêu cầu thực hiện một số thay đổi đối với cơ quan Giáo hội quốc gia mới mà các quan chức Giáo triều cho rằng không có nền tảng trong Giáo luật.

Trong một tuyên bố vào ngày 28 tháng 6 sau một ngày làm việc kéo dài với các đại diện của Hội đồng Giám mục Đức (DBK), Vatican cho biết cuộc thảo luận kéo dài cả ngày và “một lần nữa được đặc trưng bởi một bầu khí tích cực, cởi mở và mang tính xây dựng”.

Cuộc thảo luận diễn ra sau một cuộc họp tương tự được tổ chức vào ngày 22 tháng 3, là một phần của cuộc đối thoại sâu rộng hơn bắt đầu vào năm 2022 trong bối cảnh của một cuộc tham vấn quốc gia của các tín hữu Công giáo Đức được gọi là “Con đường Công nghị”, và sau khi các quan chức trong DBK phớt lờ những cảnh báo của Vatican về việc ngừng và hủy bỏ một số dự án nhất định.

Trong cuộc họp vào tháng 3, Vatican đã vạch ra một đường lối cứng rắn, yêu cầu các Giám mục Đức cam kết tôn trọng Giáo luật và trao cho Tòa Thánh tiếng nói cuối cùng về bất kỳ cải cách nào được đề xuất.

Vatican cho biết lời hứa này là nền tảng của cuộc gặp gỡ trong ngày.

Cụ thể, tuyên bố cho biết rằng họ đã thảo luận về “các hình thức cụ thể của việc thực thi tính công nghị trong Giáo hội ở Đức, phù hợp với Giáo hội học của Công đồng Vatican II, các quy định của Giáo luật, và thành quả của Thượng Hội đồng của Giáo hội hoàn vũ, để được trình lên Tòa Thánh phê chuẩn”.

Trong cuộc thảo luận hôm thứ Sáu, các Giám mục đã cung cấp cho các quan chức Vatican thông tin cập nhật về cuộc họp gần đây nhất của Ủy ban Thượng hội đồng, một cơ quan gây tranh cãi có nhiệm vụ thành lập một Hội đồng Thượng Hội đồng đang được bàn cãi, được coi là cơ quan quản lý mới của Giáo hội ở Đức bao gồm cả giáo dân lẫn Giám mục.

Về điểm này, “các nền tảng thần học và khả năng hiện thực hóa pháp lý của một cơ quan quốc gia đã được thảo luận”, tuyên bố cho biết.

Cuộc họp hôm thứ Sáu, tuyên bố cho biết, “tập trung vào mối quan hệ giữa việc thực thi thừa tác vụ Giám mục và việc thúc đẩy tính đồng trách nhiệm của mọi tín hữu, và đặc biệt, về các khía cạnh của Giáo luật đối với việc thiết lập một hình thức đồng nghị cụ thể trong Giáo Hội ở Đức”.

“Mong muốn và cam kết tăng cường tính đồng nghị trong đời sống của Giáo hội, nhằm hướng tới việc truyền giáo hiệu quả hơn, được chia sẻ”, tuyên bố cho biết.

Là một phần của cuộc đối thoại đang diễn ra giữa các Giám mục Đức và Vatican, theo tuyên bố, một ủy ban mới sẽ được thành lập bởi Ủy ban Thượng Hội đồng để giải quyết cụ thể “các câu hỏi liên quan đến tính đồng nghị và cơ cấu của một cơ quan đồng nghị”.

Ủy ban này, tuyên bố cho biết, sẽ hợp tác chặt chẽ với một ủy ban tương tự về phía Vatican bao gồm các đại diện từ các văn phòng Giáo triều có thẩm quyền, để đề xuất một dự thảo về chủ đề này.

Theo tuyên bố, hôm thứ Sáu, các quan chức Giáo triều đã yêu cầu các Giám mục Đức “thay đổi tên và trong một số khía cạnh của đề xuất đã được đưa ra trước đó về một cơ quan đồng nghị quốc gia có thể có”.

