Vatican lên án việc giễu cợt ‘Bữa Tiệc Ly’ tại Thế vận hội Paris

Tháp Eiffel lung linh trong lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Paris 2024 vào ngày 26 tháng 7 năm 2024 (OSV News photo/Ludovic Marin, pool via Reuters)

Tháp Eiffel lung linh trong lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Paris 2024 vào ngày 26 tháng 7 năm 2024 (OSV News photo/Ludovic Marin, pool via Reuters)

8 ngày sau khi Thế vận hội Olympic Paris khai mạc, Vatican đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi đưa ra tuyên bố vào tối hôm thứ Bảy, ngày 3 tháng 8, bày tỏ “sự buồn phiền” của mình về một số cảnh tượng trong lễ khai mạc đã “gây xúc phạm đối với nhiều Kitô hữu và tín đồ của các tôn giáo khác”.

Trong một tuyên bố ngắn được đưa ra bằng tiếng Pháp vào khoảng 8:00 tối theo giờ Rôma, Vatican cho biết, “chúng tôi không thể không lên tiếng cùng với những người khác đã lên tiếng trong những ngày gần đây để lên án sự xúc phạm đối với nhiều Kitô hữu và tín đồ của các tôn giáo khác”.

Tuyên bố cho biết: “Trong một sự kiện uy tín [như Thế vận hội], nơi toàn thế giới đoàn kết xung quanh các giá trị chung, không được phép có những ẩn ý giễu cợt niềm tin tôn giáo của nhiều người”.

Tuyên bố của Vatican kết luận bằng việc khẳng định rằng “Quyền tự do ngôn luận, rõ ràng là không thể bị chất vấn, nhưng lại có giới hạn trong việc tôn trọng người khác”.

America được biết rằng Vatican ban đầu đã quyết định không đưa ra tuyên bố vì các Giám mục Pháp đã đưa ra tuyên bố ngay sau sự kiện trong đó họ lên án hành vi xúc phạm đối với các tín hữu trong một cảnh có sự tham gia của một nghệ sĩ giả nữ và khoảng 15 người khác. Họ và những nhà phê bình khác coi phần biểu diễn này là sự nhại lại bức tranh Bữa Tiệc Ly nổi tiếng của danh họa Leonardo da Vinci vào cuối thế kỷ 15.

Cảnh tượng này cũng đã bị chỉ trích bởi một số người thuộc phe cánh hữu ở Pháp, Hungary (Thủ tướng Viktor Orbán) và Hoa Kỳ, bao gồm cả Donald Trump.

Một số Giám mục tại Hoa Kỳ, bao gồm Đức Giám mục Robert Barron Địa phận Winona-Rochester và Đức Tổng Giám mục Salvatore Cordileone Địa phận San Francisco, cũng đã đưa ra tuyên bố hoặc bình luận lên án những gì họ coi là cảnh nhạo báng Kitô giáo.

Tính đến ngày 2 tháng 8, 3 Hồng y và 24 Giám mục từ khắp nơi trên thế giới – phần lớn là người Mỹ – đã ký một bức thư ngỏ gửi tới Ủy ban Olympic quốc tế kêu gọi xin lỗi về màn trình diễn này.

Thomas Jolly, Giám đốc nghệ thuật của lễ khai mạc, tuyên bố rằng bức tranh của danh họa Leonardo da Vinci không phải là nguồn cảm hứng của ông, và một phát ngôn viên của Thế vận hội Paris đã xin lỗi “nếu mọi người cảm thấy bị xúc phạm”.

Đức Thánh Cha Phanxicô hiện vẫn chưa bình luận về vụ bê bối này, nhưng trong bài phát biểu trong giờ Kinh Truyền Tin vào ngày 28 tháng 7, ngài đã lên án rằng “trong khi có nhiều người trên thế giới đang phải chịu đau khổ vì thiên tai và nạn đói, chúng ta vẫn tiếp tục sản xuất và bán vũ khí cũng như tuyệt diệt các nguồn tài nguyên để tiếp tay cho các cuộc chiến tranh lớn nhỏ”.

“Đây là một sự phẫn nộ mà cộng đồng quốc tế không nên dung thứ, và nó trái ngược với tinh thần đoàn kết của Thế vận hội vừa mới bắt đầu”, Đức Thánh Cha phát biểu, một số người cho rằng đó là phản ứng của ngài trước sự phẫn nộ về màn trình diễn trong lễ khai mạc.

Áp lực buộc Vatican phải phản ứng

Tuyên bố tối hôm thứ Bảy của Tòa Thánh dường như được đưa ra sau áp lực mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo Kitô giáo và Hồi giáo.

Vào ngày 1 tháng 8, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nói về cuộc tranh cãi này trong cuộc điện đàm mà ông thực hiện với Đức Thánh Cha Phanxicô sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh tại Tehran. Trong một thông cáo từ văn phòng Tổng thống, được hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, ông Erdogan cũng cho biết “những hành vi vô đạo đức tại lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Paris đã gây phẫn nộ và kích động phản ứng”.

Thông cáo cho biết Tổng thốngErdoga tuyên bố rằng “dưới chiêu bài tự do ngôn luận, phẩm giá con người đang bị chà đạp, các giá trị tôn giáo và đạo đức đang bị chế giễu, đồng thời cũng cho biết thêm rằng điều này xúc phạm cả người Hồi giáo lẫn thế giới Kitô giáo”.

Thông cáo cũng cho biết thêm rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ với Đức Thánh Cha Phanxicô sự tin tưởng của ông rằng “cần phải cùng nhau lên tiếng và có lập trường chung về vấn đề này” và đồng thời cho biết sự thiếu tôn trọng đối với các giá trị tôn giáo trong lễ khai mạc Olympic đã đánh dấu “tiếng chuông báo động về sự sụp đổ về mặt đạo đức mà thế giới đang bị kéo vào”.

Đầu tuần này, Hội đồng Trưởng lão Hồi giáo, dưới sự chủ trì của Tiến sĩ Ahmed Al-Tayeb, Đại Imam của Al-Azhar, đã lên án mạnh mẽ màn trình diễn tại lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Paris 2024, vốn “trắng trợn xúc phạm Chúa Giêsu Kitô (P.B.U.H.) và địa vị đáng kính của một vị Tiên tri”. (Người Hồi giáo, để tỏ lòng tôn kinhss, thường kèm thêm câu chúc tụng “Cầu xin Allah ban ân phước và sự bình an cho ngài” sau tên các nhà tiên tri, thường được viết tắt là P.B.U.H.) Tuyên bố cho biết: “Hành động đáng xấu hổ này cho thấy sự thiếu tôn trọng hoàn toàn đối với niềm tin của các tín hữu và các giá trị đạo đức cao cả mà họ coi trọng” và “hoàn toàn” bác bỏ “mọi nỗ lực hạ thấp các biểu tượng, niềm tin và các nhân vật thiêng liêng”.

Hội đồng trưởng lão Hồi giáo “nhấn mạnh rằng các sự kiện thể thao nên đóng vai trò như là nền tảng để tôn vinh sự đa dạng văn hóa và thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia” và đồng thời “cảnh báo mạnh mẽ chống lại xu hướng nguy hiểm của việc lợi dụng những sự kiện như vậy để bình thường hóa sự thiếu tôn trọng tôn giáo và thúc đẩy các hành vi xã hội phá hoại đi chệch khỏi các giá trị tự nhiên của con người”. Tuyên bố nhắc lại rằng Văn kiện về Tinh thần Huynh đệ nhân loại, được Đại Imam và Đức Thánh Cha Phanxicô đồng ký tại Abu Dhabi vào năm 2019, “kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới, các nhà hoạch định chính sách, các nhà trí thức, các triết gia, nhân vật tôn giáo, nghệ sĩ, chuyên gia truyền thông và những người đàn ông và phụ nữ làm việc trong lĩnh vực văn hóa ở mọi nơi trên thế giới đấu tranh chống lại mọi hình thức suy thoái văn hóa và đạo đức”.

Văn bản Vatican (bản dịch không chính thức):

Tòa Thánh đau buồn trước một số cảnh trong lễ khai mạc Thế vận hội Olympic tại Paris và không thể không lên tiếng cùng với những người khác đã lên tiếng trong những ngày gần đây để lên án sự xúc phạm đối với nhiều Kitô hữu và tín đồ của các tôn giáo khác. Trong một sự kiện uy tín, nơi toàn thế giới đoàn kết xung quanh các giá trị chung, không được phép có những ám chỉ chế giễu tín ngưỡng tôn giáo của nhiều người. Quyền tự do ngôn luận, rõ ràng là không thể bị chất vấn, nhưng lại có giới hạn trong việc tôn trọng người khác”.

Văn bản gốc:

Le Saint-Siège a été attristé par certaines scènes de la cérémonie d’ouverture des Jeux Olympiques de Paris et ne peut que se joindre aux voix qui se sont élevées ces derniers jours pour déplorer l’offense faite à de nombreux chrétiens et croyants d’autres religions. Dans un événement prestigieux où le monde entier se réunit autour de valeurs communes ne devraient pas se trouver des allusions ridiculisant les convictions religieuses de nombreuses personnes. La liberté d’expression, qui, évidemment, n’est pas remise en cause, trouve sa limite dans le respect des autres.

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết