Vatican tại LHQ kêu gọi đối thoại tại Cộng hòa Trung Phi

  • Tin tức
  • Thứ Năm, 21-09-2017 | 04:22:38

Ngoại Trưởng Tòa Thánh đã kêu gọi việc hồi phục đối thoại tại Cộng hòa Trung Phi, cũng như hành động một cách có hiệu quả hơn nhằm bảo vệ các thường dân thuộc tất cả các nhóm tôn giáo.

Những lời trên của Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher đã được đưa ra trong một cuộc họp tại phiên họp lần thứ 72 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York hôm thứ Ba 19/9 vừa qua. Ngoại Trưởng Tòa Thánh cho biết Tòa Thánh ‘vô cùng quan ngại’ đến việc gia tăng xung đột tại Cộng hòa Trung Phi, quốc gia nơi ĐTC Phanxicô đã viếng thăm vào tháng Mười Một năm 2015.

REUTERS1142827_ArticoloĐTC Phanxicô đã ca ngợi vai trò của Phái bộ ổn định của LHQ (MINUSCA) vốn đang nỗ lực làm việc để mang lại hòa bình cho thủ đô Bangui, nhưng đồng thời kêu gọi sự bảo vệ lớn hơn đối với các thường dân, không phân biệt đẳng cấp hay tín ngưỡng tôn giáo, nhằm đạt được sự tin tưởng của người dân địa phương.

Bảo vệ phụ nữ và trẻ em dễ bị tổn thương

Chỉ ra rằng phụ nữ và trẻ em là những nạn nhân dễ bị tổn thương nhất trong cuộc xung đột, Đức Tổng Giám mục Gallagher đã kêu gọi các nhân viên gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc bảo vệ nhân phẩm của họ, đảm bảo quyền tự do đi lại của họ và để bảo vệ họ khỏi việc bị tấn công vũ trang hay các hành vi lạm dụng.

Cộng đồng quốc tế phải hỗ trợ Cộng hòa Trung Phi

Trong khi kêu gọi chính phủ Cộng hòa Trung Phi phải đảm bảo các quy định của pháp luật, ngăn chặn và chiến đấu với tình trạng tham nhũng, và đồng thời đảm bảo việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và giáo dục cho tất cả mọi công dân, Đức Tổng Giám mục Gallagher cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ nền dân chủ và sự phát triển toàn diện trong nước.

Việc viện trợ tài chính như đã được hứa hẹn trong Hội nghị Brussel vào mùa thu năm ngoái cần phải được thực hiện, Đức TGM Gallagher nói, nhằm tạo điều kiện cho việc tái thiết và phục hồi tài chính.

Đối thoại, giải trừ quân bị và công lý cho các nạn nhân

Kêu gọi một cuộc đối thoại chân thành giữa tất cả các lực lượng chính trị trong nước, Đức Tổng Giám mục Gallagher nhấn mạnh rằng hòa bình cũng đòi hỏi việc giải trừ quân bị và việc hội nhập cho tất cả các cựu chiến binh, công lý cho các nạn nhân của các tội ác cũng như sự trở lại an toàn cho những người tị nạn, bao gồm cả các Kitô hữu lẫn những người Hồi giáo.

Dưới đây là bài phát biểu đầy đủ của Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher tại cuộc họp cấp Bộ trưởng về vấn đề Cộng hòa Trung Phi trong suốt kỳ họp thứ 72 của Đại hội đồng LHQ:

 

Thưa ngài chủ tịch,

Tòa Thánh đặc biệt quan tâm đến sự gia tăng của cuộc xung đột đang diễn ra tại Cộng hòa Trung Phi, vốn đang gây ra cảnh chết chóc và thương tích trong dân chúng và đồng thời làm trầm trọng hơn tình hình của những người tị nạn và những người bị buộc phải di tản trong nước.

Toà Thánh đánh giá cao vai trò của MINUSCA (Phái bộ ổn định phối hợp đa diện của LHQ tại Cộng hòa Trung Phi), cũng như việc mở rộng nhiệm vụ của Phái bộ này được thực hiện bởi Liên Hiệp Quốc, vốn hướng đến việc khôi phục hòa bình cho thủ đô Bangui và để vô hiệu hóa, trong chừng mực có thể, các hành động của các nhóm vũ trang, vốn đã gây ra những đau khổ cho những nhóm người không có khả năng tự vệ. Tuy nhiên, Toà Thánh cũng mong muốn chúng kiến những hành động có hiệu quả hơn trong việc bảo vệ dân thường, không phân biệt đẳng cấp hay tín ngưỡng tôn giáo, nhằm tránh tình trạng thiên vị và đồng thời để có được sự tín nhiệm lớn hơn từ người dân địa phương. Do đó, việc gia tăng số lượng đối với lực lượng gìn giữ hòa bình và việc tái tổ chức các hoạt động của họ phải ưu tiên bảo vệ an ninh của tất cả mọi công dân cũng như việc khôi phục hoà bình. Nhận thức rõ rằng những người dễ bị tổn thương nhất trong cuộc xung đột hiện tại chính là phụ nữ và trẻ em, tôi kêu gọi MINUSCA hãy bảo vệ phẩm giá của họ với tư cách là những người không có khả năng tự vệ, đảm bảo sự an toàn cá nhân cũng như việc tự do đi lại của họ, và đồng thời bảo vệ họ khỏi việc bị tấn công vũ trang cũng như khỏi bất kỳ mọi hành vi ngược đãi hay sỉ nhục nào vốn hạ thấp phẩm giá con người của họ. Như ĐTC Phanxicô đã lưu ý trong suốt chuyến viếng thăm Bangui của mình, phẩm giá con người là một “giá trị luân lý, đồng nghĩa với sự trung thực, trung thành, sự thanh tao và thể diện của con người, vốn biểu thị ý thức của tất cả mọi người về quyền lợi và nghĩa vụ của họ, và hướng họ đến việc tôn trọng lẫn nhau” (Bài phát biểu với các nhà chức trách và Ngoại giao đoàn, ngày 29 tháng 11 năm 2015).

Cộng đồng quốc tế được mời gọi để cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết cho nền dân chủ và sự phát triển toàn diện của những cấu trúc vốn sẽ cho phép sự tăng trưởng của đất nước. Tất nhiên, đó chính là trách nhiệm  trách của chính phủ quốc gia để đảm bảo pháp quyền, kiềm chế và tuyên chiến với tình trạng tham nhũng, vốn đánh mất sự tin tưởng của người dân và đồng thời đảm bảo việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và giáo dục cho tất cả mọi công dân, mà không có bất kì sự phân biệt đối xử nào. Nhưng điều này lại đòi hỏi hành động phối hợp của Cộng đồng Quốc tế, để mà sự viện trợ tài chính như đã được hứa hẹn trong Hội nghị Brussel vào mùa thu năm ngoái được thực hiện, tạo ra các nguồn lực cho đất nước và đồng thời tạo điều kiện cho việc tái thiết cũng như việc phục hồi tài chính.

Ở bất kỳ quốc gia nào, sự năng động lành mạnh giữa các thế lực chính trị khác nhau chỉ có thể đạt được thông qua việc đối thoại chân thành. Với sự trợ giúp của Cộng đồng quốc tế, việc đối thoại như vậy phải trở thành con đường đặc quyền nhằm đạt tới hòa bình và trao cho Cộng hòa Trung Phi sự ổn định cần thiết đối với sự đổi mới về xã hội, kinh tế và chính trị. Thật vậy, đối thoại chính là giải pháp duy nhất cho bất kỳ một cuộc xung đột vũ trang nào và đồng thời đó cũng là cách duy nhất để làm câm lặng tất cả các loại vũ khí chiến tranh cũng như mang lại cho cuộc sống những lời lẽ của sự hòa giải. Chúng ta có thể nhớ lại đây chính là kết quả tích cực của chuyến viếng thăm mục vụ của ĐTC Phanxicô (29/11 đến 30/11 năm 2015), vốn đã tạo ra những cử chỉ mạnh mẽ và rõ ràng về sự hợp tác, cũng được các vị lãnh đạo các tôn giáo khác khen ngợi. Gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi tới tất cả mọi khu vực tại Cộng hoà Trung Phi: “Nguyện xin cho tất cả các loại vũ khí có thể bị làm cho im hơi lặng tiếng và nguyện xin cho tinh thần thiện chí đối thoại sẽ chiến thắng để có thể đạt được hòa bình và sự phát triển đất nước” (ĐTC Phanxicô, buổi Tiếp kiến chung ngày 21 tháng 5 năm 2017).

Để đạt được những kết quả tốt đẹp, tiến trình đối thoại phải đảm bảo các tiêu chí sau:

– Việc ngừng bắn giữa tất cả các bên trong cuộc xung đột;

– Các phương tiện đúng đắn cho việc giải trừ quân bị các nhóm vũ trang khác nhau, trong khi nghiên cứu những phương thế tốt nhất để tái hòa nhập các thành viên của họ trở lại cộng đồng dân sự và dân chủ;

– Công lý cho tất cả các nạn nhân của các cuộc tấn công tàn khốc đối với quần chúng không có vũ trang;

– Cà sự trở lại đảm bảo của tất cả những người di cư và những người tị nạn, bao gồm cả các Kitô hữu và những người Hồi giáo, những người có thể mang những tài sản của họ và trở lại cuộc sống yên bình và ổn định.

Với nỗ lực của cuộc đối thoại toàn diện, cam kết của Giáo hội Công giáo sẽ không thể thiếu. Cùng với những người tuyên xưng những niềm tin tôn giáo khác, Giáo Hội sẽ tìm kiếm sự liên đới, đồng thời bác bỏ những điều gây ra sự chia rẽ hoặc tranh cãi, bởi vì việc tìm kiếm hoà bình cần phải được đặt lên trên tất cả mọi thứ khác.

Xin cám ơn ngài chủ tịch!

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết