Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Ngoại Trưởng Tòa Thánh, đã ký Hiệp ước về Cấm Vũ khí Hạt nhân tại Liên Hiệp Quốc hôm 20/9 vừa qua. “Các loại Vũ khí hạt nhân mang lại một cảm giác sai lầm về vấn đề an ninh”, Đức Tổng Giám mục Gallagher nói. “Hòa bình và ổn định quốc tế không thể dựa trên việc hủy diệt lẫn nhau hoặc dựa trên mối đe dọa hủy diệt”.
ROME – Tòa Thánh đã phê chuẩn và ký kết Hiệp ước mới của LHQ về việc cấm Vũ khí Hạt nhân, và nhà ngoại giao cấp cao của Vatican, người đã ký kết hiệp ước, đã phát biểu tại một cuộc họp của LHQ rằng Giáo hội Công giáo hỗ trợ các nỗ lực “nhằm tiến dần đến một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.
Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Ngoại Trưởng Vatican, đã ký Hiệp ước về Cấm Vũ khí Hạt nhân tại Liên Hiệp Quốc hôm 20 tháng Chín vừa qua. Hơn 40 quốc gia khác cũng đã ký kết Hiệp ước này. Hiệp ước sẽ có hiệu lực 90 ngày sau khi ít nhất 50 quốc gia ký kết và phê chuẩn.
Cũng tại Liên Hiệp Quốc, Đức TGM Gallagher đã đề cập đến Hội nghị lần thứ 10 về Tạo thuận lợi cho Việc bắt đầu có hiệu lực Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện, một hiệp ước mà Vatican đã tham gia vào năm 1996. Văn bản bài phát biểu của Đức TGM Gallagher đã được công bố tại Vatican vào ngày 21 tháng 9.
Tòa Thánh, Đức TGM Gallagher nói, tin rằng “lệnh cấm thử hạt nhân, việc không phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân có liên quan chặt chẽ với nhau và cần phải đạt được càng sớm càng tốt dưới sự kiểm soát của quốc tế một cách có hiệu quả”.
Nhưng sự chậm trễ trong việc có thêm 8 quốc gia nữa phê chuẩn hiệp ước này cũng có nghĩa là nó vẫn chưa có hiệu lực. “Hai thập niên không có hiệu lực của hiệp ước này đã trở thành hai thập niên đánh mất đi mục tiêu chung của chúng ta về một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.
Hiệp ước này, Đức TGM Gallagher nói, “là khẩn cấp hơn bao giờ hết khi xem xét đến các mối đe dọa hiện nay đối với hòa bình – từ những thách thức liên tục đối vỡic việc phổ biến vũ khí hạt nhân tới các chương trình hiện đại hóa mới của một số quốc gia có vũ khí hạt nhân.
“Những căng thẳng hiện đang ngày càng gia tăng đối với chương trình hạt nhân đang phát triển của CHDCND Triều Tiên là vô cùng khẩn cấp”, Đức TGM Gallagher nói. “Cộng đồng quốc tế phải phản ứng lại động thái này bằng cách tìm cách khôi phục đàm phán. Mối đe dọa hoặc việc sử dụng quân đội không có chỗ trong việc chống lại việc phổ biến, và mối đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại việc phổ biến vũ khí hạt nhân là điều đáng chỉ trích.
“Các loại Vũ khí hạt nhân mang lại một cảm giác sai lầm về vấn đề an ninh”, Đức TGM Gallagher nhấn mạnh. “Hòa bình và ổn định quốc tế không thể dựa trên việc hủy diệt lẫn nhau hoặc dựa trên mối đe dọa hủy diệt”.
Hiệp ước mới được ký kết bởi Vatican nghiêm cấm việc thử nghiệm, nhưng đồng thời cũng nghiêm cấm các nỗ lực để phát triển, sản xuất, chế tạo, thu nhận, sở hữu hoặc dự trữ vũ khí hạt nhân hoặc các thiết bị nổ hạt nhân khác. Hoa Kỳ và các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác đã không tham gia đàm phán cũng như không có ý định ký kết hiệp ước này.
Minh Tuệ chuyển ngữ