RÔMA – Giáo hội Công giáo trên toàn thế giới đang cho thấy những tiến triển tốt đẹp và “nhiều niềm vui” sau khi Tiến trình Hiệp hành khai mạc, nhưng đồng thời cũng có một số “bất ổn” và thách thức, Hội đồng thường kỳ của Thượng hội đồng Giám mục cho biết.
“Ngày càng có sự gia tăng nhận thức rằng sự chuyển đổi mang tính hiệp hành mà qua đó tất cả những người đã chịu phép Rửa tội được mời gọi là một tiến trình kéo dài vốn sẽ kéo dài cho đến sau năm 2023″.
“Mong muốn trên toàn thế giới đó là cuộc hành trình hiệp hành này, vốn đã bắt đầu ở cấp địa phương” tiếp tục “để những dấu hiệu hữu hình của tính hiệp hành có thể ngày càng được biểu lộ như một thành phần cấu thành của Giáo hội”, Hội đồng cho biết.
Hội đồng thường kỳ của Thượng hội đồng Giám mục đã nhóm họp trực tiếp và trực tuyến vào ngày 26 tháng 1 để thảo luận về những tiến bộ đang đạt được trong tiến trình hiệp hành trên toàn thế giới và xây dựng các tiêu chí cho các “báo cáo” do các Giáo phận và các Hội đồng Giám mục chuẩn bị và đệ trình lên ban thư ký chung của Thượng Hội đồng Giám mục, Hội đồng cho biết trong một tuyên bố được công bố vào ngày 7 tháng 2 tại synod.va
“Có vẻ như tính mới mẻ của tiến trình hiệp hành đã làm nảy sinh nhiều niềm vui và sự năng động”, Hội đồng cho biết. Gần 98% tất cả các Hội đồng Giám mục và Thượng hội đồng của các Giáo hội Công giáo Đông phương trên toàn thế giới đã chỉ định một người hoặc toàn bộ nhóm để thực hiện tiến trình hiệp hành và một số lượng lớn các sáng kiến đã được thiết lập để thúc đẩy sự tham vấn và phân định.
“Nhiều người trong số các tín hữu coi tiến trình hiệp hành là một thời điểm quan trọng trong đời sống của Giáo hội, như một quá trình học hỏi cũng như một cơ hội để hoán cải và đổi mới đời sống Giáo hội. Đồng thời, rất nhiều những khó khăn thử thách cũng xuất hiện”, Hội đồng cho biết.
“Một số nhóm tín hữu và giáo sĩ đã báo cáo về sự lo ngại và dè dặt. Cũng có một số giáo dân nghi ngờ rằng những đóng góp của họ sẽ không thực sự được xem xét”, Hội đồng cho biết.
Trong số những thách thức mà Hội đồng ghi nhận đó là: sự “miễn cưỡng” của một số giáo sĩ; sự cần thiết đối với việc đào tạo, “đặc biệt là trong việc lắng nghe và phân định để Thượng hội đồng đích thực là một tiến trình thiêng liêng và không bị thu hẹp thành một cuộc tranh luận mang tính nghị viện”; sự cần thiết của việc lắng nghe lẫn nhau dựa trên việc cầu nguyện và Kinh Thánh; sự cần thiết cần cải thiện sự tham gia của giới trẻ; và sự cần thiết phải kêu gọi sự tham gia của những người xa rời Giáo hội.
Đại dịch cũng hạn chế các cơ hội gặp gỡ trực tiếp, đây là điều hết sức quan trọng đối với việc “lắng nghe lẫn nhau và sự phân định chung”, Hội đồng cho biết. “Việc tham vấn ý kiến của Dân Chúa không thể chỉ là một bảng câu hỏi khảo sát”.
Vòa tháng 10 năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức khai mạc tiến trình dẫn tới đại hội đồng của Thượng Hội đồng Giám mục vào năm 2023 và các Giám mục trên khắp thế giới đã khai mạc tiến trình này ngay sau đó tại các Giáo phận của họ. Giai đoạn cấp Giáo phận, vốn kéo dài đến tháng 8, sẽ tập trung vào việc lắng nghe và tham vấn ý kiến của Dân Chúa.
Minh Tuệ (theo Crux)