“Về quan điểm của cơ quan này, có sự nhất trí rằng trên thực tế là nó không ở trên cũng như không ngang hàng với Hội đồng Giám mục quốc gia”, tuyên bố cho biết, đồng thời làm rõ rằng dù cơ quan này nắm giữ bản chất nào đi nữa, nó sẽ không thể bãi bỏ Hội đồng Giám mục.

Hôm thứ Sáu, thành phần tương lai của phái đoàn DBK tham gia vào cuộc đối thoại đang diễn ra với Vatican cũng đã được thảo luận.

Các đại diện của Giáo triều Rôma bao gồm các Đức Hồng y Victor Manuel Fernandéz, Tổng Trưởng Bộ Giáo lý Đức tin; Đức Hồng y Kurt Koch, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ sự Hiệp nhất Kitô giáo; Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Vatican; Đức Hồng y Robert Prevost, Tổng Trưởng Bộ Giám mục; Đức Hồng y Arthur Roche, Tổng Trưởng Bộ Phụng tự; và Đức Tổng Giám mục Filippo Iannone, Tổng Trưởng Bộ các Văn bản Luật.

 Về phía Đức, các tham dự viên bao gồm các Đức Giám mục Georg Bätzing Địa phận Limburg; Đức Giám mục Stephan Ackermann Địa phận Trier; Đức Giám mục Bertram Meier Địa phận Augsburg; và Đức Giám mục Franz-Josef Overbeck Địa phận Essen, những người lần lượt giữ các chức vụ là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, và Chủ tịch các Ủy ban Giám mục về Phụng vụ, về Giáo hội Hoàn vũ và về Đức tin.

Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Đức, bà Beate Gilles; và phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Đức, ông Matthias Kopp, cũng có mặt.

Cuộc họp hôm thứ Sáu diễn ra sau khi Vatican hồi đầu năm nay đưa ra chỉ thị cho các Giám mục Đức tạm dừng cuộc bỏ phiếu về các quy chế của Ủy ban Thượng Hội đồng và đe dọa hành động Giáo luật nếu họ không tuân thủ.

Là một phần của Đại hội đồng từ ngày 19-22 tháng 2 tại Augsburg, khoảng 60 thành viên của DBK tham dự đã được lên kế hoạch để xem xét kết quả của quá trình cải cách “Con đường Công nghị” đã kết thúc gần đây của họ và bỏ phiếu về các quy chế của “Ủy ban Thượng Hội đồng” vốn có nhiệm vụ thành lập một “Hội đồng Thượng Hội đồng” quốc gia mới.

Tuy nhiên, các Giám mục đã ngưng tổ chức bỏ phiếu sau khi nhận được lá thư từ Vatican đe dọa sẽ có các biện pháp trừng phạt nếu họ tiếp tục tiến hành.

Ý tưởng thành lập Hội đồng Thượng Hội đồng, một cơ quan điều hành bao gồm cả các Giám mục lẫn giáo dân sẽ giám sát lâu dài Giáo hội ở Đức, đã được thông qua trong phiên họp toàn thể lần thứ tư của “Con đường Công nghị” của Đức vào tháng 9 năm 2022, với mục đích đưa ra “các quyết định cơ bản có tầm quan trọng cấp Giáo phận”.

Hội nghị đó cũng đã phê chuẩn một “Ủy ban Thượng Hội đồng”, do Đức Giám mục Georg Bätzing Địa phận Limburg, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, đồng chủ trì, và một giáo dân, có nhiệm vụ cụ thể là thành lập Hội đồng Thượng Hội đồng để hoạt động vào năm 2026.

Vào tháng 1 năm ngoái, những người đứng đầu một số cơ quan chính của Vatican đã viết một lá thư cho các Giám mục Đức phủ quyết Hội đồng Thượng Hội đồng với lý do rằng nó tạo thành một hình thức thẩm quyền Giáo hội mới không được công nhận về mặt Giáo luật, và về cơ bản sẽ tiếm quyền của Hội đồng Giám mục quốc gia.

Vào thời điểm đó, các Giám mục Đức đã phớt lờ những lời cảnh báo của Vatican, đồng thời tuyên bố trong hội nghị mùa xuân vào tháng 3 năm 2023 rằng kế hoạch thành lập Ủy ban Thượng Hội đồng vẫn đang được xúc tiến.

Đức Thánh Cha Phanxicô và một số người đứng đầu Thánh Bộ trong Giáo triều Rôma đã nhiều lần can thiệp vào tiến trình Công nghị của các Giám mục Đức, được khởi động với mục đích cải tổ các cơ cấu Giáo hội để ứng phó tốt hơn với các vụ giáo sĩ bê bối lạm dụng trong nước.

Quá trình này nhanh chóng trở thành điểm thu hút các đề xuất chấm dứt tình trạng độc thân Linh mục, cho phép truyền chức Linh mục cho phụ nữ, chấp thuận rộng rãi các phép lành cho các cặp đồng giới, và trao quyền cho phụ nữ cử hành Bí tích rửa tội.

Vào năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết một lá thư gửi các Giám mục Đức cảnh báo rằng quá trình cải cách của họ có nguy cơ làm rạn nứt sự hiệp nhất của giáo hội, và sau đó ngài đã chỉ trích các đề xuất của cả Ủy ban Thượng Hội đồng lẫn Hội đồng Thượng Hội đồng trong một lá thư vào tháng 11 năm 2023 gửi các nhà thần học Đức chỉ trích tiến trình cải cách quốc gia, đồng thời cho biết rằng những cơ quan này “không thể hòa hợp với cơ cấu mang tính Bí tích của Giáo hội”.

Một trong những mối bận tâm chính đối với Hội đồng Thượng Hội đồng là nó sẽ tạo thành một cơ quan quản lý mới của Giáo hội không được Giáo luật công nhận và về cơ bản sẽ tiếm quyền của Hội đồng Giám mục quốc gia.

Một phần quyền hạn của Ủy ban Thượng Hội đồng cho phép họ thông qua các nghị quyết với đa số đơn thuần là 2/3. Chỉ với 23 Giám mục thành viên trong ủy ban, sau khi 4 người từ chối tham gia, hơn một nửa trong số 70 thành viên của cơ quan là giáo dân, có nghĩa là về mặt lý thuyết, các nghị quyết có thể được thông qua mà không cần sự chấp thuận của bất kỳ Giám mục nào trong nước.

 Khi các Giám mục Đức đến thăm Vatican trong chuyến viếng thăm Ad limina thường kỳ vào tháng 11 năm 2022, các thành viên của Giáo triều Rôma đã đề xuất một lệnh tạm dừng tiến trình này, tuy nhiên thay vào đó họ đã đồng ý rằng một cuộc đối thoại đang diễn ra sẽ được thiết lập với các cuộc họp thường kỳ.

Cuộc họp đầu tiên diễn ra tại Vatican vào ngày 26 tháng 7 năm 2023 và cuộc thảo luận sâu hơn về các chủ đề cải cách quan trọng đã diễn ra trong phiên họp đầu tiên vào tháng 10 năm 2023 của Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp hành, với phiên họp thứ hai và cuối cùng sẽ diễn ra trong năm nay.

Trong cuộc họp gần đây của họ vào tháng 3, các quan chức Vatican đã vạch ra một đường lối cứng rắn, yêu cầu các Giám mục Đức cam kết rằng bất kỳ cuộc cải cách Giáo hội quốc gia nào cũng sẽ không vi phạm Giáo luật, và sẽ không có biện pháp mới nào được thông qua nếu không có sự chấp thuận trước của Tòa Thánh.

Cuộc gặp gỡ tiếp theo giữa các đại diện của Giáo triều Rôma và các Giám mục Đức sẽ diễn ra sau khi kết thúc phiên họp thứ hai và cuối cùng tại Rôma của Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp hành, dự kiến ​​kéo dài trong suốt tháng 10.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube