Vatican sẽ tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế cấp cao diễn ra trong hai ngày về một thế giới không vũ khí hạt nhân trong tuần này, trong bối cảnh của một cuộc đối đầu hiện đang ngày càng leo thang giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên. Mười một người đã được nhận giải Nobel Hòa bình, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Liên Hợp Quốc và NATO, các chuyên gia hàng đầu, các nhà lãnh đạo các cơ quan chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự, cũng như các đại diện của các Hội đồng Giám mục, các giáo phái Kitô giáo và nhiều tín ngưỡng khác sẽ cùng nhau tham dự hội nghị diễn ra từ ngày 10/11 đến 11/11 sắp tới tại Vatican về chủ đề: “Triển vọng vì một Thế giới không có vũ khí hạt nhân và giải trừ vũ khí hoàn toàn”.
Hội nghị chuyên đề này chính là kết quả của những nỗ lực của Đức Thánh Cha Phanxicô chống lại các loại vũ khí, đặc biệt là các loại vũ khí hạt nhân. Trong buổi công bố hội nghị vào ngày 30 tháng 10 vừa qua, ông Greg Burke, Giám đốc Văn phòng Báo Chí Tòa Thánh tuyên bố, “Đức Thánh Cha đang nỗ lực làm việc với quyết tâm thúc đẩy những điều kiện cần thiết vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.
Thánh Bộ Cổ võ Sự phát triển con người toàn diện của Vatican sẽ tổ chức hội nghị này, trong đó sẽ bao gồm một cuộc hội kiến với ĐTC Phanxicô.
Dưới đây là thông cáo báo chí của Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh thông báo về hội nghị chuyên đề sắp tới:
Vào ngày thứ Sáu 10/11 và thứ bảy 11/11 sắp tới, tại New Synod Hall tại Vatican, Thánh Bộ Cổ võ Sự phát triển con người toàn diện sẽ tổ chức Hội nghị chuyên đề Quốc tế với chủ đề: Triển vọng vì một Thế giới không có vũ khí hạt nhân và giải trừ vũ khí hoàn toàn”. Tổng Trưởng Thánh Bộ này, Đức Hồng y Peter KA Turkson, đã chỉ ra rằng “sự kiện này đáp ứng những ưu tiên của ĐTC Phanxicô để hành động vì hòa bình thế giới và đồng thời tận dụng các nguồn sáng tạo vì một sự phát triển bền vững và cải thiện chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi cá nhân và các quốc gia, mà không có bất kì một sự phân biệt đối xử nào”. Đức ông Bruno Marie Duffé, Thư ký của Thánh Bộ này, đã nhấn mạnh tại Hội nghị Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, được tổ chức tại Vienna từ ngày 18 đến ngày 22 tháng 9 năm 2017, về tầm quan trọng của “trách nhiệm luân lý của các quốc gia” cũng như thách thức của “chiến lược đối thoại chung “, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi.
Hội nghị Vatican này là hội nghị toàn cầu lần đầu tiên về Giải trừ vũ khí nguyên tử sau khi được phê chuẩn bởi “Hiệp ước về Ngăn cấm Vũ khí Hạt nhân” do 122 quốc gia trong cộng đồng quốc tế (bao gồm Toà Thánh) ký tại New York vào ngày 7 tháng 7 năm 2017, và đã được mở ra để kêu gọi ký tên ủng hộ vào ngày 20 tháng 9 năm 2017, tại cùng thành phố này.
Hội nghị quốc tế sẽ quy tụ 11 người đã đoạt giải Nobel hòa bình, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Liên Hợp Quốc và NATO, các nhà ngoại giao của Liên bang Nga, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Iran, cũng như các chuyên gia hàng đầu về võ trang quân đội và vũ khí và các nhà lãnh đạo của các tổ chức quan trọng, các tổ chức xã hội dân sự mà trong khoảng một thời gian dài đã tích cực tham gia vào vấn đề này. Các đại diện của các Hội đồng Giám mục, các giáo phái Kitô giáo và các tôn giáo khác, phái đoàn bao gồm các vị Giáo sư cấp cao cùng với nhiều sinh viên đến từ các trường đại học Hoa Kỳ và Nga, sẽ tham dự sự kiện được tổ chức tại Vatican này.
Đặc biệt quan trọng là sự hiện diện của Masako WADA, Trợ lý Tổng thư ký Nihon Hidankyo, một trong những người sống sót cuối cùng của vụ tấn công hạt nhân nhằm vòa thành phố Hiroshima, người sẽ đại diện cho tất cả các nạn nhân của các loại vũ khí hạt nhân cũng như những vụ thử nghiệm hạt nhân.
Về phía Toà Thánh cũng sẽ có sự tham dự của Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Pietro Parolin, và người đứng đầu Thánh Bộ Cổ võ Sự Phát Triển Con người Toàn diện.
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp gỡ tất cả các tham dự viên tham dự hội nghị tại một buổi tiếp kiến chung sẽ diễn ra tại Sala Clementina thuộc Điện Tông Tòa, vào ngày 10 tháng 11 lúc 12 giờ sáng và sau đó Ngài sẽ đưa ra một bài phát biểu chính thức.
Hội nghị được hưởng những lợi ích từ sự hợp tác với: Đại sứ quán Italia tại Toà Thánh; Hội đồng Giám mục Công giáo Đức; Hội đồng Giám mục Công giáo Nhật Bản; Tổ chức Centro Interdisciplinare Scienze per la Pace (CISP), Università di Pisa; Đại học Georgetown; Học viện Kroc về Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế thuộc Trường Keough School of Global Affairs; Mazda Motor Europe GmbH; Đại học Notre Dame; Sáng kiến về Đe dọa Hạt nhân; Các hội nghị Pugwash về Khoa học và Các vấn đề Thế giới; Senzatomica; Soka Gakkai International; Unione degli Scienziati per il Disarmo ONLUS (USPID).
Minh Tuệ chuyển ngữ