Vatican kêu gọi tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của các thủy thủ

Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Di dân và Du mục đã kêu gọi sự tôn trọng và bảo vệ các quyền con người và lao động của các thủy thủ.

20160705 Thuythu

Trong một thông điệp nhân ‘Ngày Chủ nhật Biển’ vào ngày 10/7 sắp tới, Đức Hồng Y Antonio Maria Veglio và Joseph Kalathiparambil  –  Chủ tịch kiêm Thư ký Hội đồng Giáo hoàng – đã bày tỏ lòng biết ơn đối với các công việc có sức ảnh hưởng sâu rộng của các thủy thủ trong nhiều lĩnh vực khác nhau cũng như các lĩnh vực khác trong xã hội.

Thông điệp này cũng nêu bật những đóng góp quý báu của các thủy thủ trong những tình trạng khẩn cấp nhân đạo gần đây trên vùng Biển Địa Trung Hải, nơi mà “các thủy thủ đoàn củ a các tàu buôn đã can thiệp và giải cứu hàng ngàn người đang phải lênh đênh giữa biển khơi nguy hiểm mong đến được châu Âu bằng các con tàu và các bè bơm hơi chật ních người và vô cùng nguy hiểm”.

Dưới đây là toàn bộ thông điệp:

“Ngồi thoải mái trên ghế sofa trong phòng khách, chúng ta khó có thể hiểu được cuộc sống lênh đênh vất vả hàng ngày của những người thủy thủ sống nhờ vào ngành công nghiệp hàng hải. Nếu chúng ta nhìn xung quanh những nơi chúng ta đang sống và làm việc, chúng ta có thể nhận ra rằng hầu hết các trang thiết bị nội thất và công nghệ thông tin mà chúng ta đang sử dụng đều được vận chuyển bằng đường thủy, quần áo chúng ta mặc hàng ngày được vận chuyển bằng các container, các loại trái cây chúng ta ăn cũng được chuyển giao bằng các tàu làm lạnh từ nước này sang nước khác, còn các loại xăng dầu ô tô cũng được vận chuyển bằng các tàu chở dầu bằng đường thủy. Nếu không có ngành thương mại hàng hải, thì ngành công nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá và thành phẩm sẽ không thể tồn tại được.

Thậm chí khi chúng ta quyết định thư giãn bằng một chuyến du ngoạn trên biển, chúng ta không nghĩ rằng hàng ngàn thuyền viên đang phải làm việc cật lực để đảm bảo tất cả mọi thứ sẽ hoạt động trơn tru và đem lại cho chúng ta một kỳ nghỉ thoải mái.

Hơn nữa, trong tình trạng khẩn cấp nhân đạo gần đây trên vùng Biển Địa Trung Hải, các thủy thủ đoàn của các tàu buôn đã can thiệp và giải cứu hàng ngàn người đang phải lênh đênh giữa biển khơi nguy hiểm mong đến được châu Âu bằng các con tàu và các bè bơm hơi chật ních người và vô cùng nguy hiểm.

Gần 1.200.000 thủy thủ đến từ mỗi quốc gia (phần lớn trong số họ đều đến từ các quốc gia đang phát triển) đang làm việc trên 50.000 thương thuyền đang vận chuyển gần 90% tất cả các loại hàng hóa. Họ là những người luôn phải đối diện với những nguy hiểm rình rập từ biển khơi, thậm chí có khi “đe dọa đến tính mạng”.

Đời sống thể lý của các thủy thủ luôn bị đe dọa nghiêm trọng bởi những mối nguy hiểm luôn rình rập từ thiên tai, từ các băng cướp biển có vũ trang; họ luôn phải di chuyển từ vùng này sang vùng khác và luôn phải thích ứng với tình hình mới. Đó tiếp tục là những mối đe dọa lớn đối với an ninh của các thủy thủ. Thêm vào đó, sức khỏe của họ bị đe dọa nghiêm trọng sau nhiều ngày liên tiếp, có khi là vài tuần phải lênh đênh trên biển mà không được phép rời tàu để vào bờ nghỉ ngơi lấy lại sức.

Cuộc sống gia đình của các thủy thủ cũng có thể bị đe dọa vì hợp đồng lao động buộc họ phải sống xa gia đình và những người thân yêu trong nhiều tháng và đôi khi là nhiều năm liền. Những đứa con thơ phải lớn lên trong những mái ấm thiếu đi hình bóng của người cha, và đương nhiên mọi trách nhiệm trong gia đình lúc này lại đổ lên vai người mẹ.

Phẩm giá con người và phẩm giá lao động của các thủy thủ cũng bị đe dọa khi họ bị bóc lột sức lao động và phải làm việc quá tải trong nhiều giờ liền, tiền lương của họ đôi khi bị trì hoãn trong nhiều tháng trời và có những trường hợp đã bị các nhà tuyển dụng không trả lương.

Trách nhiệm hình sự liên quan đến các thủy thủ là một mối quan ngại đặc biệt trong những năm gần đây, bởi vì một số hoạt động đi biển hợp pháp đã bị cho là bất hợp pháp liên quan đến các sự cố như là: đắm tàu, ô nhiễm biển.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi các tu sĩ và các tình nguyện viên thuộc tổ chức “Tông đồ Biển” hãy trở nên “tiếng nói của những người thủy thủy phải sống xa gia đình và người thân cũng như phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm và khó khăn”. Là những thiện nguyện viên của tổ chức này, chúng ta phải đứng về phía họ để nhắc lại rằng các quyền con người và lao động của họ phải được tôn trọng và bảo vệ.

Chúng tôi cũng kêu gọi các chính phủ và các cơ quan hàng hải có thẩm quyền hãy tăng cường việc thực hiện Công ước Lao động hàng hải năm 2006 (MLC), đặc biệt điều khoản 4.4: Cần phải đảm bảo rằng các thủy thủ làm việc trên một con tàu phải được tiếp cận với các trang thiết bị và dịch vụ trên bờ nhằm đảm bảo sức khỏe để tiếp tục làm việc.

Cuối cùng, nhân dịp “Ngày chủ nhật Biển” hàng năm, chúng tôi muốn nhắc nhở tất cả các cộng đồng Kitô hữu và mỗi cá nhân về tầm quan trọng và thiết yếu của nghề thuỷ thủ cũng như ngành công nghiệp vận chuyển hàng hải đối với cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chúng tôi muốn kêu gọi các Giám mục, đặc biệt tại các Giáo phận nằm ven biển, hãy thiết lập mối liên hệ và hỗ trợ công việc mục vụ của tổ chức ‘Tông đồ biển’ như là “một dấu chỉ hữu hình của việc quan tâm đặc biệt tới những người không thể nhận được sự chăm sóc mục vụ bình thường”.

Trong khi bày tỏ lòng biết ơn của chúng tôi đối với các thủy thủ vì những công việc hết sức khó khăn của họ, chúng tôi xin phó thác các thủy thủ cũng như mọi người thân của họ trong vòng tay hộ phù của Nữ Vương Sao Biển.”

Minh Tuệ (theo Radio Vatican)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết