Vatican và Trung Quốc gia hạn thỏa thuận gây tranh cãi về việc lựa chọn Giám mục

Trong ảnh hồ sơ ngày 18 tháng 4 năm 2018 này, Đức Giáo hoàng Phanxicô gặp một nhóm tín hữu từ Trung Quốc vào cuối buổi tiếp kiến chung hàng tuần của ngài tại Quảng trường Thánh Peter, tại Vatican. Tòa thánh Vatican hôm thứ Ba, ngày 29 tháng 9 năm 2020, đã trả lời những người chỉ trích và biện minh cho quyết định theo đuổi việc gia hạn thỏa thuận với Trung Quốc về việc đề cử giám mục, thừa nhận những khó khăn nhưng nhấn mạnh rằng những kết quả tích cực, hạn chế đã đạt được. (Nguồn: Gregorio Borgia / AP)

Trong bức ảnh được chụp ngày 18 tháng 4 năm 2018 này, Đức Giáo hoàng Phanxicô gặp gỡ một nhóm tín hữu đến từ Trung Quốc vào cuối buổi tiếp kiến chung hàng tuần của Ngài tại Quảng trường Thánh Phêrô, tại Vatican. Vatican hôm thứ Ba, ngày 29 tháng 9 năm 2020, đã đáp lại những người chỉ trích và đồng thời biện minh cho quyết định theo đuổi việc gia hạn thỏa thuận với Trung Quốc về việc đề cử các Giám mục, thừa nhận những khó khăn nhưng nhấn mạnh rằng những kết quả tích cực nhưng vẫn còn hạn chế đã đạt được (Ảnh: Gregorio Borgia / AP)

Bất chấp những lời chỉ trích, hôm thứ Năm 22/10, Vatican đã thông báo về việc gia hạn thỏa thuận tạm thời với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục thêm hai năm, điều mà nhiều nhà quan sát coi là cái giá phải trả trước của Rome đối với quan hệ ngoại giao cuối cùng với Bắc Kinh.

“Tòa Thánh coi việc áp dụng thỏa thuận ban đầu – vốn có giá trị rất lớn về phương diện Giáo hội và mục vụ – là tích cực”, một tuyên bố của Vatican cho biết vào ngày 22 tháng 10, “nhờ sự liên lạc và hợp tác hiệu quả giữa các bên về các vấn đề đã thỏa thuận”.

Vatican, tuyên bố cho biết, “dự định theo đuổi một cuộc đối thoại cởi mở và mang tính xây dựng vì lợi ích của đời sống của Giáo hội Công giáo và lợi ích của người dân Trung Quốc”.

Được ký kết vào tháng 9 năm 2018, thỏa thuận này được cho là dựa trên thỏa thuận của Tòa Thánh với Trung Quốc, trong đó cho phép Tòa Thánh lựa chọn các giám mục từ danh sách tuyển chọn các ứng cử viên do chính phủ đề xuất, mặc dù các điều khoản của nó chưa bao giờ được tiết lộ công khai.

Khi thỏa thuận tạm thời được công bố vào năm 2018, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chính thức công nhận tám giám mục được Hiệp hội Yêu nước của chính phủ Trung Quốc bổ nhiệm mà không có sự phê chuẩn của Đức Giáo hoàng, có nghĩa là cho đến lúc đó, về mặt kỹ thuật, họ đã bị vạ tuyệt thông.

Thông cáo hôm 22/10 vẫn không cung cấp thông tin chi tiết về các điều khoản của thỏa thuận, vốn đã được gia hạn thử nghiệm thêm hai năm.

Theo các chuyên gia về quan hệ Trung Quốc-Vatican, thỏa thuận tạm thời, trong khi mang tính chất mục vụ, rõ ràng là nhằm mục đích đầu tiên là thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Trung Quốc, trong đó mối quan hệ của Vatican với Đài Loan là con bài thương lượng quan trọng.

Hướng tới quan hệ ngoại giao đầy đủ

Paolo Affatato, trưởng tòa soạn tại châu Á của hãng tin Fides, phát biểu với Crux rằng việc tạo dựng quan hệ ngoại giao với Trung Quốc luôn là mục tiêu cuối cùng của Vatican.

“Hãy nhớ rằng khi Đức Hồng Y Angelo Sodano, vào thời Đức Gioan Phaolô II, khi ngài còn là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, thường nói rằng Tòa Thánh đã sẵn sàng ‘không phải ngày mai mà là ngay hôm nay’ sẽ đóng cửa đại diện ngoại giao với Đài Loan và chuyển Tòa Khâm Sứ đến Bắc Kinh, như lúc ban đầu”.

 “Hãy nhớ lại rằng ban đầu Tòa Khâm Sứ được đặt tại Trung Quốc và chỉ vì cuộc cách mạng văn hóa, nó mới được chuyển tạm thời sang Đài Loan”, ông Affatato nói, đồng thời nhấn mạnh rằng cơ quan đại diện của Vatican tại Đài Loan “được sinh ra với một điều khoản tạm thời… nhưng sau đó tạm thời đã kéo dài trong nhiều năm”.

“Ngay cả trong thỏa thuận này, đó là một mục tiêu, một đích điểm, luôn luôn rất rõ ràng đối với Tòa Thánh”, ông Affatato nói. “Nó có thể là bước đầu tiên hướng tới các mối quan hệ ngoại giao đầy đủ, đây không phải là một bí mật. Tòa Thánh đã tuyên bố một cách công khai rằng họ sẵn sàng tái thiết lập quan hệ ngoại giao”.

Tương tự, Cha Bernardo Cervellera, người đứng đầu AsiaNews, cho biết việc tạo dựng quan hệ ngoại giao cũng là chiến lược của Trung Quốc. Phát biểu với Crux, Linh mục Cervellera cho biết ngài tin rằng việc gia hạn thỏa thuận “chỉ vì Trung Quốc rất quan tâm đến việc Vatican tiến tới quan hệ ngoại giao nhằm cắt đứt quan hệ với Đài Loan”.

“Động cơ chính trị của Trung Quốc trong mối quan hệ này, mà Bộ trưởng Ngoại giao cũng rất ủng hộ, là tiếp tục các mối quan hệ này có lẽ trong hai năm nữa và sau đó có thể sẽ có quan hệ ngoại giao”, Linh mục Cervellera nói, đồng thời lưu ý rằng kể từ khi Tòa Thánh trở thành đồng minh ngoại giao duy nhất của Đài Loan ở châu Âu, bất kỳ mối quan hệ chính thức nào với Trung Quốc cũng sẽ cô lập Đài Loan.

Đài Loan được xem như một con bài thương lượng

Theo Linh mục Cervellera, vị thế của Đài Loan có thể là một chiến lược để Vatican thúc đẩy những thay đổi rõ ràng hơn đối với các vấn đề mà Đảng Cộng sản Trung Quốc quan tâm, chẳng hạn như tự do tôn giáo.

“Nếu Trung Quốc chấp nhận một thỏa thuận khác về việc đề cử các Giám mục, thì đối với tôi trong hai năm này, họ phải làm việc để mở rộng tự do tôn giáo cho Giáo hội ở Trung Quốc”, Linh mục Cervellera nói, đồng thời giải thích rằng điều này có nghĩa là chính phủ công nhận các Giám mục hầm trú là hợp pháp; trả tự do cho các giám mục đã bị cầm tù; và “loại bỏ” Hiệp hội Công giáo Yêu nước được chính phủ phê chuẩn với tư cách là tổ chức kiểm soát đối với Giáo hội ở Trung Quốc.

Kể từ khi Cộng sản tiếp quản Trung Quốc năm 1949, Giáo hội Công giáo ở nước này đã bị chia rẽ giữa Giáo hội “chính thức” hợp tác với chính phủ và Giáo hội “hầm trú” chống lại sự kiểm soát của nó.

Nếu như những bước này không được thực hiện, Linh mục Cervellera nói, “Tôi nghĩ rằng Vatican sẽ khó có thể đoạn tuyệt với Đài Loan, bởi vì quan hệ với Đài Loan là con bài duy nhất mà Vatican còn để đối phó với Trung Quốc. Họ không có các công cụ quyền lực nào khác, họ không có các công cụ để gây áp lực với Trung Quốc, ngoài điều này”.

Thỏa thuận này không bắt đầu từ Đức Phanxicô

Cả Linh mục Cervellera và ông Affatato đều nhấn mạnh rằng mặc dù có ý nghĩa quan trọng, sự can dự của Vatican với Trung Quốc không phải là điều gì đó mới mẻ dưới thời Đức Phanxicô mà là cách tiếp cận nhất quán của Tòa Thánh kể từ khi mối quan hệ rạn nứt vào năm 1949.

“Đối với Vatican, họ đã nỗ lực trong suốt 60 năm để có mối quan hệ với Trung Quốc. Trong suốt thời kỳ của Mao Trạch Đông, họ không làm điều đó, bởi vì Mao đã hoàn toàn khép kín. Nhưng ngay từ khi có Đặng Tiểu Bình, Đức Gioan Phaolô II và Đức Benedict XVI, và sau đó là Đức Phanxicô, đều đã nỗ lực để có được mối quan hệ với Trung Quốc”, Linh mục Cervellera nói.

Ông Affatato nhấn mạnh rằng chính Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II là người đầu tiên thu hút sự chú ý đến vấn đề về các Giám mục ở Trung Quốc, “Ngài đã đưa ra động lực đầu tiên”, điều này đã được cả Đức nguyên Giáo Hoàng Benedict XVI và Đức Giáo Hoàng Phanxicô thực hiện.

 “Giờ đây mọi việc đã quyết định với Triều đại của Đức Giáo hoàng Phanxicô, nhưng ý muốn của Tòa thánh đã có từ thời Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II luôn rất rõ ràng”, ông Affatato nói, đồng thời lưu ý rằng trong 70 năm qua, Trung Quốc “đã thay đổi rất nhiều. Đó không phải là Trung Quốc thời Mao Trạch Đông”.

Tuy nhiên, trong khi các mối quan hệ vẫn tồn tại hiện tại, Linh mục Cervellera cảnh báo không nên đặt quá nhiều gánh nặng vào điều này, đồng thời cho biết rằng thỏa thuận hiện tại “là một điều rất mong manh”.

 “Có rất nhiều vấn đề liên quan đến tự do tôn giáo ở Trung Quốc”, Linh mục Cervellera nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng“ 90% những vấn đề trong đời sống của Giáo hội ở Trung Quốc không hoạt động. Vì vậy, khi xem xét yếu tố này, chúng tôi hy vọng rằng nó có thể phát triển”, Linh mục Cervellera nói nói khi đề cập đến vấn đề tự do tôn giáo ở Trung Quốc.

Những lời phê bình

Ngay từ đầu, thỏa thuận này đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ cả các thành viên và những người không phải là thành viên của Giáo hội Công giáo, những người cho rằng việc đưa ra bất kỳ thỏa thuận nào với chính phủ Trung Quốc cũng giống như việc bán đứng những người Công giáo đã phải chịu sự đàn áp và cầm tù của chế độ cộng sản, và sẽ chỉ cho phép Đảng Cộng sản thắt chặt sự kìm kẹp đối với các tôn giáo nói chung, thay vì tạo ra thêm nhiều chỗ thở hơn.

Khi thời hạn của thỏa thuận hết hạn và khả năng gia hạn của nó đến gần, sự chỉ trích này càng gia tăng trong cộng đồng quốc tế.

Vào tháng 9, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo trước chuyến thăm dự kiến đến Vatican đã viết một bài báo trên tờ tạp chí tôn giáo bảo thủ First Things, vốn đăng tải nội dung chỉ trích Đức Giáo hoàng Phanxicô, thúc giục Vatican thực hiện “thẩm quyền luân lý” với Trung Quốc trong việc lên án các hành vi vi phạm tự do tôn giáo và nhân quyền.

Đáp lại bài viết trên, Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh Vatican Pietro Parolin cho biết rằng ngài “lấy làm ngạc nhiên” và tờ tạp chí này không phải là địa điểm thích hợp để tổ chức cuộc tranh luận. Đức Hồng y Parolin cũng bảo vệ quan điểm của Vatican, đồng thời cho biết rằng việc gia hạn thỏa thuận là một “quyết định đã được cân nhắc kỹ lưỡng” và nhận thức được những lo ngại về tự do tôn giáo.

Đức Hồng y Joseph Zen người Trung Quốc, nguyên Giám mục Địa phận Hồng Kông, và là tiếng nói phản đối cách tiếp cận của Đức Giáo hoàng Phanxicô đối với Trung Quốc, đã đưa ra một số tuyên bố lên án thỏa thuận và việc gia hạn thỏa thuận này, trong một bài báo gần đây nói rằng Đức Hồng y Parolin là “kẻ nói dối” và đặt vấn đề về đức tin của vị Giám chức, lập luận rằng thỏa thuận này nghiêng về chính trị hơn là về phương diện truyền giáo.

Phát biểu với Crux từ căn hộ của mình tại Hồng Kông vào ngày 22 tháng 10, Đức Hồng y Zen gọi việc gia hạn thỏa thuận là “một sự phản bội”, là một “sai lầm lớn”, “ngớ ngẩn” và “vô lý”.

Đức Hồng y Zen than phiền rằng sau hai năm, và mặc dù là một Hồng y người Trung Quốc, ngài chưa một lần nhìn thấy văn bản của thỏa thuận và cho rằng thỏa thuận được gia hạn là vô nghĩa, bởi vì các nhà chức trách Trung Quốc “đã không giữ lời”.

“Ảnh hưởng của quan hệ ngoại giao sẽ như thế nào?”, Đức Hồng y Zen chất vấn, đề cập đến cách tiếp cận ‘Ostpolitk’ của Vatican trong việc can dự với các chế độ cộng sản ở Đông Âu. Thậm chí ngay cả trong những trường hợp này, Đức Hồng y Zen nói, các thỏa thuận đã được thực hiện, nhưng những người cộng sản “không tôn trọng các thỏa thuận”.

“Ngay cả trong hai năm này, tác động của nó là gì? Chẳng được gì cả! Vatican không nhận được gì cả”, Đức Hồng y Zen nói, đồng thời nhấn mạnh rằng vấn đề tự do tôn giáo không có dấu hiệu cải thiện, mà đúng hơn, “thậm chí còn có nhiều cuộc đàn áp hơn”.

Đức Hồng y Zen cho biết Giáo hội hầm trú đã bị “phá hủy” và đồng thời cáo buộc Vatican đã trao “mọi thứ họ có cho chính phủ Trung Quốc”.

Đức Hồng y Zen cho biết cuối cùng ngài cũng chẳng quan tâm đến việc thỏa thuận có được gia hạn hay không, “bởi vì tôi không nhận thấy bất kỳ lợi thế nào. Không có cơ sở cho bất kỳ sự lạc quan nào. Sự lạc quan phải được dựa trên sự thật. Có thể là những sự thật nhỏ nhoi, không sao, nhưng chẳng có gì khuyến khích tôi lạc quan cả”.

Ông Affatato và Linh mục Cervellera đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau về cách phản ứng với các nhà phê bình, bao gồm cả Đức Hồng y Zen.

Linh mục Cervellera cho biết các nhà phê bình như Đức Hồng y Zen đã nêu bật “một số điều rất quan trọng” về tự do tôn giáo ở Trung Quốc và thành tích của quốc gia trong việc tôn trọng các thỏa thuận của họ. Nếu các Linh mục và Giám mục buộc phải liên kết với các cơ quan chính trị, Linh mục Cervellera nói, điều này sẽ có nguy cơ biến họ thành “những viên chức của nhà nước” hơn là những tác nhân truyền bá Phúc Âm hóa.

Linh mục Cervellera cũng thúc đẩy việc  bảo vệ các cộng đồng tôn giáo khác, ngài nói rằng: “Trong hai năm này, Giáo hội phải dấn thân vì quyền tự do tôn giáo lớn hơn cho Giáo hội Công giáo, cũng như cho các tín đồ Hồi giáo, Phật giáo và Tin lành, những người cũng đang bị chính quyền đàn áp”.

Ông Affatato nhấn mạnh rằng thỏa thuận “mang bản chất tôn giáo, mục vụ”, và như vậy “không nên nhượng bộ sức nặng chính trị và địa chính trị, như chính phủ Hoa Kỳ có thể muốn làm”.

Thỏa thuận, ông Affatato nói, cho thấy rằng Giáo hội Công giáo “không phải là một đức tin hoàn toàn từ phương Tây”, mà nó mang tính phổ quát.

Ông Affatato cũng đặt vấn đề về động cơ của những người chỉ trích thỏa thuận, nói rằng điều quan trọng là sự hiệp nhất và sự đánh giá cao của cộng đồng Công giáo Trung Quốc, “mà không ai có thể nói thay họ ngoài chính họ”.

Linh mục Cervellera thừa nhận về những tiếng nói phản đối đối với thỏa thuận với Trung Quốc, đồng thời cũng cho biết rằng việc làm khác đi đồng nghĩa với việc “chống lại một bức tường”, nhưng ngài lập luận rằng Giáo hội phải rõ ràng hơn về phương diện truyền giáo.

 “Tôi thiết nghĩ Vatican phải tìm ra những phương cách trong hai năm này để hỗ trợ nhiều hơn cho đời sống của Giáo hội”, Linh mục Cervellera nói, đề cập đến sự phát triển rầm rộ của Giáo hội Tin lành ở Trung Quốc, và đồng thời nhấn mạnh rằng “bạn có thể truyền giáo mà không cần các mối quan hệ ngoại giao”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết